Thứ Tư, 22 tháng 1, 2025

NGUYỄN ĐÌNH QUẢNG, NHÀ GIÁO VIẾT VĂN CHO TUỔI THƠ





(LNK). Khi bắt tay nghiên cứu về thể văn đồng thoại, tôi đã liên hệ, tìm gặp khá nhiều tác giả trong Nam ngoài Bắc. Trong số đó, có nhà giáo - nhà văn Nguyễn Đình Quảng, tại Hà Đông...

Lần đầu viết thư làm quen, tôi gọi ông là nhà văn. Ông không nhận với lí do: “bác không phải là hội viên Hội nhà văn”. Sau này, có dịp ngồi với ông, tôi biết ông cũng đã có lần xin gia nhập Hội nhưng nhiêu khê, không thành. Tôi cảm thấy tiếc cho một người viết đã có quá trình và thành tựu như ông (*).


Nguyễn Đình Quảng, một nhà giáo viết văn ở Hà Tây (cũ). Năm 1962, ông tốt nghiệp trường trung học sư phạm Hoà Bình và được phân công về dạy học ở một huyện miền núi của tỉnh. Giữa không khí lãng mạn của thời đại, giữa thế giới học trò trong trẻo, thầy giáo trẻ Nguyễn Đình Quảng bỗng cảm thấy mình ham thích viết văn. Ông có tác phẩm được đăng báo khá sớm nhưng phải đến cuối những năm Tám mươi của thế kỷ trước, ông mới thật sự xuất hiện đều đặn trên mặt báo hay qua những tập sách được xuất bản. Còn nhớ, năm 1987, tôi đã gặp ông trên báo Văn nghệ. Tờ báo đã dành hẳn một trang giới thiệu những sáng tác dự thi viết cho nhi đồng của ông. Ông cũng xuất hiện khá đều trên báo Phụ nữ Việt Nam, trong chuyên mục Mẹ kể con nghe. Về sách, ông đã có hơn 10 tập gồm thơ, truyện, chủ yếu được in ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 1998, ông được in tới 5 tập sách với số lượng khá lớn. Ông cho biết, ông chịu ơn nhà xuất bản Kim Đồng. Lương nhà giáo không đủ tiền in sách, nếu không có “bà đỡ” Kim Đồng, tác phẩm của ông sao đến được với bạn đọc gần xa...

Ông viết đủ thể loại và cho nhiều đối tượng. Nói chung, cái gì cảm thấy ưa thích thì viết, viết thấy được thì gởi đăng báo. Thơ châm của ông có mặt trên nhiều tờ báo trong Nam ngoài Bắc. Truyện, thơ cho thiếu nhi thì ông gởi cho báo địa phương, một số báo trung ương ở Hà Nội mà ông thấy phù hợp. Ông không giấu diếm: một trong những lí do viết văn của ông là để kiếm tiền nuôi con ăn học. Chuyện viết văn kiếm tiền không phải là chuyện mới mẻ. Trước cách mạng tháng Tám, nhà văn Tô Hoài “viết như chạy thi” một phần cũng nhờ đồng nhuận bút cao gấp nhiều lần công xá ở hãng giày Bata. Thời kinh tế thị trường, không ít nhà văn đổ xô viết báo, làm giàu. Là một nhà giáo, không phải ông không có chút “ngại ngùng” do nghề nghiệp đưa lại. Hiểu thế là để quý sự chân thành của ông. Thư đầu gửi cho tôi, ông có kèm theo bản phôto truyện ngắn Nhà kiếm tiền với lời ghi chú: “Trừ chi tiết mượn xe đạp, còn lại là chuyện thật 100% của bác”. Truyện này đăng lần đầu tiên trên báo Giáo dục thời đại số ra ngày 15-5-2005, sau được tuyển vào sách Truyện đọc bổ trợ môn Đạo đức dành cho học sinh THCS của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Qua lời nhân vật ông bố Môn, Nguyễn Đình Quảng nói rõ quan niệm viết của ông như sau: “Tôi viết kiếm tiền (...). Kiếm tiền nuôi con ăn học. Đồng tiền kiếm được phải sạch sẽ, các cháu bác mới nên người...”. Nhiều người cho biết, gia cảnh ông không mấy thuận lợi nhưng ông không a dua lối viết xu nịnh, lừa dối để được “2 nhuận bút gồm nhuận bút tòa soạn trả và nhuận bút nơi viết biếu”.

Tuy viết đa dạng như vậy, nhưng tâm huyết của ông nằm ở những sáng tác cho thiếu nhi. Ông giải thích điều này không ngoài lí do... nhà giáo: “Tôi thích viết cho các em vì tôi là nhà giáo, mà đã là nhà giáo thì không có thầy cô giáo nào không yêu trẻ”. Trong văn học Việt Nam, có không ít những nhà giáo viết văn cho các em. Tầm quan trọng của nội dung giáo dục là một cơ sở để văn học thiếu nhi tìm thấy sự hợp tác tích cực từ phía các nhà sư phạm. Khi quan điểm giáo dục và nghệ thuật đạt được sự hài hòa thì tác phẩm văn học có cơ hội thăng hoa trong thế giới cảm xúc của tuổi thơ. Nguyễn Đình Quảng biết rõ cái khó của nghệ thuật viết cho trẻ nên ông không ngừng học hỏi kinh nghiệm sáng tác của những tài năng lớn như Anđecxen, L. Tônxtôi, Tô Hoài... Trao đổi với nhà báo Vũ Anh Thư ở Đài tiếng nói Việt Nam, ông cho biết: “Có những câu chuyện tôi nghĩ cả tháng mới xong, có những tứ dằn vặt tôi suốt cả một cái tết”. Ông đã sáng tác cho các em trong sự nghiêm túc như thế!

Thể loại mà ông chuyên tâm hơn cả là truyện đồng thoại. Đây là một thể loại như ta vẫn hiểu một cách giản dị là truyện “loài vật nhân cách hoá”, được biết đến qua nhiều tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới như Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Cuộc phiêu lưu của chú Hành (Gianni Rôđari), Bambi trong rừng (Felix Salten), Chú lính chì dũng cảm (Anđecxen)... Ở Việt Nam, sau thành công của Tô Hoài, nhiều nhà văn cũng đã tìm thấy hứng thú khi đi vào khai thác thể truyện này. Dù rằng, nó không dễ viết, không cứ nhân cách hoá loài vật là được. Người viết vừa phải am hiểu loài vật, vừa phải tìm thấy những liên hệ xã hội để từ đó xây dựng nên những hình tượng giàu tính biểu trưng. Nếu không, loài vật chỉ hiện ra như những vai diễn vô hồn cho một nội dung giáo huấn nào đó. Không phải mọi tác phẩm đều đã như ý nhưng có thể nói, Nguyễn Đình Quảng với hơn 120 tác phẩm đã cho thấy là một cây bút chuyên tâm với thể truyện đồng thoại (**). Ông không viết dài. Truyện của ông ngắn gọn, hệ quả của lối viết kiệm từ, chắt lọc câu chữ. Đọc ông, ta có cảm giác như đi vào một khu vườn bách thú quen thuộc với những thỏ, sói, gà trống, dê, ngỗng... Mỗi con vật đều mang một nét tính cách, hoặc hiền lành nhân hậu, hoặc gian tham độc ác. Khi gán cho nhân vật của mình những nét tính cách như thế, ông dựa vào tâm lí văn hóa truyền thống của dân tộc trong việc xác lập các ý nghĩa biểu trưng cho loài vật. Có thể vì điều này mà chúng ta cảm thấy văn ông thiếu đi sự đột phá, mới mẻ. Ấy là cảm giác của người đã qua thời thơ ấu, còn với cái tuổi lên 4, lên 5 thì thế giới đồng thoại của ông vẫn là mới mẻ, diệu kỳ, đủ để những đôi mắt xanh non mở ra, tròn xoe, ngạc nhiên...

Là nhà giáo viết văn nên ông rất coi trọng nội dung giáo dục của tác phẩm. Đọc ông, dễ nhận ra điều này: cuối mỗi truyện ông đều nêu lên một nhận xét, một triết lí có khả năng gợi một bài học ứng xử cụ thể. Chẳng hạn như Chuyện cò và trai: sau khi kể chuyện trai kẹp mỏ cò, không chịu buông tha nên cả hai đã bị người bắt mất, tác giả kết luận: “Trong cuộc chiến có khi cả hai bên đều tổn thất, lợi lộc kẻ đứng ngoài hưởng”; hay truyện Chuyện những con vật bằng nhựa: “Quen nhận xét kẻ khác bằng hình thức bên ngoài, lũ voi, ngựa, sư tử làm sao hiểu nổi điều đơn giản: Tài năng thường không lộ ra ngoài bằng vẻ đẹp hình thức và thói kênh kiệu”... Với lối kết truyện như thế, truyện đồng thoại của Nguyễn Đình Quảng có sự gần gũi với truyện ngụ ngôn. Mặt khác, Nguyễn Đình Quảng không sử dụng hình thức “trẻ em nói với trẻ em” như ta thường thấy ở khá nhiều truyện đồng thoại, mà Dế Mèn phiêu lưu ký là một ví dụ. Ông kể cho các em trong tư cách một người từng trải, vừa thuật chuyện vừa định hướng nhận thức. Tiếp xúc với truyện của ông, các em vừa có được những hiểu biết về thế giới loài vật, vừa tích lũy được những kinh nghiệm sống cho quá trình “nên người” (chữ của Tô Hoài) của mình. Truyện Nguyễn Đình Quảng không nên đọc một lần. Nó cũng như những khúc hát ru, khi còn bé ta chỉ thụ hưởng được phần âm điệu ngọt ngào, lớn lên rồi mới ngộ ra những nội dung xã hội được ký thác qua bài ca. Những bài học xử thế, những triết lí nhân sinh trong truyện Nguyễn Đình Quảng vẫn còn có ích cho các em khi chúng đã ở vào những lứa tuổi lớn hơn.

Ông rất hiền. Hình như những người viết cho thiếu nhi đều như thế (chí ít là những người mà tôi từng được gặp như Phạm Hổ, Thy Ngọc...). Trần Đăng Khoa nói đúng, những người hiền như thế là do Thượng đế “thửa ra để làm đồ chơi cho trẻ con” (Người ở xứ thần tiên). Nhà giáo Nguyễn Đình Quảng đã nghỉ hưu từ nhiều năm nay. Hàng ngày, ngoài những lúc “hạc nội, mây ngàn” cùng bè bạn, ông lại “trang giấy trước đèn”, mong mỏi đem niềm vui đến cho các em và cũng là cho chính mình. Ông đã từng được giải thưởng, có nhiều tác phẩm được chọn in trong hệ thống sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục. Tuy vậy, giữa làng văn thiếu nhi, ông vẫn là một cây bút lặng thầm, khiêm tốn đến ẩn mình. Lặng lẽ sống và viết, ông đang tiếp tục gửi tình yêu của mình vào những trang viết cho các em...

1/1/1/2008

LÊ NHẬT KÝ

(*) Năm 2018, Nguyễn Đình Quảng được kết nạp vào Hội nhà văn VN, lúc đã 77 tuổi.
(**) Toàn bộ truyện đồng thoại Nguyễn Đình Quảng được in trong tập Nhảy lên, nhảy xuống (Nxb Phụ nữ, 2004).



1 nhận xét: