(LNK). Tác phẩm này, nhà văn Nguyễn Quang Thân dành cho thiếu nhi, xuất bản năm 1983. Năm 1985, Chú bé có tài mở khoá đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam…
Trong văn viết cho thiếu nhi xưa nay có hai thể loại mạnh, trội hẳn lên: truyện cổ và truyện phiêu lưu. Ở nhiều nước, truyện của Pe-rôn, Gơ-rim, An-đéc-xen không ghi nổi số lần in vì in nhiều lần, in dưới nhiều hình thức. Còn những tác phẩm được liệt vào hàng cổ điển, được dịch ra nhiều thứ tiếng như Rô-bin-xơn, Guy-li-vơ du kí, Đảo giấu vàng, không gia đình, Dế mèn phiêu lưu ký… đều là những truyện phiêu lưu. Đặc điểm chung của truyện phiêu lưu là các nhân vật luôn thay đổi môi trường sống, thường xuyên phải đối phó với những cảnh ngộ bất ngờ, những tình huống hiểm nghèo, đòi hỏi phải bình tĩnh, thông minh, dũng cảm… Đặc điểm đó rất phù hợp với tâm lý lứa tuổi thiếu niên, một lứa tuổi thích cái mới, cái lạ, ham hiểu biết, ham hành động, giàu ước mơ, giàu tưởng tượng. Yếu tố phiêu lưu thường gắn với sự kỳ diệu, kỳ lạ nên phiêu lưu thường kết hợp với huyền thoại, với viễn tưởng, với đồng thoại, với phản gián…
Chú bé có tài mở khóa là kết hợp với phiêu lưu với phản gián. Chuyện bắt đầu từ việc chút bé Nam ở quê ra tỉnh chơi. Bố đi vắng, Nam trở nên bơ vơ. Nhờ làm quen với Hùng lé, một chú bé có biệt tài mở khóa, Nam mới vào được phòng bố ở. Thế rồi, phòng bố Nam trở thành cứ điểm của bọn lưu manh, khu tập thể bị trộm lớn, Nam bị bọn lưu manh bắt cóc… Hùng lé giúp Nam trốn khỏi hang ổ bọn cướp nhưng Hùng lại sa vào tay một bọn gián điệp kiêm buôn lậu và tiếp tục những cuộc phiêu lưu. Khi ở Hà Nội, khi ở Hải Phòng, khi ở Quảng Ninh, bọn chúng “thử thách rèn luyện” Hùng. Cho đến khi gặp các chú công an, Hùng mới hiểu thêm mình, biết mình là con một liệt sĩ công an và tên gián tiếp “cóc vàng” chính là kẻ trước đây đã giết bố Hùng…
Một cốt truyện phiêu lưu có nhiều tầng, nhiều tuyến, nhiều tình tiết lạ. Tác giả đã khéo léo kết hợp những hình ảnh do sức tưởng tượng phóng khoáng, bây bổng với những chi tiết dung dị, tự nhiên do sự quan sát hàng ngày, tạo nên những cảnh huống bất ngờ, ngẫu nhiên mà hợp lý. Nhịp truyện có những nét uốn lượn khi căng khi chùng. Tiêu biểu nhất là đoạn hai chú bé trốn khỏi tàu TX 162. Ngòi bút của tác giả hoạt bát sôi động như bay lượn. Bạn có thể đọc thích thú một hơi, như chơi mộ trò chơi, vừa chơi vừa học. theo từng trang sách, những mánh khóe, mưu mô của bọn lưu manh, gián điệp bị vạch trần. Bạn căm ghét chúng và hiểu thêm, yêu thêm các chiến sĩ an ninh. Nhưng cái chính là bạn hiểu thêm một người bạn của mình: Hùng lé. Hùng có những tính xấu như thích chơi, ngại học, nhưng là một thiếu niên lương thiện. Chẳng may gặp cảnh khó khăn, sa vào tay bọn lưu manh, phải làm việc bất lương nhưng hung luôn luôn day dứt, muốn trở về gia đình, trở về với cuộc sống bình thường yên ổn. Điều tốt đã xảy ra một phần là do các chú công an nhưng cái chính là do bản chất của Hùng. Bạn có thể học được nhiều ở Hùng về tính táo bạo, lòng tự tin và tài tháo vát, nhất là lòng yêu đời và sự thông cảm với nỗi bất hạnh của người khác…Chẳng thế mà suốt cuộc phiêu lưu gian khổ, Hùng vẫn không quên, vẫn giữ được con búp bê nhỏ cho bé Liên, dù chỉ mời gặp Liên thoáng qua một lần.
Vài năm gần đây, Nhà xuất bản Kim đồng đã cố gắng bằng nhiều hình thức để khai thác kho tàng truyện cổ, kho báu kết tinh những phẩm chất thẩm mỹ của nhân dân. Nhưng loại truyện phiêu lưu thì chưa có nhiều. Thành công của Nguyễn Quang Thân là đáng khích lệ. Anh đã mạnh dạn đi vào một mảng hiện thực gây cấn phức tạp và là một đề tài đang bức thiết. Nó góp phần vào cuộc đấu tranh chống lại các thế lực xấu đang câu kết với nhau hòng làm vẩn đục cuộc sống yên lành của chúng ta mà trước hết là làm vẩn đục tâm hồn trẻ thơ. Anh đã không lặp lại những điều dễ dãi mà các loại truyện “Vụ án” rẻ tiền đang lạm dụng. Tuy nhiên, thành công của anh có mức độ. Tác phẩm còn thiếu một cái gì đó, không phải rút ra từ sách vở, từ trí tưởng tượng phóng khoáng mà từ trái tim, từ “máu thịt” của tác giả. Nếu như nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ của Hùng lé day dứt bồn chồn hơn, nếu như mối quan hệ giữa Hùng và bác Quảng sâu đậm và do đó cái chết của bác để lại nhiều đau xót; nếu như cuốn sách có nhiều trang đậm đà chất sống như những trang viết về hai vợ chồng anh Đám… thì bên cạnh chất tự sự kinh hoạt lôi cuốn, cuốn sách sẽ có thêm chất trữ tình sâu lắng. Người đọc có cảm giác tác giả viết bằng sự sắc sảo của trí thông minh hơn là bằng vốn sống trực tiếp và những cảm xúc sâu sắc của mình. Hạn chế này đã làm giảm bớt ý nghĩa xã hội và giá trị lâu bền của tác phẩm, điều mà chính tác giả vẫn hằng mong muốn.
Nhà văn Bùi Hồng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét