Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

VÕ SĨ BỌ NGỰA




- “Ngay từ trước Cách mạng, không kể đến Dế Mèn phiêu lưu ký là thiên đồng thoại xuất sắc, các truyện khác của ông như Võ sĩ Bọ Ngựa, Đám cưới chuột là những tác phẩm hay, gợi được một thứ không khí riêng, một ám ảnh không dứt về nỗi buồn của kiếp người trong xã hội đương thời” (Vân Thanh, Tô Hoài với thiếu nhi,1982).


Một hôm, có bà lão Bọ Ngựa đem một gã Bọ Ngựa nhỏ đến bụi hoa hồng. Ấy là đứa con trai của bà lão mới sinh vào lứa mùa hạ vừa rồi. Bà lão chọn một cành hồng còn sót nhiều lá tươi nhất. Bởi vì bấy giờ đã vào giữa thu. Nắng dìu dịu xuống màu vàng. Bãi cỏ bắt đầu xác xơ và cằn lại. Những lá hồng đã úa đỏ. Khi tìm được một cành vừa ý rồi, bà lão bảo con vào ở đấy.

Và bà dặn con:

- Con hãy ở lại trong cành cây này. Đói thì đã có lá tươi để ăn. Khác thì con uống sương đọng ban đêm. Bây giờ mùa lạnh gần tới, mẹ phải sang bên kia sống kiếm ít lương thực về ăn trong những ngày rét mướt sắp đến. Con ở đây, đợi sang đầu đông thì mẹ về. Con còn bé, chưa biết gì, chớ có lân la đi khỏi chỗ này, chớ có chơi bời giao thiệp với ai, chỉ nên biết có việc ăn no ngủ kĩ mà đợi ngày mẹ về nhé. Nghe mấy lời mẹ dặn, con hãy thuộc làm lòng.

Bọ ngựa nhỏ thưa:

- Con xin vâng lời mẹ.

Bà lão Bọ Ngựa yên lòng, dặn lại con một lần nữa rồi ra đi.bỞ đấy, trong những ngày rét mướt, cỏ cây khô cứng cả lại. Bà lão Bọ Ngựa phải lần mò ra tận bờ sông bê kia để kiếm thức ăn về nuôi con, chờ qua ba tháng mùa đông cóng lạnh.

***

Nhưng con Bọ Ngựa nhỏ không phải là một đứa trẻ ăn lời. Bà lão đi khỏi được một lát thì nó mỉm cười một mình mà nghĩ:

- Ta đã lớn bằng ngần này, mà mẹ ta vẫn còn coi ta như trẻ con. Thực là buồn cười và không hợp thời.

Bọ Ngựa đủng đỉnh ra đứng ngoài đầu cành, nhìn xung quanh.Nó nói rằng nó đã lớn, thì là sai sự thực và nó tưởng thế thôi. Mới sinh ra từ mùa hạ, giờ là mùa thu, lấy gì làm to lớn bằng ai.

Đó là một gã Bọ Ngựa non. Đôi cánh xanh nhờ chưa mọc đủ kín hết lưng. Hai chiếc càng lẻo khẻo, ngoặm vào vỏ cây không thủng được một vết nhỏ. Làn da nhợt nhạt, như da dẻ người học trò mảnh khảnh, yếu ớt từ thuở bé đến giờ chưa biết đâu là nắng gió.

Nhưng anh Bọ Ngựa non không hiểu mình như vậy. Quả là một điều đáng tiếc.

Anh ta nghĩ mọi việc ở đời như thế này:

- Mẹ ta cẩn thận quá. Ngày nào mẹ ta cũng bắt ta nhai nhải những phép dạy dỗ mọi lẽ ăn ở. Không gì lôi thôi và phiền phức bằng. Ngày mai ngày kia, ta sẽ ra ở riêng. Ta sẽ kiếm những ngọn cỏ non, cỏ tươi để ăn. Ta sẽ kết giao với những người rất tốt rất hiền ở mọi nơi. Có khó khan gì đâu!

Cuộc đời chẳng khó khăn gì ư? Chỉ bởi chú Bọ Ngựa bé con, từ thuở lọt lòng vẫn nép dưới bụng mẹ và nhìn ra ngoài trời xanh, mới thấy được dễ dàng như thế đó. Chú nhỏ đã biết được thế nào là dễ, là khó, là “cuộc đời cuộc điếc”. Những kẻ chẳng biết lại hay nói rằng mình biết. Chú Bọ Ngựa này là một trong những kẻ ngu ngốc kia.

Chú đứng đầu cành hồng nhìn xuống xung quanh.Hôm ấy, nắng nhạt vườn cỏ. Và bấy giờ là buổi chiều cây cối ủ rũ. Chú lẩm bẩm: “Phải ở đây mấy tháng để đợi mẹ về, kể cũng buồn. Có lẽ sáng mai ta phải đi dạo quanh xem chốn này còn có gì vui thú hơn nữa chăng?”.

Rồi Bọ Ngựa bò vào.Chú khuỵu bốn chân, gấp đôi càng rồi rụt đầu xuống, chú làm một giấc ngủ, như mọi khi.

***

Sáng hôm sau, Bọ Ngựa đi chơi thực. Nó hư quá, quên cả lời mẹ dặn dò rồi. Không, chú nhỏ chẳng đến nỗi tệ như thế. Bởi vì, trước khi đi chơi, Bọ Ngựa ta khéo léo nghĩ bụng chống chế:

- Mẹ ta bảo đừng đi khỏi cành này. Nhưng ở mãi một chỗ thì đến buồn mà chết mất. Ta chỉ bách bộ loanh quanh đây, chốc nữa lại trở về. Cũng không sao. Mà cũng là vâng lời mẹ kia mà!

Nghĩ thế rồi, chú Bọ Ngựa leo tót xuống gốc cây. Và rún càng nhảy ra khỏi bụi cây hoa hồng.

Chú đi chững chạc từng bước trên bãi cỏ. Mỗi khi nhấc chân lên, chú lại giơ hai càng ra đằng trước. Làm điệu múa mênh, gạt đỡ cái gì cản trở vướng víu. Ra lối ta đây là con nhà vũ nghệ. Cái mặt thì nghênh lên vênh vác, đưa sang bên nọ, đưa sang bên kia, để xem ai ở xung quanh nhìn thấy mình đương đi bằng một dáng oai hung nhất thiên hạ không. Chẳng ai thấy. Song giá có ai trông thì chắc cũng làm lơ ngay, mà cho là một thằng Bọ Ngựa ranh con. Có đời nào chú ta lại chịu biết mình chỉ là nhãi nhép. Ai mà nói vậy để Bọ Ngựa nghe tiếng ắt phải lôi thôi to.Muốn thế nào thì thế, Bọ Ngựa cũng thách thức đến đánh nhau mới nghe. Nó hang thực.

Đương trịnh trọng đi, bỗng Bọ Ngựa đứng dừng lại. Có cái gì động đậy trong bụi cỏ trước mặt.Bọ Ngựa rướn chân, lệch đầu dòm vào. Đích là có cái gì thực. Những ngọn cỏ lung lay, lung lay. Trong bụng đương ngứa ngáy những miếng võ này, miếng võ nọ, thấy động đậy bí mật như vậy thì Bọ Ngựa ta nghĩ thầm: “Có đứa nào định rình đánh trộm ta chắc?”

Và Bọ Ngựa chột dạ. Thực tình chàng ta cũng run run. Những bước đi hơi líu ríu, chân nọ choạng ngoẹo vào chân kia. Nhưng chú Bọ Ngựa cũng có đủ đảm lược để đứng lại. Cái chi cũng cóc cần. Bởi vì chân chú cao lêu nghêu, phóng một mạch có thể đi khỏi mấy dặm. Cánh chú chưa thể bay xa, song cũng bay được gần. Biết ai có thể đuổi nổi. Vả lại, gươm của chú vừa sắc vừa bén. Kẻ thù nào dám chơi vào chú? Có họa là nó muốn rơi đầu xuống đất.

Bởi vậy, Bọ Ngựa đứng lại. Bọ Ngựa cố ngó xem vật gì cử động lúi híu trong bụi cỏ. Có hai cái râu đen thò ra. À, một bác Dế Mèn. Có lẽ cũng không phải. Bởi vì cái đầu Dế Mèn thì bóng loáng; sao cái đầu này lại mốc đen sì sì. Không phải Dế Mèn. Gã đầu mốc đương từ từ bò lên ngọn cỏ. Bọ Ngựa định thần nhìn kĩ.

- Ồ, thằng Châu Chấu Ma!

Đây là Châu Chấu Ma thực. Châu Chấu Ma đương gặm cỏ. Đầu chàng Châu Chấu Ma nhọn như cái mũi thổ công. Mình dài. Cũng có bốn chân, hai càng. Suốt mình phủ đều một sắc xám nhạt. Nếu chàng ta đi xuống mặt đất thì có thể lẫn với đất; không ai ngó thấy. Coi Châu Chấu Ma có vẻ hiền lành, chẳng thế mà lại tên là Châu Chấu Ma. Chàng ta lừ lừ gặm lá, răng mai nhỏ nhẻ, từ tốn.

Nhưng chú Bọ Ngựa lại không thấy chàng Châu Chấu Ma là bạn hiền lành. Thằng này tất ác lắm. Trông hai cái mắt gườm gườm của nó thì đủ biết. Lại hai tảng răng đen nhánh của nó nữa. Hai tảng răng gớm ghê; như chỉ rình cắn trộm. Nó tất vừa hâm, vừa độc, lại vừa khoảnh nữa. Nếu ta tiến lên bây giờ, thế nào nó cũng gây sự đánh nhau. Đánh nhau thì đánh nhau. Bọ Ngựa chẳng cần. Nhưng Bọ Ngựa lại nghĩ rằng đánh nhau với một quân hung ác, phải cẩn thận giữ gìn, không nên khinh địch chút nào. Đã vậy, phải nghĩ cho thực chín. Kìa Châu Chấu Ma vừa ngẩng đầu lên. Mặt mũi, râu ria nó lủng liểng ra lối khiêu khích, dọa dẫm gì mình đây. Hừ, nó muốn đánh nhau thực đấy.

Bọ Ngựa co cẳng, chạy biến ngay về leo lên cành hồng. Ồ, chú Bọ Ngựa sợ? Không, chú không sợ. Chú về leo lên cành hồng vừa chạy vừa lẩm bẩm:

- Ông để mày đấy. Ông về ông nghĩ một kế thực hay, rồi mai ông mới leo lên cành hồng vừa chạy vừa lẩm bẩm:

- Ông để mày đấy. Ông về ông nghĩ một kế thực hay, rồi mai ông mới ra cho mày một trận chí tử.

À, chú chạy về để nghĩ mưu ngày mai mới ra đánh. Chú cẩn thận và giữ gìn lắm nhỉ!

Cả đêm ấy, chú múa gươm huyên thuyên. Để tập.

Sáng hôm sau, Bọ Ngựa lại đến chỗ cũ. Châu Chấu Ma vẫn còn đứng đấy. Mạnh dạn, Bọ Ngựa lên tiếng trước:

- Có phải mày định đọ gươm với ai chăng? Gươm mày đâu?

Châu Chấu Ma hỏi lại Bọ Ngựa:

- Bác định làm gì tôi?

Bọ Ngựa hầm hầm:

- Làm gì hử? Làm gì hử?

Rồi Bọ Ngựa bổ liền cho Châu Chấu Ma mấy gươm. Châu Chấu Ma kêu làng nước rầm rĩ lên. Bọ Ngựa khoái chí, không ngờ mình vừa mới tấn công mà đã thắng lợi nhiều như thế. Anh càng huơ gươm lên tợn. Anh đánh bằng gươm, lại cắn cả bằng răng, đá cả bằng chân. Anh nhảy lên mà đánh. Châu Chấu Ma chúi đầu chịu đòn, không đánh trả lại và cũng không đỡ được cái nào. Rồi kêu:

- Ới làng nước ơi!

- Huỵch! Huỵch! Hoắc! Hoắc! Ắc! Ắc!

- Ối tôi lạy bác!

- Sao mày lại định đánh tao?

- Tôi có định đánh bác đâu.

- Mày chừa rồi chứ?

- Vâng, tôi chừa rồi. Hừ… hừ…

Bọ Ngựa buông Châu Chấu Ma ra. Chú ra lệnh:

- Lạy ta đi!

Châu Chấu Ma thì thụp chắp cả sáu chân rúm lại cúi xuống lạy. Chú Bọ Ngựa hống hách:

- Mày có biết ta là ai không?

Châu Chấu Ma run rẩy:

- Bẩm, tôi biết bác là bác Bọ Ngựa.

Bọ Ngựa khoái chí, tủm tỉm:

- Ừ được.Đã biết quy phục thì ta tha cho tội chết, nghe chưa?

- Dạ.

- Từ giờ tao bảo gì thì phải nghe.

- Dạ…

- Ngươi được là đồ đệ của ta từ hôm nay.

- Vâng.

Chú Bọ Ngựa sung sướng vểnh hai cái ria lên. Mà chú vểnh râu là phải lắm. Chú đã thu phục được một lão Châu Chấu Ma già cấc, khi chú mới có một dúm tuổi. Sau này lớn lên nữa, chú rất có thể, hàng phục được hết thảy mọi loài trên mặt đất này.

Chú Bọ Ngựa kiêu hãnh từ từ đi về cành hồng. Mắt ngước trông lên trời cao. Lòng lâng lâng nhẹ. Từ thuở mẹ sinh ra, chưa bao giờ Bọ Ngựa được khoái chí như thế.

***

Một hôm chú Bọ Ngựa khệnh khạng đến bãi cỏ nhà Châu Chấu Ma. Châu Chấu Ma sợ hãi, cúi mọp xuống chào, rồi đứng yên, chập đôi râu lại. Cái điệu của một kẻ phục tòng.

Chú Bọ Ngựa dùng một giọng oai nhất mà bảo Châu Chấu Ma rằng:

- Ta nói gì thì ngươi phải nghe!

Châu Chấu Ma run rẩy:

- Bẩm vâng. Xưa nay, tôi đã dám trái lời bác bao giờ đâu.

Chú Bọ Ngựa gật gù:

- Ừ được. Vậy ta báo cho nhà ngươi như thế này, hãy dỏng tai lên. Từ giờ trở đi, ta không muốn ai được gọi ta là Bọ Ngựa nữa. Bắt đầu từ nhà người trước nhất. Rồi Bọ Ngựa giảng giải:

- Ta là một anh hùng ở trên đời. Chữ Bọ là để chỉ những loài hèn kém.Chứ đối với ta không xứng. Vậy ta đổi chữ Bọ ra chữ Đại. Còn chữ Ngựa, nghe nó nôm na, không được thanh nhã mấy. Vậy ta đổi chữ Ngựa ra chữ Mã! Tên ta từ nay là Đại Mã. Đại Mã! Ông Đại Mã! Ngươi nghe rõ chưa?

- Bẩm, rõ.

- Ngươi gọi thử ta nghe xem?

- Thưa bác Bọ…

- Ải! Ải! Sao lại Bọ…

- Thưa bác… Ngựa…

- Ải! Ải! Sao lại Ngựa…

- Hừm, ngươi đáng tội trảm thủ.

- … Tội trảm thủ, ối giời ôi!

Châu Chấu Ma bẩm tính đần độn đã nổi tiếng về cái thói nhút nhát, còn tính hoảng hốt lung tung cũng khó ai địch nổi, nên bây giờ đành đứng ngẩn ra, run rẩy từ đôi râu đến càng, đến chân. Thấy vậy, Bọ Ngựa phải dằn lòng nói lại:

- Nghe đây. Nói theo ta: Ta là ông Đại Mã!

- Ta là…

- Ông Đại Mã!

- Ông Đại Mã.

- Muốn chết không?

- Không ạ, ông Đại Mã!

- Thôi được rồi. Ngươi dốt lắm, phải nhẩm nhẩm luôn cho quen.

Rồi Bọ Ngựa khệnh khạng trở về cành hồng. Để mặc anh Châu Chấu Ma đụn ra, có đôi mắt hạt trấu lừ đừ, đứng lại một mình mà trầm ngâm, nghĩ ngợi về hai chữ Đại Mã dữ dội ấy.

***

Một hôm nữa, chú Bọ Ngựa lại khụng khiệng, oai vệ tới nhà Châu Chấu Ma. Chưa đến bụi cỏ, đã thét choang choang:

- Bớ Châu Chấu Ma! Có nhà không?

- Dạ có. 

- Tên ta là gì?

- Bẩm Bọ… À, Đại…

- Đại?

- Đại Mã! Ông…

Bọ Ngựa gật gù:

- Lần sau phải đánh nhanh hơn thế nữa, nghe chưa? Bữa nay ta đến đây có một việc để sai ngươi. Ngươi biết nhà mụ Bọ Muỗm đấy chứ?

- Bẩm biết.

- Được rồi. Số là bây giờ thế lực của ta mạnh lắm. Ta muốn cho những ai ở quanh trong miền này đều biết tiếng lớn của ta và đều phải gọi ta là ông Đại Mã. Ngươi hãy đi đến nhà mụ Bọ Muỗm mà bảo mụ ấy biết, từ giờ gặp ta thì phải cúi đầu xuống chào và kêu ta là Đại Mã, chào ông Đại Mã.

- Bẩm, vâng.

- Hãy đi ngay cho được việc. Còn ta, ta cũng vào nhà tên Gián để bảo cho tên ấy rõ lệnh mới này.

Thế là Bọ Ngựa và Châu Chấu Ma mỗi người đi một việc. Bọ Ngựa vào nhà Gián.Cũng chẳng xa mấy, chỉ qua một vườn cỏ thì tới nhà Gián, ở trong khe một cái cửa sổ.

Anh Gián còn được thiên hạ đặt cho biệt hiệu là Gián Ống. Biệt hiệu ấy để tỏ với đời cái tính nhút nhát gớm ghê của anh chàng Gián. Có thể nói suốt gầm trời không tìm thấy ai nhát hơn Gián nữa. Châu Chấu Ma còn vào bậc cụ, đối với các chú Gián Ống.

Sắc người màu đỏ thắm, bóng loáng, nom trang nhã và hào nhoáng lắm. Nhưng thực ra bên trong sự đẹp đẽ, sự sạch sẽ ấy chứa đựng những cái bẩn thỉu, hôi hám. Cậu Gián chỉ được bộ công tử vỏ. Trông màu mỡ và gọn gàng tệ. Song cậu cả hôi như cú, tanh như cá. Ở thân thể con gián tiết ra những chất hôi hám của một kẻ ở bẩn, cả đời không tắm, một đứa sợ nước. Chỉ nên đứng ở xa mà ngắm chàng Gián để khen là anh chàng đẹp mã, chứ đừng ai nên đến gần để phải kinh anh chàng hôi ơi là hôi.

Mà đến gần được Gián cũng là một khó khăn. Nó là Gián Ống. Nó nhát nhất trần gian. Suốt ngày chỉ vẩn vơ to hó trước cửa, ngẩn ngơ nhìn xung quanh, hơi có tiếng động mạnh ở đâu là cuống cuồng tụt thoắt vào trong ống tổ. Bởi vậy, mới thành biệt hiệu là Gián Ống và mới thành câu tục ngữ: Nhát như Gián Ống.

Bọ Ngựa đã đến bên cửa sổ, trước nhà Gián Ống. Và Bọ Ngựa đã trông thấy hai cái râu cử động của chàng Gián. Chú Bọ Ngựa hếch mắt lên, thét lớn:

- Bớ Gián! Bớ thằng Gián!

Hai cái râu lẳng lặng lùi vào trong tổ. Và ở trong cùng văng vẳng đưa ra những tiếng lí nhí:

- Ai hỏi gì đấy? Ai hỏi gì tôi đấy?

- Ta đây! Bọ Ngựa tức Đại Mã, ông Đại Mã đây.

Bấy giờ hai chiếc râu lung lay mới lại lấp ló. Rồi anh Gián thò ra, nhìn xuống. Vốn tính nhát, nhưng được cái bẻo lẻo mồm miệng và rất hay phỉnh nịnh, - thường những anh nhát cáy vừa hay nịnh lại nói khoác, - Gián vội cất tiếng vồn vã:

- A, bác Bọ Ngựa, bác Bọ Ngựa bấy lâu nay…

Bọ Ngựa hất hai cái càng lên:

- Không, không, ta cấm…

- Bác cấm gì ạ?

- Ta cấm ngươi từ nay không được gọi ta là Bọ Ngựa.

- Ồ…

- Không những riêng ngươi, mà hễ ngươi gặp ai cũng phải bảo rằng ta đã có tên mới là ông Đại mã, ai cũng phải gọi ta như vậy.

- Đại Mã?

- Phải, ông Đại Mã. Ngươi nghĩ sao, định phản đối gì đó chăng?

- Không, không, tôi có dám nghĩ sao, có phản đối đâu, bác xét, oan cho tôi. Chao ôi! Cái biệt hiệu của bác đặt hay thực là hay, có lẽ từ đời thượng cổ tới giờ, chưa ai đã có được cái biệt hiệu khéo leoshay ho như thế, nghe đã thấy oai hùng rồi.

Gián nói lông bông vậy, mà Bọ Ngựa cũng khoái chí lắm. Gã hỏi lại:

- Ngươi nói thật đấy chứ?

Gián đập đầu, đập tai:

- Khốn khổ thân tôi, bác chẳng hiểu cho lòng tôi chút nào. Tôi đã lấy những lời tâm huyết để nói với tri kỷ có một không hai vậy. Cái tên thực xứng đáng với tài bác. Bác là một tài trai đáng mặt đội trời đạp đất ở đời. Chắc võ nghệ của bác đã tiến nhiều lắm.

Hứng chí, Bọ Ngựa bảo Gián:

- Ta thử đi vài đường ngươi coi.

Bọ Ngựa múa hai gươm lên và nhảy linh tinh một hồi. Gián vừa xem, vừa reo. Khi Bọ Ngựa múa xong, hắn bảo:

- Đường gươm của bác nhẹn lắm. Thực ghệ thuật tiến hơn xưa nhiều. Song có một điều này, tôi chưa muốn thưa cùng bác.

- Điều chi?

- Tài ba như bác, võ nghệ như bác thiết tưởng là độc nhất vô nhị rồi. Và bác lại lấy biệt hiệu là Đại Mã thì đúng ghê lắm rồi. Nhưng thiết nghĩ, cứ ngụ ý thì suy tôn bác là Đại Mã cũng chưa xứng. Phải suy tôn bác là võ sĩ Đại Mã. Võ sĩ Đại Mã, thế mới thật hào khí mã thượng.

- À! Võ sĩ Đại Mã. Nghe được tai lắm.

- Vâng, mới nghe cũng đã oai. Và bác rất đáng được đời đời tôn là võ sĩ kia mà.

Bọ Ngựa cả cười:

- Ta khá khen tài nghĩ của ngươi thực khác cái bộ óc bằng con muỗi của gã Châu Chấu Ma.

Bọ Ngựa vừa nói đến đấy thì Châu Chấu Ma ở đâu lù lù chạy đến.

Châu Chấu Ma chạy với một điệu chân thảm hại, và vừa tới trước Bọ Ngựa thì lăn ra múa chân lên kêu trời kêu đất. Gián tưởng có sự biến động lôi thôi gì sắp xảy ra, vội chui thoắt vào ống.Còn Bọ Ngựa cũng hơi hoảng, nhưng khi Bọ Ngựa nhận ra chỉ có mỗi mình Châu Chấu Ma thì bình tâm ngay. Bọ Ngựa gọi mãi, Châu Chấu Ma mới ngớt miệng kêu và mếu máo:

- Tôi chết… bác ơi!

- Sao? Đã gặp mụ Bọ Muỗm chưa?

- Nó đánh tôi gãy một càng rồi.

Châu Chấu Ma nghiêng người. Chấu Chấu Ma ngoẹo một càng bên trái thực. Bọ Ngựa hầm hầm:

- Đứa nào dám đánh ngươi?

- Mụ Bọ Muỗm ạ.

- Ải! Ải! Mụ Bọ Muỗm giỏi thay!

- Nó lại cắt cụt cả hai cái râu tôi nữa.

Bọ Ngựa giậm chân, kêu lên:

- Chết thực! Con mẹ nặc nô không còn coi ai ra gì hay sao? Đầu đuôi câu chuyện ra làm sao?

Châu Chấu Ma kể:

- Tôi đến nhà mụ Bọ Muỗm. Mụ hỏi tôi: “Mi tới đây có việc chi?” Tôi đáp: “Ông Đại Mã sai tôi đến đây bảo bà từ giờ bà phải gọi ông ấy là Đại Mã”. Mụ trừng mắt lên, hỏi vặn tôi: “Ai là ông Đại Mã?”. Tôi không dám xưng tên cũ của bác. Tức mình, mụ đánh tôi mấy cái. Bấy giờ tôi mới phải nói. Nghe xong, mụ cười khẩy, rồi chửi rầm lên, mụ cắn cụt râu, lại đánh gãy một càng tôi, tôi van mãi, mụ mới tha tôi ra. Mụ chửi nhắn tôi mấy câu, bảo mang về cho bác, mụ lại thách bác đến đánh nhau. Mụ bảo mụ chỉ gọi bác là thằng Ngựa thôi. Ui úi, tôi đau quá. Hừ… hừ…

Gián cũng vừa thò ra và nói góp:

- Ái chà! Con mụ Bọ Muỗm và lại dám coi thường cả võ sĩ Đại Mã đấy ư? Võ sĩ phải nện cho nó biết tay mới được.

Bọ Ngựa thét lên:

- Phải, phải. Ta phải choảng cho nó một trận để nó hỗn thế không được.

Gián xui:

- Võ sĩ nên đi ngay đi. Bởi tôi e rằng biết đâu con mụ lại chẳng hống hách suông bắt nạt chú Châu Chấu Ma kia đấy, mà bây giờ hối lại, sợ quá, chạy trốn mất rồi.

Bọ Ngựa cho thế là lời nói phải. Gã liền co cẳng chạy như bay đến nhà mụ Bọ Muỗm.

Mụ Bọ Muỗm đương lúi húi trong vệ cỏ. Bọ Ngựa lên tiếng hách:

- Bớ mụ Bọ Muỗm!

Bọ Muỗm thò đầu ra:

- Đứa nào láo thế?

Bọ Ngựa hầm hầm:

- Ta đây, võ sĩ Đại Mã đây.

Bọ Muỗm nhìn chú Bọ Ngựa rồi reo lên:

- Bà tưởng đứa nào, chẳng hóa ra thằng Bọ Ngựa oắt. Bà là bạn bè với mẹ mày kia đấy. Mới hôm nào bà trông thấy mày chỉ bé bằng hạt thóc thôi, mà bây giờ đã nhớn nhao thế rồi.

Bọ Ngựa không nghe chi cả, càng nói lớn:

- Mụ kia, cứ nói nhăng nhít cái gì thế? Câm ngay họng và đứng yên để ta phết cho mấy cái đã, vì mụ đã phạm tội đánh đồ đệ của ta. Không những vậy, lại còn nói xỏ ra, tội mụ to lắm.

Mụ Bọ Muỗm nhảy xổ ngay ra. Mụ quát:

- Thằng ranh con lớn mặt nhỉ!

Lập tức, mụ xông vào đánh Bọ Ngựa tới tấp. Ôi! Gã Bọ Ngựa con con thực chẳng biết mình chút nào. Gã chỉ mới ra đời chưa được một năm, đánh trác làm sao được với một tay Bọ Muỗm khỏe mạnh, có đôi càng rất sắc, có đôi tảng răng lớn. Quần thảo một chớp mắt, Bọ Ngựa đã ngã chỏng vó. Thương hại, Bọ Muỗm cũng ngừng tay đấm đá. Thừa dịp ấy, Bọ Ngựa lồm cồm bò dậy, rồi lủi chạy mất.

Bọ Ngựa chạy về tổ cậu Gián, Gián đón hỏi tin tức, Bọ Ngựa nó khoác:

- Ta đến, mụ ấy chuồn ngay. Gọi thế nào cũng không thò đầu ra nữa. Chắc là mụ biết sợ rồi. Thôi, cũng chẳng làm gì cái thù vặt. Phải ngơ chuyện cỏ rác ấy đi mới là trượng phu.

Gián tự tán tụng mình:

- Tôi đoán có sai đâu. Quả nhiên là mụ Bọ Muỗm chỉ bắt nạt chú Châu Chấu Ma được thôi. Biết sợ võ sĩ Đại Mã là phải lắm chứ, ai chẳng phải sợ võ sĩ Đại mã.

Bọ Ngựa nói dối như thế, hơi xấu hổ. Nhưng nếu cứ nói thực thì còn đâu danh giá nữa! Vả lại, cũng chưa hẳn mình chịu thua mụ Bọ Muỗm, mình mới tránh đi thôi. Rồi một ngày kia, luyện võ đến nơi đến chốn, có phen quyết báo cái thù đau này.

Yên lòng, chú Bọ Ngựa lại trở về cành hồng.

***

Bấy giờ, Dế Mèn, Dế Trũi vừa đi du lịch tứ xứ trở về quê hương, được tất cả các loài vật hoan hô nhiệt liệt. Tiếng tăm của của anh em Dế Mèn cồn lên như sóng. Đâu đâu cũng đồn về những công cuộc lớn lao của Dế Mèn đã làm, khi đi dọc đường. Tiếng đồn ấy, chú Bọ Ngựa ở hẻo lánh tận trên cành hồng trong góc vườn cũng biết. Nghe tiếng tăm danh giá của những ai ai vang đến, anh chàng bé nhỏ đâm ra sốt ruột. Và anh nghĩ: “Mai kia ta cũng sẽ đi du lịch, đi phiêu lưu. Mẹ ta cứ tưởng ta còn bé lắm. Rồi ta phải xin phép Người cho ta ở riêng để có thể đi chơi bời đây đó được chứ. Ở với mẹ mãi, bó buộc quá”.

Thường Bọ Ngựa vẫn đến nhà Châu Chấu Ma hoặc nhà Gián chơi. Chàng hay đến nhà Gián nhiều hơn. Bởi vì vốn tính Châu Chấu Ma đã đần độn, ít nói, lại từ hôm bị Bọ Muỗm đánh què chân thì Châu Chấu Ma gần như hóa ra câm, ra điếc. Ai hỏi cũng chẳng nói, ai gọi cũng chẳng thưa, lúc nào mặt mày cũng ngơ nhác, lơ láo. Chỉ cậu Gián Ống vẫn bẻm mép như thường.

Một lần, Gián hỏi Bọ Ngựa:

- Thưa võ sĩ, võ sĩ có nghe thấy tiếng đồn đại gì chăng?

- Chuyện về ông Dế Mèn chứ gì!

- Đúng đó. Võ sĩ cũng thuộc dòng họ có càng sắc, có cánh khỏe, có bốn chân như ông Dế Mèn, lại thêm tài võ thì ông Dế Mèn chắc cũng không bì kịp, sao võ sĩ không du lịch một phen cho nổi tiếng?

Bọ Ngựa đáp:

- Ta cũng đã nghĩ như thế. Song ta còn đấng sinh ra ta ở trên đầu. Phải đợi cuối mùa đông này, Người ở bên kia sông trở về, xin phép Người rồi ta mới giang hồ bay nhảy. Tuy chưa đi, nhưng dám chắc rằng nếu ta có lên đường, sự nghiệp mai sau của ta phải đáng được ghi vào sách.

Gián gật đầu lia lịa: 

- Phải, phải. Võ sĩ nói chí phải.Tài nghệ của võ sĩ sẽ lừng lẫy lắm, danh giá của võ sĩ sẽ vang động lắm. Nhưng chính vì lo cái danh giá mai sau ấy mà bây giờ võ sĩ phải làm viêc ngay. Nhân ông Dế Mèn vừa du lịch về, võ sĩ nên đi tiếp theo luôn ông ấy kẻo lỡ mất dịp tốt.

Bọ Ngựa nghe những lời biện luận đâu ra đấy của chú Gián thì phục lắm. Thế là sự đi phiêu lưu giang hồ của Bọ Ngựa đã quyết định trong đầu. Chỉ còn băn khoăn một điều là mẹ chưa về, để có thể xin phép được. Bọ Ngựa đem chuyện nói với Gián thì Gián mỉm cười mà rằng:

- Võ sĩ thật là một kẻ chí hiếu. Nhưng võ sĩ rất có thể đi theo con đường mà bà thân sinh ra võ sĩ đã sang bên kia sông. Đến đâu mà gặp Người, xin phép Người thì càng hay chứ sao.

- Phải rồi, phải rồi. Ta nên đi. Ta đi.

Trong lúc u mê vì những câu tâng bốc quá độ, Gián phỉnh Bọ Ngựa cốt cho cái anh chàng hênh hoang ấy cút đi cho khỏi lôi thôi.

Bọ Ngựa sao mà biết! Và Bọ Ngựa nghe nịnh đến nỗi quên cả lời mẹ dặn: cứ ở cành hồng ấy đợi mẹ về. Nó quên thực rồi. Bây giờ nó chỉ hơn hớn nghĩ đến việc ra đi mà thôi.

Bọ Ngựa sang bên nhà Châu Chấu Ma, nói chuyện cho Châu Chấu Ma biết cái hành trình to lớn sắp tới của mình. Châu Chấu Ma cũng thưa rằng:

- Bác là tay hảo hán, nên đi lắm.

Bọ Ngựa bảo Châu Chấu Ma:

- Ông Dế Mèn đi thì có bạn Dế Trũi. Ta muốn ta đi, sẽ có người đi theo.

Châu Chấu Ma run rẩy;

- Tôi gãy càng, tức là tôi mất gươm rồi. Đành suốt đời què quặt, nằm ở xó nhà, không thể đủ sức mà theo hầu bác. Bác cho tôi xin lỗi.

Bọ Ngựa lại sang nhà Gián. Bọ Ngựa cũng nói:

- Ông Dế Mèn đi thì có bạn Dế Trũi. Ta muốn ta đi sẽ có người đi theo.

Gián đáp:

- Thưa võ sĩ, được hầu võ sĩ quả là hân hạnh cho kẻ hèn này. Nhưng thực tôi không phải sinh ra để đi đường trường. Sức tôi yếu. Cánh tôi mỏng. Tôi không có càng để hộ thân. Chỉ bò độ một ngày đường chắc là tôi đã nhọc lử ra mà chết rồi. Tôi là thằng Gián Ống xưa nay chỉ quanh quẩn xó nhà mà. Cái việc đi, võ sĩ cho tôi kiếu ạ.

Bọ Ngựa về nhà. Hôm sau thì tuyên bố cho Châu Chấu Ma và Gián biết:

- Ta sẽ lên đường một mình. Ông Dế Mèn đi phải có bạn thì mới nên danh, nên giá. Ta lên đường một mình mà sau này nổi tiếng ắt hẳn còn rạng rỡ hơn ông Dế Mèn.

- Phải lắm, phải.

- Vạn tuế sự lên đường của bác!

- Võ sĩ Đại Mã lên đường vạn tuế!

Ngày hôm sau, võ sĩ Bọ Ngựa, tức võ sĩ Đại mã đi du lịch thực.

Có biết đâu giữa lúc Gián và Châu Chấu Ma hoan hô cậu Bọ Ngựa thì cũng là lúc chúng cười thầm trong bụng. Tới khi Bọ Ngựa đi rồi hai đứa vỗ tay reo lên. Gián nói:

- Ông cho mày đi, cho mày chết mất xác. Mày ưa nịnh thì mày chết. Mày tưởng là mày đã giỏi thực. Tao chỉ tiếc tao không có cái càng để cho mày một trận đấy thôi.

Châu Chấu Ma than thở nho nhỏ:

- Tại thằng ấy mà mụ Bọ Muỗm đánh gẫy càng tôi đấy. Tôi cầu cho nó đi cũng gặp một đứa hung hãn nện cho gãy đôi càng của nó ra. Từ đây tôi khỏi khổ.

Hai con vật hèn mọn nọ rủ nhau đi ăn mừng. Nói thêm rằng gã Bọ Ngựa non kia chưa bao giờ có thể tưởng rằng hai đồ đệ khi khen mình chỉ là khen hão, và sợ cũng chỉ là sợ vờ mà thôi.

***

Bọ Ngựa nhanh nhanh đi.

Bọ Ngựa đương tự đắc, chẳng còn tưởng chi tới lời mẹ dặn. Quên nốt cả trận đòn của Bọ Muỗm phết cho! Bọ Ngựa nghĩ như gã Gián đã mách:

- Ta cứ đi con đường chênh chếch về phía tây thì sẽ gặp mẹ. Gặp thì mẹ ta tất ngạc nhên lắm.Nhưng ta sẽ trình bày cho mẹ hiểu. Chao ôi! Khi mẹ ta đã biết ta là một đứa con trai anh tài của Người thì mẹ ta sẽ sung sướng biết bao!

Bọ Ngựa phải đi qua nhà mụ Bọ Muỗm.Chợt nhớ, Bọ Ngựa len lén nhìn trước nhìn sau rồi chạy vụt một cái. Để tránh không cho con mụ trông thấy gã đã đi qua. Bọ Ngựa sợ mụ Bọ Muỗm. Nhưng Bọ Ngựa che lấp sự xấu hổ vì sợ hãi ấy một câu là: “Hãy để con mụ ranh ấy đấy! Một ngày kia, trở về qua đây, võ nghệ ta cao cường và bấy giờ danh tiếng lừng lẫy, ta sẽ sửa cho mụ một mẻ cẩn thận”.

Bọ Ngựa hớn hở đi.

Cảnh trí hai bên lề đường thực đẹp. Non sông cẩm tú tươi như mùa xuân, xinh như tranh vẽ. Chim hót véo von đầu cành. Nước chảy róc rách khe suối. Gió reo vi vu trong cánh đồng. Mọi vật hòa tiếng với nhau, tạo nên khúc ca hùng tráng.

Cảnh thì đẹp mắt thực, nhưng mà chàng Bọ Ngựa ta mới chỉ đi được có mỗi một ngày đã chẳng trông, chẳng biết cái gì là đẹp. Tại sao vậy? Chỉ bởi vì gã vốn còn yếu chưa đi đâu xa, cứ cả ngày ròng rã như thế mỏi rời chân. Rồi cổ cũng mỏi. Cả càng, cả chân cũng mỏi. Lưng lại đau. Đau như rời từng khúc lưng ra. Ai có từng đi xa, có từng mệt mỏi đường trường, mới thấu được nỗi khổ và buồn của chàng Bọ Ngựa lúc bấy giờ. Có ai đời đi du lịch lại mỏi chân bao giờ! Nhưng Bọ Ngựa mỏi chân quá, mỏi chân quá. Anh ta chỉ hào hứng trong lúc tưởng tượng mà thôi. Bây giờ có vào sự thực mới biết thế nào là rong ruổi chân trời không phải dễ.

Gã Bọ Ngựa phải nằm nghỉ đúng hai hôm, mới khỏi đau. Cũng chỉ đỡ thôi. Nhưng nếu anh không chịu khó bò đi thì không có gì để ăn. Bởi bấy giờ đã vào mùa đông, cỏ cây các nơi đều khô héo cả. Bọ Ngựa lừ khừ đi. Thực là cái thân lại làm tội cái đời. Có ai bắt Bọ Ngựa phải đi thế đâu. Mà chỉ là nhẹ dạ trót nói hách, bây giờ quay về thì ngượng với Châu Chấu Ma và Gián biết mấy!

Hôm sau Bọ Ngựa đương lủi thủi, khật khưỡng – không vui vẻ như bữa đầu nữa – thì bỗng nghe một tiếng động trước mặt. Gã đứng lại, ngẩng đầu lên, nom thấy một con vật lạ chưa trông thấy bao giờ.

Quái vật to gồ gồ như một viên đá. Sắc mình đen sì và bóng loáng. Cả đôi râu cũng đen. Chỉ trừ hai cái vạch trắng hai bên mắt. Mới thoạt trông không có thể đoán biết được đầu đuôi nó đằng nào. Bởi chỗ nào cũng tròn múp míp, chỗ nào cũng nhẵn thín. Nhất là dưới mắt Bọ Ngựa ta, thì càng lạ lùng hơn nữa. Từ thuở bé, Bọ Ngựa chưa được trông thấy một con vật kì quái đến nhường ấy. Song thực đó chỉ là một cu cậu thường hay đậu trên thân những cây dừa, cây cau và có tiếng kêu cồ cộ… cồ cộ. Tiếng kêu ấy thành tên là Cồ Cộ. Hai mắt đen nhánh lẫn vào trong làn vỏ đen thẫm, nhưng đôi mắt thực tinh. Bọ Ngựa mới sột soạt đi đến, mà Cồ Cộ đã trông thấy ngay. Cồ Cộ hỏi:

- Tên kia, đến đây làm chi?

Bọ Ngựa cố gắng cứng cỏi:

- Ta là Đại Mã! Võ sĩ Đại Mã. Ta đi…

Cồ Cộ ngạc nhiên:

- Tên mi là Đại Mã? Lại là võ sĩ nữa?

Bọ Ngựa vênh mặt:

- Phải đó, ngươi đã nghe đại danh ta rồi ư?

Cồ Cộ cười:

- Thằng oắt tì! Tên mi là Bọ Ngựa chứ? Mà mi sao dám đặt hai chữ võ sĩ lên trước tên? Không sợ bị đánh cho gãy cổ hả?

- Mỗi chốc, ai đánh nổi ta, ta là võ…

Cồ Cộ cả cười:

- Ta sẽ vặn gãy cổ mi. Nhưng này, võ sĩ Đại Mã oắt con ơi! Trước khi đánh nhau với võ sĩ, ta hỏi võ sĩ một điều: Võ sĩ định đi đâu đó?

- Ta đi du lịch phiêu lưu, con đường của Dế Mèn.

- Ái chà! Hăng nhỉ. Bắt chước ông Dế Mèn! Đi được bao nhiêu lâu rồi?

- Đã qua biết bao nhiêu rừng núi, không thể nhớ xiết được.

Thấy Cồ Cộ cứ hỏi căn hỏi vặn, Bọ Ngựa đồ ngay Cồ Cộ cũng hạng xoàng, liền nổi máu hăng, thách:

- Làm sao ngươi lại được hỏi căn vặn ta? Định đấu gươm với ta chăng?

Cồ Cộ cười ha hả:

- Ta đã bảo rồi ta sẽ đánh mi mà, đừng vội. Nhưng bây giờ thì ta lại thương mi mà không muốn đánh mi nữa.

- Nếu thế, đồ hèn!

- … Nhưng ta sẽ làm cho mi mở mắt ra, rồi muốn sống, muốn tốt thì quay ngay về với mẹ.

Nói rồi Cồ Cộ quắp lấy lưng Bọ Ngựa, giương cánh ra, bay tít lên ngọn cây dừa gần đó. Bọ Ngựa hoảng hốt quá, rúm cả chân, rúm cả càng và nhắm tịt mắt lại. Bốn bên xung quanh gió thổi vo vo. Cồ Cộ đỗ trên ngọn cây dừa và bảo Bọ Ngựa rằng:

- Mi đã mở mắt ra chưa? Nếu mở mắt rồi, hãy cùng ta nhìn xuống dưới kia. Mi đi bấy nhiêu ngày đường, lặn lội qua bao nhiêu đèo, bao nhiêu suối, vậy mà không bằng ta chỉ vỗ cánh mấy cái, bay lên cao, đã có thể trông thấy quê hương của mi. Cái sự khó nhọc của mi đối với ta, chỉ là hạt bụi, hạt tấm. Đã hiểu như thế chưa? Và mi lại nên biết thêm rằng ở trên đời này, không thiếu gì kẻ còn giỏi hơn ta bao nhiêu lần nữa.

Sau đó, chú Bọ Ngựa được Cồ Cộ đưa trả xuống đất. Bọ Ngựa chạy biến ngay về, không dám ngoảnh cổ lại nữa.

Bọ Ngựa về đến cành hồng, mẹ vẫn chưa về. Nó nằm bẹp trên cây, không dám lởn vởn đi đâu nữa. Bởi vẫn chưa tan cơn sợ.

Được mươi hôm thì mẹ trở về. Nó mừng rỡ nhãy cỡn lên ôm lấy mẹ. Từ đấy, hai mẹ con lại sống với nhau đề huề. Mẹ nó đưa nó đi đến một chỗ ở mới kín đáo, ấm áp hơn. Những lương thực mà bà lão đêm bên kia sông về cũng thừa đủ cho hai mẹ con ăn hết một mùa đông giá rét.

Một hôm, trời có nắng. Nắng mùa đông ấm áp, dịu dàng làm sao. Hai mẹ con ra hong cánh dưới ánh mặt trời. Trong lúc vui chuyện Bọ Ngựa con kể với mẹ:

- Mẹ ơi! Độ nọ mẹ sang bên kia sông rồi, ở nhà con đã làm được nhiều điều ghê lắm.

- Con thử kể cho mẹ nghe những ghê gớm ấy đến thế nào?

- Con đánh thằng Châu Chấu Ma ở đằng kia. Nó phải nhận con là thầy nó.

Bà Bọ Ngựa mỉm cười:

- Tưởng là con đánh ai. Châu Chấu Ma con chẳng phải đánh, nó vẫn sợ như thường. Con đã làm một việc thừa, mà lại ác nữa.

Chú Bọ Ngựa tiu nghỉu. Rồi chú tiếp:

- Con lại cho cả Gián Ống một trận.

Bà Bọ Ngựa cười to:

- Tưởng ai, cái thằng Gián Ống lúc nào cũng sợ, ai cũng sợ. Con lại làm một việc thừa, mà lại độc ác nữa.

Chú Bọ Ngựa tiu nghỉu hơn, và chú không khoe thêm gì nữa. Chú im lặng, nhìn ánh nắng rung rinh trong lá cây.

Nhưng bà lão Bọ Ngựa đã nói tiếp:

- Và con sang đánh nhau cả với Bọ Muỗm, con bắt mụ ấy gọi con là võ sĩ Đại Mã. Mụ ấy nện cho con một trận mê tơi. Con phải bỏ chạy về. Nhưng con cũng không chừa được cái thói khoác lác. Cho nên, khi con nghe tiếng đồn có ông Dế Mèn đi phiêu lưu thì con cũng tập tọng đi. Con đã quên cả lời mẹ dặn. Con đi, con gặp bác Cồ Cộ, con dọa dẫm cả bác ta. Bác ta liền túm cổ con, bay lên ngọn cây dừa. Đến đây con mới thực là sợ, biết chừa thói ngông cuồng và con mới thực hiểu rằng đường đời mỗi bước một khó. Con chạy trở về. Phải kể đến đây mới là hết những chuyện mà con đã làm trong khi vắng mẹ. Có phải thế chăng? Con ơi! Bác Bọ Muỗm chỉ cho con một cái đá hậu, là con thủng bụng. Bác Cồ Cộ chỉ buông con từ ngọn cây cho rơi xuống, là con đủ tan xương. Các bác ấy đã thương con đấy.

Trong khi bà lão Bọ Ngựa nói, chú Bọ Ngựa cứ ngẩn mặt. Rồi hai hàng nước mắt rung rung. À, chú Bọ Ngựa hợm mình đã biết hối rồi.

Tô Hoài

33 nhận xét:

  1. Ai mà đoc đc 😡😡😡

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nè bạn không đọc thì thôi đi nha ở đó mà chê người ta😡😡😡😡

      Xóa
  2. Dài quá trời, nhưng............hay!

    Trả lờiXóa
  3. khiếp dài thế

    Trả lờiXóa
  4. Không có năm xuất bản
    Nhưng cũng hay

    Trả lờiXóa
  5. Bài dài vãi😡😡😡

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mắ có mấy người đọc xong cứ bảo dài. Ko thik đọc thì có ai bắt đọc đou mà kêu lắm v. Chịu luôn ấy 🤡

      Xóa
  6. Có ai câu hỏi dc k

    Trả lờiXóa
  7. Dài quá được mỏi mồm

    Trả lờiXóa
  8. Đọc mà cứ kêu dài thì chịu rồi

    Trả lờiXóa
  9. dài khiếp đọc xong thì hoa mắt

    Trả lờiXóa
  10. Hay quá.muốn đọc nhiều bài như thế

    Trả lờiXóa
  11. nó dài quá nhưng mà hay nha

    Trả lờiXóa
  12. hay quá trời 👍🏻👍🏻👍🏻

    Trả lờiXóa
  13. Tôi thấy dài vl

    Trả lờiXóa
  14. Tôi thấy dài vl

    Trả lờiXóa
  15. Tôi thấy dài vl

    Trả lờiXóa
  16. đọc cuốn ghê, cả 1 buổi sáng nay e dành hết thời gian vào đọc truyện trang của thầy :))))

    Trả lờiXóa
  17. dài váiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii

    Trả lờiXóa
  18. um
    hhaayyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyyy





    Trả lờiXóa