Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

QUAN NIỆM CỦA TÔ HOÀI VỀ TRUYỆN ĐỒNG THOẠI



Dưới dạng trao đổi kinh nghiệm, Tô Hoài đã đôi lần phát biểu ý kiến về truyện đồng thoại.


Theo ông, truyện đồng thoại là một thể loại văn học dành cho thiếu nhi, lấy loài vật làm nhân vật, lúc nào cũng thích hợp. Nhân vật trong truyện đồng thoại được nhân cách hóa trên cơ sở đảm bảo “không thoát li sinh hoạt thật có của loài vật”, đồng thời không xa rời cái nhìn theo thói quen của các em”. Hình thức nhân hóa loài vật này đem lại cho thể loại khả năng diễn tả những vấn đề của đời sống một cách hình tượng, ý vị. Trong Tôi viết đồng thoại:Dế Mèn, Chim Gáy, Bồ Nông, nhà văn cho biết lí do ông xây dựng hình ảnh chim gáy chưa đến tháng mười đã rủ nhau đi ăn đàn. Ông muốn qua hiện tượng “đổi tính” đó để “ngầm” nói lên công cuộc làm ăn mới đã tạo nên những thay đổi kì diệu cho nông thôn và đồng ruộng ở miền Bắc những năm 60 của thế kỉ trước. Như vậy, chủ đề của Đàn chim gáy là thành tựu cuộc sống mới đã được Tô Hoài diễn tả qua hình thức đồng thoại, kể chuyện loài vật mà nói chuyện con người. Ông bảo, đó là cách biểu hiện có việc, có ý nghĩ, phù hợp với khả năng tiếp nhận của các em.

Khi phát biểu điều này, Tô Hoài đã có sự quan sát, nắm bắt kĩ đặc điểm tâm lí của lớp bạn đọc nhỏ tuổi. Theo ông, lứa tuổi các em là lứa tuổi “ngồi trò chuyện với cái gốc cây, với con mèo, với nhành hoa cũng thích như với bạn.

Thực ra, theo Tô Hoài, hình thức nhân hóa sự vật trong nghệ thuật có tác dụng rộng rãi tới nhiều đối tượng khác nhau. Vấn đề là, nghệ thuật nhân hóa phải đạt tới trình độ điêu luyện thì chuyện cái ghế biết cười, con mèo thủ thỉ trò chuyện, ông trăng biết nói... đều gợi được những điều nghĩ ngợi, đúng đắn sâu xa cho bất cứ người đọc nào.

Trong suy nghĩ của Tô Hoài, truyện đồng thoại là một thể loại dành cho các em. Nhưng điều đó không có nghĩa là truyện đồng thoại xa lạ với bạn đọc người lớn. Mỗi lứa tuổi đều tìm thấy ở truyện đồng thoại những lợi ích tinh thần khác nhau. Chúng tôi nghĩ, quan điểm này của Tô Hoài là có cơ sở, cho thấy nhà văn đã thấu được cái lẽ tồn tại của văn chương. Rõ ràng, không thể tạo ra những giới hạn nhằm buộc tác phẩm xoay vần trong không gian đã định sẵn. Những tác phẩm hay bao giờ cũng là tài sản chung của mọi người. Nó vượt lên những giới hạn để vươn tới tầm giá trị phổ quát. Tô Hoài coi trọng điều này nên trong quá trình sáng tác truyện đồng thoại, ông đã tìm cách xử lí tốt vấn đề độc giả của thể loại. Ông viết như sau: “Đã đành, tác phẩm hay sẽ trở nên tác phẩm của chung mọi người. Nhưng viết cho các em, trước nhất, phải là của các em”. Trên tinh thần đó, ông chỉ ra những yêu cầu mà một tác phẩm dành cho các em phải đạt được, đó là: nội dung giáo dục, nghệ thuật đẹp và vui, giàu tưởng tượng, giàu chất thơ... Tô Hoài kết luận: “Như vậy, đồng thoại là loại truyện có cơ hội tung hoành nhất về những mặt đó” (Tôi viết đồng thoại: Dế Mèn, Chim Gáy, Bồ Nông).

Trong các bài viết của mình, Tô Hoài đã nói rõ quan điểm viết truyện đồng thoại của ông. Tựu trung có ba khía cạnh cần lưu ý:

- Thứ nhất, về nhân vật, ông “không thích viết cái ghế, cái bàn, đôi giày, những vật vô tri thành đồng thoại. Đối tượng yêu thích nhất của Tô Hoài là các con vật gần gũi trong cuộc sống thường ngày. Khi viết về chúng, ông luôn “dựa vào tâm lí thiếu nhi và sự quen biết thông thường xưa nay của các em về loài vật”, “không đặt một con vật cốt để bạn đọc hiểu ngầm đấy là một con người, một giai cấp. Khi miêu tả, ông cố gắng để cho nhân vật hiện ra một cách tự nhiên và dựa vào thói quen, phong tục để nhận xét chúng;

- Thứ hai, về nội dung, ông không viết vì bâng quơ, vì muốn làm cho lạ, mà “muốn đem vào đồng thoại một nội dung xã hội”. Ý kiến này cho thấy, ngay từ khi mới vào nghề, ngòi bút Tô Hoài đã có thiên hướng đi về phía hiện thực, xa lạ với lối viết truyện viễn vông giang hồ kì hiệp vốn khá phổ biến thời bấy giờ. Vấn đề là, ông quan tâm tới hiện thực nào trong biển đời mênh mông này? Câu trả lời có trong Tự truyện: “Đời sống xã hội trong xã hội quanh tôi, tư tưởng và hoàn cảnh của chính tôi đã vào cả trong những sáng tác của tôi. Ý nghĩ tự nhiên của tôi bấy giờ là viết những sự xảy ra trong nhà, trong làng quanh mình”. Sau này, khi đã trở thành nhà văn cách mạng, ngòi bút Tô Hoài càng có điều kiện hơn để gắn bó với hiện thực đời sống. Từ những gì đã trải nghiệm, đã thân thiết, ông tái hiện lên trang viết của mình; hình thức dù có vẻ hoang đường (như đồng thoại) vẫn lấp lánh hình bóng cuộc đời với tất cả mọi buồn vui, được mất của cõi nhân sinh;

- Thứ ba, trước năm 1945, Tô Hoài sử dụng hình thức đồng thoại là nhằm tránh lưỡi kéo kiểm duyệt của chế độ đương thời, bóng gió gửi gắm những tư tưởng yêu nước, yêu tự do... Về điều này, ông viết như sau: “Trước kia, vì đế quốc cấm những sáng tác có những tư tưởng yêu nước – tư tưởng chính trị, chống đối, cho nên có truyện tôi viết lối bóng gió, ám chỉ, như truyện Đám cưới chuột...”.

Tóm lại, quan niệm về truyện đồng thoại nằm trong hệ thống quan niệm văn chương của Tô Hoài. Từ những gì đã mô tả, chúng ta nhận thấy, Tô Hoài có một quan niệm sáng rõ, đồng thời biết chủ động một lối viết mà qua đó, vừa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc nhỏ tuổi, vừa vươn tới được một đối tượng công chúng rộng rãi, tạo cho tác phẩm khả năng trường tồn trong đời sống văn hóa tinh thần cộng đồng. Giá trị của quan niệm, suy cho cùng chính là đã góp phần tạo nên những tác phẩm hay làm rạng danh tên tuổi Tô Hoài, làm say mê độc giả xưa nay...


LÊ NHẬT KÝ



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét