Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2024

GIÁ TRỊ CỦA LỄ HỘI TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM - 2

 


Trích từ bài Đi tìm giá trị lễ hội

 

PV: Mỗi lễ hội sẽ mang một nét đặc trưng riêng, nhưng nhìn chung thì giá trị của lễ hội đối với đời sống con người theo ông đó là gì?

 


Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ:

- Mỗi lễ hội có một ý nghĩa chủ đạo. Tập hợp lại, có thể nhìn nhận về một “hệ giá trị lễ hội”, ít nhất là các phương diện như sau:

Thứ nhất, tạo nên một cảm hứng chung của cộng đồng là cảm hứng hướng nguồn. Cộng đồng nào nhiều văn hóa hướng nguồn là cộng đồng tích lũy được nhiều năng lực tồn tại và phát triển nhất. Cộng đồng nào đơn sơ, đơn giản và ít cách thức, điều kiện hướng đến nguồn cội sẽ là những cộng đồng cần bảo vệ nhất, nếu không họ sẽ giảm dân số, kinh tế không phát triển và bị xô dạt văn hóa, khó tồn tại trong thế giới ngày nay.

Thứ hai, lễ hội mang giá trị cố kết cộng đồng khi hướng về cùng một cội nguồn, chung về một cảm hứng hoạt động, đồng thuận trong một cách thức tổ chức lễ và hội. Từ đó mang trong lòng nó niềm tự hào về làng quê, mở rộng là tình yêu quê hương, đất nước. Cái đó sẽ nuôi sống tâm hồn của cả cộng đồng.

Thứ ba, lễ hội là thời điểm tích tụ và bùng nổ về văn hóa. Thông qua lễ hội người ta nhìn thấy văn hóa của làng, xã, thành phố, đó là một trong những thông điệp về bản sắc văn hóa. Mỗi lễ hội người ta trưng diện, giữ gìn, bảo lưu một giá trị văn hóa riêng. Nó là một phương thức trình diễn tổng hợp của tín ngưỡng, tôn giáo, nghệ thuật, thể thao, kỹ năng lao động, thậm chí là triển lãm thành quả lao động. Đám rước, tế lễ, diễn xướng nghệ thuật, trò chơi, thi đấu, trình nghề, tiếp khách, mâm cỗ, trò diễn mô phỏng, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật ẩm thực...

Lễ hội tháng Giêng giống như một cơn bùng nổ của sắc màu, âm thanh, tâm thức, tín ngưỡng, nghệ thuật… Chúng tôi gọi đấy là phương thức của trình diễn với chủ nhân. Không chỉ một nhóm hát này, một nhóm cúng kia và dường như tất cả dân chúng khi đó, đi vào một không gian khác, không gian của tinh thần, không gian của nghi lễ, không gian của nghệ thuật, không gian của văn hóa ẩm thực, không gian của giao lưu, giao tế.

Thứ tư, lễ hội là thời gian tiếp đón bạn bè, giao lưu xã hội. Quan hệ xã hội được rộng mở, vượt khỏi lũy tre làng.

Thứ năm, lễ hội cũng là nơi nghỉ ngơi thư giãn và tham gia các hoạt động tinh thần. Đây là phương thức nghỉ ngơi cộng đồng, là một giá trị của lễ hội, một trong rất nhiều giá trị của văn hóa.

Thứ sáu, lễ hội khiến cho cá nhân con người hạnh phúc, tất cả mọi người trong cộng đồng đó được thể hiện mình. Đó là những nhu cầu cực kì cao cấp của con người chứ không chỉ là nhà cao, cửa rộng. “Tôi có được thừa nhận trong cộng đồng đấy không?”, thế thì hội đồng môn được thừa nhận, hội đồng tuế cũng được thừa nhận, hội các bà đi chùa cũng được thừa nhận, hội tư văn đều được thừa nhận. Còn một số nơi trên thế giới người ta không thừa nhận con người nhưng nhờ lễ hội mà gắn kết.

Thực ra, hạnh phúc lớn nhất của con người là sáng tạo và hạnh phúc lớn thứ hai là được cộng đồng thừa nhận. Nếu không được cộng đồng thừa nhận thì gọi là lạc loài. Không ai muốn làm người lạc loài cả, bị khinh rẻ.

Nguồn: Đi tìm giá trị lễ hội, Phạm Ngọc Hà thực hiện.

https://daidoanket.vn/di-tim-gia-tri-cua-le-hoi-10274105.html, cập nhật ngày 29/2/2024.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét