Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

CHUYỆN NHỎ TRONG RỪNG



Các loài chim trong Thung Xanh mở hội thi để chọn những giọng hát đi dự hội thi của rừng. Sân khấu được chọn là một cây chò nâu cổ thụ cao vút, tán xòa như một đám mây xanh. Các giọng hát từ tán cây có thể bay tỏa ra khắp vùng cho mọi loài cùng nghe.

Tán chò cao quá làm người ta không nhìn rõ mặt các ca sĩ bé nhỏ, nhưng điều đó không quan trọng. Giọng hát của họ là tính tình, là tâm hồn, lại cũng là vẻ mặt của họ. Các loài vật nghĩ thế và tán thành cách chọn cái sân khấu cao thoáng này. 



Về phía các ca sĩ, họ đứng trên cành cao, vừa hát vừa ngắm nắng vàng trang trải trên khắp các mặt lá chò không vết bụi, gân lá cứ lấp lánh cùng với những luyến láy, điêu luyện của họ. Chính cái màu xanh tươi khỏe khoắn của cây chò đã gợi cảm hứng cho giọng hát của các chàng, các nàng ca sĩ. 

Chim Họa Mi giọng trong như nước suối đầu nguồn, có lúc vút cao như ngọn núi, có lúc đổ xuống giòn tan như có ai rắc ngọc xuống những sườn núi đá. Giọng Sơn Ca thì uyển chuyển dịu dàng, trải ra trước mắt muôn loài một cánh đồng dạt dào lúa chín. Giọng Hoàng Yến thì cao sang trang trọng, kể về một khu vườn thượng uyển trăm sắc hoa với cột son, mái bạc cung đình. 

Trong số các loài vật đang lắng nghe các danh ca thi tài khoe giọng ấy, có chàng chim Gõ Kiến hay làm. Nơi làm việc hàng ngày của Gõ Kiến lại đúng là thân cây chò nâu được chọn làm sân khấu hội thi. Từ sáng sớm, chàng tạm thời nghỉ việc, một phần vì biết rằng cách đập nhịp đơn điệu, dai dẳng của mình chẳng có tí gì là âm nhạc, phần vì cũng muốn lắng nghe những người bạn được trời phú cho tài năng kì diệu ấy hát ra sao. 

Nhưng chàng Gõ Kiến chỉ nghỉ được một buổi sáng. Sau đó, vì không quen nghỉ lâu, chàng cứ bứt rứt xoay ngang chống dọc cái đuôi cứng như gỗ của mình. Cái mỏ dài ngó ngoáy, soi vào các kẽ nứt của vỏ cây, các hang hốc trên cây chò cổ thụ. Đến khi chàng nhìn thấy một chú sâu đục thân lấp ló thì chàng không nhịn được nữa, chàng đập vào lần vỏ che ngoài một mỏ. Vỏ cây vỡ ra một mảnh nhỏ, và chớp mắt, con sâu đục thân đã nằm gọn trong mỏ của chàng. Cứ thế, lúc đầu chàng còn e dè gượng nhẹ để tiếng gõ của mình khỏi phá rối cuộc vui chung. Nhưng khi đã say với công việc, chàng chẳng còn quan tâm gì đến tiếng hát của đám danh ca. Tốc! Tốc! Tốc! Chàng lại lôi cổ thêm một tên phá hoại ra xử tội. Cứ thế: Tốc! Tốc! Tốc! 

Bỗng chàng nghe giọng Hoàng Yến lanh lảnh vang lên: 

- Sao lại có kẻ thô lỗ đến thế! Thật là “đàn gảy tai trâu”. Mọi loài thì không dám thở mạnh để thưởng thức những giọng ca tuyệt diệu. Còn anh, chính anh đấy, Gõ Kiến ạ, anh lại đạp búa ầm ầm vào tai người ta. Anh có im đi không? 

Lúc ấy Gõ Kiến mới biết Hoàng Yến nói mình. Anh bối rối, lúng túng xin lỗi Hoàng Yến, xin lỗi mọi người, rồi anh thú thật: “Tôi... tôi... có lẽ tôi không thể nghỉ việc được... tôi không quen. Hay để tôi đi chỗ khác vậy!”. 

Tán chò cao chợt xào xạc, hình như cụ Chò Nâu có điều gì muốn nói, nhưng tiếng muôn loài lộn xộn, cất lên, đòi Gõ Kiến phải đi ngay khỏi đây để cuộc thi tiếp tục. 

Chàng Gõ Kiến bẽn lẽn cúi chào mọi người rồi cất cánh bay, chiếc mỏ nặng nề như một chiếc búa làm cánh bay của chàng vụng về và ngộ nghĩnh. 

Hội thi sang tuần thứ hai vẫn sôi nổi không khác tuần đầu. Chỉ có những ca sĩ đứng trên tán lá cây cao mới nhận thấy có chút thay đổi quanh mình. Lá cây chò cao không thấy anh ánh tươi mởn như trước? Hay là tuần này trời nhiều mây, ít nắng? Hay là cụ Chò Nâu nhớ bạn Gõ Kiến của mình mà rầu rầu mặt lá? 

Sang đến tuần thứ ba thì quang cảnh sân khấu đã thay đổi hẳn. Mặt lá chò không chỉ nhăn lại mà còn rũ xuống như không còn nhựa sống. Hôm nay trời nắng càng làm rõ cảnh tiêu điều của tán cây chò cổ thụ. Các ca sĩ nhìn nhau, chẳng còn bụng dạ nào mà hát nữa! Một giọng nói trầm trầm nhẹ nhàng cất lên, nghe như tiếng gió. Mọi loài nhận ra tiếng cụ Chò Nâu, giọng cụ tuy yếu hơn mọi khi nhưng vẫn rõ ràng rành mạch: 

- Các cháu đuổi Gõ Kiến đi là một sai lầm. Ta là người đầu tiên bị đau đớn. Tiếng hát của các cháu không giết được loại sâu đang ẩn náu trong thân ta. Mấy tuần nay vắng Gõ Kiến, chúng càng hoành hành dữ. Hãy gọi Gõ Kiến về chữa bệnh cho ta!... 

Từ diễn viên đến khán giả nhận ra ngay điều sai sót của họ đã làm hại cụ Chò Nâu – niềm vinh dự của rừng – như thế nào. Mọi loài vật bảo nhau tỏa ra khắp rừng gọi chàng Gõ Kiến trở về. Ai có thể ngờ những buổi hội tưng bừng đến thế mà chỉ thiếu một anh chàng “thợ mộc” tu sửa sân khấu là cuộc vui không thành! 

Chàng Gõ Kiến bẽn lẽn trở về, vẫn tự biết mình thô kệch trước những bộ cánh vàng tơ, ánh biếc, trước những giọng hát trong như suối đầu nguồn. 

Mọi loài vật xúm quanh, giục chàng làm việc. Cứ như tiếng “Tốc! Tốc!” tẻ nhạt của chàng là một điệu nhạc êm ái nhất trong cuộc thi hát lần này. Chàng lạ lùng bỡ ngỡ, tưởng người ta gọi mình về để trêu chọc. Nhưng đến khi nhìn thấy vẻ ủ ê của người bạn cao tuổi, chàng quên hết mọi sự xung quanh. Chàng lao vào đám sâu đục thân đang mở hội trên mình người bạn già. Tốc! Tốc! Tốc! Sơn Ca, Họa Mi, Hoàng Yến đều đờ ra nghe và ngắm việc làm của Gõ Kiến. Trong công việc này, Gõ Kiến quả là một nghệ sĩ! Gõ Kiến thoắt ở hốc cây này lại sang hốc cây khác. Chiếc đuôi cứng giúp Gõ Kiến đứng vững trên mặt thẳng đứng của cây chò. Cía mỏ dài nhọn thì như chiếc búa phá vỡ lần vỏ cây bị sâu, lúc thì như chiếc kìm moi vào ruột cây, lôi ra ánh sáng từng tên thủ phạm hại cây. 

Hình như ứng với những tiếng “Tốc! Tốc! Tốc!” lá cây chò xanh dần ra và đứng lên vẫy gió. Mọi loài chợt nhận ra những tiếng “Tốc! Tốc! Tốc!” ấy cũng là một điệu nhạc, điệu nhạc của cuộc đời thường không thể thiếu, như tiếng ong bay, tiếng ve kêu, tiếng các loài côn trùng đang hợp tấu bản nhạc lớn lao của rừng.



VÂN LONG
Rút từ CHUYỆN NHỎ TRONG RỪNG,
Nxb Kim Đồng, 2003.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét