Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

KHAI THÁC TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VÀO VIỆC RÈN LUYỆN KĨ NĂNG LÀM VĂN MIÊU TẢ CHO HỌC SINH TIỂU HỌC




"Nhiều năm nghiên cứu về truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại, TS Lê Nhật Ký (Trường ĐH Quy Nhơn) cho rằng, thể truyện này là một tham khảo tốt đối với học sinh trong quá trình rèn luyện kĩ năng làm văn miêu tả, cụ thể là miêu tả loài vật, đồ vật và cảnh vật" (Giáo dục và thời đại).


Trong nhiều năm trở lại đây, chúng tôi có để tâm nghiên cứu về truyện đồng thoại Việt Nam hiện đại [4]. Theo nhìn nhận của chúng tôi, thể truyện này là một tham khảo tốt đối với học sinh trong quá trình rèn luyện kĩ năng làm văn miêu tả, cụ thể là miêu tả loài vật, đồ vật và cảnh vật.

Chúng ta đều biết, thể văn miêu tả được dạy ở cả bậc tiểu học lẫn trung học cơ sở. Do độ khó cao nên hầu hết học sinh lúng túng, khó khăn khi thực hiện các bài viết theo yêu cầu của chương trình. Kết quả, nhiều bài văn miêu tả không có… miêu tả, hoặc miêu tả ngây ngô khiến người trong cuộc dở khóc dở cười, còn báo chí lợi dụng khai thác để mua vui thiên hạ.

Tình trạng trên là hệ quả tất yếu từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vấn đề kĩ năng làm văn của các em. Nhưng cội nguồn của kĩ năng lại là vốn sống, vốn ngôn ngữ, năng lực tưởng tượng và cảm xúc. Trên quan điểm như vậy, chúng tôi thấy cần thiết phải sử dụng các tác phẩm văn chương phù hợp nhằm tạo cho các em hứng thú đọc sách, đồng thời hình thành nhận thức về đặc điểm, giá trị đích thực của nghệ thuật để từ đó có thể vận dụng, bắt chước.

Kinh nghiệm xưa nay cho thấy, làm văn – dù miêu tả hay kể chuyện – học sinh luôn cần đến sự hỗ trợ tích cực từ những trang sách hay. Trong điều kiện lứa tuổi chưa thể có nhiều trải nghiệm thực tế thì đọc sách sẽ giúp các em “sống cuộc sống của nhiều cuộc đời khác nhau và có sự trải nghiệm tốt hơn” [2]. Nhờ vậy, quá trình cảm thụ cuộc sống và trình bày suy nghĩ, cảm xúc của bản thân ở mỗi cá nhân sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Nhà văn Anh Đức, trong câu chuyện Hồi nhỏ tôi học văn, cho rằng: “…khi còn tuổi nhỏ điều giúp học văn tốt, ấy là nhờ khiếu năng động với sự đồng cảm của mình trước cuộc sống, con người ở quanh ta, cộng với những trang sách hay, hỗ trợ ta rất đắc lực” [8, tr.12]. Nhà văn Ma Văn Kháng cũng chia sẻ điều tương tự nhưng nhấn mạnh đến vai trò của thầy cô, nhà trường: “Những tác phẩm cổ điển cất tiếng nói dẫn dụ các tâm hồn thơ trẻ, qua sự truyền cảm của các thầy cô. Thầy cô, nhà trường, người khơi nguồn, gợi mở, gieo mầm” [8, tr.123]. Có thể nói, những ý kiến nêu trên, trong bối cảnh văn hóa đọc ở trẻ em đang sa sút, càng đáng được lưu tâm, vận dụng.

Chúng tôi đề xuất tham khảo truyện đồng thoại vì giữa thể loại này và văn miêu tả (loài vật, đồ vật, cảnh vật) có nhiều điểm gần gũi, tương đồng. Trước hết, cả hai thể văn đều lấy loài vật, đồ vật hoặc cây cối làm đối tượng phản ánh, miêu tả. Mặt khác, đồng thoại và văn miêu tả đều sử dụng cái nhìn trẻ thơ hay “cái nhìn đồng thoại”[9] vào việc cảm thụ thế giới sự vật, hiện tượng. Với cái nhìn đầy sức mạnh của trực giác và sự thành thực tự nhiên của tâm hồn, đồng thoại và văn miêu tả có khả năng đem lại cho người đọc những khoái cảm thẩm mĩ bất ngờ. Trong con mắt người lớn, thế giới loài vật, hoa cỏ vốn vô tri vô giác nhưng qua cái nhìn trẻ thơ, chúng lại là những sinh thể có hồn, vừa là nó, vừa không phải chính nó. Về điều này, nhà văn Ngô Quân Miện có lí khi viết: “Với cái nhìn hồn nhiên của mình, nhi đồng rất giàu trí tưởng tượng, các em thấy cái gì cũng có hồn người, từ con chó, con mèo, con chim, con cá, đến cỏ cây hoa lá, và cả những đồ vật không có sức sống như cái bàn, cái ghế, viên gạch, viên bi” [5, tr.85]. Đúng vậy, cái nhìn đồng thoại không những giúp người viết khám phá được vẻ đẹp bí ẩn của thế giới tự nhiên mà còn tạo ra sự dịch chuyển lí thú, đưa đối tượng miêu tả từ trường tự nhiên sang trường xã hội khiến cho tác phẩm từ chỗ kể chuyện vật bỗng hoaa ra lại nói chuyện con người, nhất là chuyện của trẻ em. Nghệ thuật nhân hóa trong trường hợp này đã nới rộng nghĩa của hình tượng, làm cho tác phẩm thêm phần dồi dào tình ý…

Minh họa cho điều vừa nói, ở khu vực văn miêu tả, chúng tôi muốn nói đến bài viết tả tấm lịch treo tường của Hoàng Dạ Thi, một học sinh lớp 4 của tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Bài văn như sau:

Tết đến, nhà em được cơ quan mẹ tặng cho một tấm lịch treo tường bằng giấy bìa tuyệt đẹp. Tấm lịch đó làm em ngắm mãi. Lòng tràn đầy vui sướng, em đem treo tấm lịch trước bàn học của mình.

Tấm lịch in bức ảnh chùa Thiên Mụ, một cảnh đẹp nổi tiếng của xứ Huế. Trên nền giấy màu xanh da trời, nổi bật lên chiếc tháp bảy tầng. Những tảng mây trắng xốp tưởng như sà thấp xuống dưới chiếc tháp cao sừng sững ấy. Xung quanh bức tranh lại được khuôn một đường viền màu đỏ càng làm cho phong cảnh chùa thêm nổi bật. Phía dưới bức tranh ấy là tập lịch dày ôm ấp những tháng, ngày tốt đẹp. Những tờ giấy pơ – luya trắng tinh, mỏng dính được gắn lại với nhau bằng một cái vòng xinh xinh màu trắng. Sờ tay vào đó, em thấy mát rượi. Mùi giấy thơm thơm càng làm tăng thêm sự quý giá của tấm lịch. Cứ mỗi ngày, lịch lại thay một khuôn mặt mới, rạng rỡ và vui vẻ. Vào ngày chủ nhật, lịch thay chiếc áo giản dị hàng ngày bằng màu sắc đỏ tươi, làm ửng hồng cả trang giấy trắng tinh. Mỗi lần đưa tay lên bóc tờ lịch, em cảm thấy như nó quyến luyến vì phải từ biệt ngôi nhà yêu dấu của nó để ra đi. Cầm tờ lịch nhỏ trong tay, em tưởng như đang cầm một ngày đã qua với những hình ảnh tươi đẹp trong sáng, những hạt sương long lanh, ánh mặt trời rực rỡ, tiếng chim hót lảnh lót và giọng nói ấm áp của mọi người..

Lịch nhắc nhở cho em những ngày lịch sử của đất nước, những ngày vui của chúng em (1 – 6…), ngày sinh nhật của em. Từ bàn học, tấm lịch như động viên, nhắc nhở em học hành ngày càng tiến tới.

Mỗi lần bóc lịch em lại thấy ngày tháng trôi qua rất nhanh. Em thầm hứa sẽ học tập tốt vì thời gian không chờ đợi ai
[3, tr.8-9].

Trong bài văn trên, Hoàng Dạ Thi đã chú ý miêu tả những đặc điểm về hình thức cũng như lợi ích của tấm lịch. Nhờ khả năng liên tưởng phong phú kết hợp với cái nhìn đồng thoại, tác giả bài viết đã làm cho đối tượng miêu tả của mình hiện lên một cách cụ thể, sinh động. Những câu văn như: “Phía dưới bức tranh ấy là tập lịch dày ôm ấp những tháng, ngày tốt đẹp”; “Vào ngày chủ nhật, lịch thay chiếc áo giản dị hàng ngày bằng màu sắc đỏ tươi, làm ửng hồng cả trang giấy trắng tinh”; “Lịch nhắc nhở cho em những ngày lịch sử của đất nước”… không chỉ có giá trị khắc họa đặc điểm của tấm lịch mà còn bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn tuổi thơ với những cảm nhận tươi sáng, tin yêu về cuộc sống. Có thể nói, đây là bài văn giàu hàm lượng nghệ thuật, thể hiện rõ dấu ấn cá nhân trong cách nhìn, cách cảm nghĩ về đối tượng.

Từ trường hợp của Hoàng Dạ Thi, chúng tôi nghĩ, gia tăng chất đồng thoại trong bài văn miêu tả loài vật, đồ vật và cây cối là một hướng đi cần thiết, phù hợp với việc phát huy năng lực thẩm mĩ của lứa tuổi, khuyến khích các em mạnh dạn bộc lộ quan điểm cá nhân về cuộc sống và thế giới tự nhiên. Làm được điều này không những trả văn miêu tả về đúng vị trí, đặc trưng vốn có của nó mà còn dấy lên một tinh thần học tập mới, thoát ly được lối học thụ động, dựa dẫm vào văn mẫu vốn rất phổ biến hiện nay.

Truyện đồng thoại, cũng như nhiều thể loại khác, có thể cung cấp cho người dạy, người học văn miêu tả những mẫu tham khảo giàu tính nghệ thuật do các nhà văn thuộc nhiều thế hệ khác nhau sáng tạo nên. Qua những trang viết ấy, người dạy lẫn người học sẽ đúc rút được những bài học kinh nghiệm thiết thực cho công việc của mình. Tuy vậy, đối với kiểu bài miêu tả loài vật, đồ vật và cây cối, truyện đồng thoại tỏ ra có ưu thế hơn vì nó là “loại hình thích hợp với thị hiếu và tâm lí trẻ em” [1, tr.54], “góp phần có hiệu lực tạo cho các em những rung động và thẩm mĩ tinh tế và đúng đắn” [5, tr.85]. Mặt khác, kho tàng truyện đồng thoại Việt Nam có trên ngàn tác phẩm, trong đó có khá nhiều tác phẩm hay, thậm chí đạt tới đỉnh cao, gây được tiếng vang sâu rộng trong công chúng. Nếu khai thác tốt, truyện đồng thoại sẽ đưa lại lợi ích về nhiều mặt…

Để đồng thoại đóng góp có hiệu quả vào việc rèn luyện kĩ năng làm văn miêu tả của học sinh tiểu học, trước hết, chúng ta cần xây dựng một bộ văn tuyển, tập hợp được những tác phẩm hay, tiêu biểu cho từng giai đoạn phát triển của thể loại và liên quan tới nhiều phong cách khác nhau. Đó sẽ là bộ văn tuyển quy mô, gồm nhiều tập, chắc chắn sẽ được các em đón nhận một cách thích thú. Trên cơ sở gầy dựng lại niềm đam mê đọc sách cho các em, người thầy sẽ dần đưa các em tham gia vào việc phát hiện, nhận xét, đánh giá các câu, đoạn miêu tả cùng các yếu tố nghệ thuật liên quan. Theo chúng tôi, với mỗi nội dung rèn luyện, chúng ta cần xây dựng thành một dạng bài tập, sử dụng ngữ liệu khảo sát một cách linh hoạt.

Nhìn chung, các bài tập nói trên đều có độ khó cao. Do đó, người thầy cần kiên trì, cốt làm sao kích hoạt được hứng thú khám phá văn chương của các em, dần dần làm cho các em thấy được đặc trưng của văn miêu tả, phương tiện và ưu thế biểu đạt của các phương tiện đó. Chẳng hạn, để cho học sinh thấy được sức mạnh của từ láy trong miêu tả, chúng ta yêu cầu các em nhận diện lớp từ này trong truyện Con Cóc là cậu ông Trời của Nguyễn Huy Tưởng, có so sánh với truyện dân gian Cóc kiện trời. Học sinh chắc chắn sẽ nhận ra có một lượng lớn từ láy – chính xác là 85 từ – được dùng trong truyện của Nguyễn Huy Tưởng. Kết quả, như nhà văn Phong Thu nhận xét, “cảnh tượng hạn hán được miêu tả rõ ràng, như thật” [7, tr.347], tạo nên một khoảng cách đáng kể giữa nghệ thuật tự sự dân gian và hiện đại. Tương tự, chúng ta có thể yêu cầu học sinh tìm những câu văn miêu tả về các nhân vật Dế Mèn, Dế Choắt, Dế Trũi… trong thiên đồng thoại đặc sắc Dế Mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài. Trên cơ sở kết quả của học sinh, chúng ta đánh giá và giúp cho các em thấy được nét riêng của từng nhân vật qua tài năng khắc họa của Tô Hoài (Dế Choắt thì “người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện”; Dế Mèn đẹp mã, thân thể cường tráng với “đôi càng tôi mẫm bóng”, “đầu tôi to và nổi từng tảng”…).

Lợi ích của truyện đồng thoại đối với học sinh tiểu học còn ở chỗ kích thích, phát huy năng lực tưởng tượng vốn là thế mạnh của lứa tuổi này. Bởi vì, về bản chất, đồng thoại là một thể loại phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực. Đây là nơi tung hoành của tưởng tượng, hư cấu: chú Dế Mèn đi phiêu lưu, Mèo Cháu Ông đến vùng Xương Trắng tìm mẹ, Chuối Mẹ mạo hiểm phơi mình giữa nắng trưa hè gay gắt để kiếm mồi cho đàn con nhỏ… Thế giới loài vật, cỏ cây trong đồng thoại vốn gần gũi, quen thuộc với trẻ em song qua ngòi bút miêu tả của nhà văn, chúng bỗng trở nên lung linh, huyền diệu, như thực như hư. Thủ pháp lạ hóa của đồng thoại, có thể nói, cũng là một bài học cần được suy ngẫm và vận dụng vào văn miêu tả.

Rèn luyện văn chương là công việc khó khăn, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực và cộng hưởng từ nhiều phía. Kinh nghiệm xưa nay cho thấy, học sinh học văn có tốt không, có yêu văn chương hay không…, tất cả đều liên quan đến việc dạy dỗ của người thầy. Nhìn vào đội ngũ giáo viên tiểu học hiện nay, chúng ta không khó nhận ra nhiều trường hợp hạn chế về tiếng Việt và văn chương. Do đó, để công cuộc đổi mới giáo dục tiểu học nói chung, đổi mới việc dạy học văn nói riêng, Bộ Giáo dục và Đào tạo rất cần phải xem lại từ khâu tuyển sinh đến tuyển dụng và bố trí chuyên môn. Đã đến lúc, nhà trường tiểu học cần phải tính tới phương án bố trí giáo viên giảng dạy theo từng bộ môn cụ thể, nhất là với những môn như Tiếng Việt, Toán…

Lê Nhật Ký
(Bài này đã được Trường ĐHSP TP. HCM xuất bản dưới dạng sách điện tử)

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn Hồng (2012), “Tản mạn về Con chuột mù”, Văn học thiếu nhi nửa thế kỉ một con đường, Nxb Kim Đồng.
2. Nguyễn Huy (2011), “GS Ngô Bảo Châu đối thoại với học sinh Đà Nẵng”, http://www.tienphongonline.
3. Trần Mạnh Hưởng – Nguyễn Trại – Phạm Trương (1995), Một số bài tập làm văn chọn lọc lớp 4, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Lê Nhật Ký (2011), Thể loại truyện đồng thoại trong văn học Việt Nam hiện đại (Luận án TS Ngữ Văn), ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.
5. Ngô Quân Miện (1982), “Đồng thoại với việc bồi dưỡng tâm hồn các em”, Vì tuổi thơ, Nxb Tác phẩm mới, Hà Nội.
6. Vũ Tú Nam – Phạm Hổ – Bùi Hiển – Nguyễn Quang Sáng (1998), Văn miêu tả, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
7. Nhiều tác giả (1999), Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi từ sau cách mạng tháng Tám (Phong Thu tuyển chọn & bình), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
8. Nhiều tác giả (2005), Hồi nhỏ các nhà văn học văn như thế nào?, Nxb Trẻ, TP. HCM.
9. Lê Lưu Oanh (2010), “Tư duy đồng thoại trong thơ hiện nay”, http://www.lythuyetvanhoc.wordpress.com




4 nhận xét: