Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2024

BÙ NHÌN RƠM




(LNK). Diệp Thánh Đào là nhà văn tiên phong trong thể văn đồng thoại hiện đại Trung Quốc. Các sáng tác của ông xuất hiện chủ yếu vào những năm 20 của thế kỉ XX, nhanh chóng được giới thiệu ở Việt Nam. Truyện Bù nhìn rơm là một trong số đó.


Phong cảnh cánh đồng buổi ban mai, có thi sĩ viết những câu thơ hay ca ngợi, có hoạ sĩ vẽ nhưng bức tranh sinh động cho mọi người thưởng thức. Màn đêm buông xuống, thi sĩ uống rượu ngà ngà say. Hoạ sĩ ôm đàn nhè nhẹ cất lời ca: "Đâu còn thời gian đến ngắm ruộng đồng". Vậy thì còn có ai tả cánh đồng lúc đêm khuya. Có, vẫn có, người đó chính là Bù Nhìn Rơm.

Tín đồ đạo Cơ Đốc truyền tụng, con người do bàn tay Thượng đế tạo nên. Chẳng cần bàn cãi điều đó đúng hay sai, chúng ta có thể nói thêm, chính tay người nông dân tạo ra Bù Nhìn Rơm. Xương cốt nó bằng những cành tre, thịt da là những cọng rơm vàng óng vụ trước. Chiếc rổ tre rách, tầu lá sen tàn úa có thể làm mũ nón cho Bù Nhìn Rơm; mũ nón che khuôn mặt phẳng lỳ phân vạch không rõ đâu là mắt, đâu là mồm và đâu là mũi. Bàn tay Bù Nhìn Rơm không có ngón, nhưng đại cầm chiếc quạt, thực ra chẳng phải là cầm, mà là lấy sợi dây buộc cán quạt vào cánh tay. Xương cốt Bù Nhìn Rơm rất dài, dưới chân còn một đoạn, người nông dân đem cắm sâu xuống ruộng bùn, thế là suốt ngày đêm nó đứng sừng sững như trời trồng giữa ruộng.

Bù Nhìn Rơm rất có tinh thần trách nhiệm. Nếu so với trâu bò lười nhác, có lúc nằm khểnh ngắm nhìn trời đất, sái hàm nhai cỏ. Nếu so với chó, chó còn khó bảo hơn nhiều, có khi chạy biến khắp nơi, chủ phải khổ công tìm kiếm. Bù Nhìn Rơm chưa hề gây khó chịu, buồn phiền như trâu bò nằm ngắm trời ngắm đất, cũng không bao giờ ham chơi như chó chạy nhẩy khắp nơi khắp chốn. Bù Nhìn Rơm nhẫn nại, lặng lẽ đứng giữa cánh đồng chịu nắng chịu mưa, xua đuổi lũ chim đang muốn nhặt hết những hạt giống mới gieo. Nó không ăn cơm, cũng chẳng biết ngủ, không hề ngồi nhấm nháp chén trà, suốt ngày đêm chỉ biết đứng nghiêm giữa cánh đồng.

Do vậy phong cảnh và tình hình đồng ruộng về đêm chỉ có Bù Nhìn Rơm biết rõ nhất và hiểu nhiều nhất. Nó cảm biết giọt sương đêm nhỏ xuống ngọn cỏ; mùi vị ngọt ngào, hương thơm phảng phất ra sao, nó biêt rõ những vì sao luôn chớp mắt, chị Hằng mỉm cười như thế nào; nó nhận biết đồng ruộng trong đêm khuya tĩnh mịch, hoa cỏ cây cối ngon giấc; nó còn cảm thấy lũ côn trùng gặp nhau tình tự, đàn bướm tìm gặp nhau yêu đương. Tóm tại, mọi thứ diễn ra trong đêm tối nó đều tỏ tường.

Nhân đây xin kể lại vài câu chuyện mà Bù Nhìn Rơm bắt gặp trong đêm tối.

Một đêm tối trời đầy sao, Bù Nhìn Rơm vẫn đứng canh đồng, chiếc quạt trong tay lay động. Những cây lúa non bén rễ, đứng chen nhau, ánh sao lập lánh, giọt sương trên ngọn lá óng ánh như những hạt ngọc, gió đêm nhè nhẹ xào xạc lá cây. Nó đứng canh, trong lòng vui vui, suy nghĩ, năm nay chắc được mùa, nhất định chủ nhà - một bà cụ đáng thương sẽ nở nụ cười hiếm hoi. Bà xưa nay đâu có được mấy lân cười? Tám, chín năm trước, chồng bà xấu số không may chết sớm. Cứ nhớ đến thương chồng lại khóc, mắt đỏ hoe bà lâm bệnh, nước mắt không còn mà khóc nữa. Bà chỉ có một người con, hai mẹ con một nắng hai sương cầy cấy trên mảnh ruộng này, thấm thoát đã ba năm mới tạm trang trải xong món nợ lo việc mai táng chồng. Nào ai ngờ, người con phận mỏng mắc bệnh bạch hầu, cũng không qua khỏi. Bà đau buồn, ngất đi và bệnh tim tái phát. Bây giờ bà chỉ còn lại một thân một mình, tuổi cao, sức yếu vẫn phải gắng gượng cày cấy và cũng phải chắt chiu suốt ba năm mới trả hết nợ lo việc chôn cất con. Thế rồi tiếp đến hai năm liền, nước lũ cuốn trôi cả mùa màng. Bà cụ khóc cạn nước mắt, trở nên mắt loà chân chậm. Gương mặt bà đầy nếp nhăn như vỏ quít héo khô, tìm đâu ra nét tươi cười! Nhưng đến hôm nay, mưa thuận gió hòà, cây lúa tốt tươi, như sắp được mùa. Bù Nhìn Rơm mừng thay bà cụ: Mơ đến một ngày nào đó, thu hoạch lúa về nhà, bà cụ tận mắt tận tay thấy những bông lúa vàng óng sây hạt, thật là chẳng uổng công vun trồng, những nếp nhăn trên mặt chắc sẽ giãn ra, lộ rõ nét vui mừng, hài lòng, an ủi... Nếu quả có được nụ cười đó, đối với Bù Nhìn Rơm, nụ cười đó đáng yêu hơn cả ánh trăng sao, và càng quý trọng hơn, vì nó yêu quý bà chủ của mình.

Khi Bù Nhìn Rơm đang mơ màng, có một cánh bướm từ đâu bay tới. Đó là một con bướm nâu nhạt. Nó lập tức nhận ra rằng bướm là kẻ thù của cây lúa, kẻ thù của bà cụ chủ. Nghĩ đến chức trách của mình, nghĩ đến tình cảm đối với bà chủ, nó phải đuổi con bướm đi. Chiếc quạt trong tay Bù Nhìn Rơm lay động, nhưng sức gió của quạt quá yếu không đủ sức xua đuổi con bướm. Con bướm bay lượn nhớn nhơ một lúc, sà xuống đậu trên phiến lá lúa xanh non, hình như bướm không cảm thấy có Bù Nhìn Rơm đang đứng đó xua đuổi. Bù Nhìn Rơm nhìn con bướm ung dung đậu trên lá lúa, trong lòng vô cùng bối rối. Nhưng bản thân nó khác gì cây gỗ, cắm chặt trong ruộng bùn, muốn di chuyển mà chẳng nhúc nhích được, quạt tuy phe phẩy thật đấy, nhưng bướm vẫn thản nhiên đứng chơi. Bù Nhìn Rơm nghĩ đến tình hình tương lai của vạt lúa, nghĩ đến gương mặt héo hon đầy nước mắt của bà cụ chủ, nghĩ đến số phận bà cụ chủ, trong lòng thấy đau như dao cắt. Con bướm vẫn đứng đó, dù có xua đuổi cũng như không.

Khi bầu trời đầy sao, cảnh vật chìm trong bóng đêm, con bướm mới chịu rời đi chỗ khác. Bù Nhìn Rơm nhìn kỹ phiến lá lúa, quả nhiên phiến lá đã cuộn tròn thành tổ, bên trong có biết bao nhiêu là trứng sẽ thành bướm con. Cảnh tượng đó khiến Bù Nhìn Rơm vô cùng lo sợ, trong lòng đã nghĩ tới một tai hoạ khôn lường sẽ ập đến, càng lo sợ càng thấy không có cách nào tránh khỏi. Bà cụ chủ đáng thương, chỉ còn hai con mắt lờ mờ; phải báo ngay cho bà để bà sớm nhìn thấy lũ bướm con, may ra mới cứu vớt được. Bù Nhìn Rơm nghĩ vậy, chiếc quạt trong tay phe phẩy mạnh hơn, kêu lạch phạch. Bù Nhìn Rơm không thể gào to lên được, tiếng quạt lạch phạch là cách duy nhất báo hiệu cho bà cụ chủ tội nghiệp.

Bà chủ ra thăm ruộng. Bà cụ còng lưng nhìn thấy nước trong ruộng lúa còn đủ, không phải ra sông tát nước vào nữa. Bà nâng cây lúa cứng cáp trong tay, bông lúa sây hạt. Bà lại nhìn Bù Nhìn Rơm, chiếc mũ trên đầu tuy rách nhưng vẫn đội ngay ngắn, chiếc quạt trên tay vẫn phe phẩy, lại còn đều đều phát ra âm thanh lạch phạch, và đặc biệt là Bù Nhìn Rơm vẫn đứng vững chắc, nghiêm chỉnh như trước. Bà thấy mọi chuyện đều rất hài lòng, thong thả bước lên bờ ruộng, dự định về nhà tiếp tục bện dây thừng.

Bù Nhìn Rơm nhìn theo bà cụ chủ mà lòng rối bời, vội vàng vẫy quạt, mong sao tiếng lạch phạch cấp bách báo động tới bà. Tiếng báo động như có ý nói: "Bà chủ đáng thương của tôi ơi, bà đừng vội đi! Bà đừng cho là tình hình ruộng lúa đều yên ổn, hoạ lớn tầy trời đang ẩn náu trong rễ lúa, mầm cây. Hễ sâu bệnh nẩy nở ra thì còn gì mà thu hoạch lúc đó bà lại chẳng khô nước mắt, tan nát cõi lòng; nhân cơ hội này sớm dập tắt mầm bệnh vẫn chưa muộn. Bà hãy nhìn kỹ từng lá lúa trên từng thân cây lúa! Bù Nhìn Rơm vẫn nhờ cánh quạt vẫy để cảnh báo, nhưng bà cụ đâu có hiểu cho, vẫn thong thả yên tâm quay về. Bù Nhìn Rơm lo đến muốn chết, vẫn nhẫn nại vẫy quạt cho đến khi bà cụ chủ đi khuất, nó thất vọng biết là cảnh báo không mảy may hiệu quả.

Ngoài Bù Nhìn Rơm thì chẳng còn ai lo buồn vì cây lúa. Nó tự giận mình là không nhẩy ra được để diệt mầm hại lúa, và cũng giận mình không thể nhờ gió báo tin cho bà chủ sớm trừ tận gốc mầm hại.

Bản thân Bù Nhìn Rơm vốn rất gầy yếu, bây giờ lại ôm mối sầu muộn, càng tỏ ra tiều tuỵ, võ vàng, không còn đủ sức đứng vững giữa đất trời, tay run, lưng còng, như người mắc bệnh.

Chỉ vài hôm nữa thôi, những con bướm con sẽ thành hàng đàn hàng lũ sâu đục thân lan tràn khắp nơi. Trong đêm hôm khuya khoắt, Bù Nhìn Rơm nghe thấy tiếng cót két nhai nghiến thân cây lúa của lũ sâu, và nhìn thấy lũ sâu càng nhai mặt mày càng hớn hở? Chẳng mấy chốc, những vạt lúa bông nặng trĩu hạt chỉ còn trơ thân cây khẳng khiu Bù Nhìn Rơm cảm thấy đau lòng, nghĩ đến sự nghèo khổ, cảnh thiếu ăn của bà chủ, nó đành chỉ thở dài, rơi nước mắt, cúi đầu khóc hu hu.

Lúc này, trời đã se lạnh, cánh đồng lúa giữa đêm khuya, gió bấc thổi xào xạc, Bù Nhìn Rơm run lẩy bẩy; chỉ vì đang khóc nên không cảm thấy rét. Bỗng nhiên nghe thấy tiếng nói của một phụ nữ:! Tôi gặp ai đây, hoá ra Bù Nhìn Rơm à!" Bù Nhìn Rơm giật mình kinh ngạc, và cảm thấy lạnh buốt, rét run. Bù Nhìn Rơm rất muốn làm tròn phận sự, nhưng không thể đi lại tự chủ được, nên chẳng có cách nào, đành chịu rét đứng sừng sững một mình. Nó nhìn người phụ nữ và nhận ra đó là chị thuyền chài.

Bên cánh đồng có một giòng sông, chiếc thuyền chài đậu mé sông, trong khoang thuyền le lói ánh đèn yếu ớt. Lúc này chị thuyền chài ngồi trên bờ sông thả vó. Vó chìm sát đáy sông, chị ta ngồi đợi kéo vó, bắt cá.

Trong khoang thuyền vọng lên tiếng trẻ nhỏ ho, rồi có tiếng mệt mỏi yếu ớt gọi mẹ. Chị ta tỏ ra lo lắng, gắng sức kéo vó, xem ra không gặp may, chỉ thấy kéo vó lên lại thả xuống. Nghe tiếng trẻ gọi, chị nói vọng xuống như an ủi con: - Con ngoan ngủ đi ! Đợi mẹ bắt được cá, ngày mai nấu cháo cá cho con ăn. Con cứ gọi to, ho nhiều, mẹ rối ruột rối gan, làm sao bắt được cá!

Đứa trẻ vẫn không nín, càng gào to hơn:

- Mẹ ơi! Để con chết khát à! Cho con uống nước chè. . Nói xong lại tiếp một trận ho rũ rượi.

- Đêm hôm ở đây bói đâu ra nước chè! Con gắng một chút được không?

- Con chết khát rồi? - Đứa trẻ càng khóc càng ho. Trong cánh đồng mênh mông giữa đêm khuya, tiếng khóc càng thảm thiết.

Chị ta không còn cách nào khác, đành buông vó xuống thuyền lấy chiếc bát, múc nước sông cho con uống. Đứa trẻ nín một hơi hết bát nước sông, quả thực bé đương khát lắm. Nhưng vừa buông bát ra, nó lại ho, thậm chí ho dữ dội hơn trước, sau đó chỉ còn nghe thấy tiếng thở hổn hển.

Chị ta lại lên bờ kéo vó. Mãi lúc lâu sau không còn nghe tiếng trẻ gào khóc trong khoang thuyền.

Chờ đợi mãi, chị thuyền chài cũng cất được một con cá chép dài bẩy tám phân. Chị cẩn thận thả con các chép vào chiếc thùng gỗ, rồi tiếp tục nhẫn nại kéo vó. Chiếc thùng gỗ đựng cá đặt ngay cạnh chân Bù Nhìn Rơm.

Lúc này, Bù Nhìn Rơm chạnh lòng thương đứa trẻ, khát phải uống nước sông, ốm không được mẹ ôm ấp, thương người mẹ trẻ, trong đêm khuya gió rét, vì bữa cháo ngày mai mà phải đành lòng để đứa con ốm nằm một mình. Bù Nhìn Rơm hận mình không thể biến thành thanh củi, nhóm lửa nấu nước cho đứa trẻ tội nghiệp uống; trách mình không thể thành tấm chăn mang lại hơi ấm cho đứa trẻ đau ốm, và càng giận mình không bắt được lũ sâu đục thân đem nấu cháo cho đứa trẻ ốm đau và đói khát.

Nếu như Bù Nhìn Rơm mà đi lại được, chắc chắn sẽ thực hiện được tâm nguyện của mình; nhưng bất hạnh thay, thân thể Bù Nhìn Rơm khô cứng như cành củi, cắm sâu trong ruộng bùn, không di chuyển nổi nửa bước. Bù Nhìn Rơm càng nghĩ càng thêm đau lòng đành ôm hận khóc. Bỗng có tiếng !! Phạch, phạch!', Bù Nhìn Rơm giật thót mình, ngừng khóc. Nó nhìn xem có chuyện gì xảy ra, thì ra đó là tiếng con cá chép bị ném vào trong thùng gỗ.

Trong thùng gỗ có rất ít nước, cá chép nằm sát đáy thùng, rất khó chịu. Cá giẫy đành đạch, muốn nhẩy lên, nhưng vẫn bị thành cao của thùng gỗ cản lại, đành chịu rơi nằm xuống đáy thùng như cũ, mình đau ê ẩm, mỏi nhừ. Cá chép nằm nghiêng, chỉ có một mắt nhìn thấy Bù Nhìn Rơm, đã vật nài xin:

- Bạn Bù Nhìn Rơm ơi, bạn vui lòng tạm ngừng vẫy quạt cứu giúp tôi ! tôi mà phải xa ngôi nhà ở dưới nước thì tôi chết mất! Bạn tốt bụng, hãy cứu tôi!

Nghe lời cầu khẩn của cá, Bù Nhìn Rơm thấy lòng mình xót xa, nhưng chỉ đành ra sức lắc đầu. Ý của Bù Nhìn Rơm muốn nói: "Xin bạn thứ lỗi cho tôi, tôi là người yếu đuối vô năng! Trong lòng tôi muốn cứu bạn, lại muốn cứu vớt đứa con nhỏ ốm yếu của chị thuyền chài, chị ta bắt bạn là vì miếng ăn của đứa con đáng thương. Ngoài bạn cá chép, chị thuyền chài và đứa con ốm đau, còn có bao nhiêu người khổ sở nghèo túng khác cần cứu vót. Nhưng tôi cũng chỉ như cây gỗ cắm trên ruộng bùn, nửa bước cũng không tự do di chuyển được, tôi không thể làm theo tâm nguyện của bạn được! Mong bạn hiểu cho!

Cá chép không hiểu được ý nghĩ của Bù Nhìn Rơm, chỉ thấy anh ta lắc đầu liên tục, đã phẫn nộ nổi nóng như ngọn lửa bốc lên. "Việc này chẳng khó gì! Chẳng qua anh không có một chút tình người, chỉ biết lắc đầu! Vậy mà mình đã lầm, khó khăn của bản thân, sao lại cầu cứu người khác! Mình phải tự giải quyết, phải nghĩ cách, không thành, cũng đành chết cho xong, còn tính toán làm gì!" Cá, chép kêu gào, ra sức giẫy đành đạch, lần này phải dốc mười hai phần sức lực, cong đuôi, ưỡn ngực bật nẩy lên, vẫn vô hiệu quả.

Bù Nhìn Rơm thấy cá chép hiểu sai ý nghĩ của mình, nhưng chẳng có cách nào giải thích cho cá hiểu, trong lòng rất đau buồn, chỉ biết thở dài và lại khóc. Một lát sau Bù Nhìn Rơm nhìn thấy chị thuyền chài ngồi ngủ, tay vẫn cầm sợi dây kéo vó; đó là vì chị ta mệt quá, tuy có nghĩ đến bữa cháo ngày mai cho đứa con ốm yếu, nhưng không cưỡng được cơn buồn ngủ. Con cá chép trong thùng gỗ thì sao? Không thấy tiếng giẫy đành đạch, nhưng đuôi nó vẫn vẫy liên tục, tuy yếu dần đi. Bù Nhìn Rơm nghĩ, đêm nay có biết bao nhiêu sự việc đau lòng xẩy ra, thật là một đêm đau thương khủng khiếp! Nhìn lũ cướp con ăn lá lúa, chúng nó ăn no phởn chí đang nhảy múa trên thân cây lúa trơ xương. Mùa màng coi như mất trắng, bà cụ chủ đáng thương trắng tay, tốn bao công sức Trên thể gian này còn có gì đáng thương hơn nữa!

Đêm tối càng thêm u ám, cả đến vì sao cũng mờ dần. Bù Nhìn Rơm chợt thấy một bóng đen đi từ phía bờ ruộng lại, nhìn kỹ thì ra là một người con gái, mặc chiếc áo ngắn rộng, đầu tóc rũ rượi. Cô ta dừng lại nhìn chiếc thuyền chài ven sông, bèn quay ngoắt lại đi nhanh về phía bờ sông. Bù Nhìn Rơm cảm thấy có điều gì kỳ lạ, đã để ý dõi theo.

Một chuỗi lời nói vô cùng bi thương thoát ra từ miệng cô ta; tiếng nói yếu đuối, ngắt quãng, chỉ có Bù Nhìn Rơm quen nghe những âm thanh rì rào, nho nhỏ thổn thức trong đêm trường mới hiểu được?

"Tôi đâu có phải là con bò, cũng chẳng phải là con lợn, làm sao có thể để anh tuỳ tiện bán cho người ta! Tôi phải chạy trốn, không thể ngồi đợi ngày mai để anh đem gán lấy tiền. Có đồng tiền bất lương trong tay, anh chơi vài canh bạc, uống vài ngày Hoàng Thanh là nhẵn túi, phỏng có ích gì! Vì sao anh phải bức bách tôi?... Chỉ có chết, ngoài chết ra không còn con đường nào khác? Chết, chui xuống mồ để tìm đứa con tội nghiệp của tôi!" - Những câu nói trên đâu có nói thành lời, cô ta khóc khản cả tiếng.

Bù Nhìn Rơm kinh hồn bạt vía, lại chứng kiến một cảnh vô cùng bi thương. Cô ta tìm đến cái chết! Bù Nhìn Rơm cuống quít, muốn cứu cô ta, không biết làm thế nào, chỉ đành quạt. Muốn đánh thức chị thuyền chài, nhưng chẳng ích lợi, chị ta ngủ say như chết, không hề nhúc nhích. Bù Nhìn Rơm lại hận mình, không thể, cứ đứng chôn chân mãi ở ruộng bùn như cây gỗ, nửa bước không di chuyển được. Thấy chết không cứu chẳng phải là tội ác chăng? Mình anh đang phạm một loại tội ác. Điều đó đau khổ hơn cả chết quách đi cho rồi! "Trời ơi, sáng mau lên! Bà con nông dân mau tỉnh giấc! Đàn chim mau đi báo tin! Hỡi gió mau xua tan ý định đi tìm cái chết của cô ta! "- Bù Nhìn Rơm lầm rầm cầu khấn như vậy; nhưng bốn bề vẫn tối như bưng, im ắng không một tiếng động nhỏ. Lòng rối bời, Bù Nhìn Rơm run sợ, nhưng vẫn phải chứng kiến bóng đen đứng chết lặng bên bờ sông.

Cô gái đứng im một lúc, vươn mình như thăm dò. Bù Nhìn Rơm biết chắc giây phút đáng sợ nhất sắp đến, chiếc quạt trong tay vẫy liên tục. Nhưng cô gái kia vẫn còn đứng sừng sững ở đó.

Một lúc lâu sau, cô ta bỗng giơ cao cánh tay, thân hình như đổ rạp, lao xuống giòng sông. Bù Nhìn Rơm nhìn thấy vậy, chưa kịp nghe tiếng cô gái rơi xuống nước, đã ngất xỉu, hôn mê.

Sáng sớm hôm sau, bà con nông dân qua lại bờ sông đã phát hiện ra xác chết, tin tức lan truyền. Trai gái gần đó kéo nhau lũ lượt ra xem. Tiếng người huyên náo khiến chị thuyền chài giật mình tỉnh giấc, chị ta nhìn con cá chép đã chết cứng trong thùng gỗ. Chị ta xách chiếc thùng gỗ bước vào khoang thuyền, đứa con đã tỉnh dậy, mặt mày hốc hác, thở khò khè. Bà cụ chủ cũng theo mọi người ra bờ sông xem, tiện qua mảnh ruộng nhà mình nhìn một lượt. Chẳng ai ngờ, mới có mấy hôm, hết sạch, bông lúa, nõn cây không còn, chỉ còn trơ trụi thân cây khẳng khiu. Bà cụ lo lắng buồn rầu khụy xuống, xót công tiếc của, đấm ngực, buông tiếng khóc. Mọi người xúm lại khuyên can bà cụ, họ cũng nhìn thấy Bù Nhìn Rơm đã đổ rạp trên mảnh ruộng.



DIỆP THÁNH ĐÀO (Trung Quốc)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét