Thứ Hai, 18 tháng 3, 2024

PHONG BÌ RÁCH



DIỆP THÁNH ĐÀO: "... có điều tác dụng to lớn của phong bì thư là gói ghém bao nhiêu lời nói thân mật âu yếm và yêu thương mang đi khắp bốn phương trời phân phát cho mọi người. Các bà mẹ mà nghe được lời nói của đứa con thân yêu, bà mẹ sẽ sung sướng mừng rỡ ăn thêm một bát cơm; người phụ nữ nghe được lời nói yêu thương của chồng mình, họ sẽ cảm thấy ánh nắng ấm áp tràn ngập nhà mình".

Ven đường có một đống rác. Cuống rau xanh, vỏ trái cây, chó con chết, rác rưởi, cát bụi quét trên nền nhà, mặt đất, tất cả đánh đống lại chẳng khác một nấm mồ, chỉ thiếu mấy ngọn cỏ xanh mọc ở trên. Trong đống rác có những thứ gì? Nhiều thứ lắm, kể tỉ mỉ e là cả ngày cũng không hết, bây giờ chỉ kể đến chiếc phong bì rách.

Phong bì lấm bết bùn đất, góc dưới bị chuột gặm nhấm thủng. Chắc nó đau lắm, nhưng chẳng kêu khóc oa oa như trẻ con chúng mình đâu, chỉ đành nằm bẹp suy nghĩ:

Mình sẽ đi đâu bây giờ? ở đó có việc gì cho mình làm không? Thỉnh thoảng cơn gió nhẹ thổi qua đống rác cuộn tung bụi đất, dần dần một góc phong bì trật ra ngoài. Ôi, bốn bề hoang vắng. Trong lùm cây phía xa xa chỉ có tiếng chim sơn ca gọi đàn. Dưới ánh nắng vàng, vô vàn hạt bụi bay trên đống rác. Cứ ở mãi chỗ này thì có việc gì mà làm? Phong bì rách ngước mắt nhìn bầu trời xanh, hậm hực nói: - Tôi vẫn chẳng làm được việc gì, làm sao có thể ngủ yên cùng giấy rách bụi đất?

Một cô bé gầy gò nét mặt xanh xao bưng chiếc rổ đầy lông gà, mẩu xương hất "Soạt!" xuống đống rác, đập trúng đầu phong bì rách; nó rụt đầu lại, cả đống rác chìm trong cảnh đen tối.

Màn đêm buông xuống, có một con chó mò đến lần tìm bới xương ăn, móng chân chó cào bới trật chiếc phong bì rách ra. Trời bỗng nổi cơn giông: gió lốc cuốn phong bì rách bay lên không trung. Gió lốc ù ù gào thét: - Bạn ơi! bạn hãy nhìn kìa, mảnh trăng giống như đóa sen trắng bay lơ lửng trên bầu trời, tôi sẽ đưa bạn lên đấy rong chơi thú vị biết bao - Phong bì rách nghe thấy vậy hoảng sợ khóc lóc van nài: - Tôi không lên trời đâu, dưới mặt đất tôi còn có việc chưa hoàn thành! - Cơn lốc nói: - Thôi được! Bạn nói đúng, bạn có lý! - Cơn lốc quay ngoắt lại: phong bì rách lượn lờ bay xuống mặt đất. Lũ trẻ con đứng ở bậc cửa nhìn theo vỗ tay reo hò: - Có phải là một con quạ bị trúng tên không? - Khi nó rơi xuống mặt đất bọn trẻ chạy ùa lại đứng nhìn rồi cầm lên xem, có đứa ra vẻ hiểu biết nói: - Đây có lẽ là chiếc túi để đựng đậu xanh, đựng lạc tốt lắm, nhưng có điều là túi bẩn quá chúng ta đem ra sông tắm cho nó đi! - phong bì rách hoảng hốt kêu lên: - Không, tôi không phải là chiếc túi bằng vải ,Tôi là phong bì thư làm bằng giấy cho xuống nước tắm thì đầu, mình tôi sẽ vữa ra mất. Không thể tắm được! Không thể tắm được! - Nó giãi bày những điều đó thì ăn thua gì? Bọn trẻ đang sung sướng hoa chân múa tay, bọn trẻ nghe thấy tiếng phàn nàn của phong bì rách cũng chỉ cho là tiếng lao xao của bụi cỏ ven đường.

Nguy rồi, nguy hiểm rồi! Bọn trẻ mang phong bì rách thả xuống nước, đứa té nước, đứa kỳ cọ, chợt nghe tiếng gọi ở phía sau:

- Phong bì rách thì tắm làm sao được ?

Bọn trẻ quay lại nhìn, thì ra là cậu Vương Tiểu Nhị. Cậu ta vốn là người nơi khác đến làm thuê ở nhà máy. Hàng ngày, ngoài giờ lao động cậu thường hay qua lại nơi đây, bọn trẻ con đều quen biết Tiểu Nhị. Bọn trẻ ngây thơ hỏi:

- Phong bì thư có thể đựng lạc, đựng đậu xanh được không?

Đương nhiên là đựng được, có điều tác dụng to lớn của phong bì thư là gói ghém bao nhiêu lời nói thân mật âu yếm và yêu thương mang đi khắp bốn phương trời phân phát cho mọi người. Các bà mẹ mà nghe được lời nói của đứa con thân yêu, bà mẹ sẽ sung sướng mừng rỡ ăn thêm một bát cơm; người phụ nữ nghe được lời nói yêu thương của chồng mình, họ sẽ cảm thấy ánh nắng ấm áp tràn ngập nhà mình. Bầy ong mật cần mẫn bay trong các bụi hoa kiếm mật kháo nhau rằng: - Bọn trẻ con mà nghe được lời nói của bố, chúng nó sẽ cảm thấy như trên đầu được đội chiếc mũ mới, cắm bông hoa tươi đẹp, chúng sung sướng cười vui khoe với người này người khác.

- Anh có thể gói những lời thân thương gửi về cho mẹ anh được không?

- Được, được chứ !

- Vậy thì chúng em cho anh chiếc phong bì rách này.

Vương Tiểu Nhị nói vài lời cảm ơn bọn trẻ, cầm chiếc phong bì rách về nhà trọ, để bên cạnh bếp lò hong khô và nhẹ nhàng lau sạch bùn đất, cắt một mảnh giấy báo cũ bồi chỗ rách. Khi chiếc phong bì rách cảm thấy trong bụng được nhét vào cái gì đó, và trên mặt đang có một chiếc bút cùn run run chuyển động, nó mừng quýnh nhẩy lên reo to:

- A ha, mình sắp được làm một việc tốt, mình sẽ theo cơn gió lốc đi ngắm nhìn bông hoa sen trắng trên trời xanh.

Sáng sớm hôm sau, chiếc phong bì rách được mang đến bưu điện, một con tem màu xanh lục dán chặt trên đầu nó. Phập! một con dấu đóng đè lên, nó biết là sắp đến lúc được chuyển mình. Giá như có bạn nhỏ nào lúc ấy tò mò áp tai vào chiếc phong bì thư, chắc bạn ấy sẽ nghe thấy tiếng cười khanh khách.

Trên đường đi, phong bì rách được gói chặt trong bó thư.

- Cậu bẩn thỉu quá! bẩn thỉu quá! Đừng tựa sát vào tôi, lánh xa ra đi! - Trước mặt phong bì rách có một cô phong bì màu phớt hồng, toàn thân toát lên mùi thơm nhè nhẹ, mặt đỏ bừng nhăn nhó nhìn và nói nặng lời.

- Quả thực, tôi không muốn đứng cạnh cô, cô có trách thì oán trách nhân viên bưu điện, chính họ đã xếp tôi đứng cạnh cô đấy! - Chiếc phong bì rách miễn cưỡng cố nhích lùi lại phía sau.

- Cái lão bưu điện đáng ghét, dám xếp ta ở bên cạnh cậu hôi thối rách rưới này! Cậu có biết địa vị cao quý danh giá của tôi không? Một cô gái giầu có xinh đẹp đã liên tục hôn lên má tôi, chính tay cô còn phun nước hoa thơm ngào ngạt lên thân mình tôi. Cậu bẩn thỉu rách rưới lại được đứng cạnh tôi, suốt chặng đường đi được ngửi mùi thơm, thật là có phúc lớn đấy! Cô gái giàu có xinh đẹp của tôi còn dùng chiếc bút màu vàng tươi, nắn nót ghi trên lá thư "Cục cưng của em, anh hứa gửi cho em chiếc nhẫn nạm kim cương, sao mãi chưa thấy gửi đến?" Mặt cô ta bỗng ửng hồng. Tôi tin là gương mặt mình cũng xinh đẹp, thế mà gương mặt cô ấy còn xinh đẹp hơn nhiều! Tôi dám nói chắc là, hễ mà tôi đến được tay cục cưng của cô ấy, chiếc nhẫn nạm kim cương lập tức sẽ được gửi cho cô ấy. Cậu có biết chiếc nhẫn giá bao nhiêu tiền không? Nói ra sợ cậu chết khiếp mất: vẻn vẹn chỉ có năm nghìn đồng thôi! Ôi, tôi vinh dự biết bao! vĩ đại biết bao! cậu là kẻ rách rưới hôi thối, hãy tránh xa tôi ra một tí!

Chiếc phong bì rách nghĩ: "Chẳng lẽ việc mình làm lại thua kém việc cô ta làm chăng?".

Phong bì rách nén giận, đành nhích lại phía sau một chút.

- Ôi ! Đau quá ! Anh ép bụng tôi đau quá!

Chiếc phong bì rách thấy tiếng kêu, cố quay lại phía sau nhìn, thì ra là một Bác phong bì thư trắng, chữ ở trên mặt bác ta mờ đi quá nửa.

- Xin lỗi ! Bác thứ lỗi cho tôi ! Bác rơi xuống nước hay sao vậy?

- Không, tôi có rơi xuống nước đâu!

- Thế thì tại sao hàng chữ trên mặt bác lại nhoè đi vậy?

- Ôi thật thương tâm! Tôi giúp một người con báo tin thương tâm cho mẹ. Anh ta vừa viết thư cho mẹ vừa khóc: nước mắt rơi lã chã xuống mặt tôi, làm cho chữ bị ướt nhoà đi.

Khi phong bì thư trắng kể lại, nét mặt bác ta hằn lên những nếp nhăn, bộc lộ tâm sự đau khổ.

- Sao bác lại khóc?

- Anh ta là một người lính, một hôm không biết vì cớ gì, bỗng nhiên đánh chết viên quan chỉ huy, nên bị kết tội tử hình. Khi bị trói dẫn lên pháp trường, không chút sợ sệt, chỉ trước lúc hành quyết năm phút, nghĩ đến mẹ, anh ta khóc hu hu, viết cho mẹ một bức thư. Mẹ anh ta nghe tôi đưa tin đó đến, bà đau từng khúc ruột. Tôi nằm trong tay bà, cũng không sao cầm lòng được! Phong bì thư trắng khóc hu hu, phong bì rách cũng không cầm được nước mắt.

- Phải giết đi! Bắn ngay đi! Ai bảo nó dám đánh chết quan chỉ huy? - Cô phong bì thư mầu phớt hồng nghẹo đầu ra vẻ đắc thắng nói :

- Các người rỗi hơi nhỏ nước mắt cho nó làm gì! Địa vị cao quý của tôi chưa hề thương tiếc những kẻ sát nhân bao giờ. A-ha! chỉ cần tôi chuyển giúp cho cô gái giầu có xinh đẹp một lần tin tức, trên ngón tay của cô ta sẽ đeo một chiếc nhẫn nạm kim cương, trị giá năm nghìn đồng. Hừ, mùi hôi của các người vẫn tạt vào mũi tôi, hãy lùi ra phía sau nữa đi.

- Nhường nhịn cô hai lần rồi, còn đòi lùi nữa, mặc kệ cô ấy! cứ chen lên phía trước, xem cô ta làm gì nào? - Bác phong bì trắng nói với cậu phong bì rách, rồi cùng nhau ép lên phía trước, khiến cô phong bì phớt hồng kêu toáng lên.

Những phong bì thư khác đứng xếp phía trước, phía sau thấy chen lấn lộn xộn cùng nói: - Thôi đừng chen lấn nữa, đừng chèn ép nhau nữa, ai nấy yên phận đứng nguyên chỗ của mình có được không? Chúng ta cùng làm công việc như nhau, ai có thể cao quý hơn ai được nào?

Cô phong bì thư mầu hồng nhạt thấy không ai bênh vực mình nghẹo đầu nghẹo cổ khóc lóc thảm thương và nghĩ bụng: Hễ mình đến được chỗ cục cưng của cô gái giầu có xinh đẹp, sẽ nhờ cô ta bắn chết những kẻ không bênh vực ta!

Ngồi xổm lâu quá, các phong bì thư đều mệt mỏi ngủ thiếp đi.

"Phập!" Tiếng động như sấm dậy.

Giây bó những phong bì thư đứt bật tung, phong bì rách thò đầu ra nhìn biết bọn chúng đã được để cả trên một chiếc bàn. Hai người mặt tròn, hồng hào mặc sắc phục mầu vàng, đeo phù hiệu sáng loáng trước ngực. Mỗi người trong tay đều có một con dấu kiểm duyệt thư.

Kiểm duyệt, kiểm duyệt tiếp, cuối cùng kiểm duyệt đến cậu phong bì rách. Xoạt! phong bì rách bị xé rách một góc.

- Ôi đau! đau quá! - Mảng da ở mồm nó bị xé toác ra.

Một lão kiểm duyệt thư rút từ trong bụng phong bì rách ra một mảnh giấy thô đen, mím môi, lắc đầu nói:

Thằng khốn nào thừa giấy hay sao mà trong thư toàn viết những chuyện nghèo khó! Nghèo! Ai bảo mày không sinh vào nhà giầu có? Không chịu được cảnh nghèo đói? lại muốn tạo phản à? xé vứt nó đi !

Phong bì rách nghe nói xé nó vứt đi, vô cùng hoang mang lo sợ! phong bì thư mầu phớt hồng nhìn thấy mồm phong bì rách bị toác một miếng, trong lòng cảm thấy vui sướng, bây giờ lại nghe thấy nó bị xé vứt đi, càng vui hơn, hí hửng vẫy đuôi gật đầu.

- Bác kiểm duyệt thư ơi! Đối xử với tôi tử tế một chút nhé? nhẹ nhàng mở miệng tôi ra, xem xong dán lại cẩn thận nhé! Ôi, địa vị tôi cao quý biết bao!

- Chỉ kể nghèo, thôi kệ xác họ! - Chỉ vì câu nói trên của ông trưởng trạm bưu điện, phong bì rách mới được chính tay lão kiểm duyệt thư lạnh lùng quăng xuống bàn, đóng phập một chiếc dấu kiểm duyệt.

Phong bì rách lại lên đường. Có lẽ vì nó vừa rách vừa bẩn mà lần này người ta không bó nó chung với những phong bì thư khác, chỉ nhét vào một góc cao đựng thư báo. Nó cũng chẳng hờn oán gì, chỉ nghĩ: Mong sao được hoàn thành công việc là tốt rồi, còn bỏ vào đâu cũng được cho dù có nhét vào cổ bí tất hôi hám của anh bưu ta cũng chẳng sao.

Bước đường tiếp theo lại đến một trạm bưu điện khác. Tất cả phong bì thư đều đổ ra hết khỏi túi, duy chỉ có phong bì rách là nằm ngủ lại trong góc đáy bao.

Phong bì rách thở dài than phiền: - Ôi, chẳng lẽ lần này mình không làm nổi công việc của mình sao?

Một cậu nhân viên đưa thư mới khoảng mười bốn tuổi, tính tình cẩn thận chu đáo cậu ta biết rằng tất cả thư từ đều mang đến cho con người niềm an ủi, nên luôn lo nghĩ không để thư từ sót lại, thất lạc mất. Cậu ta thận trọng thọc tay vào bao lục tìm, phong bì rách được moi ra. Mọi người cười phá lên khi nhìn thấy nó xấu tướng, miệng bị xé rách, một góc bị bồi bằng giấy báo.

Hành trình của phòng bì rách cuối cùng cũng tới đích, nó dừng lại ở một thị trấn nghèo nơi đèo heo hút gió.

Tất cả bầu bạn cùng chuyển đi với phong bì rách đều được phân phát hết theo địa chỉ. Thế là đã hoàn thành công việc họ phải đảm đương. Chỉ còn một mình phong bì rách mấy hôm liền vẫn nằm khàn trong cuốn sổ cũ rách trên bàn, chẳng ai mang nó đi. Nỗi kinh ngạc, nghi ngờ ngày ngày hằn trên nét mặt nó:

- Việc của tôi vẫn chưa hoàn thành, tại sao cứ để tôi nằm ngủ mãi ở đây? - Cuốn sổ cũ nát ngứa ngáy trong cổ, Không nhịn được nói với phong bì rách:

- Cậu băn khoăn nghi ngờ cái gì? cậu thử nhìn lại dáng vẻ kỳ quái của bản thân mình xem! Nếu người viết thư kia không phải là dân nghèo khó thì họ dùng cậu làm quái gì? Người gửi thư nghèo túng thì chắc người nhận thư cũng đói nghèo. Thư của người nghèo, chuyển đi hay không có hề gì?

Nghe những lời đó, trong lòng phong bì rách lạnh toát như băng giá. Nó nghĩ, bác phong bì trắng kia chẳng phải đã chuyển đến tay người mẹ đáng thương đó sao? Đồng thời hình ảnh cô phong bì thư mầu hồng nhạt lại hiện ra trước mắt nó, hầu như còn nghe văng vẳng tiếng phong bì thư mầu hồng nhạt nót: - Vừa đến được địa điểm là mình được chuyển ngay đến tay cục cưng của cô gái giầu có xinh đẹp. Địa vị mình cao quí biết chừng nào !

Nửa tháng sau, một người phụ nữ nghèo túng, quần áo rách rưới bước vào cửa trạm bưu điện, rụt rè, vẻ cầu khẩn hỏi một người ở trong trạm:

- Thưa ngài, thằng Tiểu Nhị nhà tôi hai tháng nay không có thư từ gì về, không biết có thư của nó không?

Người kia lấy ra phong bì rách đã nằm ngủ quá lâu trong cuốn sổ cũ nát để ở góc bàn quầy, nói:

- Có một thư đây!

Người phụ nữ nghèo toàn thân run lên, bàn tay khẳng khiu vội cầm lấy phong bì thư, mở phong bì ra, tay run run mãi mới rút được một mảng giấy cũ ố vàng.

- Thưa Ngài, nhờ ngài đọc giùm! - Bà ta run run đưa bức thư, người kia không cầm thư, chỉ đọc lướt qua.

- Nói cái gì ạ? - Hai môi bà ta run cầm cập, giống như kẻ phạm lội đang chờ quan tòà phán quyết sống chết.

- Chẳng có gì, chỉ nói vẫn nghèo, bình an...

Bà ta cẩn thận cất lá thư và phong bì thư vào trong túi áo, vừa đi vừa nói một mình:

- Nghèo thì sợ gì? chỉ cần bình yên là mẹ yên tâm rồi...

Phong bì rách nằm trong lòng người phụ nữ nghèo, cảm nhận được trái tim nhân hậu của người Mẹ như ngọn lửa ấm tình mẹ con. Phong bì rách tự chúc mừng mình đã hoàn thành một việc to lớn, nó nhắm mắt, ngủ ngon lành trong tình thương yêu của người mẹ.

DIỆP THÁNH ĐÀO (Trung Quốc)
Nguồn: sưu tầm





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét