Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

KHÁI NIỆM VĂN HÓA GIA ĐÌNH




1. Gia đình là một thực thể văn hóa

Có nhiều cách trả lời câu hỏi "Gia đình là gì?", tuỳ theo góc nhìn của mỗi môn khoa học nhân văn và xã hội (nhân học, dân tộc học, tâm lý học, tâm lý học xã hội..). Nhưng dù trả lời bằng cách nào, thì người ta cũng phải thừa nhận những thực tế xã hội (faits sociaux) này:



a. Gia đình là thể chế xã hội cơ bản, xuất phát của con người. Nói như Jacques Sabran "Xã hội vi mô (microsociété) coi như điểm xuất phát - do đó cũng coi như cơ sở - thông thường là gia đình. Đó là xã hội vi mô đầu tiên dạy những hình thức của đời sống vật chất và đồng thời những mã giao tiếp, bắt đầu từ ngôn ngữ, những biểu hiện, những thái độ thân xác và những giá trị tinh thần, trí tuệ, tư tưởng của môi trường mà gia đình nằm trong đó cũng như của lớp xã hội bao quanh nó" (Encyclopédie de la sociologie, Larousse, Paris, 1975, tr.165).

b. Gia đình như nó vốn có chỉ tồn tại ở con người và xã hội loài người. ở những động vật khác, dù là động vật cấp cao như loài khỉ - người, chỉ có những sự kết hợp sinh học mà chưa thể có gia đình. (Cái mà một số người gọi là "gia đình" của động vật ấy chỉ là những gắn bó tính dục và bản năng, cũng như cái gọi là "xã hội" của chúng trong thực tế những bầy đàn, cho dù những bầy đàn ấy được tổ chức khá tinh vi, thậm chí có hệ thức bậc (của chúng).

Cái gì quyết định bước nhảy từ một sự kết hợp tính dục và bán năng thành gia đình như một thể chế xã hội, một "xã hội vi mô"? Đó chính là văn hóa. Thử lấy chuyện sinh con đẻ cái để nói. Như đã biết, hành vi sinh con đẻ cái bằng tính dục không phải là "độc quyền" của con người. Về mặt sinh học, giữa con người và các động vật khác, không có gì khác nhau căn bản: hai cá thể thuộc hai giới tính khác nhau - đực và cái - cùng nhau thực hiện hành vi tính dục để sinh con đẻ cái với mục đích (tự giác hay không tự giác) duy trì và phát triển giống loài. Nhưng ở con người, không chỉ có như vậy. Từ khi con người trở thành con người, ngay cả "con đực" nào cũng có thể giao phối với bất cứ "con cái" nào. ở đây đã có một sự lựa chọn có ý thức, vượt ra khỏi lĩnh vực bản năng (chẳng hạn, ở con người, điều tối ky là hành vi tính dục loạn luân, trong khi ở các động vật khác đó là một hành vi bình thường). Và ngày nay, khi con người đã phát triển đến một trình độ cao, ta thấy trong nhiều trường hợp hành vi tính dục không phải để sinh con đẻ cái mà là để thoả mãn những nhu cầu tình cảm và tinh thần của con người".


Những chức năng khác của gia đình - người ta thường gọi đó là những chức năng phi sinh học của gia đình - như những chức năng giáo dục, kinh tế, giải trí... thì chỉ thấy ở gia đình của con người mà không thấy ở những "cặp" động vật.

Như vậy, bước nhảy từ kết hợp tính dục và bản năng của động vật sang gia đình của con người mang tính văn hóa rõ rệt. Văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa là những gì con người sáng tạo nên ngoài những gì tự nhiên dành sẵn cho con người chỉ trở thành con người, và tất cả những gì có liên quan với con người đã sáng tạo ra văn hóa như một "tự nhiên thứ hai" chồng ghép lên "tự nhiên thứ nhất". Con người đã tạo nên "tự nhiên thứ hai" ấy như thế nào - đó vẫn còn là một bí ẩn lớn, cho đến nay chưa được khám phá đầy đủ. Nhưng chắc chắn là văn hóa chỉ xuất hiện với con người khi con người trở thành con người, tức là thành một thực thể sinh học - văn hóa.

(...)

Trong khi thừa nhận tác động của các yếu tố sinh học và giới tính đối với văn hóa, Malinowski nhấn mạnh tác động của văn hóa tới hai yếu tố kia, như một thứ "ảnh hưởng ngược". Và nói riêng về vai trò giới tính (một chiều căn bản của gia đình), ông đặc biệt nhấn mạnh tác động của yếu tố sinh học và yếu tố văn hóa tới vai trò giới tính ấy.

Sẽ không đúng, nếu bỏ qua những yếu tố sinh học và giới tính, nhưng sẽ càng không đúng nếu không tính đến đầy đủ yếu tố văn hóa trong sự hình thành gia đình ở con người. Gia đình ngay từ đầu là một tồn tại văn hóa, một thực thể văn hóa, tất nhiên trong mối liên hệ khăng khít với những yếu tố sinh học và giới tính. ở những trình độ phát triển thấp của con người, đã là như thế; ở trình độ phát triển cao hơn, lại càng như thế.

Có thể nói con người càng phát triển về năng lực cá nhân, về sự khẳng định cá nhân bao nhiêu, thì "tỉ trọng" của yếu tố văn hóa trong sự hình thành gia đình và trong đời sống gia đình càng tăng lên bấy nhiêu.

Vấn đề gia đình là một hiện tượng văn hóa gần đây còn được đặt ra ở một bình diện rộng lớn hơn nhưng cũng khó hiểu hơn. Trong nhận thức của nhiều người, gia đình bị chi phối bởi trạng thái xã hội "xã hội thế nào, gia đình thế ấy", mà không phải là ngược lại.

Coi gia đình là một thực thể văn hóa là tiền đề để bàn về văn hóa gia đình. Nhưng hai điều đó không đồng nhất với nhau. Bởi vì việc coi gia đình là một thực thể văn hóa chưa có nghĩa là thừa nhận "văn hóa gia đình" như một khái niệm khoa học.

Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra: có thể là có văn hóa gia đình" không? Bằng những lập luận dưới đây, chúng tôi muốn tin là có.

a. Nếu chúng ta thừa nhận gia đình là một thứ "xã hội vi mô" (hay như được gọi trong xã hội học, một "nhóm xã hội"), thì nó phải phản ánh tất cả các quan hệ xã hội và tất cả các mặt của đời sống xã hội vào bản thân nó, và theo lôgic đó, nền (hay các nền) văn hóa chung của xã hội cũng được phản ảnh vào gia đình. Điều này thấy rất rõ trong các xã hội cố xưa. Các xã hội này nói chung là các xã hội nông nghiệp, với nền "văn hóa nông nghiệp" của nó từ sản xuất đến tiêu dùng, từ tố chức sinh hoạt đến tín ngưỡng, thờ cúng. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu là dựa vào các gia đình (mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế riêng biệt), nên mọi biểu hiện của 'văn hóa nông nghiệp" (trừ những phần chung của cả cộng đồng) đều có mặt ở sinh hoạt gia đình. Lễ mừng lúa về (Lir - bong) của người Kơ - ho, lễ mừng lúa mới của người Thượng Di - Linh, hay lễ cúng cơm mới của người Kinh.... được cử hành tại mỗi gia đình là một ví dụ.")

Trong các xã hội hiện đại, với "văn hóa công nghiệp", khi gia đình không còn là đơn vị kinh tế độc lập nữa, thì sự phản ánh của văn hóa xã hội vào văn hóa gia đình không còn "trực tiếp" như vậy, nhưng vẫn có sự phản ánh đậm nét. Một ví dụ: khi xã hội tiêu dùng" xuất hiện ở các nước phương Tây với một thứ văn hóa tiêu dùng mới, thì lối sống của các gia đình cũng đổi khác. Từ chỗ coi trọng sự tiết kiệm, các gia dình xoay sang mua sắm những tiện nghi mới và chạy theo các mốt mới, không những dùng hết các khoản thu nhập của mình vào tiêu dùng, mà còn yêu cầu tín dụng (vay trước để mua sắm rồi trả dần sau) vào mục đích đó. (ở Mỹ, chẳng hạn tỷ lệ tiết kiệm trong thu nhập chỉ trong những năm gần đây đã từ 13% xuống 5%, ở Anh từ 7% xuống 3%).

Nhưng phản ánh của văn hóa xã hội vào văn hóa gia đình như vừa nói trên đây không phải là toàn bộ nội dung của văn hóa gia đình, và cũng không phải là nội dung chủ yếu của nó. Sự phản ánh ấy mang tính cơ học, hay nói đúng hơn, đó là một sự phân chia đơn giản một tổng số thành nhiều bộ phận của nó.

b. Gia đình, với tư cách một " xã hội vi mô " (một nhóm xã hội) không chỉ thụ động chịu tác động của xã hội. Nó tác động ngược lại đối với xã hội không kém, cũng tương tự như mỗi tế bào vừa chịu tác động của cơ thể chung, vừa tác động tới cơ thể. Hiện nay, chưa biết thật chắc chắn xã hội thời cổ là hình ảnh mở rộng của gia đình, hay gia đình là hình ảnh thu nhỏ của xã hội. Nhưng điều có thể biết chắc chắn là có một tác động qua lại giữa " xã hội vĩ mô " và " xã hội vi mô" là gia đình. Văn hóa xã hội và văn hóa gia đình cùng nằm trong sự tương tác chặt chẽ như vậy.

Từ thời xa xưa, người ta đã nhận thấy rất rõ tác động của văn hóa gia đình đối với văn hóa xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà nho đã gắn chặt hai giá trị "hiếu" và "trung" với nhau, cũng như đã giải thích chữ "nhân" cả ở hai cấp độ (gia đình và quốc gia). Sách đại học (trong đoạn IX) nói "nhất gia nhân, nhất quốc hưng nhân" (một nhà mà nhân hậu, thì cả nước cũng đều nhân hậu). Trong mọi thời đại, tất cả những gì diễn ra trong gia đình (từ sinh đẻ đến nuôi dạy con cái, từ làm ăn đến tiêu dùng ...) đều có ảnh hưởng rất lớn đến các quá trình xã hội. Điều đó ngay trong xã hội hiện đại, lại càng thấy rõ hơn. Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật hiện nay không hề phủ định các quan hệ gia đình và văn hóa gia đình, mà ngược lại, càng khẳng định chúng. Người lao động trong nền sản xuất hiện đại phải được chuẩn bị rất kỹ về thể chất, trí tuệ và tình cảm ngay từ lúc còn thơ ấu. Văn hóa gia đình - trước hết là việc nuôi dạy con cái và chuẩn bị cho chúng bước vào sản xuất hiện đại - đòi hỏi gia đình phải chăm sóc cho con cái ở một trình độ cao hơn trước nhiều. Người ta đã thấy rõ rằng gia đình là một động lực to lớn để làm tăng giá trị toàn bộ của cải xã hội, như Iu. Vasilchuk nhấn mạnh trong bài "Con người đắt" của thời đại cách mạng khoa học - kỹ thuật (tạp chí MEi MO, số 11, 1991).

Tất cả những gì được thực hiện trong gia đình nhằm góp phần và thúc đấy sự phát triển xã hội - mà đó chính là những việc thuộc về lĩnh vực văn hóa - đều có thể được coi như một bộ phận hợp thành của khai niệm "văn hóa gia đình".

Về mặt này, xin nói thêm một điểm rất cần thiết. Tác động của gia đình và văn hóa gia đình đối với sự phát triển xã hội và văn hóa xã hội xét đến cùng, chính là tác động của cá nhân đối với xã hội. Nhưng tác động của cá nhân thường là thông qua gia đình, vì gia đình là cái nôi đầu tiên hình thành nhân cách cá nhân, là môi trường xã hội hoá đầu tiên của cá nhân, là nơi tái sản xuất các cá nhân, gia đình và xã hội như sau:

(...)

Các khâu trong sự tác động qua lại ấy có những vị trí khác nhau trong những trạng thái xã hội khác nhau. Trong các xã hội truyền thống, cá nhân dường như bị chìm đi trong môi trường gia đình, do đó cá nhân dường như không có tác động qua lại trực tiếp với xã hội.Trong các xã hội hiện đại, gia đình dường như bị thu hẹp lại so với hai khâu kia, nhưng nó không bị triệt tiêu. Ngược lại là khác. Trong giai đoạn văn minh mới, chính vì tất cả các cá nhân trong gia đình trở thành những chủ thể thật sự của gia đình, nên gia đình lại được khẳng định mạnh mẽ hơn, dù các quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình trở nên "mong manh" (fragile) hơn.

c. Hai nội dung nói trên là những bộ phận hợp thành của khái niệm "văn hóa gia đình", thiếu một nội dung nào cũng sẽ làm què quặt và biến dạng khái niệm đó. Cà hai nội dung nói trên đều được đặt ra trên bình diện tác động qua lại giữa gia dình và xã hội, giữa văn hóa gia đình và văn hóa xã hội, coi hai mặt đó như tiền đề của nhau. Nhưng còn một nội dung khác có thể coi là "cốt lõi" của gia đình và văn hóa gia đình: đó là những quan hệ thuần tuý gia đình với "chất văn hóa" riêng của chúng, vì ngoài gia đình ra, không thể tìm thấy các quan hệ ấy ở bất cứ một "nhóm xã hội", một "thực thể xã hội" nào khác.

Vậy thì, những nội dung thuần tuý gia đình ấy của khái niệm "văn hóa gia đình "là những gì?

Có thể có nhiều cách xem xét những nội dung này.

Cách xem xét theo trình tự những mốc quan trọng nhất của một đời người trong khuôn khổ gia đình: sinh ra, được nuôi dạy, trưởng thành, yêu đương, kết hôn, đẻ con, nuôi dạy con, v.v... cho đến tuổi già và chết đi. Tất cả những sự kiện ấy đều mang theo những nội dung văn hóá nhất định. Chúng dụng tối những nhận thức và tình cảm sâu sắc và thiêng liêng nhất của con người. Con người nhận thức được về địa vị thân phận xã hội của cá nhân mình thông qua nhận thức về địa vị và thân phận của gia đình mình. Những tình cảm mạnh mẽ nhất của con người cũng biểu hiện trước hết trong các quan hệ gia đình: tình yêu lứa đôi, tình nghĩa vợ chồng, tình cha - con, mẹ - con, tình anh chị em, tình họ hàng, sự tôn kính tổ tiên, v.v.....Những nhận thức và tình cảm gia đình ấy được phản ảnh vào những phong tục tập quán, những nghi lễ có liên quan với đời sống gia đình (mừng sinh con, lễ cưới, giỗ chạp, lễ tang...), mà tộc người nào trên thế giới cũng có, chỉ có khác nhau về hình thức. Trong Việt Nam phong tục, Phan Kế Bính đã mô tả khá đầy đủ những nghi lễ gia đình trong xã hội nước ta ngày xưa. Đó là chưa nói tới những cách nuôi dạy con khác nhau trong mỗi gia đình, gắn chặt với quan niệm sống, với trình độ giáo dục, với thiên hướng nghề nghiệp.... tức là với những gì mang tính chất văn hóa rõ rệt. ở Trung Quốc và ở Việt Nam, thứ "văn hóa thuần túy gia đình" này từ xưa đã có tên gọi: gia phong (nếp nhà) được xem như một trong những nền tảng văn hiến của dân tộc.

Ở đây, chưa bàn xem "văn hóa gia đình" nhất là "văn hóa thuần tuý gia đình" (gia phong) ấy mang những nội dung tích cực hay tiêu cực, đúng hay sai, mà chỉ cốt nhấn mạnh một điều: gia phong là có thật. Có lúc khái niệm này gần như bị loại trừ, nhưng rồi nó vẫn sống lại, như đang thấy hiện nay.

Cách xem xét "văn hóa gia đình theo quan điểm xã hội học, gắn liền với chức năng của gia đình với tư cách một thể chế xã hội. Cách xem xét này gắn với hai nội dung thứ nhất và thứ hai của "văn hóa gia đình", vì nó lấy mỗi liên hệ giữa gia đình và xã hội làm cơ sở, nhưng cũng chú trọng tới những chức năng thuần túý gia đình, hay những chức năng trong khuôn khổ gia đình, như.

- Chức năng tính dục lứa đôi;

- Chức năng tái sinh sản (sinh đẻ);

- Chức năng xã hội hoá trẻ em (nuôi dạy con cái trong khuôn khổ gia đình);

- Chức năng tiêu dùng;

V.V...

Cũng về mặt xã hội học, gia đình (và gắn liền với nó là văn hóa gia đình) còn được xem xét về mặt cấu trúc của nó. Đại gia đình gia trưởng có văn hóa gia đình khác với gia đình hạt nhân, dân chủ. Trong kiếu gia đình thứ nhất, sự phục tùng của vợ đối với chồng, của con cái đối với bố mẹ là nguyên tắc. Trong kiếu gia đình thứ hai, quan hệ vợ - chồng, bố mẹ - con cái được thiêt lập theo tinh thần dân chủ.

Dù xem xét theo cách nào, thì văn hóa gia đình cũng được hiếu như là một tập hợp của những biểu hiện văn hóa gắn liền với các mặt quan hệ và đời sống gia đình. Khái niệm "văn hóa gia đình" như vậy là có những nội dung riêng của nó. Khái niệm này nằm trong chuỗi khái niệm "văn hóa xã hội", "văn hóa cộng đồng", chỉ khác nhau về cấp độ, mà không khác nhau về tính phức hợp của chúng.

Đúng là cho đến nay, trên sách báo gần như không thấy xuất hiện khái niệm "văn hóa gia đình". Nhưng đó không phải là lý do để phủ nhận nó. (Vả chăng trong đời sống hiện thực, người ta đã nói tới "gia đình văn hóa", thậm chí có cả một phong trào xây dựng các "gia đình văn hóa". Nếu không lấy "văn hóa gia đình" làm khái niệm cơ sở, thì không biết xây dựng "gia đình văn hóa" theo cách hiểu nào).

Văn hóa gia đình, giống như các phạm trù văn hóa khác, có những thuộc tính ấy. ở đây, xin nói thêm một thuộc tính khác, không thể bỏ qua. Đó là tính kế thừa của văn hóa gia đình, của gia phong.

Như đã biết, cá nhân mang tính di truyền sinh học, kế thừa những đặc tính di truyền của bố mẹ và các thế hệ tổ tiên về mặt sinh học. Nhưng xã hội - với tư cách một tập hợp người có những nguồn gốc di truyền sinh học khác nhau - lại không mang tính di truyền sinh học đó. Nói như Carl Gustav Jung, sự kế thừa của xã hội là sự kế thừa về mặt văn hóa, mà văn hóa, mà nguồn gốc của nó là cái mà ông gọi là "vô thức tập thể". "Vô thức tập thế (inconscient collectif) được cấu tạo từ những mẫu gốc (archétypes). Còn những mẫu gốc ấy lại là "một thiên hướng luôn luôn lặp đi lặp lại cùng những hình ảnh huyền thoại ấy hay những hình ảnh tương tự", nó "vừa là tình cảm vừa là tư duy", theo cách giải thích của Jung. ở những cộng đồng bền vững, như cộng đồng tộc người (communauté ethnique), những mẫu gốc dưới dạng những hình ảnh huyền thoại và những hình ảnh tương tự thường được truyền thụ từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà thành một ý thức và một tình cảm chung, hay nói cách khác, tâm thức của một tộc người nhất định. Là người thuộc tộc Việt chẳng hạn, ai cũng thấy mình có một nguồn gốc chung từ trong cái bọc trăm trứng do Âu Cơ, vợ Lạc Long Quân đẻ ra. Huyền thoại ấy đúng hay không đúng, đó là một việc. Còn từ trong tâm thức sâu thắm, mọi người Việt đều coi mình là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, lại là một việc khác. Những huyền thoại như vậy đã tạo nên một thứ "vô thức tập thể" với những mẫu gốc mang tính di truyền văn hóa, cũng sâu sắc không kém tính di truyền sinh học.

Gia đình là khâu nối giữa cá nhân và xã hội, nó vừa mang tính di truyền sinh học vừa mang tính di truyền văn hóa. Trong hiểu biết thông thường, tính di truyền văn hóa chẳng hạn, ở những gia đình có thành đạt lâu đời được gọi là "con dòng cháu giống". Thứ "vô thức tập thể của gia đình và dòng tộc ấy là một yếu tố rất quan trọng trong "văn hóa gia đình". Đó là lẽ tại sao khi văn hóa gia đình được phục hồi, thì những truyền thuyết về dòng họ, những di chỉ của dòng họ (nhất là nhà thờ và mồ mả) cũng được phục hồi.

2. Các hệ giá trị của văn hóa gia đình

Văn hóa gia đình, cũng như tất cả các thứ văn hóa khác, không đứng im, mà vận động theo tiến trình lịch sử chung và theo tiến trình phát triển riêng của nó.

Xem xét sự vận động và phát triển của văn hóa gia đình, chúng tôi chọn cái quan trọng nhất của nó: đó là hệ giá trị văn hóa gia đình, tức là cái chi phối toàn bộ, hoặc gần như toàn bộ, những biểu hiện văn hóa gắn liền với gia đình.

Các giá trị văn hóa gia đình bao gồm những giá trị gì? Trước hết, đó là những giá trị gắn với các quan hệ bên trong gia đình (cấu trúc). Và đi đôi với những giá trị đó là những giá trị gắn liền với các quan hệ giữa gia đình và các thành viên của nó với xã hội (chức năng). Nói gọn lại, đó là những giá trị câu trúc và chức năng của văn hóa gia đình. Cả hai loại giá trị đó hợp thành hệ giá trị (systeme de valeurs) của văn hóa gia đình. (Trong hai loại giá trị ấy, loại giá trị nào là cơ bản, ý kiến còn khác nhau, nhưng nhiều nhà nghiên cứu coi hai loại giá trị đó như hai mặt của một tấm huy chương, có mặt này không thể không có mặt kia).

Về loại giá trị thứ nhất: các giá trị cấu trúc. Xét theo trục tự do/phục tùng, chẳng hạn, có những loại giá trị khác nhau sau đây:

- Về hôn nhân, mỗi kiểu gia đình phù hợp với một "thủ tục lý tưởng" về quyết định hôn nhận. Gia đình hạt nhân cho phép các cá nhân tự do lựa chọn vợ (hay chồng) của mình. Trong khi các gia đình uy quyền và cộng đồng, thì bố mẹ có tiếng nói quyết định trong việc lựa chọn vợ (hay chồng) cho con cái, ở đây hôn nhân nói chung là được "xếp đặt" từ bố mẹ.

- Về sự chung sống, gia đình hạt nhân chỉ bao gồm nhiều nhất hai thế hệ (bố mẹ và con cái chưa sống độc lập), có trường hợp chỉ gồm một thế hệ (vợ chồng chưa có con hay không có con). Còn các gia đình uy quyền hay cộng đồng, thì thường bao gồm ba thế hệ (ông bà, bố mẹ và con cái), có khi còn nhiều hơn.

- Về quyền quyết định trong gia đình, thì gia đình hạt nhân (trước hết là bố mẹ) thường bàn bạc với nhau để có những quyết định các vấn đề thuộc đời sống gia dình. Còn trong các gia đình uy quyền, quyền quyết định (có bàn bạc trước hay không) cuối cùng là của người chủ gia đình, và đó thường là người đàn ông có thứ bậc cao nhất trong gia đình.

Căn cứ vào những điểm trên đây, người ta thường phân loại thành hai loại văn hóa gia đình khác nhau: văn hóa gia đình gia trưởng và văn hóa gia đình dân chủ. (Trong thực tế, các loại văn hóa gia đình ấy không biểu hiện thuần tuý như thế, đây chỉ nói về đại thể).

Về loại giá trị thứ hai: Các gia trị chức năng. Gia đình đóng vai trò gì trong xã hội, và vai trò đó phù hợp (hay không phù hợp) với sự phát triển xã hội đến mức nào - đó là thực chất của các giá trị chức năng này. Xin nêu lên vài ví dụ.

Về vấn đề tái sinh sản của con người, gia đình đóng vai trò chủ yếu, nếu không phải là duy nhất (trừ những trường hợp sinh đẻ ngoài khuôn khổ gia đình rất hiếm thấy trong các xã hội truyền thống). Dân số một nước gia tăng (hay giảm bớt) đến mức nào, sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em ở trong trạng thái nào, những điều đó phụ thuộc rất lớn vào gia đình và văn hóa gia đình.

Hoặc về vấn đề xã hội hóa con cái, cũng như vậy. Gia đình có làm được chức năng xã hội hóá con cái (chuẩn bị cho con cái trở thành những thành viên của xã hội) hay không, làm được đến mức nào, điều đó có tác dụng không nhỏ tới sự phát triển xã hội, như nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh.

Hoặc về vấn đề đảm bảo ổn định của xã hội, người ta thấy rõ tính ổn định của gia đình là một trong những nhân tố chủ yếu bảo đảm tính ổn định là một trong những nhân tố chủ yếu bảo đảm tính ổn định của xã hội. Hai loại giá trị kể trên (giá trị cấu trúc và giá trị chức năng) thường kết hợp rất mật thiết với nhau. (Chẳng hạn, trong xã hội truyền thống ngày xưa, khái niệm "hiếu" được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với khái niệm "trung". Tuy rằng, "trung" được đặt cao hơn "hiếu", nhưng kẻ bất hiếu sẽ bị nghi ngờ về đức "trung": "hiếu giả sở dĩ sự quân giả" (có hiếu mới thờ được vua), như sách Đại học đã viết khi giải thích câu "trị quốc, tất tiền tề kỳ gia"). Nhưng cũng có khi hai giá trị ấy không ăn khớp nhau. Các giá trị chức năng thường năng động hơn các giá trị cấu trúc. Và trong lịch sử, những thay đổi về hệ giá trị văn hóa gia đình thường bắt đầu từ những thay đổi của các giá trị chức năng. Nhưng chỉ khi nào các giá trị cấu trúc thay đổi theo, thì khi đó hệ giá trị văn hóa gia đình mới thay đổi một cách triệt để. Có thể thấy rõ điều đó qua những mâu thuẫn giữa các giá trị cấu trúc của văn hóa gia đình truyền thống với các giá trị chức năng của văn hóa gia đình hiện đại. Khi xã hội đòi hỏi và cho phép các cá nhân trực tiếp tham gia đời sống xã hội, bắt đầu từ khâu sản xuất trở đi, thì cấu trúc gia đình kiểu gia trưởng không thích hợp nữa. Khi đó, như đã thấy trong lịch sử, xuất hiện, hiện tượng "cá nhân tự giải phóng khỏi gia đình". Hiện tượng ấy có khi mang mầu sắc cực đoan, đi tới chỗ phủ định gia đình. Gia đình, trong những trường hợp đó hay những trường hợp tương tự, bị phủ định đến mức không còn được coi là một đơn vị xã hội. Và tất nhiên, các giá trị văn hóa gia đình cũng bị phủ định. Nhưng sớm hay muộn, các giá trị đó vẫn quay trở lại với con người, vì gia đình là một thể chế xã hội sinh học - văn hóa mà người ta không thể nào bỏ qua được, tuy các giá trị văn hóa gia đình được phục hồi ấy có những thay đổi về chất.

Nói như vậy, cốt để nói rằng giá trị văn hóa gia đình mang trong bản thân nó những mâu thuẫn nhất định, đặc biệt là khi xã hội chuyển động từ trạng thái này sang trạng thái khác. Đó chính là thời kỳ khủng hoảng của hệ giá trị văn hóa gia đình, mà chúng ta đang chứng kiến trên đất nước mình hiện nay.


(...)

Sẽ phạm một thiếu sót căn bản, nếu chỉ giới hạn các giá trị văn hóa gia đình vào đời sống hiện hữu, vào các quan hệ hiện hữu của gia đình các thành viên của nó như đã trình bày trên đây. Trong đời sống con người, ngoài mặt hiện hữu ra, còn có mặt tâm linh của nó. Về mặt cá nhân đã như vậy, mà về mặt cộng đồng (gia đình, làng xã, dân tộc) càng như vậy. Nếu mặt hiện hữu của đời sống con người có thể nhận thức qua những tiêu chuẩn sờ mó được, có thể đánh giá qua những lợi ích nhất định, thì mặt tâm linh bao giờ cũng gắn liền với cái gì đó rất trừu tượng, rất mung lung, nhưng lại không thể thiếu ở con người. Con người sở dĩ trở thành con người, một phần căn bản là do nó có đời sống tâm linh, nghĩa là tuân theo, tôn thờ những giá trị không vụ lợi, những giá trị, bắt nguồn từ cái thiêng liêng (le sacre") và cái bí ẩn (T'inconnu), hai yếu tố tạo thành đời sống tâm linh của nó.

Những giá trị tâm linh ấy hết sức bền vững, và có thể nói đó là một hằng số của văn hóa gia đình. Không một sự thay đổi nào về trạng thái xã hội, về cấu trúc và chức năng gia đình có thể làm cho những giá trị tâm linh ấy mất đi. Lý do thật đơn giản: nếu những giá trị ấy mất đi thì con người không tồn tại như con người nữa.

Chính vì những giá trị tâm linh ấy, xét tới cùng, là nhân tố chủ yếu để gia đình được duy trì như một thực thể sinh học - văn hóa mà chỉ ở con người mới có. Các hình thức gia đình có thể thay đổi, hình thức này có thể thay thế cho hình thức khác. Các giá trị cấu trúc và chức năng của văn hóa gia đình thì vẫn tồn tại vĩnh cửu chừng nào con người còn tồn tại. Đó chính là hạt nhân bất biến của gia đình và văn hóa gia đình. Vì thế, sơ đồ hệ giá trị văn hóa gia đình trên đây có thể được vẽ thành sơ đồ sau đây:

3. Những xung đột của các hệ giá trị văn hóa gia đình ở nước ta hiện nay

Trong xã hội Việt Nam hiện nay (và có lẽ trong nhiều xã hội nước ngoài khác), đang tồn tại không phải chỉ một mà là hai hay ba hệ giá trị văn hóa gia đình khác nhau.

Trong lĩnh vực văn hóa gia đình, ta đang thừa kế những giá trị cũ, từng tồn tại nhiều thế kỷ, ít nhất cũng nhiều thập kỷ trước đây.

Về đại thể, có thể phân chia thành ba thời kỳ lịch sử với ba hệ giá trị văn hóa gia đình như sau:

- Thời kỳ trước cuối thế kỷ XIX: Xã hội truyền thống với gia đình truyền thống tương đối thuần túý. Trong gia đình truyền thống, cá nhân hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình, chỉ tồn tại như một thành viên của gia đình. Đó là gia đình kiểu gia trưởng, người đứng đầu gia đình có quyền quyết định tất cả, từ tài sản đến dựng vợ gả chồng cho con cái. Vị trí phụ nữ trong gia đình luôn luôn là thứ yếu, theo đạo lý "tam tòng" (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử): Tóm lại, giá trị chi phối các quan hệ gia đình không phải là tự do của các cá nhân thành viên trong gia đình, mà là phụ thuộc và phục tùng. Cũng vậy, giá trị chi phối các quan hệ bên ngoài của gia đình là quan hệ phục tùng của gia đình, với tư cách "thần dân", đối với Nhà nước (nhà vua, triều đình, quan lại, chức sắc...).

- Thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX: Hình thức gia đình bắt đầu có những biến đổi, do những điều kiện xã hội - kinh tế và văn hóa đem lại, theo hướng hình thành những gia đình hạt nhân, chủ yếu ở các thành phố, đô thị. Cá nhân bắt đầu tự ý thức và tự khẳng định mình trong các quan hệ gia đình từ những phản ánh còn yếu ớt, tiêu cực đối với chế độ gia trưởng khắc nghiệt (tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn in dấu rất rõ những phản ứng này). Nói chung, gia đình ở nông thôn vẫn mang những giá trị truyền thống. Sự "giải phóng cá nhân" ở các gia đình đô thị còn nửa vời. Và trong các quan hệ với Nhà nước, gia đình vẫn ở địa vị phục tùng gần như tuyệt đối.

- Thời kỳ từ Cách mạng tháng Tám 1945: Với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc có xu hướng dân chủ này, các hệ giá trị văn hóa gia đình trải qua những biến đổi hết sức quan trọng. Các cá nhân trưởng thành trong gia đình không chỉ tồn tại với tư cách thành viên của gia đình, mà còn tồn tại với tư cách công dân. Đặc biệt, nguyên tắc "nam nữ bình đẳng" do cuộc cách mạng đề xướng đã làm thay đổi địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Người vợ dần dần thoát khỏi sự phụ thuộc vào bố mẹ. Cách mạng và kháng chiến đã kéo hàng triệu người ra khỏi khuôn khổ gia đình và đưa họ vào những lĩnh vực hoạt động khác nhau. ở một mức độ nào đó, những biến động trong chiến tranh có gây cản trở các quan hệ gia đình và do đó, cũng làm xáo trộn các giá trị văn hóa gia đình. Nhưng nhìn chung các giá trị văn hóa gia đình mới vẫn thúc đẩy sự hình thành ý thức tự do cá nhân và ý thức dân chủ trong gia đình, và đó là một trong những thành tựu xã hội và văn hóa lớn của cách mạng và kháng chiến.

Cuộc cải cách ruộng đất, trong một số trường hợp dẫn tới phá bỏ các quan hệ gia đình truyền thống (những thành viên trong gia đình và tộc họ tố lẫn nhau...) đã gây nên một chấn thương tinh thần nghiêm trọng cho những gia đình ấy và cho các giá trị văn hóa gia đình. Song đó chỉ là điểm, và chúng ta đã kịp thời uốn nắn.

Trong hoàn cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay, thật khó phân định rành mạch các hệ giá trị văn hóa gia đình đang có. Nói chung, ở Việt Nam đang diễn ra quá trình chuyển biến từ gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Bằng những quan sát kinh nghiệm, cũng có thể nhìn thấy, về đại thể, hiện có ba hệ giá trị văn hóa gia đình khác nhau:

- Hệ giá trị văn hóa gia đình bảo thủ (cố duy trì những giá trị văn hóa gia đình "thần dân", gia trưởng mang tính uy quyền và tính cộng đồng);

- Hệ giá trị văn hóa gia đình hãnh tiến (cắt đứt với những giá trị truyền thống tốt đẹp, với giá trị tâm linh của gia đình; chủ nghĩa vụ lợi trâng tráo dẫn tới chỗ phá hoại những quan hệ gia đình vốn có v.v...)

- Hệ giá trị phục hưng - cách tân (khôi phục và củng cố gia đình trên cơ sở những truyền thống tốt đẹp; xây dựng gia đình hạt nhân bền vững, vừa bảo đảm tính độc lập của cá nhân thành viên trong gia đình, vừa bảo đảm sự cố kết gia đình trên cơ sở dân chủ, bình đắng, hướng tới những hoạt động bên trong và bên ngoài gia đình phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; hướng tới gia đình công dân trong một xã hội công dân v.v...).

Với hệ giá trị văn hóa gia đình thứ ba này, chúng ta sẽ có một kiểu gia đình nằm trong dây chuỗi hài hòa "cá nhân - gia đình - xã hội - tự nhiên" hết sức cần thiết cho sự phát triển bình thường và ngày càng cao của con người và xã hội.

KIẾN GIANG
Nguồn: Gia đình Việt Nam - các giá trị truyền thống và những vấn đề tâm - bệnh lí xã hội, chương 43.

CHÚ THÍCH:


(*) Jane van Lwick - Goodall, một nhà nữ bác học Anh, đã dành mười năm khảo sát đời sống của loài khỉ chimpaze' tại một khu rừng châu Phi, sau đó đã viết nhiều công trình khoa học về loài khỉ gần gũi nhất với loài người về mặt sinh học này. Trong cuốn Những con khỉ chimpanze' và tôi (Stock, Pari, 1981), bà đã viết về những quan hệ tính dục khác giới của loài khỉ và của loài người như sau: "Sự khác nhau rõ rệt giữa hai giống loài này, là đàn ông và đàn bà có khả năng tạo dựng và duy trì những mối liên hệ một vợ một chồng, về thể chất và tinh thần, một cách lâu dài còn loài chimpanze' thì không biết tới kiểu liên hệ đó. Đúng là người ta còn thấy những kiểu quan hệ khác nữa giữa đàn ông và đàn bà. Trong thực tế, trên khắp thế giới đều xảy ra ít nhiều tình trạng những người thuộc giống đực có xu hướng không chỉ bằng lòng với chỉ một bạn cặp đôi... Nói chung, những liên hệ tính dục ở loài người đạt tới chỗ " trung thành" của cặp đôi, trong khi đó "loài chimpanze' tuyệt nhiên không quan tâm tới sự trung thành" (sách đã dẫn, tr 210-211). Nói cách khác quan hệ tình dục ở loài chimpangé chưa mang một giá trị tinh thần (sự trung thành) như ở loài người.


*) Trong tìm hiểu phong tục Việt Nam, Toan Ánh mô tả lễ mừng lúa mới của người Thượng Di - Linh như sau" "Cuộc lễ bắt đầu. Gia trưởng cầm chiếc cần uống rượu đưa qua mọi người trong gia đình để cúng thần linh bằng điệu hát đều đều...Lễ ở dưới vựa thóc này đã xong. Đến lượt lễ trên vựa thóc. Gia trưởng và mọi người ngồi lên đỉnh vựa thóc. Sự kiện leo từ dưới lên trên vựa thóc này là dấu hiệu mừng ngày xuân mới. Người gia trưởng quì trên đống thóc giống cầu khấn và giết một con gà lấy máu vấy trên thóc và xin thần linh để những hạt giống này sinh sôi nẩy nở mau chóng để tránh những vụ giáp hạt "(tr. 45 - 45).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét