Thứ Hai, 15 tháng 4, 2024

VAI TRÒ CỦA GIA ĐÌNH ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ THƠ





Lúc mới sinh ra, tất cả trẻ em đều được cha mẹ nuôi dưỡng trong tổ ấm, đến một độ tuổi nào đó mới ra với đời, mới hòa nhập được vào cộng đồng xã hội.

Tổ ấm của trẻ em là gia đình, là môi trường văn hóa, được tạo dựng nên trên cơ sở tình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của những người ruột thịt trong gia đình - gọi là văn hoá gia đình.

Văn hóa gia đình là một môi trường đặc biệt rất phù hợp với sự phát triển của trẻ thơ. Trước hết vì đó là môi trường an toàn, trong đó đứa trẻ lớn lên bên cạnh những người ruột thịt, luôn được thương yêu ấp ủ; môi trường đó tạo nên ở trẻ cảm giác an toàn về mặt tâm lí. Do trẻ luôn được chăm sóc nên tạo ra ở trẻ cảm giác an toàn về mặt thể chất. Nhờ có cảm giác an toàn đó, đứa trẻ mới cảm thấy yên tâm, mới vui tươi hồn nhiên, mới mạnh dạn thăm dò, thử nghiệm, tìm cách tác động lên sự vật xung quanh để phát huy những khả năng về sinh lí và tâm lí đang sinh sôi nảy nở. Mất đi cái cảm giác an toàn, đứa trẻ luôn sợ hãi, dễ co mình lại, giảm tính tích cực năng động và thường xuyên rơi vào tình trạng thụ động, buồn bã.

Gia đình còn là một môi trường phong phú. Trong nhà thường có ông bà, cha mẹ, anh chị em, tạo ra những mối quan hệ đa dạng giữa nhiều người ở những thế hệ và độ tuổi khác nhau. Thế giới đổ vật trong nhà, từ những đồ dùng hàng ngày đến vật nuối, cây trồng... đều muôn màu muôn vẻ. Ở nông thôn, môi trường nhà - vườn, với hoạt động trồng trọt, chăn nuối, nghề thủ công... tạo điều kiện cho trẻ có thể làm quen với môi trường xung quanh, biết con dao, cái chén, cái rổ, cái cối xay dùng để làm gì, biết con chó, con mèo, trâu, bò, lợn, gà ra sao, biết cả những loại cây cối, hoa quả trong vườn. Hơn nữa, trẻ còn có thể tham gia vào các công việc trong nhà tuỳ theo khả năng của mình như lấy các đồ vật giúp người lớn, hay nhặt rau, quét nhà, cho gà ăn... Trẻ có dịp thăm dò thử nghiệm sử dụng các đồ vật trong nhà, qua đó mà trẻ nắm được một số kinh nghiệm sống cần thiết.

Có thể nói văn hóa gia đình là môi trường an toàn và phong phú, trong đó trẻ được nuôi dưỡng và dạy dỗ theo một phương thức đặc biệt - Phương thức gia đình - khác với phương thức nhà trường.

Phương thức tác động của gia đình đối với trẻ em có những đặc điểm sau đây:

1) Gia đình chăm sóc trẻ em bằng tình thương yêu ruột thịt. Đó là một tình cảm đặc biệt mà người lớn dành cho trẻ em nhỏ trong gia đình. Trên cơ sở tình yêu thương ruột thịt mà nuồi dưỡng (tức là chăm sóc cả đời sống thể chất lẫn tinh thần) và dạy dỗ (tức là dạy mà dỗ dành cho trẻ theo mình) trẻ em, nghĩa là nuôi dạy bằng tình thương. Người lớn trong gia đình hết lòng vì đứa trẻ, và nổi bật lên tất cả là vai trò người mẹ, với hai đức tính đặc trưng là nhạy cảm và sẵn sàng đối với sự phát triển của đứa con. Nhờ tính nhạy cảm, người mẹ dễ dàng phát hiện được những biến đổi dù là rất nhỏ về tính tình cũng như sức khoẻ của đứa con. Nhờ tính sẵn sàng mà người mẹ bao giờ cũng đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của đứa trẻ, không trừ một khó khăn trở ngại nào.

Chỉ có trong gia đình đứa trẻ mới hưởng được đầy đủ tình yêu thương mới có những phút vui đùa thích thú bên mẹ, trò chuyện thủ thỉ với người thân, được vỗ về âu yếm khi ăn, khi ngủ. Sống trong môi trường tràn ngập tình yêu thương ấy đứa trẻ sẽ được thỏa mãn nhu cầu về tình cảm mang tính chất ruột thịt để phát triển. Đó là những giây phút hạnh phúc rất cần cho sự lớn lên cả thể xác lẫn tinh thần của trẻ. Có thể gọi đây là những "niềm vui phát triển" được coi như liều thuốc bổ cả về tâm thần lẫn thể tạng, mà nếu thiếu hụt thì trẻ sẽ bị héo hon chậm phát triển.

2) Người lớn trong gia đình dạy trẻ bằng giao tiếp trực tiếp và thường xuyên với nó. Người lớn có thể vừa làm việc nhà, vừa theo dõi dạy dỗ con cái, tập dượt cho con khôn lớn. Con hỏi mẹ đáp, mẹ gọi con thưa, mẹ kể con nghe, mẹ ru con thưởng thức, con nói sai mẹ sửa, con làm sai mẹ ngăn ngừa... Đó là phương thức nuôi dạy thường diễn ra trong các gia đình. Phương thức này không cần chương trình, bài bản một cách hệ thống. Người lớn dạy trẻ thường xuyên ở mọi nơi, mọi lúc, trong các tình huống của cuộc sống thực ở xung quanh. Có thể nói đứa trẻ đã lớn lên bên cạnh mẹ, bên cạnh những người thân yêu ruột thịt, qua đó trẻ học ăn, học nói, học gói, học mở... học làm người một cách tự nhiên và nhẹ nhàng.

3) Gia đình không tiến hành tác động đồng loạt với trẻ em trong nhóm hay trong tập thể, mà chăm sóc dạy dỗ từng cháu một (kể cả với các trẻ sinh đôi), do đó đứa trẻ có điều kiện được chăm sóc chu đáo, tỉ mỉ từ lúc ngủ tới bữa ăn, được bảo ban cặn kẽ từ lời ăn tiếng nói, từ cách đi, đứng đến những cách ứng xử thông thường trong cuộc sống, đáp ứng kịp thời các nhu cầu phù hợp với thể trạng và nét tâm lí riêng của từng cháu.

Trong gia đình (nhất là trong gia đình cổ truyền) lại thường có nhiều thành viên khác nhau, và mỗi người ít nhiều đều có tham gia vào việc chăm sóc nuôi dạy trẻ, dù có ý thức hay không ý thức nhưng đều tác động mạnh mẽ đến đứa trẻ. Nếu ở trường mẫu giáo, một cô dạy nhiều cháu, thì ngược lại, ở nhà một đứa trẻ lại có thể nhận được sự chăm sóc dạy bảo của nhiều người ở những độ tuổi và tính cách khác nhau. Trong mối giao tiếp phong phú ở gia đình, đứa trẻ được tiếp thu những điều mới lạ, rất khác nhau, tạo ra cho nó những cảm xúc mang nhiều sắc thái phong phú (như ông bà kể chuyện cổ tích, anh chị bầy các trò chơi...). Khi đứa trẻ trở thành trung tâm của sự chăm sóc và dạy bảo của tất cả mọi thành viên trong gia đình thì đó là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt của nó.

4) Tác động gia đình thường bằng nhiều hình thức mang tính chất tích hợp và đượm màu sắc nghệ thuật. Trước hết, đó là việc nuôi và dạy được kết hợp một cách tự nhiên, khéo léo: cho con ăn mẹ có thể trò chuyện, bảo ban nhiều điều, ru con ngủ mẹ có thể cho con nghe những làn điệu dân ca, những câu thơ hay. Ở đây chẳng hề có chương trình bài bản của các môn học, vậy mà người mẹ đã truyền lại cho con biết bao điều hiểu biết: Đó là những lời ăn tiếng nói trong cuộc sống hàng ngày, lời ru câu hát, những chuyện cổ tích, ngụ ngôn, những ý niệm cơ bản về thiện và ác. Tóm lại, người mẹ đã đưa con vào thế giới của những giá trị văn hóa mà gia đình đã thừa nhận và thực hiện hàng ngày. Đặc biệt là qua lời ru, mẹ đã dạy cho con nghệ thuật âm nhạc và thơ ca dân tộc để con biết yêu vẻ đẹp thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu bà con xóm làng, từ đó mà thêm giàu lòng nhân ái.

Chính thông qua nhiều hình thức nghệ thuật dân gian (kể cả những đồ chơi và trò chơi) mà nhiều người trong gia đình có thể truyền cho trẻ em những tinh hoa của nền văn hóa dân tộc.

Nhờ phương thức tác động đặc biệt này, gia đình có ảnh hưởng tuyệt đối trong quá trình phát triển của trẻ thơ. Trẻ em đã tiếp thu văn hoá gia đình một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, mà hiệu quả lại cao. Văn hóa gia đình để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm hồn đứa trẻ, khiến đôi khi ta tưởng như đó là bản năng thứ hai của con người.

Đặc biệt trong lĩnh vực bồi bổ đạo đức - thẩm mỹ cho trẻ thì văn hóa gia đình chiếm ưu thế tuyệt đối, và mặt đạo đức - thấm mỹ lại chính là cái cốt lõi trong nền tảng ban đầu của nhân cách mỗi con người, mà biểu hiện tập trung của nó là ở lòng nhân ái của người mẹ (do đó có người đã gọi văn hoá gia đình là Văn hóá Mẹ). Nó có khả năng hình thành nên đạo đức cao đẹp giữa các thành viên trong gia đình. Đạo đức gia đình được củng cố và phát triển lại chính là thành trì vững chắc để chống lại mọi sự tha hóa xấu xa của con người.

Tất nhiên, hiệu quả của giáo dục gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ văn hóa của mỗi thành viên trong gia đình mà họ đã tiếp thu được của nền văn hóa dần tộc và nhân loại - đặc biệt là trình độ văn hóa của người mẹ. Chính văn hóa gia đình đã gieo vào đầu óc non nớt của trẻ những mầm mống có khả năng làm nảy nở trong đó một tâm hồn với những phẩm chất đạo đức và năng khiếu mang hình bóng của nền văn hoá gia đình.

Tóm lại, văn hoá gia đình là môi trường rất cần thiết cho trẻ thơ. Đó là nền văn hoá mà con người được tiếp cận sớm nhất, là môi trường xã hội đầu tiên của mỗi người, với một phương thức tác động rất phù hợp đối với quá trình hình thành những cơ sở ban đầu của nhân cách con người. Đó chính là cuộc sống thực của trẻ.

Tuy nhiên, gia đình, nhất là gia đình cổ truyền, cũng tồn tại nhiều nhược điểm do những hạn chế mang tính lịch sử của nó. Gia đình cổ truyền thường là một môi trường khép kín, ít có điều kiện để trẻ tiếp xúc rộng rãi với đời sống xã hội bên ngoài. Hơn nữa, những người trong gia đình, đặc biệt là người mẹ, số đông lại ít được trang bị những kiến thức cần thiết về khoa học nuôi dạy trẻ, do đó việc nuôi dạy trẻ trong gia đình thường mang tính chất kinh nghiệm chủ nghĩa, tính chất tuỳ tiện và còn không ít tập tục lạc hậu chi phối, nhất là ở nông thôn và miền núi.

Nghiên cứu phương thức tác động của gia đình (ở đây chủ yêu nói đến gia đình cổ truyền) đối với sự phát triển của trẻ em là tìm cách rút ra từ đấy cái cốt cách của văn hóa gia đình, cái tinh hoa của một phương pháp tác động để kế thừa, trên cơ sở đó mà bổ sung, phát triển cho phù hợp với nhu cầu phát triển của trẻ và những đòi hỏi của xã hội ngày hôm nay.

Ai cũng có thể nhận thấy rằng: cùng với sự phát triển của xã hội, gia đình cũng có biến đổi về cơ bản. Từ gia đình kiểu cổ truyền chuyển sang gia đình kiểu hiện đại, từ kiểu gia đình đông con cháu, gồm nhiều thế hệ cùng chung sống chuyển sang kiểu gia đình hạt nhân, tức là chỉ có hai thế hệ và ít con, đã có sự thay đổi khá cơ bản về thái độ đối với con cái trong gia đình.

Tuy vậy văn hoá gia đình vẫn có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với trẻ em. Sau này, khi lớn khôn mỗi người có thể chịu ảnh hưởng từ nhiều phía của nền văn hóa xã hội. Nhưng những gì mà văn hoá gia đình đã hun đúc nên vẫn được mang theo trong mỗi người đến suốt cuộc đời.


NGUYỄN ÁNH TUYẾT
Nguồn: Giáo dục mầm non – lí luận và thực tiễn (Nxb ĐHSP Hà Nội)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét