Thứ Hai, 22 tháng 4, 2024

ĐỪNG XEM NHẸ VIỆC HƯỚNG DẪN CẢM THỤ VĂN CHƯƠNG CHO TRẺ EM





Chúng ta đều đã rõ, hiện nay văn hoá đọc giảm sút khá nhiều ở một số bộ phận bạn đọc, trong đó có trẻ em. Đó cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho lý luận, phê bình văn học trì trệ, nghèo nàn. Lý luận, phê bình văn học viết cho trẻ em không nằm ngoài hiện trạng đó. Vì vậy, hoạt động cảm thụ văn chương của trẻ em và việc hướng dẫn cảm thụ văn chương cho trẻ em cũng bị xem nhẹ.


Hoạt động tự đọc đến thưởng thức rồi đến cảm thụ là một quá trình tiệm tiến của tiếp nhận văn học, nhưng ba loại hoạt động đó tiếp nhận không hoàn toàn là một. Nếu đọc một cách giản đơn, thụ động, ép buộc hoặc đọc chỉ vì mục đích biết nội dung, thông tin nhằm xem nó là phương tiện để làm việc khác thì chưa hẳn là tiếp nhận một cách hoàn toàn và đúng nghĩa. Cũng như người lớn, đối với một bộ phận trẻ em, chúng ta thấy rõ ràng nhất tình trạng đọc nhiều khi vô hồn, không hứng thú, không có cảm xúc. Chúng ta nói văn hoá đọc, thì đọc ở đây là đọc theo hướng tiếp nhận, cụ thể là thưởng thức, cảm thụ. Còn nếu đọc giản đơn, thụ động, ép buộc thì đó là đọc không có yếu tố văn hoá, không phải văn hoá đọc.

Cảm thụ của người lớn và cảm thụ của trẻ em không đồng nhất. Khi tiếp cận tác phẩm, người lớn có ý thức tương đối, có lao động phần nào khi tìm hiểu tác phẩm. Họ có thể không cần đến ai hướng dẫn. Trẻ em đọc do phải học bài, do ý thích, nhiều khi chúng coi cuốn sách, bài thơ, bài văn như trò chơi. Các em cũng tự biết phần nào cái hay, cái đẹp của văn chương nhưng không thể hiểu một cách sâu sắc, mạch lạc. Trẻ em cần có người lớn hướng dẫn cảm thụ, đọc cái gì, đọc như thế nào, cảm thụ cái hay, cái đẹp của văn chương ra sao…

Chính vì thế, khi phải tiếp cận với sáng tác cầu kỳ, khó hiểu, tiềm ẩn nhiều ý nghĩa khiến phải suy nghĩ lâu thì trẻ em thờ ơ. Trẻ thích truyện tranh, thích bài văn, bài thơ có nhiều cảnh thiên nhiên, nhiều hành động. Các em cảm thụ tốt khi tác phẩm văn chương phù hợp với tuổi nhỏ. Ngoài sự hồn nhiên, ngộ nghĩnh, nội dung, ý nghĩa của tác phẩm phải khá rõ. Nếu tác phẩm không có hai ba nghĩa, có nghĩa ẩn giấu, thì cũng không nên quá khó hiểu. Không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn nào đó nếu lười biếng, không am hiểu văn chương hoặc không có tâm hồn tinh tế và sự đồng cảm với tác phẩm thì cũng chỉ thấy (và thấy không đầy đủ) bề mặt của bài văn mà thôi. Hơn ai hết, các em cần cái mới lạ, hồi hộp, nghịch ngợm, gây cười, phi lý, nhịp điệu nhanh và dồn dập, giàu chất thơ, chất kịch nhằm thoả mãn nhu cầu tò mò, tưởng tượng, ham hiểu biết. Ở nhiều trường hợp, hình thức, cách diễn đạt còn quan trọng hơn cả nội dung, như thế mới có thể làm lay động, cuốn hút hồn các em.

Như người lớn, trẻ em cũng phân biệt được sáng tác hay và không hay nhưng khó nói ra lời, viết ra văn ý kiến cảm thụ của mình. Thường thường nếu phải tự cảm thụ thì trẻ em thụ động. Do hiểu biết còn ít, kinh nghiệm cuộc sống chưa nhiều, nhu cầu khác người lớn, lại đứng trước một hoạt động mang rõ tính phê bình như cảm thụ văn chương, các em sẽ lúng túng, dè dặt, nói dựa, thuật lại một cách vụng về nguyên văn lời bình ở đâu đó.

Khi đã cảm thụ tốt một bài văn, bài thơ hay, nhu cầu khát khao hiểu biết và nhu cầu sáng tác của các em sẽ được kích thích.

Hiện trạng hoạt động hướng dẫn cảm thụ văn chương cho trẻ em ra sao? Lâu nay xã hội có chú ý nhiều đến văn hoá đọc của trẻ em, tuy nhiên chỉ chú ý cách đọc thụ động là chính. Cách đọc để thưởng thức, hơn thế nữa là cảm thụ, cảm thụ tốt thì chưa được quan tâm đúng mức. Sản phẩm chủ yếu hiện nay của hoạt động hướng dẫn cảm thụ cho trẻ em là: 1- Bài học trong sách Tiếng Việt hoặc Ngữ văn cùng lời giảng của giáo viên - những bài học này không tồn tại ở dạng văn bản. 2 - Bài bình thơ in thưa thớt trên báo và một số ít tập sách bình thơ do NXB Giáo dục Việt Nam công bố. 3 - Lời bình thơ văn xem kẽ trong những bài viết chung. Riêng hai ấn phẩm của nhà xuất bản nói trên là Văn học và tuổi trẻ và Văn tuổi thơ có đăng bài bình thơ. Như vậy, sản phẩm của hoạt động hướng dẫn cảm thụ hiện nay quá nghèo nàn và không cân đối. Thơ thì thường được bình nhiều hơn văn.

Trừ bài học cùng lời giảng giải của giáo viên và hai ấn phẩm nêu trên hướng tới bạn đọc nhỏ tuổi, thì bài bình thơ văn ở những ấn phẩm khác có khi dành cho trẻ em, lại có khi dành cho người lớn - chủ yếu là bạn đồng nghiệp sáng tác, những tác giả lớn tuổi viết cho trẻ em. Hai loại bài bình này thường lẫn vào nhau. Các trại viết vì trẻ em, của trẻ em chỉ hướng dẫn sáng tác, không hướng dẫn cảm thụ. Việc này giống như các hội văn học nghệ thuật ở trung ương cũng như địa phương, chỉ tổ chức trại sáng tác mà rất ít khi tổ chức trại viết phê bình.

Tính đa dạng về cảm thụ văn chương đối với trẻ em là điều cần được tìm hiểu. Có một số sách hướng dẫn như sau:

- Hướng dẫn theo lứa tuổi: Đối với người lớn, từ tuổi trưởng thành cho đến mãn chiều xế bóng, cảm thụ văn chương không vướng vào cách chia tuổi tác thấp cao một cách bắt buộc và rành mạch. Đối với trẻ em thì lại khác, cảm nhận về khách quan của trẻ em từ 4 đến 15 tuổi có thể phân ra thành những mức độ sau đây: Từ 3 đến 5 tuổi còn quá ngây thơ, bé bỏng; từ 6 đến 9 tuổi đã biết thế giới khách quan ở mức độ hạn chế; từ 10 đến 13 tuổi, hiểu biết thêm một mức nữa mà bước ngoặt là dậy thì; từ 14 đến 15 tuổi là thời kỳ chuẩn bị bước vào tuổi thanh niên, các em đã có rung cảm tinh tế và niềm khát khao tìm hiểu, khám phá thế giới khách quan, mong muốn được khẳng định nhân cách. Trẻ em còn nhỏ thì cảm thụ nghiêng về thụ động, trẻ em lớn nghiêng về đối thoại.

- Hướng dẫn theo trình độ: Tuổi càng lớn thì trình độ nhận thức đời sống càng cao, đó là lẽ thường tình. Tuy nhiên, trong cùng một lứa tuổi (phân chia như vừa nêu) không phải tất cả các em đều có trình độ ngang nhau. Cùng một sáng tác, các em cùng độ tuổi có thể không đồng nhất về chất lượng cảm thụ. Hoạt động hướng dẫn cảm thụ càng theo sát trình độ của mỗi em càng tốt.

- Hướng dẫn theo giới tính: Tâm lý em trai và em gái không giống nhau. Vì vậy, cảm thụ văn chương cũng khác nhau ở một sắc thái, mức độ nào đó. Sáng tác có nhiều hành động sẽ phù hợp hơn đối với em trai, nó kích thích niềm khao khát khám phá và ý thức chiếm lĩnh thực tại khách quan. Sáng tác có nhịp điệu chậm rãi, sâu lắng, giầu tính trữ tình sẽ thu hút sự chú ý của em gái, kích thích lòng yêu thương, bao dung chia sẻ. Em gái yêu thích thơ hơn em trai.

- Hướng dẫn theo vùng miền: Vùng miền nào cũng có những đặc điểm riêng về cảnh quan thiên nhiên, cuộc sống và tâm lý tập quán của người dân. Cảm nhận khác biệt về khách quan của trẻ em xảy ra giữa miền xuôi và miền núi, giữa thành thị và nông thôn, giữa miền Nam và miền Bắc… là điều có thể. Tuy nhiên, sự khác lạ ấy lại hấp dẫn, kích thích về trí tò mò, niềm đam mê hiểu biết, khám phá của trẻ em. Một sáng tác về miền núi đương nhiên là phù hợp với trẻ em miền núi nhưng lại hấp dẫn, lôi cuốn trẻ em miền xuôi; một sáng tác về nông thôn lôi cuốn trẻ em nông thôn lại gây hứng thú đối với trẻ em đô thị.

- Hướng dẫn cảm thụ về thể loại: Thơ và văn là hai thể loại văn học sinh ra từ cách phân chia chung nhất, khái quát nhất, đơn giản nhất. Văn là văn, thơ là thơ thì đương nhiên cảm thụ khác cảm thụ thơ. Về văn, có văn kể chuyện, văn tả cảnh, văn tả người và vật, văn đối thoại… Thơ thì có thơ tự do, thơ lục bát, thơ bốn câu, thơ bốn chữ, năm chữ, bảy chữ bốn câu nối dài… Gần gũi với thơ có ca dao, đồng dao…

- Hướng dẫn cảm thụ về loại hình: Theo một cách nhìn có thể, thì văn chương dành cho trẻ em gồm 3 loại chính: dân gian (ca dao, đồng dao…), đời sống hiện thực và đồng thoại. Mỗi loại có đặc điểm riêng về cách tái hiện đời sống và hình thức diễn đạt. Trẻ em cần được hiểu sự phân biệt ấy để cảm thụ đúng và tốt.

Cảm thụ văn chương đối với trẻ em và hướng dẫn cảm thụ văn chương cho trẻ em khá phức tạp và còn nhiều điều có thể trao đổi lâu dài. Trở lên trên, chúng tôi muốn bạn đọc cần quan tâm hơn nữa đến cảm thụ của trẻ em về văn chương. Nếu không thì bất cứ sáng tác nào dành cho trẻ em cũng trở nên kém giá trị hoặc là vô nghĩa đối với đối tượng bạn đọc này.

PHẠM ĐÌNH ÂN
Nguồn: Tạp chí Cửa Việt, 2011.













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét