Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2024

DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÍ - MỘT KIỆT TÁC CHO THIẾU NHI VÀ MỌI LỨA TUỔI

 


Phải nói công bằng rằng trước khi Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức quảng bá, giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài thì tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài đã được các nhà văn nước ngoài tự phát dịch và giới thiệu, quảng bá ở nước họ. Hiếm có một nhà văn Việt Nam nào, mà ngay từ tác phẩm đầu tay đã thành danh và nổi tiếng như nhà văn Tô Hoài. Dế Mèn phiêu lưu kí được ông viết từ năm 17 tuổi, đã dịch ra 37 thứ tiếng và vẫn không ngừng được tái bản hàng năm ở trong nước và trên thế giới.

Chưa có một bảng thống kê chi tiết những ngôn ngữ (thứ tiếng) nào, nhưng chắc chắn những thứ tiếng khá phổ biến như: Anh, Pháp, Nga, Đức, Hán, Tây Ban Nha, Nhật, Hàn,… đều dịch ghi chép cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn Việt Nam. Đó cũng là một kỉ lục mà không phải nhà văn nào ở xứ ta cũng có được. Điều đó cũng nói lên sức cuốn hút của kiệt tác Dế Mèn phiêu lưu kí. Điều độc đáo, đặc sắc nhất của tác phẩm là nhà văn đã viết rất nhanh (Tôi viết “Con Dế Mèn” chả lâu tí nào, viết bằng mực tím chỉ 1 – 2 tối là xong, còn “Dế Mèn phiêu lưu kí” thì chỉ mất 3 – 4 đêm. Có lẽ vì tôi thuộc con Dế Mèn quá, thuộc thực tế, cả thực tế xã hội nữa. Cứ thế là in thôi, không phải chỉnh sửa tí nào hết). Nhà văn viết về những con vật quen thuộc gần gũi bằng một sức tưởng tượng phi thường, một lối quan sát tinh tế, và với một mong muốn tiến bộ về thế giới hoà bình, muôn loài đều là anh em.

Về sức tưởng tượng phi thường, nhà văn Nga Marian Tkachov đã đánh giá: “Hẳn là cái thế giới to lớn ấy, nơi Mèn đi chu du bao năm, thì có lẽ tôi cùng các bạn chỉ dạo bước một ngày là hết. Cái thế giới ấy chỉ là ven làng Nghĩa Đô. Bằng sức mạnh tưởng tượng của mình, nhà văn đã cải biến nó để tạo ra bao nhiêu vương quốc với những điều kiện thiên nhiên khác nhau, các chế độ quốc gia khác nhau và những cư dân khác nhau” (Tạp chí Văn học nước ngoài, đã dẫn).

Thế giới các con vật trong Dế Mèn với những tính cách khác nhau quả là một xã hội loài người thu nhỏ. Ông anh Dế Mèn tính tình bảo thủ, cổ hủ, không dám đi xa. Dế Choắt ốm yếu, gầy gò, nhút nhát. Dế Mèn, Dế Trũi như anh em kết nghĩa gắn bó, hăng hái, sẵn lòng mạo hiểm, sẵn sàng hi sinh vì bạn, vì nghĩa lớn. Chị Cốc bực mình, bắt nạt kẻ yếu dám trêu ghẹo. Ông Xiến Tóc trầm lặng, vừa yêu đời lại vừa chán đời. Bọ Ngựa hách dịch, kiêu căng, ngạo mạn. Cóc huênh hoang, dở hơi. Ếch Cốm Đại Vương thông thái rởm, Bà Kiến Chúa tháo vát, lanh lợi, nghiêm nghị đường hoàng…

Người đọc nhiều nước đều thú vị về sự quan sát và miêu tả sinh động những cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn Việt Nam. Hơn thế nữa, cái lí tưởng mà Dế Mèn theo đuổi thật tiến bộ và cao cả: Đó là lí tưởng Hòa bình. Trải qua các cuộc phiêu lưu, những sự hiểu nhầm, Dế Mèn, cùng Dế Trũi và các bạn đã đi đến lòng tin rằng chiến tranh chỉ mang đến cái chết, bất hạnh và đau khổ. Với sứ mệnh hoà bình, hoà hợp, chúng đã đi khắp thế gian, đã kêu gọi đoàn kết và đã đạt được thắng lợi. Lí tưởng nhân đạo ấy, đến bây giờ vẫn còn biết bao ý nghĩa khi mà nhân loại vẫn còn chiến tranh, khi mà việc sản xuất bom nguyên tử chưa bị thay thế hoàn toàn bằng việc sản xuất bánh ga tô cho trẻ em như mong muốn trong thông điệp của nhà văn Yalia R.Rodari với cuốn sách Giữa trời chiếc bánh ga tô.

Một điểm kỉ lục khác cũng cần ghi cho tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu kí của nhà văn Tô Hoài. Ấy là tác phẩm này luôn luôn đồng hành với các thế hệ học sinh Việt Nam. Khi còn là một chú bé đi học trường làng, tôi đã thích thú với đoạn trích “đấu võ” giữa Dế Trũi, Dế Mèn với Bọ Ngựa. Sau nhiều lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa, chương trình Ngữ văn mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, Dế Mèn phiêu lưu kí vẫn có mặt. Và sách giáo khoa Trung học cơ sở thì ngoài đoạn trích “Bài học đường đời đầu tiên” dành cho phân môn văn, còn có các đoạn trích làm ngữ liệu cho môn Tiếng Việt và văn liệu cho phân môn tập làm văn, đặc biệt là văn miêu tả.

Có thể nói tóm lại, đối với truyện thiếu nhi cũng như truyện cho người lớn, Tô Hoài đã sử dụng tài năng quan sát, khả năng miêu tả chi tiết, tinh tế, huy động mọi vốn hiểu biết trực tiếp và gián tiếp và bằng một lối văn trong sáng, giàu hình ảnh, những từ ngữ chính xác, ông đã chinh phục các bạn đọc nhỏ tuổi và cả những người lớn tuổi. Ông xứng đáng được tôn vinh là cây đại thụ văn học thiếu nhi của Việt Nam.

VŨ NHO

Trích từ Nhà văn Tô Hoài – cây đại thụ văn học thiếu nhi, https://vanvn.vn/nha-van-to-hoai-cay-dai-thu-van-hoc-thieu-nhi/, cập nhật ngày 7/9/2022.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét