Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

CON MÈO LƯỜI




"Trong kịch Con mèo lười, tác giả đã dựng lên cảnh nhộn nhịp của những chú vật đang náo nức chuẩn bị theo chủ đi vỡ nương, thông qua đó, tác giả phê phán nhẹ nhàng một chú mèo... lười" (Vân Thanh, Truyện viết cho thiếu nhi dưới chế độ mới, 1982, tr.140).


- My (Mèo đen)

- Đốm (Chó trắng đốm vàng)

- Bẻ - Dê nhỏ (tiếng Tày: tu bẻ là con dê)

- Bẻ em (Em của Bẻ)

- Bốn Bê (Bốn bò con)

- Ông Giăng

- Ông Ké (Tiếng Tày: ông già)

- Bù nhìn điếc

- Vài con ỉn (lợn)

- Vài con gà, ngỗng, vịt 


I

Một vườn cỏ vàng úa giữa vườn, bên một hòn đá tảng, có một ổ rơm khô. Lui vào trong, phía tay phải, nhô ra nửa mái nhà sàn. Sau nhà, một bờ rào thưa. Xa xa nổi lên một trái núi xanh.

Vườn vắng. Tiếng nước lần, nước chảy trên núi xuống, ở một cái máng đâu đấy, rỏ lách tách. Buổi trưa trong góc vườn này càng vắng vẻ hơn. 


My, một con mèo đói. Lông đen mượt, nhưng gầy lộ một vẻ buồn thảm, tuy vậy, đôi mắt xanh lè tinh quái, láu lỉnh, rình mò. My trèo lên tảng đá, rướn chân, nghển đâu, trông, nghe bốn phía, như chờ đợi gì. Cuối cùng, không có gi cả thì gào lên mày tiếng buồn, rồi rón rén trở vào. Vườn lại vắng. Tiếng nước lần rơi lách tách. Chim bìm bịp rúc từng hồi, khiến cho người ta biết đã xế trưa.

My lại trở ra, quanh quẩn đánh hơi tìm ăn như lúc nãy My đương đứng trên tảng đá, trông, nghe, chờ đợi.

Bẻ em ra. 

2

Bẻ em - (đon đả) My đứng làm gì đấy? My đứng đợi anh Bẻ tôi phải không? Anh Bẻ tô'J đi lâu về quá nhỉ? Tôi cũng đợi anh Bẻ đây.

My - Không, tôi chỉ đợi ai đến cho tôi một ít xương cá, một bát cơm. Anh Bẻ có gì cho tôi ăn không? Anh ấy thì có quái gì mà cho tôi! Tôi đói quá. Ba hôm nay, từ lúc ông Ké đi lên nương, tôi chẳng được một miếng vào bụng. Anh có gì cho tôi ăn ngay bây giờ không?

Bẻ em - Trông thấy người là thấy đói, thây xin ăn. Sao lười thế, hèn thế, lúc nào cũng phải dựa vào ai khác mới sống nổi!

My - Anh mắng thì tôi chịu, chứ tôi biết làm sao. Từ thuở bé, tôi gầy còm ốm yếu, lạ mắc bệnh ho kinh niên, lúc nào cũng rên gừ gừ, cho nên tôi phải ăn cơm với cá, tôi phải nằm bếp tro ấm, chứ đổ cho tôi cái tiếng lười, thì oan đấy.

Bẻ em - Sao đằng ấy không ra suối bắt lấy cá mà ăn?

My - Chân tôi mắc chứng tê thấp, quanh năm phải đi bít tất sù sù thế này, tôi lội nước sao được.

Bẻ em - Sao đằng ấy không đi lên nương bắt chuột, đuổi chuột cho ông Ké?

My - Tớ là giống mèo mũi đỏ, không biết bắt chuột, chỉ biết ăn vụng.

Bẻ em - Này, thế thì cố đi lên nương với ông Ké, nghe nói trên nương giữa rừng sẵn thức ăn, thức chơi lắm. Hôm qua anh Bẻ tớ theo ông Ké lên nương đấy. Hôm nay tớ đợi anh ấy về xem thế nào. Có gì thú thì chúng tớ sẽ cùng đi.

My - Tôi chẳng đi đâu. Tôi chỉ đi quanh trong nhà được thôi.

Bẻ em - Nói như đằng ấy thì chỉ còn có cách đợi ông Ké về; ông cho ăn cơm với cá rồi nằm ngủ bếp ấm, thế là xong chuyện.

My - Thế thì tôi thích lắm. (Vẻ lo lắng). Này anh, những ai định đi lên nương? Không ở nhà nữa à? Bỏ nhà này à?

Bẻ em - Chúng ta sẽ đi hết. Đằng ấy tính xem mùa thu này, ở đây cỏ sẽ úa, cỏ úa ăn đắng lắm. Mà trên nương thì có cỏ tốt, chúng ta cần ăn cho chóng lớn để còn đi theo đàn làm việc được. Các anh Ỉn lên đấy cũng gần cây chuối hơn. Bạn Gà, bạn Ngỗng thì muốn đi tìm chỗ có nhiều con giun, cái dế. Cả anh Đốm cũng bảo: "Sẽ lên nương, vì nương mới phá, ông Ké chưa làm được bờ rào, phải canh giữ nhiều. Chúng ta lên giúp ông Ké. Nhiều lắm, nhiều bạn muốn lên nương lắm".

My - Thế thì các anh đi hết á?

Bẻ em - Có lẽ thế.

My - Không còn ai ở nhà với tôi? Không còn ai cho tôi quà bánh nữa à? Bỏ tôi chết đói à?

Bẻ em - Chỉ còn mình đằng ấy ở nhà thôi. Để đằng ấy tập làm lây cái ăn dần đi chứ. Hay là cùng đi với chúng mình. Thì ở đây đợi anh Bẻ về xem tin tức trên nương ra sao. Lát nữa, bọn các anh Ỉn, anh Đốm cũng đến đây đợi anh Bẻ đấy.

My - Để tôi nghĩ đã. (Im lặng). Này, anh có thấy anh em nhà Gà, nhà Ngỗng ra đây không?

Bẻ em - Cánh ấy hôm nay sang kiếm ăn bên vườn ngô.

My - (Rối rít). Ấy ấy, tôi phải sang xem có xin họ được cái gì ăn tạm cho khỏi nhạt miệng. Đói quá, đói quá.

Bẻ em - (Tức giận). Đồ tồi. Thôi cút đi.

My lủi thủi ra. Bẻ em đứng lên hòn đá tảng nghển nhìn về phía núi xanh. Như ngứa chân, Bẻ nhảy lóc cóc trên hòn đá, rồi lại xuống xếp lại ô cỏ khô, nằm nghỉ.

Bỗng có bốn chú Bê ồn ào từ bên trái chạy thốc ra. Trên múi mỗi chú đeo chéo hai cái gạc tre nhọn hoắt. 

3

Tiếng bê kêu lộn xộn, bốn Bê cứ chạy quanh.

Bẻ em - (Đứng dậy). Khổ chưa? Sao thế kia?

Bốn Bê - (Kêu). Mò... Cứu tôi với...

Cứu tôi với... mò... mò.

Bẻ em - Làm sao khổ thế kia, hử?

Bốn Bê - (Cùng kêu một lượt). Cứu tôi với...

Bẻ em - Đói hả?

Bốn Bê - (Cùng nói). Đói lắm.

Bẻ em - Đói thì ăn cỏ. cỏ kia kia. Ai cấm các cậu.

Một Bê - Cỏ đắng quá, không ăn được cỏ đắng.

Bốn Bê - Mẹ ơi! Mò... mò...

Bẻ em - Ông Ké đóng cái gạc này lên đầu à?

Một Bê - Ông lão Ké độc ác ấy đóng cái gạc này lên mũi em. Không hiểu sao, từ hôm ấy thì mẹ em sợ em lắm. Mỗi lần em nghiêng đầu đòi bú thì mẹ lại chạy. Em đói quá. Mà cỏ thì đắng, không ăn được. Em đành nhịn đói dài. Từ hôm em không được bú, em gầy quá. Bụng em chẳng còn một giọt sữa, bụng em tóp lại, cả ngày cứ sôi bụng ầm ầm. Em lại khóc. Mẹ em thương em, đến liếm sườn cho em. Nhưng không hiểu sao, hễ em đòi bú thì mẹ em lại chạy thật xa. Anh có hiểu tại sao không?

Bẻ em - Cũng dễ hiểu thôi. Tại cái gạc này nó đâm vào bụng mẹ em (Cười, sờ bộ gạc của từng Bê). Ông Ké buộc chắc lắm. Đánh đai xung quanh, chật nứt đầu ra, còn gì!

Bốn Bê - Thế hả giời ơi? Anh gỡ xuống cho em đi.

Bẻ em - Chắc lắm. Không gỡ được. Nhưng mà kể ra to xác bằng các cậu mà chưa rời được vú mẹ thì cũng cần phải đóng hai cái gạc như thế vào đầu để được tiến bộ, còn than thở nỗi gì!

Một Bê - Anh không cứu em ư...

Một Bê - Không ai cứu tôi ư, hả giời?

Một Bê - Ối giời ơi, người ta đóng gông vào mũi tôi. Tôi phải chết đói mà cái gông cứ đeo trên mũi thế này ư?

Một Bê - Mẹ ơi, đói quá. Vú mẹ đâu?

Bốn Bê - Anh ơi! Tại sao lão Ké độc ác lại đóng gông lên mũi em? Lão thù gì em thế?

Bẻ em - Im cả đi. Tôi kể cho mà nghe chuyện này. Ngày trước, mẹ chúng tôi ở tận bên kia sông xa lắm. Chúng tôi vừa sinh ra được ít ngày, đã phải đeo gác lên mũi rồi ông Ké sang đem về bên này nuôi, ông Ké bảo: "Cỏ thì ăn không ngon như bú sữa, nhưng ăn cỏ thì sẽ chóng cứng xương, chóng lớn". Từ đấy, hai anh em chịu khó đi tìm cỏ ăn, có khi leo mấy ngọn núi mới gặp cỏ tốt, rất khó nhọc, nhưng chúng tôi chịu khó, không phàn nàn. Giường cỏ này, vách đá này, đêm ngủ có ông Giăng xuống kể chuyện cổ tích cho nghe vui lắm. Khi mới ở bên sông sang, chúng tôi cũng khóc, cũng oán ông Ké. Nhưng sau nghĩ lại mới biết ông Ké tử tế. Ồng ấy không cho bú sữa mẹ, mà bảo ăn cỏ, là vì ta sắp lớn rồi, ta không ỷ lại, ta phải đi kiếm lấy mà ăn.

Bốn Bê - (Nói lần lượt). Nhưng mà cỏ đắng lắm, không ăn được cỏ đắng.

Bẻ em - (Reo lên). Thế thì tôi giúp các cậu cách này. Cỏ sẽ không đắng, mà cỏ ngọt như đường phèn.

Bốn Bê - Ở đâu đấy?

Bẻ em - Ở trên nương mới của ông Ké. Ở trên nương thì đất mát gần rừng, nhiều cỏ tươi lắm, hôm qua anh tôi theo ông Ké lên thăm nương đấy. Tôi đương ngồi đợi anh ấy. ở đây nhiều bạn muốn đi nương lắm. Các cậu cũng nên đi thôi. Trên nương mới nhà ông Ké, cỏ ngọt như đường phèn. Đợi anh tôi về thì biết tin.

Một Bê - (Nói với cả bọn). Ta đứng đây đợi anh Bẻ.

Một Bê - Thế ngày trước, làm thế nào anh bỏ được cái gạc trên đầu?

Bẻ em - Ăn cỏ tốt, đầu nó to ra, tự dưng cái gạc gãy, rơi xuống.

Một Bê - Nếu vậy, chúng ta đứng đây đợi anh Bẻ để lên nương ăn cỏ tốt.

(Bẻ vào). 

4

Cả Đốm cũng chạy theo. Đốm vừa gặp Bẻ giữa đường. Đốm tăng tả, rối rít chạy quanh Bẻ. Bẻ thì vui sướng tưng bừng từ dáng đi cái vẩy đầu, vẩy tai, giơ chân.

Bẻ em - (Reo). Anh tôi kìa! Anh.

Đốm - (Hấp tấp). Anh Bẻ đấy. Nhiều chuyện vui lắm, vui lắm.

(Cả bọn xúm quanh Bẻ, bốn chú Bê đứng ngây nhìn. Trong câu chuyện nghe Bẻ kể, nhiều khi cả bọn cùng nhảy, reo lên).

Bẻ - Các cậu có biết vợ chồng bác Gấu ở trên rừng không?

Đốm - Tôi chưa trông thấy các bác Gấu lần nào.

Bẻ em - Về mùa xuân, em nghe tiếng gấu gọi nhau trên núi.

Bẻ - Phải đấy, vợ chồng bác Gấu và lũ Gấu con. Cả nhà Gấu ở trong rừng thẳm. Mùa xuân, Gấu kéo nhau đi bẻ măng và uống mật ong. Mùa thu, Gấu đi nhặt quả hạt dẻ. Gấu bố, Gấu mẹ, Gấu con cùng béo rung rinh, chân nặng những mỡ, bước đi lặc lè, lặc lè. Béo đến nỗi mà khi mùa đông tới, suốt ba tháng rét, cả nhà Gấu đứng tránh gió trong gốc cây không đi kiếm ăn, chỉ mút hai bàn chân mỡ cũng đủ no. Sang xuân ấm áp, cả nhà Gấu lại kéo đi bẻ măng và uống mật ong, mùa thu lại nhặt ăn quả hạt dẻ, qua hai mùa ãn măng, hạt dẻ và uống mật ong thì Gấu bố, Gấu mẹ, Gấu con lại béo rung rinh, chân nặng những mỡ, bước đi lặc lè, lặc lè... Đấy, cái nương của chúng ta ở trong vùng nhà bác Gấu.

Đốm, Bẻ em - Chúng ta cũng sẽ béo lặc lè, lặc lè như vợ chổng bác Gấu.

Bẻ - Có ai biết anh Hươu không?

Đốm - Có, Hươu thì tôi quen. Hươu thì sao?

Bẻ em - Tôi biết anh Hươu thích ăn quả trám trắng.

Bẻ - Ở trên rừng thì hươu nhiều như lá cây và hươu sung sướng vô cùng. Hươu uống nước ở những ngọn nước nguồn trong nhất núi. Hươu ăn những quả trám trắng rất ngon vừa rụng xuống. Hươu làm chủ những sườn cỏ mượt, cỏ ngọt, trời xanh rộng thế nào thì những cánh đồng cỏ của hươu bát ngát như thế.

Bẻ em - Ấy đấy. (Quay lại bốn Bê). Những sườn cỏ mượt, cỏ ngọt, rộng bát ngát như trời xanh.

Bẻ - Cái nương của nhà ông Ké chúng ta ở trên sườn đồi, giữa những đất Gấu, đất Hươu sung sướng. Hôm qua tôi gặp, mấy anh Hươu đến chơi nhà ông Ké. Quần áo các anh ấy cũng vàng như của các chú Bê này, nhưng mượt mà óng ả, và các anh béo tốt bằng trăm chú Bê. Mắt cứ sáng như hai ông sao mai, tai Hươu cao dỏng, lá cỏ nở ngoài mười bước còn nghe tiếng, chân Hươu rướn lên như gió. Tôi chưa gặp ai đẹp trai bằng những anh Hươu tôi gặp hôm qua. Trong những cánh rừng thần tiên kia, họ sống, lao động, đói tìm ăn, khát tìm uống, đêm nào cũng vui hát với ông Giăng, ông Sao, mãi tới khuya mới ngủ.

Bẻ em - Ở nương cũng có ông Giăng à?

Bẻ - Ông Giăng ở đâu cũng có. Ở nương cao, lên chơi nhà ông Giăng lại càng gần nữa.

Một Bê - Có thật ở nương cỏ ngọt như đường phèn không, hả anh?

Bẻ - Đúng, cỏ non ở trên nương ngọt như đường phèn.

Bốn Bê - Anh cho chúng tôi lên nương với.

Bẻ em - Lúc nào thì đi? Hay là ta đi ngay.

Bẻ - Đi ngay càng hay. Nếu ông Ké trông thấy cả bọn lên nương, hẳn ông Ké ngạc nhiên và thích lắm. Ta đi ngay chiều nay thôi, đi vào lúc có ông Giăng cho mát.

Đốm - Để tôi về tìm cơm ăn cho chắc dạ đã.

Bẻ em - Đi rủ bọn Ngỗng, bọn Gà, cả nhà bác Ỉn nữa.

(Bốn chú Bê cùng cuống quýt)

Bẻ - Tất cả chúng ta đều đi rủ thêm các bạn cùng lên nương. Hẹn gặp lại nhau ở đây, lúc ông Giăng lên.

Đốm - Ông Giăng lên thì bắt đầu đi.

Bẻ em - Phải, ông Giăng lên thì bắt đầu đi. (Cả bọn toan đi, mỗi người một ngả. Bốn Bê càng luống cuống).

Bốn Bê - Chúng em thì thế nào?

Bẻ em - Các bạn cứ nằm đây chờ ông Giăng lên.

Đốm - (Hốt hoảng). Khoan, khoan đã. Tôi nhớ rồi. Còn lão bù nhìn Điếc thì thế nào. Đường lên nương sẽ đi qua vườn ngô, thế nào bù nhìn Điếc cũng biết, thế nào lão cũng cản trở. Chúng ta phải tính lại đi.

Bẻ - Không nên quá lo. Tôi cũng vừa đi qua vườn ngô đấy. Lão chỉ là bù nhìn canh ruộng ngô, người ta quên vẽ cho lão cái tai thế là lão hóa ra điếc; bọn chim sẻ, chim ri khinh lão điếc thường sà xuống tận lưng lão mà bẻ trộm ngô, chúng ta đã thương lão mà ngày ngày cắt canh gác chim hộ. Bây giờ thì lão phải đi đòi lấy tai về mà nghe lây, chứ lão ỷ lại, lão ràng buộc thế nào được ta, cản trở thế nào được ta.

Đốm - Nhưng mà hai cái tay lão ấy dài lắm, hai cái roi của lão dài lắm, lão quất tất cả những ai muốn qua ruộng ngô. Chúng ta đi qua, lại đi đông, thế nào lão cũng trông thấy, lão sẽ đánh chúng ta.

Bẻ - Không sợ.

Đốm - Nhưng mà lão đánh đau lắm.

Bẻ - Tôi hỏi lại: có ai muốn lên nương không?

(Tất cả nhao nhao "có, có").

Bẻ - Thế là được rồi. Cương quyết chiều nay đi. Chúng ta sẽ tìm cách đối phó với bù nhìn Điếc.

Bẻ em - Đối phó thế nào?

Bẻ - Trước nhất, cần chúng ta nhất định đi. Đã nhất định, thế nào cũng đi được. Thôi, mau mau đi rủ các bạn. Đúng lúc ông Giăng lên thì đi đấy.

(Bốn Bê luống cuống).

Một Bê - Chúng em thì thế nào?

Bẻ - Các bạn có quyết tâm đi không?

Bốn Bê - Quyết. Có, có, quyết tâm...

Bẻ - Vậy thì các bạn cứ đợi đây. Đến lúc anh em tới đủ, mát trời ông Giăng lên thì ta cùng đi.

Tất cả đi ra, còn lại bốn Bê. Bê nằm, Bê ngồi quanh tảng đá. Có Bê buồn mõm, ra quơ vài cái cỏ nhai, rồi lại nhả ra, lại vào nằm bên tảng đá. Vẻ chờ đợi, buồn buồn, đói đói, sốt ruột. Lát sau My rón rén vào. 

5

My - Đi đâu mà cả lũ nằm đây thế này?

Một Bê - Nằm đợi lên nương đây.

Một Bê - Anh có biết nhà bác Gấu không. Bác Gấu uống mật ong, ăn hạt dẻ quanh năm, cứ béo lặc lè, lặc lè...

My - (Tinh nghịch). Thế hả, còn gì hay, kể nghe nốt nào!

Một Bê - Có biết anh Hươu không? Ở trên rừng, Hươu chỉ ăn quả trám trắng và ăn toàn cỏ non ngọt như đường phèn, ngọt hơn cả sữa mẹ em, vì thế mà anh Hươu rất khỏe, rất xinh trai. Anh Hươu ở gần nương nhà ông Ké, hôm qua anh ấy đến chơi, anh Bẻ cũng gặp...

My - Thế hả? Còn chuyện gì hay, kể nốt nghe nào?

Một Bê - Cái nương nhà ông Ké bây giờ rất vui; cấy lúa, lại gieo vừng, trồng mấy trăm gốc sắn. Nhiều người ở trên ấy với ông Ké làm nương cả ngày. Tối đến, đêm nào ông Giăng cũng thắp đèn sáng trưng ở ngay trên đầu, trèo lên chơi nhà ông Giăng gần lắm, lúc nào cũng được.

My - Thế hả? Còn gì nữa?

Một Bê - Ở đây nhiều bạn sắp lên trên nương đấy. Bốn chúng tôi cũng sắp đi.

My - Bao giờ đi?

Một Bê - Chốc nữa, lúc ông Giăng lên.

Một Bê - Trên rừng nhiều cỏ, cỏ rừng mùa đông không chết rét như cỏ đồng, cỏ rừng không đắng như cỏ đồng, cỏ rừng ngọt như sữa mẹ tôi. Chốc nữa anh hỏi anh Bẻ mà xem, sướng lắm.

My - (Cười), Ừ, sướng. Này các chú Bê khờ dại, lặng yên tôi kể chuyện thằng Cuội cho mà nghe, chuyện thằng Cuội ngày xưa đánh lừa ông Hổ. Một hôm Cuội đem ở đâu về một miếng thịt. Cuội ngồi nướng ăn, thịt nướng thơm bốc lên, làm cho ông Hổ đi qua mà không đi được, cứ đứng thèm rớt rãi ròng ròng. Cuội bèn chia cho ông Hổ một miếng. Ông Hổ vừa nhai vừa khen, hỏi thịt gì mà ngon thế? Cuội đáp rằng thịt rốn tôi cắt ra đấy, thịt rốn ngon nhất trần gian. Ông Hổ tưởng thật, bèn mượn Cuội con dao, cúi xuống xẻo một mảng thịt rốn bỏ vào lửa nướng...

Một Bê - Người ta bảo ông Hổ khôn nhất, khỏe nhất rừng mà, sao ông Hổ lại dại thế. Ông ấy có chết không?

My - Sống thì cũng thành tật. Nhưng thế cũng chưa phải là dại, có những đứa còn dại hơn ông Hổ nhiều.

Một Bê - Ai mà lại đi cắt rốn ăn, ai còn dại hơn thế nữa.

My - Thế mà có đứa còn dại hơn đấy. Chẳng nói đâu xa, những đứa dại ấy là các chú chứ chẳng ai đâu.

Bốn Bê - Sao anh lại bảo chúng tôi dại?

My - Thế ra bọn này chết đến đít mà không biết. Này nhé lão Ké là người độc ác nên lão mới đóng cùm lên đầu các chú, để các chú không được bú mẹ, các chú phải ăn cỏ và phải học cày bừa. Trên nương cao, làm gì có cỏ tốt. Chẳng qua là trên ấy đương vỡ đất mới, lão Ké sai bọn thằng Bẻ về lừa các chú lên, lên để kéo cày kéo bừa đấy thôi.

Một Bê - Mẹ tôi dặn tôi: "Lớn lên thì con đi cày", tôi sợ gì cày đâu.

My - Chú mày muốn khó nhọc vào thân thì cũng mặc xác chú. Nhưng mà các chú cũng chẳng đi qua được vườn ngô. Cái gậy lão bù nhìn Điếc dài như thế, nó giáng cho một cái thì chết mất ngáp.

Một Bê - Thế anh không đi? Anh Bẻ không đến rủ anh hả?

My - Không ai động dại lên rừng như bọn các người. Tao đến để cứu các chú đây, biết điều thì tỉnh ngay đi.

Một Bê - Anh cứu em với.

My - Một chú muốn cứu. Chú nào nữa?

Một Bê - Anh cứu em với.

My - Hai chú. Chú nào nữa. (Im lặng). Được, ta sẽ cứu cho. Có gì là khó đâu. Chỉ việc là không đi thì đừng đến đây nữa. Mặc cho chúng đi, các chú ở nhà, đến mùa xuân này, có bác thợ đúc cày người Mèo ở trên núi xuống, bác thợ đúc sẽ lấy búa gõ những cái cùm trên đầu các chú xuống, thì lại tha hồ mà bú mẹ. Như tôi đây, chẳng phải làm gì. Suốt ngày chỉ chơi, đói thì đi lây cơm, lấy cá nướng mà ăn. Rồi tao ăn trộm, tao chia cho chúng mày, chúng mày ăn trộm cũng chia cho tao. Như thế, chúng ta chỉ còn có việc ăn, ngủ, chơi thôi, thế mới thật thích. Đã nghe ra chưa?

Hai Bê - Chúng em nghe ra rồi.

My - Thế thì đi đâu mà chơi, đừng nằm đây nữa. Tao còn phải đi cứu nốt những đứa khờ dại như chúng mày.

(My ra). 
II

Một Bê - Đi chơi thôi.

Một Bê - Không.

Một Bê - Mày còn muốn lên nương à.

Một Bê - Ta không lên nương nữa. Nhưng phải ngồi đây đợi anh Bẻ để trả lời anh ấy rằng ta không lên nương nữa.

Một Bê - Dốt quá. Cứ đi, cần gì phải đợi.

Một Bê - Mẹ đã dạy ta ở đời phải ngay thẳng, ta chưa biết nói dối, ta chưa sai hẹn với ai bao giờ. Mày quên lời mẹ dặn rồi a?

Một Bê - Đi chơi thôi.

Một Bê ra, một Bê ra theo. Còn hai Bê đứng ngẩn ngơ quanh tảng đá.

Một Bê - Chúng ta trả lời anh Bẻ rằng sợ lắm không đi nữa. (Nhìn về phía sau). Ông Giăng lên rồi kia. 
III

<Vẫn ở vườn cỏ ấy. Bấy giờ là chập choạng tối, những tụm cỏ, bóng mái nhà, bóng núi có tối hơn. Nhưng đằng sau núi thì trời dần dần sáng như lụa, chưa trông thấy ông Giăng, nhưng mà ánh trăng đã hắt xuống mọi vật một ánh sáng nõn, êm đềm.

Hai Bê, bên tảng đá, một đứng, một nằm nghe Bẻ đương nói thì Đốm, rồi Bẻ em lần lượt ra. 

1

Đốm - (Hấp tấp). Tôi vừa đánh thằng My, tôi đánh nó một trận nên thân. Nó xui bọn nhà Ỉn đừng đi, tôi tức quá, tôi cho nó một trận bò lê kéo càng.

Một Bê - Thế thì ít bạn đi quá.

Bẻ em - (Đi ra). Không ít đâu. Họ đương sắp tới. Hàng đoàn hàng lũ đây. Đông lắm. Đêm nay ta vừa đi vừa hát, không biết mỏi chân!

Bẻ - Tốt quá, tốt quá. Hãy đứng lại đây. Tôi đã đi hỏi các người già trong xóm, nghe nói thì tôi hiểu thằng My, tôi hiểu bù nhìn Điếc rồi.

Đốm - Thế thằng My thế nào.

Bẻ - Các ông già trong xóm bảo My là một đứa lười. Người ta bảo nó phải đuổi bọn Chuột trộm cắp đi thì nó nói: "Tôi là mèo đỏ mũi, không biết bắt chuột, chỉ ăn vụng thôi". Và nó chỉ toàn đi ăn vụng. Đã hèn làm, lại chỉ muốn ăn ngon. Cơm không cá không ăn, ngủ không có bếp tro ấm, có chăn bông thì không ngủ được. Suốt đời chỉ giả vờ ốm, rúc quanh ống quần người ta. Nhưng mà cả xóm này đều biết nó là thằng lười, không ai tin nó. Bây giờ nó sợ chúng ta lên nương hết, ông Ké cũng lên nương thì không ai ở nhà cho nó ăn, để nó ăn bám, nên nó không cho chúng ta đi.

Đốm - Nếu vậy, lôi cả nó đi nữa. Bắt nó phải bắt chuột, bắt nó phải làm việc. Để đấy tôi đi bắt nó cho.

Một Bê - Còn bù nhìn Điếc thì thế nào?

Bẻ - Lão cũng là một người lười. Lão chỉ tránh việc. Lão không có tai mà lão cứ đứng đấy kêu, không biết đi đòi người ta làm tai cho, lại còn nhờ chúng ta đuổi chim. Chúng ta sẽ mặc lão từ nay, để lão phải đi đòi lấy hai cái tai của lão.

Đốm - Thế thì chẳng sợ bù nhìn Điếc. Không bao giờ chúng ta sợ kẻ lười biếng.

Hai Bê - Không sợ bù nhìn Điếc nữa.

Bẻ - Các bạn đi gọi nốt những ai đi chậm thì nhanh lên.

Đốm - Tôi về bắt thằng My đi.

Hai Bê - Chúng ta đi tìm Bê. 

2

Bẻ em - Làm thế nào qua được vườn ngô. Cái gậy bù nhìn Điếc dài lắm, lão quật xuống được khắp vườn.

Bẻ - Chúng ta sẽ hỏi ông Giăng. Ông Giăng đương lên kia.

Ông Giăng từ từ nhô lên bên núi. Ông Giăng hiền từ như một nụ cười. Trời trong. Đôi lúc thoáng qua một đám mây.

Bẻ em - Ông Giăng, ông Giăng đẹp lão lắm.

Bẻ - Ông Ké bảo rằng ở trên nương núi cao mà, những đêm rằm thì ông Giăng xuống đúng ngay đỉnh đầu chúng ta thế này, tha hồ trèo lên nhảy múa, hò hát.

Bẻ em - Thích nhỉ, em ở nương thì em sẽ lên chơi ông Giăng luôn, ông Giăng vui lắm, cứ thấy mặt là thấy cười.

Trăng sáng óng ánh. Bóng núi bóng cây in thẫm nét. Nước lần ở máng rỏ lách tách. Bài hát "Trăng sáng trên cao" 1 nghe khi xa khi gân, không biết tiếng hát trong làng hay trên ông Giăng.

Ông Giăng - Các em đứng làm gì đấy?

Bẻ - Chúng tôi đợi bạn đê đi lên nương.

Ông Giăng - Đi lên với ông Ké trên nương à? Hoan nghênh lắm. Mấy lâu nay, người các làng lũ lượt lên núi vỡ đất phá nương. Hôm qua, hôm kia, hàng đàn trâu, đàn bò với người đeo vai cầy lên nương. Lại nhiều người đi đêm, đêm nào ta cũng soi đường cho người đi. Họ vừa đi, vừa hát. Chốc nữa, các em cũng cứ theo ánh trăng của ta mà đi.

Bẻ em - Nhưng mà lão bù nhìn Điếc đánh chúng tôi.

Ông Giăng - Sợ gì!

Bẻ em - Nhưng chúng tôi qua vườn ngô, thế nào lão cũng giơ roi ra chặn đường, cái tay lão dài, cái roi lão dài, lão không có tai, không nghe tiêng chúng tôi đi, nhưng mà gậy lão nện xuống thì vỡ đầu mất. Làm thế nào, hả ông Giăng?

Ông Giăng - Này nhé. Lão trông thấy các em, nhưng lão không nghe thấy các em đi. Thế thì lúc ấy ông Giăng gọi đám mây bay xuống bịt mắt lão lại, lão sẽ không trông thấy gì nữa. Tha hồ đi qua.

Bẻ - Thế nào nhỉ? Bao giờ thì ông Giăng bịt măt bù nhìn Điếc cho chúng tôi đi qua vườn ngô?

Ông Giăng - Để xem lão đương làm gì nào.

Bẻ em - Lão đương làm gì đây?

Bẻ - Đừng đi vội. Ông Giăng nhìn xa hộ xem các bạn tôi đã đến chưa?

Bẻ em - Nhất định phải tìm bạn Đốm. Tôi không sợ. Đã là anh em thì không được bỏ nhau. Biết đâu cái thằng My độc ác lại không lập mưu đánh chết Đốm rồi. Tôi trở lại tìm bạn Đốm.

Bẻ em, toan chạy ra, giữa lúc Đốm dắt My vào. 

3

Đốm - Không đánh nhau nữa. Chúng tôi đoàn kết rồi (Cả bọn reo lên).

Tất cả - Thế nào thế này...

Đốm - Tôi với bạn ấy đã toan choảng nhau. Nhưng vừa gặp lúc ông Giăng lên. Ông ấy phân xử. Ông ấy bảo: "Đốm không được nóng tính. Đánh nhau không thể làm cho My hiểu Đốm, mà lại càng ghét nhau hơn. Bây giờ phải nói với nhau dịu dàng". Ông Giăng lại bảo My: "My nghe lời ông Giăng đây. Tại sao My đói? Là vì em không chịu làm. Em bảo tại mũi em đỏ nên em không biết bắt chuột, em hãy thử bắt chuột đi đã, xem sao". Bạn My cãi: "Nhưng mà chúng nó lên nương hết cả rồi. Tôi cũng muốn bắt chuột, tôi cũng muốn giữ nhà, nhưng không còn ai ở nhà". Ông Giăng cười: "Nếu em muốn chữa bệnh lười của em thì có nhiều cách. Em đừng coi thường Bê, mà em phải bắt chước Bê. Em đi theo các bạn lên nương, các bạn giúp em cùng canh giữ vườn tược, nhà cửa, mà trước nhất là bạn Đốm đây. Các bạn lên nương giúp ông Ké vỡ nương đó là một việc làm có ích". Nghe ông Giăng nói thế, My bèn bắt tay tôi. Chúng tôi cùng nghĩ rằng: "Tại sao chúng tôi cùng ở một nhà lại không làm lành với nhau. Ai nói câu cãi nhau như chó với mèo, từ nay câu ấy không đúng, chúng tôi phải làm cho từ nay ai cũng phải khen ngợi: thương nhau như chó với mèo".

My - Anh Đốm nói đúng. Tục ngữ từ nay có câu: Thương nhau như chó với mèo!

Bẻ em - Chân bạn có bệnh tê thấp phải đi bít tất quanh năm thế kia thì lội nước sao được.

My - Xin đừng chế giễu em! Em sẽ bắt cá bắt chuột được.

Bẻ em - Tai bạn không chịu được gió, đi đường xa gió thổi thì lộng óc lắm.

My - Xin đừng chế giễu em. Không bao giờ em kêu đói nữa. Chúng em vừa qua vườn ngô, lão bù nhìn Điếc đuổi đánh chúng em không được đấy.

Đốm - Đấy là ông Giăng ông ấy thử quyết tâm của chúng tôi, ông ấy hỏi My: "Các bạn em lên nương đã đi lâu rồi, em có nhất định theo các bạn không? Đi qua vườn ngô một mình em có dám không?". My đáp: "Em không sợ bù nhìn Điếc nữa, em quyết tâm rồi". Chúng tôi đi qua vườn ngô, sáng trăng vằng vặc, lão Điếc quất roi xuống như mưa. My can đảm lắm, trúng mấy roi của lão, bật cả từng mảng lông, mà không khóc vẫn chạy vượt lên tới đây.

Ông Giăng - Đốm và My là những bạn can đảm.

Tất cả hoan hô, hoa chân múa tay chạy quanh hai bạn.

My - Nhưng mà em còn lạc hậu. Em lười từ thuở bé tới giờ rồi. Lên nương thì các bạn phải giúp em.

Bẻ em - Xin lỗi bạn, vừa rồi tôi nói đùa, tôi không ghét bạn mà tôi sẽ giúp bạn.

Một Ỉn lùi lũi đi ra: "Tôi mới là lạc hậu".

Ỉn - (Vừa thở vừa nói). Tôi mới là lạc hậu. Tôi chỉ đi chậm có vài bước mà không theo kịp các bạn.

Bốn Ỉn - Thảo nào, cứ thấy thiếu một...

Tất cả - Hoan hô! Hoan hô!

Bẻ - Thưa các bạn, gió mát đương thổi, trăng rằm đương trong leo lẻo, chúng ta đương phấn khởi, chúng ta hãy lên đường cho khỏe chân.

Ông Giăng - Các em cứ đi, vừa đi vừa hát cho thật vui. Ông Giăng sẽ soi đường thật sáng cho các em đi lên đến tận nương.

Tất cả - Ông Giăng soi đường cho chúng ta lên đến tận nương!

Bẻ - Vâng chúng tôi lên đường. Chúng tôi lên đường đi tới quê hương mật ong của bác Gấu rất béo, chúng tôi đến những cánh đồng cỏ ngọt của anh Hươu đẹp trai, chúng tôi tới những đồi nương mới khai phá của ông Ké hiền từ, rất kính yêu của chúng tôi. Chúng tôi giúp ông Ké trông nhà cửa vườn ruộng. Chúng tôi làm việc, mỗi đứa một việc rất chăm, không bao giờ biết mỏi, không bao giờ còn lười. Chúng tôi đương đi tới vùng đồi nương yêu quý và giàu có, lòng vui sướng xiết bao. Ông Giăng ơi! Ông Giăng, ông cùng đi cùng hát với chúng tôi.

Tiếng hát đồng thanh tưng bừng nổi lên. Tất cả bọn, dắt nhau, vừa đi, vừa nhảy, vừa hát, quanh một vòng rồi xa dần vào chân núi. Tiếng hát chan hòa. Ánh trăng lung linh. Ông Giăng cũng rún rẩy. Cây núi rập rờn. Tiếng hát xa, dắt cả ông Giăng theo.

4/1956
Tô Hoài
--------------------------------


[1]
Trăng sáng trên cao: Một bài hát tiếng Tày, bài hát phổ biến ở Cao - Bắc - Lạng từ năm 1940 khi mới ra đời đội Tuyên truyền Việt Nam giải phóng quân. 




5 nhận xét: