(ANTĐ) - Thỉnh thoảng tôi cũng có may mắn là được các nhà văn tặng sách. Tôi phấn khởi lắm. Được họ tặng cho cả hàng nghìn hàng vạn con chữ thì không phấn khởi sao được. Nhưng lần này, nhà văn Nguyễn Đình Chính (NĐC) điện thoại cho tôi và nói tôi đến để anh tặng sách mới. Tôi vừa phấn khởi lại vừa tò mò không biết sau “Online… Balô” gây không ít ồn ào vì cái lối viết văng mạng, ông này lại viết gì nữa đây?
Tôi thật sự bất ngờ khi nhìn thấy trên mặt bàn cái bìa sách vẽ con kiến nghênh mặt lên, vác một cái bị trên vai. Bìa sách trình bày giản dị, trông giống như cuốn sách được in từ vài chục năm trước. Đó là cuốn truyện viết cho thiếu nhi có tên: “Ngàn dặm xa”. Và bất ngờ hơn nữa khi tôi đọc hết cuốn sách đó mà vẫn không nhận ra Nguyễn Đình Chính. Hoàn toàn khác xa với “Đêm Thánh nhân” viết không thèm chấm mà cũng chẳng thèm phảy, lại càng khác lối viết văng mạng trong “Online… Ba lô”. “Ngàn dặm xa” là những trang văn đẹp, khá cảm động và lý thú kể về cuộc phiêu lưu của một chú Kiến lửa bị lạc, và luôn mơ ước được trở về tổ của mình.
Hóa ra cuốn truyện này được Nguyễn Đình Chính viết từ năm 1961 nhưng chính anh cũng quên mất là mình có một tập bản thảo còn đang viết dang dở. Anh kể rằng hồi đó anh đi làm thợ tiện ở Hải Phòng. Ngày đi làm, tối về mơ màng ngồi trong xó nhà viết “Ngàn dặm xa”... Viết đến đoạn chú Kiến lửa cứu chú Kiến nâu chạy thoát khỏi tổ của bà Mối thì bỏ đó không viết tiếp nữa. Năm 1976, khi đi bộ đội về, nhà văn Nguyễn Đình Thi đạp xe đến đưa cho anh cái phong bì dầy cộp, dán kín và bảo: “Trả Chính bản thảo truyện con kiến lửa”.
Anh cũng chẳng biết tại sao ông lại có bản thảo này. Đến bây giờ anh chỉ nhớ láng máng là có thể do anh đã đưa cho ông xem rồi quên luôn, không lấy lại. Cũng có thể ông nhặt được bản thảo này trong đống quần áo cũ anh để lại trước khi đi bộ đội. Năm 1978 anh viết tiếp đến đoạn 2 chú kiến lạc đến hòn đảo Đen ở giữa biển thì lại không viết nữa. Tính cho đến năm nay là 48 năm, gần nửa thế kỉ đã trôi qua, cuốn tiểu thuyết phiêu lưu trẻ thơ này vẫn còn bỏ dở giữa chừng.
Thế rồi một buổi sáng, đầu tháng 5 năm 2009, có một người trẻ tuổi, đeo kính cận dầy cộp, mặt mũi hiền lành như trẻ thơ, bấm chuông, đẩy cửa bước vào nhà anh và giới thiệu là Giám đốc nhà sách Thương Huyền. Họ đã nói chuyện về văn học thiếu nhi về những đứa trẻ đáng yêu. Hóa ra anh Giám đốc nhà sách nọ đã tình cờ gặp được đọc bản thảo “Ngàn dặm xa” qua một nhà văn khác mà từ lâu lắm rồi, Nguyễn Đình Chính đã đưa cho nhà văn đó đọc, rồi cũng quên luôn. Thế là cuốn sách được ra đời, ngoài cả ý định của nhà văn Nguyễn Đình Chính.
- Viết từ năm 1961, trong suốt mấy chục năm mà anh không bao giờ nghĩ đến bản thảo này sao?
- Nhà văn Nguyễn Đình Chính: Thỉnh thoảng cũng có nghĩ đến nó. Nhất là từ năm 1976 được ông Thi trả lại cho bản thảo, mỗi lần nhớ đến nó là tôi lại lấy ra đọc lại và cười một mình. Và tôi cũng dần dần cảm nhận được giá trị rất tuyệt vời của cuốn tiểu thuyết trẻ thơ này. Tháng giêng năm 2003 (ba tháng trước khi mất) nhà văn Nguyễn Đình Thi có gọi tôi đi uống cà phê ở Phú Gia bên hồ Hoàn Kiếm. Nhắc đến cuốn tiểu thuyết trẻ con này, ông bảo: “Ngàn dặm xa chắc sẽ đứng lại được mãi vì đó là một tác phẩm rất thuần khiết văn học. Còn Đêm Thánh nhân thì … may ra”.
- Anh thấy Nguyễn Đình Chính của tuổi 15 và Nguyễn Đình Chính bây giờ có khác nhau không?
- Nhà văn Nguyễn Đình Chính: Khác lắm chứ. Cực kì khác. Hồi viết “Ngàn dặm xa” tôi là một cậu bé, đúng hơn là một chàng trai 15 tuổi thông minh, lanh lẹn và vui vẻ. Khi đó, tôi yêu văn học và nhìn văn học như một ngôi đền thiêng.
- Thế anh thấy thích phong cách viết của mình như thế nào, văng mạng hay trong sáng?
- Nhà văn Nguyễn Đình Chính: Viết văn trong sáng để được nhiều người thích thì tôi muốn lắm. Nhưng khổ nỗi bây giờ có muốn viết văn trong sáng cũng không thể được nữa rồi. Tâm hồn tôi bây giờ như một cái mỏ than bị đào bới ngổn ngang, lanh tanh bành làm sao mà có thể tuôn chảy ra những dòng văn mát mẻ hồn nhiên như nước suối rừng được nữa. Không trong sáng được thì đành phải văng mạng thôi, chứ chả nhẽ lại cứ ngồi không cắn quản bút.
- Cụ Nguyễn Đình Thi đã từng cho rằng anh “vô trách nhiệm với văn chương chữ nghĩa”, nhưng trong lời tựa cuốn tiểu thuyết này, anh nói: “Để tặng nhà văn Nguyễn Đình Thi, và chắc ông sẽ mỉm cười nơi chín suối”. Anh lại còn nói: “Tôi đã là người tử tế”. Anh ân hận rồi sao?
- Nhà văn Nguyễn Đình Chính: Văn của nhà văn Nguyễn Đình Thi là một mẫu mực của văn hay chữ tốt trong làng văn Việt Nam. Khi ông nói tôi vô trách nhiệm với văn chương chữ nghĩa là nói rất đúng. Tôi thừa nhận nhưng tôi không có ý định sửa chữa. Vì sao? Vì tôi và cụ Thi là 2 đối cực trong tiểu thuyết. Hai cái tạng khác hẳn nhau. Tôi tặng cụ Thi cuốn tiểu thuyết này là có 2 nguyên do. Thứ nhất nhờ ông mà bản thảo không bị mất.
Thứ hai là văn chương “Ngàn dặm xa” có lẽ hợp với cụ hơn. Còn tôi nói tôi là người tử tế. ấy là nói hồi xưa khi viết “Ngàn dặm xa” văn chương trong sáng như thế thì chắc chắn tôi phải là người tử tế rồi. Còn bây giờ, văn chương văng mạng thế sao dám nhận là người tử tế. Khi chưa thực sự được là người tử tế thì tất nhiên tôi xấu hổ, tôi ân hận chứ.
- Cuộc phiêu lưu của Kiến lửa có phải là cuộc phiêu lưu của Nguyễn Đình Chính hay không nhỉ?
- Nhà văn Nguyễn Đình Chính: Cuộc phiêu lưu của Kiến lửa chính là cuộc phiêu lưu mơ ước của cuộc đời tôi. Tôi đã có mấy cuốn sách đều viết theo thể loại phiêu lưu kí nhưng lúc nào tôi cũng chỉ mơ màng nhăm nhăm ba lô bụi lên đường, lang thang lêu lổng nay đây mai đó, gửi thân cho đời phiêu bạt.
- Kiến lửa mơ ước được về tổ của mình, nhưng nó vẫn chưa được về tổ vì bản thảo còn dang dở. Anh muốn cho nó phiêu lưu tiếp bằng một cuốn tiểu thuyết khác. Hay là đến bây giờ Nguyễn Đình Chính không thể quay lại tuổi 15 để viết những trang văn như thế?
- Nhà văn Nguyễn Đình Chính: Sẽ cực kì dại dột khi ngồi viết tiếp “Ngàn dặm xa”. Để cho chú kiến lửa tìm được về đến tổ. Câu hỏi cuối cùng này của chị rất tuyệt vời. Nó gợi ra 2 vấn đề lớn về sáng tạo một tác phẩm văn học. Thứ nhất là nhà văn nào cũng có được một tác phẩm để đời. Nhưng tác phẩm đó nhà văn chỉ viết được một nửa thôi, còn một nửa là do ông Trời viết hộ. Đó là bí ẩn của văn học.
Vấn đề thứ hai là vẻ đẹp cấu trúc của một tác phẩm văn học không phải là vẻ đẹp hoàn chỉnh. Vẻ đẹp này giống như vẻ đẹp của tự nhiên của cây cỏ, núi sông. Sự can thiệp sắp đặt thông minh và hoàn mỹ của lý trí đôi khi phá hỏng tất cả. Và tôi chia sẻ điều này với văn hào Gô Gôn khi ông ném vào lửa bản thảo tập hai của tiểu thuyết bất hủ “Những linh hồn chết”.
Nhà báo Đinh Hương Bình thực hiện
( Nguồn An ninh thủ đô)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét