Thứ Tư, 20 tháng 9, 2023

THAM THÌ THÂM




Tiểu dẫn: Tác phẩm này được xuất bản lần đầu vào năm 1941. Tác phẩm được viết theo thể truyện cổ tích hiện đại. Văn bản dưới đây giữ nguyên cách viết chính tả hồi đó.
***
Vua Hạ-Luân một hôm, cùng tể-tướng Bạch-Hòa vi-hành ra ngoài thành chơi. Qua cầu Hạ-lý-Văn, hai người bỗng gặp một lão ăn mày mù cả hại mắt chìa tay ra xin tiền. Thương tình, vua Hạ-Luân đặt vào tay hắn một đồng tiền vàng và toan rảo bước đi ngay. Nhưng lão ăn mày đã nắm chặt lấy tay vua giữ lại:


- Xin ngài đã làm ơn thì làm phúc cho chót, ngài hãy tát cho tôi một cái vào má rồi hãy đi.

Nói xong, lão rời tay vua ra để vua được tự do tát vào mặt hắn. Sợ vua không nỡ tát, hắn quờ tay ra níu lấy vạt áo vua.

- Lão mù kia - vua nói - ta không thể chiều theo ý ngươi được.

Đoạn ngài toan giằng tay lão mù ra đi, nhưng hắn, lần này, đưa cả hai tay ra nắm riết lấy áo ngài, mà kêu cầu:

 - Xin ngài hãy thương tình tôi, ngài hãy tát tôi đi, nếu ngài biết tội tôi, dám chắc rằng, ngài cho cái hình phạt ấy đối với tôi hãy còn là nhẹ.

Chẳng muốn để mất thi giờ, vua Hạ-Luân đành phải tát sẽ vào má hắn. Bấy giờ hắn mới chịu bỏ tay ra, cảm ơn vua rối rít.

Vua và tể-tướng lại lên đường, nhưmg đi đượe vài bước, vua quay lại bảo:

- Bạch-Hòa ơi, ta đoán chắc lão mù kia có nỗi khổ tâm gì đây. Ta muốn biết lắm, vậy ngươi hãy quay lại, dặn lão đến trưa mai vào hầu ta.

  - Xin tuân-lệnh.

Tể-tuớng Bạch-Hòa liền quay ngay lại phía cầu Hạ-lý-Văn. Đến chỗ lão ăn mày, ông liền dúi vào tay hắn một đồng tiển vàng và cũng tát sẽ vào má hắn một cái, đoạn nói cho hắn biết lệnh vua đòi.

Trưa hôm sau, lão mù được tế-tướng Bạch-Hòa dẫn vào chầu vua. Gã mù quỳ trước sân rồng, tung hô vạn tuế, rồi đứng sang một bên. Vua phán hỏi tên họ.

- Tâu bệ hạ, tên con là Bà-ba-Lá.

- Bà-ba-Lá! ngươi hãy nói cho ta biết, tại làm sao ngươi lại ăn xin một cách kỳ- khôi như vậy?

 - Tâu bệ hạ, chuyện con tưởng không đáng để bệ hạ chú ý tới...

  Con không dám kể sợ làm rởm tai bệ-hạ.

- Không, ta cho phép, ngươi cứ nói, chính ta cũng sẵn lòng muốn nghe chuyện nhà ngươi lắm...

 Thấy vua đã truyền, đâu dám trái lệnh. Bà-ba-Lá liền bắt đầu kể:

- Tâu bệ hạ, con sinh trưởng ở Bá-hạ. Cha mẹ con mất đi để lại gia sản cũng nhiều. Vốn xưa nay, tính vẫn cần-kiệm, con rất quý đồng tiền, con thiết nghĩ tiền tài tuy con có dư thật đấy, nhưng một ngày kia nó cũng phải hết nếu con cứ ngồi ăn không. Bởi vậy, con quyết chí đi buôn, vốn có duyên về thương mại, nên chẳng bao lâu con đã gây thêm được cái vốn to. Con đã thành chủ-nhân một lâu đài tráng-lệ, một mình có tới chín mươi con lạc-đà để chở hàng-hóa[1].

Tuy nhiên được như vậy con vẫn chưa hài lòng, con còn muốn giầu thêm nữa. Một hôm con chở hàng sang Bàn-sô-hạ, bán xong lúc trở về, con đang cho 90 con lạc-đà ăn cỏ tại một bãi đồng rộng mênh mông duới chân núi Hoàng-Hoa-Sơn. Một lão đạo-sĩ bỗng ở đâu tới, chào con, Con hỏi đạo-sĩ ở đâu, hàn-huyên vài ba câu chuyện, nhân-tiện tới bữa, con liền mời đạo-sĩ cùng ăn với con. Hai chúng con hết chuyện gần xa tới chuyện giầu sang. Đạo-sĩ bảo có biết một nơi nhiểu của cải lắm, dầu dùng 90 con lạc-đa của con, vị tất đã khuân được một phần nhỏ. Cái tin này làm con ngạc-nhiên và sung-sướng vô cùng. Không thể tự chủ được nữa, con bá lấy cổ đạo-sĩ nói rằng:

- “Đạo sĩ thân quý của tôi ơi! Đạo-sĩ là người xa lánh bụi trần không màng danh-lợi, và lại chỉ có một thân một mình, đạo-sĩ dẫu lấy của cũng chẳng tiêu dùng vào việc gì cả. Chi bằng đạo-sĩ mách cho tôi biết nơi đó, tôi có những 90 con lạc-đà, tôi sẽ lấy được nhiều của, rồi tôi sẽ làm quà cho đạo-sĩ một con tùy ý đạo-sĩ chọn.

Con cho đạo-sĩ như vậy, tâu bệ hạ quả là ít, nhưng lúc ấy lòng tham của con tự-nhiên nó nổi lên đùng đùng, thành thử, 90 con lạc-đà còn lại, con coi không thấm vào đâu đối với một con lạc-đà con biếu đạo-sĩ.

- Này bác ơi! Đạo-sĩ trả lời con, bác cho tôi như vậy chả há ra ít ỏi lắm ru? Tôi có thể không nói cho bác biết nơi để của ấy...

Nhưng thôi, tôi đã có lời hứa với bác tôi không khi nào còn giấu bác nữa. Muốn cho hai bên đều lợi cả, thì chi bằng bác có 90 con lạc-đã ấy, ta sẽ chia đôi mỗi nguời một nửa. Này bác ạ, chỉ một con lạc-đà chất đầy bảo-vật của tôi, cũng đủ mua được hàng triệu con lạc-đà khác kia đấy!

Tuy biết rằng đạo-sĩ xử trí như vậy rất công bình, song lòng con vẫn tiếc rẻ cái số 45 con lạc-đà tự dưmg bị mất. Cái ý-tuởng có một người thứ hai cũng giầu bằng con, khiến con khổ tâm vô chừng. Tuy vậy, con vẫn phải chịu một trong hai điều kiện đó: hoặc là theo lời đạo-sĩ, hoặc không chịu mất số 45 con lạc-đà...

Kết cục con đành ưng chịu lời đạo-sĩ vì tính ra như thế vẫn có lợi cho con lắm. Con bèn dồn 90 con lạc-đà lại, theo chân đạo sĩ. Chúng con đi đến một nơi thung lũng rất đẹp, đường đi chỉ vừa lọt một con lạc-đà, thành thử phải nối đuôi nhau mà đi. Hai bên đường là núi cao chót vót, và rất là hiểm-trở.. Đạo-sĩ bỗng dừng lại trước một ngọn núi cao nhất:

- Thôi đây rồi. Bác hãy cho lạc-đà dừng lại, bảo chúng nằm cả xuống, tôi sẽ chỉ cho bác biết nơi để của…

Con làm theo như lời đạo-sĩ nói. Hắn cầm trong tay một khẩu súng, lấy đá lửa châm đốt. Hắn lâm-râm khấn vài câu, con không hiếu gì cả, nhưng chắc đó là những lời phù chú, tức thì một đám khói đen nổi lên. Đạo-sĩ gạt đám khói đen ra hai bên, tự nhiên mặt tường núi mở toang ra, để lộ một kho vàng vô giá. Trong núi là một cái lâu-đài tráng lệ, vàng bạc xếp đấy từ dưới đất lên đến tận trần. Như một con diều hâu thấy mồi, con chạy tới phía để của, hăm hở nhặt nhét đầy các bao tải mà con đã mang theo. Giá các bao tải to hơn thế nữa con cũng cố nhét thật đấy, nhưng chỉ sợ sức lạc-đà không mang nổi! Chao ôi! Của cải đâu mà nhiều đến thế!

Đạo-sĩ cũng giúp con nhặt vàng bạc, con thấy hắn hình như chú ý đến các bảo-thạch hơn, con liền hỏi duyên cớ. Hắn bảo những bảo-thạch còn quý hơn vàng bạc nhiều, tức thì con cũng bắt chước hắn. Chẳng bao lâu chúng con đã nhặt đấy 90 bao tải, chất lên lưmg 90 con lạc-đà. Chỉ còn có đóng cửa lâu đài lại, là chúng con sẽ chia tay mỗi người một ngả.

Trước khi ra đi, đạo-sĩ còn ở dốn trong lâu-đài, con chú ý nhìn thấy hắn nhặt những lọ vàng lọ bạc rất to. Hắn lấy được một chiếc hộp con không hiểu bằng thứ gì lạ, hắn có đưa cho con xem trong đó chỉ đựng một chất bột, rồi hắn bỏ ngay cái hộp vào trong túi rất cẩn-thận.

Đạo- sĩ cũng làm theo như trước, để khóa cửa lâu-đài lại. Hắm lâm- râm khân vài câu, tự nhiên hai bên tường đá lại khít vào nhau, tuyệt nhiên không có một dấu vết gì để lại. Chúng con chia nhau lạc đà, và từ giã nhau mỗi người đi một ngả: con về Bá-hạ, còn hắn thẳng đường lên Bàn-sô-hạ.

Chưa đi được mấy bước, tư nhiên lòng tham nổi lên xâm chiếm cả lòng con.

Con tiếc 45 con lạc đà với bao nhiêu của cải chất trên mình chúng.

"Đạo-sĩ cần gì đến những của cải ấy! con tự bảo thế. Đạo-sĩ là chủ kho của kia mà, nghĩ vậy con quyết tâm lấy lại số 45 con lạc đà.”

Thế là con dừng đoàn lạc đà của con lại, một mình chạy theo đạo-sĩ, lớn tiếng gọi hắn. Đạo-sĩ liền đứng lại.

Khi đến gần hắn, con liền nói:

 - Đạo-sĩ ơi! Tôi vừa xa đạo-sĩ  chợt nghĩ tới một việc này, có lẽ đạo sĩ chưa nghĩ tới. Số là đạo-sĩ xưa nay vẫn quen một mình ngao du, chắc đạo-sĩ thừa biết chăn nổi 45 con lạc đà không phải là việc dễ-dàng. Chính tôi đây xưa nay vẫn chăn quen mà lắm lúc còn bực mình vì chúng vô cùng, Chi bằng đạo-sĩ hãy nghe nhời tôi, nhường lại l5 con cho tôi, còn 30 con, đạo-sĩ đã phải khó nhọc. Đạo-sĩ hãy tin như ở tôi, xưa nay đã là người từng trải.

- Bác nói cũng có lý đấy! bây giờ tôi mới nghĩ ra, tôi cũng lấy làm lo ngại phải chăn những 45 con. Vậy thì bác cứ việc chọn lấy 15 con, để tôi 30 con cũng được..

Con vội vã cảm ơn đạo-sĩ, chọn lấy luôn 15 con lạc đà của đạo-sĩ ngay. Thật con không ngờ hắn lai dễ dàng làm vậy. Cũng vì thế mà lòng tham của con tự nhiên lại bồng bột hơn lên. Bụng bảo dạ: ta quyết xin thêm l0 con lạc đà nữa của đạo-sĩ mới hả, mình xin 15 con vừa rồi chả thấm là bao. Thế là, con quên phải cảm ơn đạo-sĩ vừa mới vui lòng nhường cho con 15 con lạc-đà và con lại ngọt ngào bảo đạo-sĩ:

- Đạo-sĩ ơi! Bớt cho tôi 10 con lạc-đà nữa đi. Ấy là tôi thành-thực khuyên đạo-sĩ, đạo-sĩ đừng tuởng tôi tham-lam nhá. Đạo-sĩ chăn 20 con lạc-đà cũng đủ rổi.

Nghe con nói, đạo-sĩ chẳng nề hà, bằng lòng ngay. Thế là con đã có 65 con lạc-đà trị giá gấp mấy mươi lần của cải các vị đế-vương. Người khác, vào địa vị con, tưởng thế đã là mãn-nguyện rồi. Khốn nạn thay, con lại không thế, ước mong nhiều nữa, lòng tham thật vô độ. Con có khác chi con hải-mã, càng uống nước càng thấy khát. Thấy đạo-sĩ dễ-dàng, con đã chẳng nể thì chớ, lại ra công nằn-nì, đòi xin mãi, rút cục con lại được thêm 10 con lạc-đà của đạo-sĩ. Tuy nhiên đạo-sĩ vẫn tươi cười như không với số 10 con lạc đà còn lại. Con sung-sướng quá, bá lấy cổ đạo sĩ mà hôn lấy hôn để.

- Đạo-sĩ sẽ làm cho tôi vui mừng vô kể, nếu đạo-sĩ cho tôi nốt 10 con lạc-đà còn lại kia.

Không lưỡng-lự gì, đạo-sĩ bằng lòng cho con nốt.

- Được, tôi vui lòng biếu bác cả. Nhưng bác nên hiểu trời phật có thể làm cho ta khánh kiệt cũng như ban ơn cho ta giầu có. Vậy bác nên tiêu dùng đồng tiền cho phải lễ, và luôn luôn cứu giúp người nghèo khó.

Lúc bấy giờ con có để tai đâu đến lời khuyên quý hóa của đạo-sĩ. Tâu Bệ-hạ, con chỉ mong mỏi và đương tính cách làm thế nào chiếm được cái hộp đựng một thứ bột lạ mà đạo sĩ lấy ở trong kho ban nãy. Con vốn biết 90 con lạc đà tải đầy châu-báu, bạc vàng kia giá trị không phải là nhỏ, nhung con còn cho cái hộp nhỏ kia còn quý giá hơn nhiều. Chao ôi! Còn gì sung-sướng hơn bằng lấy được cái hộp đó. Con tự nghĩ cái hộp ấy hẳn đựng một vật báu vô giá cho nên đạo-sĩ mới có ý giấu con. Thế là con nẩy ra ý muốn chiếm-đoạt cái hộp bí-mật nọ. Trước khi từ giã đạo-sĩ lên đường con dịu-dàng nói:

- Đạo-sĩ ơi, đạo-sĩ còn giữ cái hộp làm gì nữa! Tôi xem nó chẳng đáng là bao, mà đạo-sĩ giữ, đạo-sĩ cho quách tôi nhá? Đạo-sĩ đã xa lánh bụi trần, thời vật thử hỏi còn cần đến thứ bột ở trong hộp đó làm chi?

Lần này, đạo-sĩ nhất định từ chối! Lạ chưa! Mấy lần trước sao đạo-sĩ dễ-dàng thế! Quyết là cái hộp có gì bí-mật đây! Con tức giận quá và định bụng sẽ xin lần nữa, nếu không cho, con sẽ dùng võ-lực quyết lấy cho kỳ được. Con đã lấy được cả 90 con lạc đà khi nào con chịu để mất cái hộp. May mắn thay! Đạo-sĩ đã bằng lòng đưa nốt cho con.

- Đây bác cầm lấy, bác bây giờ hẳn bằng lòng rồi chứ? Nào bác còn muốn gì nữa không? Cứ nói đi, tôi sẵn lòng giúp bác.

Con cấm lấy cái hộp, mở nắp ra, ngắm thứ thuốc bột ở trong, rồi hỏi đạo-sĩ:

- Đạo-sĩ đã có lòng tốt cho tôi cái hộp này, đạo-sĩ làm ơn bảo cho tôi biết thứ bột này dùng để làm gì?

- Thứ thuốc bột lạ lùng có một này nếu rắc vào mắt bên trái, sẽ trông thấy tất cả của cải, vàng bạc, châu báu giấu trong trái đất, nhưng nếu rắc bột vào mắt bên phải, sẽ mù ngay lập tức.

 Con muốn thí-nghiệm, liền bảo đạo-sĩ:

- Vậy thế đạo-sĩ làm ơn rắc thứ thuốc bột đó vào mắt trái tôi xem nào. Chắc đạo-sĩ dùng luôn, nên biết cách rắc.

Đạo-sĩ liền bảo con nhắm mắt trái lại, rồi đạo-sĩ lấy tay miết thuốc lên mi mắt con. Đúng như lời đạo-sĩ, thuốc vừa mới ngấm vào mắt, con đã nhìn thấy tới tận trung tâm trái đất: Chao ôi! Vàng bạc, châu báu trong lòng địa cầu sao mà nhiều làm vậy! Muốn rõ hơn, con yêu cầu đạo-sĩ rắc nốt thuốc vào mắt bên phải của con.

- Ta sẵn lòng bôi thuốc vào mắt bác, nhưng bác có sợ mù không đã, bác quên lời ta dặn rổi chăng?

 Thấy đạo-sĩ nói vậy, con chẳng nghe lời thì chớ, lại cho là đạo-sĩ dọa con. Có lý nào, một thứ thuốc lại có hai hiệu quả trái-ngược hẳn nhau làm vậy?

- Đạo-sĩ dọa tôi đấy chứ?

- Ô hay, chuyện can-hệ có phải chuyện đùa đâu?

Con vẫn nhất quyết một hai đòi đạo-sĩ rắc thuốc vào mắt phải mặc dầu đạo-sĩ can-ngăn như vậy. Con tự nghĩ, thuốc bột rắc vào cả hai mắt sẽ tăng lực lượng gấp đôi và con sẽ tha hồ ngắm của cải khắp trong trái đất. Đạo-sĩ vẫn nhất-định không làm theo điều con muốn.

- Tôi vừa mới làm ơn cho bác chả lē bây giờ lại hại bác ngay. Bác nên biết, một khi mù, bác sẽ khổ sở đến thế nào!

Càng thấy đạo-sĩ chối từ, con càng đinh-ninh là đạo-sĩ ngại công, không muốn cho con ngắm các mỏ vàng, mỏ bạc trong quả đất.

- Đạo-sĩ cứ dọa tôi mãi!

- Tôi đã nói, bác không nghe rồi sau này hối không kip đâu. Bác hãy dẹp lòng tham muốn lại, đừng ao ước gì quá.

 - Tâu Bệ-hạ, một kẻ khác, vào địa vị con rất sẵn-sàng nghe lời khuyên-nhủ của đạo-sĩ nhưng con lúc bấy giờ lòng tham muốn đã bốc lên, quyết một phen được hả hê nhìn hết thảy châu báu vàng bạc trong trái đất, đạo-sĩ ngăn thế nào cũng không được.

Con vẫn nằn-nì:

- Đạo-sĩ ơi, hãy rắc thuốc bột đó lên mắt phải tôi đi. Đạo-sĩ sẽ làm cho tôi sung-suớng vô cùng trước khi tôi với đạo-sĩ từ giã nhau mỗi người một ngả. Có thế nào, tôi xin chịu không oán-trách đạo-sĩ đâu.

 - Ta đã bảo bác không nghe, đừng oán trách ta đấy.

Nói xong đạo-sĩ rắc thuốc bột vào mắt phải con. Thuốc vừa ngấm vào, hai mắt con bỗng dưng không thấy gì nữa, toàn một màu đen tối. Thưa Bệ-hạ! con đã mù rồi. Khốn khổ chưa! Con rối rít kêu cầu đạo-sĩ.

- Trời ơi! Đạo-sĩ cứu tôi với! Tội quá dại không nghe lời đạo-sĩ nên mù rồi.

Khốn nạn cho bác! Bác mù là đáng lám. Sao bác đã để lòng tham lam mờ ám lương tâm! Nếu bác nghe lời ta thì đâu đến nỗi này. Ta có nhiều tài kỳ-lạ đấy, nhưng thực quả ta chả có phép nào chữa cho bác khỏi mù cả. Thôi bác hãy cầu trời khấn phật, may ra thượng đế có thương tình chăng? Còn ta, ta đã cho bác bao nhiêu của cải, bây giờ ta phải lấy lại mới được, vì ta xét ra bác tham lam vô cùng. Bác không đáng được hưởng sự giầu sang phú quý, mà ta đã cho bác, ta sẽ đem cho người khác xứng đáng hơn.

Con xấu hổ quá, bởi đạo-sĩ mắng con như tát nước vào mặt. Con cứ đứng trơ trơ ra như phỗng đá chẳng dám nói năng nửa lời. Trong lúc ấy thì đạo-sĩ họp đàn lạc đà của con lại, rồi dắt đi, thẳng đường tới Bàn-sô-hạ. Con kêu khóc lay van mãi đạo-sĩ đừng bỏ con giữa nơi xa vắng này tội nghiệp, con yêu cầu đạo-sĩ hãy dắt con đến một nơi có người qua lại, nhưng đạo-sĩ vẫn giả ngây giả điếc không đoái-hoài tới con.

Cả ngày hôm đó, con lang thang dờ dẫm chả biết lối nào mà đi, khổ sở quá chừng. Mãi tối đến, con mới gặp một đoàn người ngựa, họ thương tình dắt con trở về Bá-hạ.

Than ôi! Con đương ở một địa-vị tột bực giầu sang có thể gọi là đế-vương được, bỗng dưng nay trở lại hai bàn tay trắng, không còn một đồng một chữ nào thời cực biết bao.

Bây giờ hảng ngày, con vẫn phải ngửa tay đi lạy ông, lạy bà, để kiếm lấy miếng ăn. Muốn hối lỗi, con tự đặt ra một cái hình phạt: bất cứ ai cho con tiền, con cũng yêu-cầu người ấy tát con một cái.

 Tâu Bệ-hạ, đầu đuôi câu chuyện xin tiền kỳ-quặc là thế, con tự nghĩ sự trừng-phạt như vậy cũng hãy còn là nhẹ, song Bệ-hạ hãy nghĩ xem còn cách nào nặng hơn thế cho xứng với tội con.

Khi lão mù tâu xong. Vua phán:

- Bà- ba-Lá! Tội ngươi tuy to thật, nhung ngươi đã biết hối-lỗi và đã tự đặt ra hình phạt để ăn-năn. Thôi từ nay, ngươi đừng làm thế nữa, quý hồ ngươi không tham-lam là đủ rồi. Ta nghĩ cũng thương hại cho nhà ngươi già nua tuổi tác còn phải ăn xin, vậy ta ban cho 50 lạng vàng.

Vua nói xong, Bà-ba-Lá vội quỳ rạp xuống cảm ơn, tung-hô vạn tuế, rồi hớn-hở theo tên lính hầu ra về, với số tiền của vua ban.

NGUYỄN VĂN NGHIÊM

Nguồn: Sách Hoa mai, số 3, 1941.

P/s: Có thể đọc trong Truyện đọc lớp 4 - CT 2000.



[1] Ở xứ Ả rập người ta biết nhau giàu sang đến bực nào, chỉ cần hỏi qua số lạc đà là bao nhiêu thôi.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét