Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

CẢM THÔNG CHỨ KHÔNG NÊN ÁP ĐẶT


... Khi lớn lên tôi hiểu rằng sự không cảm thông được của người lớn đối với trẻ em là do người lớn nhìn con trẻ bằng con mắt của người lớn, từ đó mà mọi quan niệm đúng, tốt, xấu thường nhầm lẫn cả.
 
Đây là bài thơ mà theo con mắt nhìn của người lớn đã viết cho con trẻ trong sách học vần cũ:
Mèo con bé tí
Đã có râu ria
Mèo cứ ngồi kia
Meo meo kêu mẹ
Ăn thì ăn khoẻ
Mà lại ham chơi
Bạn nhỏ ta ơi
Chớ theo mèo nhé!
Hai câu đầu có chút nhận xét ngồ ngộ kiểu trẻ con, nhưng từ câu thứ ba trở đi thì hoàn toàn theo quan niệm của người lớn, cách đánh giá tốt xấu của người lớn. Thực ra việc: "Kêu mẹ, ăn khoẻ, ham chơi..." của trẻ con là hoàn toàn không có lỗi. Tại sao lại bắt con trẻ không được làm nũng mẹ, không được ăn khoẻ, không được ham chơi. Nếu như ta chưa có hoàn cảnh đáp ứng cho các em được gần mẹ nhiều, được ăn và chơi đầy đủ thì đó là lỗi của chúng ta. Còn các nhu cầu kia của các em là cần thiết và chính đáng.

Đọc những câu thơ trên tôi thấy thương các em quá!

Là một người làm thơ cho các em qua những đau khổ và khao khát thuở nhỏ, qua những lầm lỗi của tôi khi cư xử với các con tôi, tôi luôn luôn tự nhủ: "Muốn viết cho các em, điều đầu tiên là sự cảm thông với các em chứ không phải là sự áp đặt. Đừng bắt các em sống và nghĩ theo cách của mình. Nếu muốn giáo dục các em thì phải nhìn bằng con mắt của các em mà nhận xét đánh giá mọi việc. Cách giải quyết bắt đầu từ đây".

Xuân Quỳnh
(Bàn về văn học thiếu nhi)

(*). Tiêu đề do chúng tôi đặt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét