Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

NHÀ VĂN VÕ QUẢNG VỚI THỂ LOẠI TRUYỆN ĐỒNG THOẠI


1. Trong thành tựu chung của văn học Việt Nam hiện đại, mảng truyện đồng thoại có một ý nghĩa quan trọng. Thể truyện này, với hình thức nhân cách hóa loài vật, rất thích hợp với thị hiếu và tâm lý bạn đọc nhỏ tuổi. Hơn nửa thế kỷ qua, lịch sử phát triển của thể loại ghi nhận sự đóng góp của nhiều cây bút, trong đó có nhà văn Võ Quảng (1920 – 2007).

Ông là một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Với nửa thế kỷ cầm bút, ông đã tạo dựng được một sự nghiệp văn chương phong phú, nhiều giá trị. Ngoài thơ, tiểu thuyết và tiểu luận phê bình, ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm truyện đồng thoại nhỏ xinh, chứa đựng một thế giới văn chương kỳ thú đầy hấp dẫn. Nhiều người, nhà văn và bạn đọc, đánh giá cao công phu ngòi bút Võ Quảng, thừa nhận đó là thứ “văn chương ngọc quý”(Vũ Ngọc Bình, 1987, tr.5), đem lại “một niềm vui trẻ thơ mà không hời hợt”(Phong Lê, 1998, tr.358)… Trong những năm gần đây, truyện đồng thoại Võ Quảng được tái bản nhiều lần, thường xuyên xuất hiện trong không gian gia đình và lớp học, trở thành người bạn – văn bản thân thiết của các em.

2. Toàn bộ sáng tác đồng thoại của ông (gồm 23 tác phẩm) được tập hợp trong ba tập: Cái Mai (1967), Những chiếc áo ấm (1970) và Bài học tốt (1975). Số lượng tác phẩm tuy không nhiều nhưng đủ để cho người đọc cảm nhận được tâm hồn, phong cách nghệ thuật của nhà văn Võ Quảng.

2.1. Thế giới loài vật và bài học thẩm mỹ cho tuổi thơ

Giải trí và giáo dục là hai chức năng cơ bản của văn học cho thiếu nhi nói chung, truyện đồng thoại nói riêng. Ngay từ sớm, trong định nghĩa đầu tiên về truyện đồng thoại, Từ điển Từ hải đã xác định: “Đồng thoại: những câu chuyện đặc biệt vì trẻ em mà biên soạn. Về cơ bản, nó có kết cấu đơn giản, dễ hiểu, chủ yếu là gây sự hứng thú. Về mặt giáo dục thường dùng để khơi gợi, mở mang tư tưởng cho trẻ thơ. Nhờ đó mà bồi dưỡng thành thói quen đọc sách cho trẻ”(Trung Hoa dân quốc, năm thứ 36. tr.1486).

Bản thân Võ Quảng nhận thức rõ điều này và đặc biệt chú trọng tới chức năng giáo dục. Theo ông, giáo dục là một trong hai vấn đề chính yếu của văn học thiếu nhi. Cho nên, “người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời còn là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi”. Để giải quyết được vấn đề bài học giáo dục, văn học thiếu nhi không thể “chứa đựng những lời răn dạy khô khan”, mà phải thông qua những hình tượng sinh động, vui tươi…(Võ Quảng, 1998, tr. 222).

Truyện đồng thoại là một thể loại có thế mạnh riêng trong việc tìm đường đi vào thế giới tâm hồn tuổi thơ. Trẻ em vốn giàu trí tưởng tượng, nhìn thế giới sự vật hiện tượng bằng cái nhìn nhân hóa nên khi tiếp xúc với truyện đồng thoại, chúng cảm thấy yêu thích vì “thấy ở đó cách nhìn , cách cảm nghĩ giống mình, nếu không nói là của mình”(Ngô Quân Miện, 1983, tr.85)… Như nhiều nhà văn khác, Võ Quảng đã tìm đến với thể truyện đồng thoại chính là để khai thác sức mạnh của thể loại này nhằm đạt được mục đích định vị cái đẹp vào tâm hồn tuổi thơ.

Theo quan sát của chúng tôi, những bài học được đặt ra trong truyện đồng thoại của Võ Quảng không xa rời mục tiêu chung của nền giáo dục. Đó là bài học về tình yêu thương đồng thoại, về tinh thần tự giác trong học tập và lao động, sự ý thức về những trò nghịch ngợm có thể gây hậu quả nghiêm trọng… Vấn đề là, nhà văn đã xử lý các nội dung giáo dục đó như thế nào? Trả lời câu hỏi này, chúng tôi muốn trở lại với một luận điểm của nhà văn: quan hệ giữa người sáng tác (người lớn) với bạn đọc (trẻ em). Ông viết: “Quy luật thường là, lứa tuổi dưới không “hiểu” được các lứa tuổi trên. Ngược lại, lứa tuổi trên hiểu được các lứa tuổi dưới”(Võ Quảng, 1998, tr.221). Khoảng cách về tâm sinh lý giữa các lứa tuổi này tác động không nhỏ tới cách ứng xử của người viết đối với bạn đọc của mình. Có hai khả năng xảy ra đối với người viết: hoặc là áp đặt, hoặc là tôn trọng bạn đọc mà tìm cách hòa giải cảm quan của người lớn với tâm hồn trẻ thơ. Võ Quảng chọn cách thứ hai, và thế là, ông xuất hiện trong tác phẩm như một người bạn lớn để trò chuyện, để dìu dắt các em đi tới thế giới của cái đẹp.

Trước tiên, để hấp dẫn trẻ, ông tạo ra một sân chơi mang dáng dấp của một vườn bách thú, với rất nhiều những con vật: thỏ, cáo, rùa, cá, rắn, chim… Mỗi con đều có những nét ngộ nghĩnh, đáng yêu, đáng cười. Thỏ thì nhát; Hổ to lớn, ranh mãnh mà lại bị lừa bởi các con vật nhỏ hơn; Cóc Tía anh hùng, chí lớn là thế, khi bị sóng xô dạt vào bờ vẫn “méo mồm khóc to” khác nào một đưa trẻ… Khi miêu tả nhân vật, theo nguyên tắc thể loại, nhà văn đã không quên phú cho các con vật những đường nét tính cách trẻ con. Cái tính lười đi của chú Rùa trong Bài học tốt, sự ham chơi không chịu học hành của Giếc trong Mắt Giếc đỏ hoe… đều có bóng dáng của đời sống con trẻ. Cách xây dựng hình tượng như thế có tác dụng giúp cho các em tìm thấy chính cuộc sống của mình trong câu chuyện về loài vật. Qua đó, các em có thể cảm nhận được những tốt, xấu, đẹp, hay, những điều nên làm, không nên làm qua “tấm gương” loài vật.

Trước 1975, giới sáng tác thường chủ trương văn học cho thiếu nhi nên thiên về phản ánh cái tốt; cái xấu nếu có được nói đến cũng cần mức độ. Điều này có cơ sở của nó. Tuy nhiên, đi vào sáng tác của Võ Quảng, chúng tôi thấy, ông không câu nệ điều đó lắm. Có khá nhiều truyện đề cập đến những thói hư của trẻ (lười học, ham chơi, nghịch ngợm…), song tác giả thường không nghiêm trọng hóa vấn đề. Nhà văn luôn giữ một cái nhìn bao dung, hướng thiện. Kể chuyện chú Rùa đi bám nên gặp nạn đến nỗi vỡ mai, ông không hề lên giọng chì chiết, mà cho thấy chú vẫn đáng yêu vì tiến bộ: “Cũng may, những mảnh vỡ sau đó lại lành. Nhưng những vết sẹo ngang dọc trên mai vẫn còn trông thấy. Cũng rất may, từ đó Rùa rút ra được bài học tốt. Rùa đã quyết luyện tập cho mình có được tính kiên nhẫn luyện tập thành công và đã thắng trong cuộc chạy thi với Thỏ”(Bài học tốt). Đằng sau đoạn văn trên, người đọc như bắt gặp được nụ cười dí dỏm, đôn hậu của người kể chuyện.

Cũng từ đây, chúng ta nói tới một khía cạnh khác trong nghệ thuật truyện đồng thoại của Võ Quảng. Đó là dụng ý của nhà văn đưa bạn đọc nhập cuộc trực tiếp vào thế giới đồng thoại. Cách làm của ông là để nhân vật người kể chuyện luôn xuất hiện trong tác phẩm và trực tiếp trò chuyện với bạn đọc của mình. Vấn đề này thể hiện rõ trong phần kết chuyện, qua hệ thống ngôn ngữ xưng hô “tôi và các bạn”. Đơn cử:

- “Cá Rô nhờ kiên trì tập luyện nên vảy của nó đen lại. Người nó khỏe, cứng cáp, sức bật rất lớn, như các bạn vẫn thấy ngày nay. Nếu chú ý một tí, các bạn còn thấy trên mình Rô có những chấm lốm đốm. Đó là dấu vết những hoa của các bạn mang rải lên người Rô để tỏ lòng cảm phục, sau khi ra đến con sông đầy nước mát” (Mắt Giếc đỏ hoe);

- “Cho đến ngày nay, khi các bạn đi qua một cánh rừng vẫn còn nghe tiếng hú của Vượn…” (Vượn hú).

Thế giới truyện đồng thoại được dệt nên từ tưởng tượng nhưng tuyệt nhiên nó không xa rời với cuộc sống. Chính cuộc sống là cái nền, là hiện thực phong phú để từ đó tưởng tượng cất cánh, thăng hoa.

Ai đó đã nói rất đúng rằng, trong mỗi đứa trẻ có một người lớn đang hình thành. Nhà văn viết cho trẻ em cần phải biết nâng đỡ “cái người lớn” đang hình thành ấy. Tiếp xúc với thế giới nghệ thuật Võ Quảng, chúng ta luôn bắt gặp ở đó một cậu bé Võ Quảng hồn nhiên và một bác Võ Quảng từng trải. Cả hai cùng hòa mình vào một cuộc chơi đầy tính nghệ thuật. Nhưng có hai tiếng nói: một trong trẻo, hồn nhiên và một thâm trầm, triết lý. Đò Ngang là một ví dụ. Thấy Thuyền Mành luôn được đi xa, Đò Ngang muốn từ bỏ thế giới chật hẹp với công việc ngày ngày đưa khách sang sông. Đến khi được Thuyền Mành giảng giải cho, Đò Ngang mới thấy hết ý nghĩa công việc của mình. Thì ra, “cái lớn không đo được bằng cân hay bằng thước”. Truyện đồng thoại của Võ Quảng không hiếm những câu văn triết lý như thế. Nó tạo chiều sâu tư tưởng cho tác phẩm, là cái để người ta sau này suy ngẫm hơn là ngay trong tuổi thơ hiện tại.

Những nội dung giáo dục thẩm mỹ chỉ có thể định cư trong tâm hồn tuổi thơ khi nó được nói lên bằng một câu chuyện sinh động và cảm động, mà ở đó mọi màu sắc, âm thanh, hình tượng đều cựa quẫy, xôn xao, với những tình huống độc đáo, bất ngờ. Bất ngờ và không đơn điệu, đó là điều các em cần khi đọc truyện. Đọc truyện Đêm biểu diễn, các em được trận cười thỏa thích về việc nhân vật Cáo đi ăn trộm gà, bị mắc lỡm vì xơi phải gà rối (dùng để biểu diễn). Các em cũng dễ đồng cảm với việc làm của Nhím, Ốc Sên, Tằm, Bọ Ngựa… là hợp sức may cho Thỏ một chiếc áo ấm. Thật đáng yêu với hình ảnh “Tằm chìa sợi tơ cho Nhím và Thỏ cùng xe”, “Nhím đeo kính vào, hăm hở dùi lỗ để may”, “Ốc Sên bò lên tấm vải, vạch những đường rất rõ” và “Bọ Ngựa theo đường vạch cắt thành những mảnh áo” (Những chiếc áo ấm). Giáo dục lòng yêu thương, tinh thần đoàn kết qua câu chuyện may áo cho Thỏ như vậy thật dễ hiểu và tạo được những xúc động sâu xa trong tâm hồn, khuyến khích điều thiện nảy nở.

Nghệ thuật giáo dục trẻ em qua hình thức đồng thoại của Võ Quảng tạo được sức thuyết phục cao chính là nhờ nhà văn đã biết kết hợp hài hòa con người nghệ sĩ và nhà giáo dục, biết hòa giải giữa cảm quan người lớn và tâm hồn trẻ thơ. Làm được điều này, hẳn nhiên, người viết đã có sự nhạy bén, biết phân thân và tạo cho bạn đọc của mình một cuộc chơi đầy hứng thú. Không chỉ có vậy, truyện đồng thoại của Võ Quảng còn mang những vẻ đẹp khác…

2.2. Trở về với dân gian, tiếp tục câu chuyện “sự tích” và lý giải đối tượng từ góc nhìn hiện đại

Có non nửa số truyện đề cập tới nội dung này.

Ngoại trừ Trăng thức giải thích về hiện tượng vì sao “vào những đêm cuối tháng thì Trăng lại phải ngủ liền trong ba hôm”, còn lại đều nói về loài vật. Đáng chú ý, có khá nhiều con vật quen thuộc trong truyện kể dân gian như Rùa, Thỏ, Hổ, chim Cút… đã được nhà văn khai thác trở lại.

Đi vào nội dung “sự tích”, Võ Quảng trước hết muốn nối tiếp truyền thống văn học dân gian, tiếp tục đáp ứng nhu cầu khám phá, hiểu biết của trẻ em về thế giới loài vật. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian đã khẳng định, truyện kể về loài vật vốn ra đời từ rất sớm. Ban đầu, những câu chuyện kể đó có thể chung cho nhiều đối tượng, nhưng dần về sau, khi hiểu biết của con người được nâng lên thì nó chỉ còn trở nên thích hợp với các em lứa tuổi nhi đồng. Lối giải thích chất phác, hồn nhiên vẫn gầy dựng được niềm tin, vẫn đủ sức tạo nên hứng thú cho các độc giả nhỏ tuổi. Năm tháng đi qua, thời đại xã hội dẫu có đổi thay nhưng thời thơ ấu vẫn là hằng số văn hóa của nhân loại, cho nên truyện cổ tích về loài vật vẫn không hề bị suy giảm giá trị.

Khi sứ mệnh sáng tạo văn học cho trẻ em được trao cho các nhà văn, không ít cây bút đã tìm về với dân gian, học tập kinh nghiệm đưa nghệ thuật vào tâm hồn trẻ thơ. Võ Quảng là một trong số đó. Trở về với dân gian, nhất là với những hình tượng quen thuộc, nhà văn cố gắng đưa ra một cách giải thích khác. Tự sâu xa, ông không hề có ý phủ nhận dân gian, chỉ muốn đưa ra một cách lí giải khác. Chúng tôi nghĩ, điều này là cần thiết với mục đích xây dựng cho các em sự nhận thức về khả năng mênh mông của nghệ thuật trong việc chiếm lĩnh đối tượng. Khi tuổi thơ đi qua, lời giải thích chất phác kia còn lại như một kỷ niệm đẹp thì niềm khát khao khám phá thế giới sẽ thôi thúc, khuyến khích mỗi người tự mình tìm lấy một lối đi riêng. Những câu chuyện thời thơ ấu như vậy thường ảnh hưởng rất sâu đến sự hình thành tính cách của mỗi người, chi phối tới thái độ sống sau này…

Khi lý giải, nhà văn Võ Quảng thường đặt đối tượng (được giải thích) trong góc nhìn của đời sống hiện đại. Chính điều này sẽ làm nên nét khu biệt giữa truyện đồng thoại của nhà văn với những truyện kể dân gian về loài vật. Chẳng hạn, vì sao trên mai Rùa có nhiều vết rạn, Võ Quảng cũng giải thích bằng việc đi bám nhưng tinh thần “hiện đại” hơn dân gian. Theo dân gian, Rùa đi ăn giỗ ở nhà Khỉ. Do nhà Khỉ ở trên cao nên Rùa phải bám vào đuôi Khỉ để lên. Lúc gần đến nơi, thấy họ hàng nhà Khỉ ra chào, Rùa mở miệng đáp lời và bị rơi xuống đất… Bài học của dân gian: lịch sự là cần thiết nhưng cần đúng lúc. Chú Rùa trong truyện Võ Quảng cũng đi bám. Chú đi chu du thiên hạ nhưng mới được năm ngày đã mệt mỏi nên quyết định nhờ Ngựa đưa đi hộ. Kết quả, khi Ngựa chạy nhanh, chú bị cành cây va quệt, rơi khỏi mình Ngựa… Truyện Võ Quảng hướng tới phê phán lối sống bám, trong trường hợp này là đi bám. Truyện dân gian hiện ra như tấm gương người lớn để trẻ em soi vào, còn truyện Võ Quảng, trẻ em tự soi vào chính mình.

Để giải thích, nhà văn phải xây dựng những biến cố có chức năng làm biến đổi ngoại hình hay tập tính tự nhiên của con vật. Theo quan sát của chúng tôi, ông thường hay sử dụng loại biến cố tai nạn như một giải pháp để vừa đạt được tính bất ngờ, vừa “gá” được bài học giáo dục. Chú Rùa trong Bài học tốt vì đi bám mà bị tai nạn đến vỡ cả mai; Giếc trong Mắt Giếc đỏ hoe không chịu học hành nên khi gặp Rắn độc đe dọa mạng sống chỉ còn biết khóc, khóc mãi; tiếng kêu của loài Vượn là dư âm của nỗi đau thương vì giống loài bị trừng phạt nặng nề (Vượn hú)... Mô típ tai nạn có tác dụng tạo ra những đổi - thay - đột - biến đầy thú vị của nhân vật trước tác động của hoàn cảnh. Nó tạo cho các em ý niệm về dấu vết giống loài và những bài học nhân sinh sơ đẳng trong cuộc sống.

Nội dung “sự tích” không chỉ có trong truyện đồng thoại Võ Quảng. Truyện của Nguyễn Kiên, Phong Thu… cũng có đề cập. Tuy nhiên, ở Võ Quảng, nó được chú trọng hơn. Do đó, hoàn toàn có thể xem đó là một nết đặc điểm riêng của truyện đồng thoại Võ Quảng.

2.3. Phản ánh hiện thực đời sống đất nước – trong nỗ lực chung mở rộng khả năng phản ánh của thể loại

Truyện đồng thoại thuộc số những thể loại phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực. Nó là loại truyện tưởng tượng, sử dụng tưởng tượng để khái quát cuộc sống thông qua việc miêu tả hình tượng theo nguyên tắc kết hợp các mặt tự nhiên và xã hội, loài vật và trẻ em. Nhờ sự kết hợp này mà diện tích nghĩa của hình tượng được nới rộng, người không không chỉ tiếp nhận bức tranh đời sống loài vật mà còn cảm nhận được cuộc sống con người.

Vào những năm chống Mỹ, những người viết như Võ Quảng đứng trước một mối băn khoăn: truyện đồng thoại có phản ánh được hiện thực đời sống đất nước? Sau những suy tư, trăn trở, cuối cùng ông đi đến khẳng định: “Truyện đồng thoại có đủ khả năng phản ánh con người mới, cuộc sống mới…”(Võ Quảng, 1982, tr.75). Chứng thực cho nhận định này là những sáng tác về đề tài chiến tranh và xây dựng CNXH ở miền Bắc: Cái Mai, Chuyến đi thứ hai, Những câu chuyện, Hòn Đá.

Năm 1967, Võ Quảng hoàn thành truyện Cái Mai. Đây là tác phẩm truyện đồng thoại đầu tiên của nhà văn. Truyện khá dài hơi, sử dụng ngôi kể thứ nhất với nhân vật chính của câu chuyện là một cái Mai. Nhân vật sau khi tự giới thiệu về mình “sinh cuối năm 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ”, với “công việc thường ngày của tôi là đào đất” đã lần lượt kể về những nơi nó đã đi qua, những số phận mà nó bắt gặp. Nào là chuyện gia đình những người nông dân nghèo khó, chuyện lão Ngạt giàu có, chuyện cải cách ruộng đất, chuyện làng quê đổi thay... Chuyện cũ, chuyện mới, chuyện tố khổ, chuyện tri ân (cách mạng) đã được miêu tả kết hợp, song cảm hứng căn bản của tác phẩm vẫn niềm vui về sự đổi đời. Truyện này gần gũi với Cuộc đời chìm nổi của chú Kíp lê của Vũ Cận, xuất bản năm 1960.

Chuyến đi thứ hai cũng là một tác phẩm nằm trong mạch cảm hứng phản ánh hiện thực thời đại. Từ một câu chuyện dân gian về chú Cóc đi kiện trời, Võ Quảng đã dựa vào đó mà lập được một tứ hay cho thiên truyện của mình. Cóc Tía nhờ đọc sách nhiều mà biết xưa kia cụ Tổ của mình từng đi lên trời và đòi được mưa giúp thiên hạ. Mong ước nối chí tổ tiên, nhân một năm nắng hạn, Cóc Tía quyết định mở chuyến đi thứ hai lên trời. Chuyến đi này rút cục không thành, bởi đường xa vạn dặm, dốc núi cheo leo, một mình đơn độc; vả lại, theo lời Cò Bạch là không cần thiết: “Tôi thường bay qua bay lại vùng này, thấy rõ nhân dân vùng này, trong mấy năm qua đã đắp những đập cao ngăn nước, cho nước chảy vào các ao hồ. Họ lại đào những con mương đủ loại lớn nhỏ, cho nước chảy đến tưới khắp cánh đồng. Ông trời không mưa nhưng họ vẫn có thừa nước để tưới ruộng (...). Họ chẳng còn cần con Cóc gọi mưa! Ông Trời có mưa hay không mưa, cũng chẳng làm sao cả!”. Dưới một hình thức ngôn ngữ có phần khoa trương, câu chuyện rõ ràng không dừng lại ở việc viết về các con vật mà hướng tới con người, ca ngợi sức mạnh của nhân dân, như câu thơ nổi tiếng một thời của Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả – Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”! Qua tác phẩm, Võ Quảng đã giới thiệu với các em một cách tự nhiên về hình ảnh nông thôn mới, con người mới làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc đời.

Cảm hứng này chúng ta còn có thể quan sát được qua truyện Những câu chuyện. Đầu xuân, các loài chim hội tụ về khu rừng và kể cho nhau nghe những chuyện lạ. Chuyện lạ lùng nhất, hấp dẫn nhất không ngoài chuyện về những đổi thay do con người tạo nên. Lời Bồ Các: “Tôi bay khắp đất nước, thấy nhiều biến đổi lạ lùng quá, có lúc chỉ xảy ra trong một đêm (...). Cái cầu, con đường đều do con người làm cả”. Lời Bồ Chao thấy người xây hai cái trụ điện mà cứ ngỡ là cột “chống trời”... Nhà văn Nguyễn Tuân khi đọc câu chuyện này đã tỏ ra tâm đắc, cho rằng đó là một thứ “thơ mới” rất cần cho các em. Ông viết: “Và theo tôi nghĩ, cái câu chuyện văn xuôi có cột trụ cao thế càng cua đó, ấy mới là thơ mới”(Nguyễn Tuân, 1998, tr.284).

Nhà văn Ngô Quân Miện khi tìm hiểu về truyện đồng thoại Việt Nam 1955 – 1975 đã xếp những truyện như Cái Mai, Chuyến đi thứ hai... vào nhóm “những truyện viết ít nhiều trực tiếp về cuộc sống mới, con người mới”(Ngô Quân Miện, 1982, tr.83). Chúng tôi nghĩ, sự phân chia như vậy là có cơ sở. Sau 1975, loại truyện đồng thoại này rất ít được khai thác. Người viết lại trở về với thế giới hồn nhiên cây cỏ, đời thường, mở rộng biên độ tưởng tượng vốn rất cần thiết với thể truyện đồng thoại này. Cho nên, cùng với những Chim chích lạc rừng (Tô Hoài), Cô Bê 20 (Văn Biển), Chuyện chú Trống choai (Hải Hồ)..., những tác phẩm nói trên của Võ Quảng góp phần tạo nên một nét riêng trong diện mạo thể loại truyện đồng thoại giai đoạn chống Mỹ. Đúng là, hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho truyện đồng thoại nói riêng, văn học thiếu nhi nói chung, lúc bấy giờ ít nhiều đã “bện chặt với văn học người lớn”( http://www.chinawriter.com.cn, ngày 17/6/2008), nâng mình lên hòa hợp với phong trào chung (người lớn).

3. Sẽ là thiếu sót nếu chúng ta không ghi nhận ở đây những ý kiến của ông về thể loại truyện đồng thoại. Vì sao vậy? Chúng ta đều biết, truyện đồng thoại không xa lạ với mỗi người. Nhưng thật lúng túng khi ta đứng trước câu hỏi: truyện đồng thoại là gì?. Cách nay đã nhiều năm, nhà nghiên cứu Vân Thanh cũng đã từng ghi nhận: “Lâu nay, chúng ta đọc đồng thoại, viết đồng thoại nhưng chưa có lúc nào ngồi bàn bạc cho cặn kẽ cùng nhau: đồng thoại là gì?”(Vân Thanh, 1974, tr.103). Ghi nhận ấy, đến nay, dường như vẫn còn nguyên ý nghiã thời sự. Lý thuyết về thể loại truyện đồng thoại ở Việt Nam chưa được xây dựng một cách có hệ thống. Tìm trong các bộ Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển văn học… không thấy mục từ “truyện đồng thoại”. Theo chúng tôi, cần có sự tổng kết và xác lập quan niệm của văn học Việt Nam về truyện đồng thoại, vì trên thực tế chúng ta tiếp nhận khái niệm (đồng thoại) từ Trung Hoa nhưng cách hiểu về đối tượng không hoàn toàn như họ.

Trong tình trạng tài liệu về lý thuyết về thể loại hết sức ít ỏi, ý kiến của các nhà văn càng trở nên có ý nghĩa. Là một nhà văn say mê viết tiểu luận – phê bình, Võ Quảng đã thể hiện những quan tâm nhất định đối với thể truyện đồng thoại. Ngoài một số phát biểu tản mạn, ý kiến của ông thể hiện tập trung nhất trong bài viết Lại nói về truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi (TCVH, số 1/1982). Tổng hợp lại, có thể nêu mấy nét cơ bản trong quan niệm của nhà văn về truyện đồng thoại như sau:

- Truyện đồng thoại là một thể loại tự sự hiện đại dành cho thiếu nhi, một loại hình văn chương rất phù hợp với thiếu nhi, vì nó làm cho các em dễ hiểu, dễ xúc động;

- Nhân vật truyện đồng thoại rất đa dạng, bao gồm tất cả các loài vật, đồ vật và các vật vô tri khác được xây dựng theo nguyên tắc nhân hóa, kết hợp hài hòa các mặt tự nhiên và xã hội. “Đồng thoại là loại truyện trong đó nhân vật không phải là người mà là loài vật hoặc cỏ cây hay đồ đạc được nhân cách hóa (...). Cần nhân cách hóa là vì cùng với cách nhìn của người lại pha cách nhìn của vật. Hai cái đó tuy đậm nhạt khác nhau nhưng hỗ trợ cho nhau tạo thanh chất thơ cho đồng thoại”;

- Truyện đồng thoại phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực. Nó là loại truyện giàu sức tưởng tượng, sử dụng tưởng tượng để khái quát cuộc sống;

- Truyện đồng thoại có quan hệ gần gũi với nhiều thể loại như cổ tích, ngụ ngôn… nhờ thuộc tính tưởng tượng và hệ thống hình tượng nhân vật loài vật. Tuy nhiên, giữa chúng có những nét khu biệt căn bản.

Phát biểu trên, có thể nói, đã chạm vào được những nét bản chất nhất của thể loại. Nó phản ánh được cách hiểu căn bản của nền văn học Việt Nam: truyện đồng thoại là một thể loại hiện đại có quan hệ với nhiều thể loại dân gian, truyện loài vật, song dứt khoát nó là một thực thể có những đặc thù riêng. Với độ xác tín cao, tư tưởng của Võ Quảng về truyện đồng thoại sẽ là một căn cứ tốt cho những khái quát về lý thuyết thể loại.

4. Bây giờ, Võ Quảng đã là người thiên cổ nhưng sự nghiệp văn chương của ông vẫn tiếp tục mang lại niềm vui, nuôi dưỡng tâm hồn, đào luyện nhân cách cho những chủ nhân tương lai của đất nước. Với riêng mảng truyện đồng thoại, tuy số tác phẩm không nhiều, song giá trị của nó là điều không thể phủ nhận. Võ Quảng giúp cho chúng ta nhận thức nhiều điều về đặc điểm phát triển của thể loại truyện đồng thoại Việt Nam: quan niệm văn chương, khuynh hướng sáng tác và mức độ quan tâm tới thể loại của nhà văn… 

Lê Nhật Ký
(Tạp chí Khoa học xã hội, số 3/2009)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Vũ Ngọc Bình. 1987. Đồng thoại qua ngòi bút Võ Quảng, sách Những chiếc áo ấm. Hà Nội: Nxb Kim Đồng.
2. Định Hải. 1983. Truyện đồng thoại viết cho lứa tuổi nhi đồng, Báo Văn nghệ, số 30.
3. Tô Hoài. 1963. Trao đổi về đồng thoại. Báo Văn nghệ, số 13.
4. Nguyễn Kiên. 1986. Về sức tưởng tượng của đồng thoại. Báo Văn nghệ, số 14.
5. Phong Lê. 1998. Võ Quảng – 40 năm thơ văn cho thiếu nhi, sách Tuyển tập Võ Quảng, tập 2. Hà Nội: Nxb Văn học.
6. Ngô Quân Miện. 1982. Đồng thoại với việc bồi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, sách Vì trẻ thơ. Hà Nội: Nxb Tác phẩm mới.
7. Nguyễn Tuân. 1998. Thơ văn Võ Quảng, sách Tuyển tập Võ Quảng, tập II. Hà Nội: Nxb Kim Đồng.
8. Vân Thanh. 1974. Tìm hiểu đặc điểm của đồng thoại. Tạp chí Văn học, số4.
9. Trung Quốc đồ thư thương báo. 2008. Nhìn lại 30 năm văn học thiếu nhi Trung Quốc. http://www.chinawriter.com.cn, ngày 17/6/2008.
10. Hoàng Vân Sinh. 2001. Nhi đồng văn học khái luận (bản Trung văn) Thượng Hải: Nxb Văn nghệ.

2 nhận xét: