Đây là tác phẩm đầu tay đồng thời là tác phẩm đỉnh cao của nhà văn Tô Hoài. Ban đầu, tác phẩm này được đăng thành hai mẩu chuyện trên báo, đó là Con Dế Mèn và Dế Mèn phiêu lưu kí. Năm 1941, được in thành truyện Dế Mèn phiêu lưu kí và lập tức được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, đem lại sự nổi tiếng cho tác giả (**).
Trước hết, tác phẩm hấp dẫn người đọc ở cốt truyện phiêu lưu, bởi các cuộc phiêu lưu bao giờ cũng hứa hẹn những điều bất ngờ và thú vị. Theo chân nhân vật Dế Mèn trong hai cuộc phiêu lưu vào thế giới loài vật và loài người, các em được đến với thế giới loài vật, đặc biệt là giới côn trùng, hiểu thêm về đặc điểm cũng như thói quen sinh hoạt của chúng. Đồng thời, nhờ tính chất ẩn dụ tượng trưng của các nhân vật, các em được hiểu biết thêm về các mối quan hệ gia đình, hàng xóm, bạn bè của mỗi người. Chẳng hạn, các em hiểu được thói quen sinh hoạt của họ nhà dế thông qua những trang miêu tả về tuổi thơ của Dế Mèn nơi bờ cỏ ven đầm nước: dế sống trong hang, ăn cỏ, ngày thường ngủ, tối mới tụ tập nhảy múa, ca hát. Hẳn các em sẽ nhớ mãi hình ảnh một chú Dế Mèn hay vuốt râu, thích nằm khểnh, không khoái sự đơn điệu lặp lại của cuộc sống nhàn tản thường ngày: “ Ngày nào đêm nào, sớm và chiều nào cũng ngần ấy thứ việc, thứ chơi. Kể đời mà được như thế cũng khá an nhàn, nhưng mới đầu còn thấy hay hay, về sau cũng nhàm dần”. Tuy nhiên, chú ta cũng khá ích kỉ khi không chịu giúp đỡ anh bạn Dế Choắt hàng xóm đào một cái hang cho tươm tất, khiến Choắt gặp rủi ro trong một pha nghịch ngợm của Mèn. Tệ hơn nữa, chú còn rất hiếu thắng, thích được coi là nhà vô địch dế chọi mà không hiểu rằng đó là tội ác. Cho nên, các em sẽ rất khoái trá khi chứng kiến cảnh Mèn bị bác Xiến Tóc cảnh cáo bằng cách cắt cụt hai sợi râu khiến đầu Mèn từ đó trọc lóc, để cho mỗi lần vuốt sợi râu tưởng tượng, Mèn lại nhớ lại bài học về lẽ sống và sức mạnh mà bác đã dạy cho. Các em còn được biết đến xóm Cù Lao, nơi sinh sống của các con vật sống trong đầm lầy như ếch Cốm, Cóc, Nhái Bén, Rắn Mòng…đồng thời được hiểu thế nào là cách sống ếch ngồi đáy giếng mà dân gian vẫn truyền tụng. Theo chân Dế Mèn, bạn đọc còn đến với tổng Châu Chấu, gặp gỡ các côn trùng đồng cỏ như Chuồn Chuồn, Bọ Ngựa, Bọ Muỗm, Cào Cào, Châu Chấu, Châu Chấu Voi…và cũng được sống với không khí lễ hội dân gian ngập tràn tinh thần thượng võ của cuộc so tài bầu Chánh, Phó thủ lĩnh. Trong chuyến xâm nhập vào hang Kiến của Mèn cùng các bạn, các em cũng được biết đến tổ chức rất chặt chẽ cùng sự lợi hại của họ nhà Kiến. Như vậy, một bức tranh hiện thực nhưng không kém phần lãng mạn đã mở ra trước mắt các em qua từng trang sách. Lãng mạn vì vẻ đẹp của tình bằng hữu và của những ước mơ tìm hiểu, khám phá thế giới mà các nhân vật thể hiện.
Trước hết, tác phẩm hấp dẫn người đọc ở cốt truyện phiêu lưu, bởi các cuộc phiêu lưu bao giờ cũng hứa hẹn những điều bất ngờ và thú vị. Theo chân nhân vật Dế Mèn trong hai cuộc phiêu lưu vào thế giới loài vật và loài người, các em được đến với thế giới loài vật, đặc biệt là giới côn trùng, hiểu thêm về đặc điểm cũng như thói quen sinh hoạt của chúng. Đồng thời, nhờ tính chất ẩn dụ tượng trưng của các nhân vật, các em được hiểu biết thêm về các mối quan hệ gia đình, hàng xóm, bạn bè của mỗi người. Chẳng hạn, các em hiểu được thói quen sinh hoạt của họ nhà dế thông qua những trang miêu tả về tuổi thơ của Dế Mèn nơi bờ cỏ ven đầm nước: dế sống trong hang, ăn cỏ, ngày thường ngủ, tối mới tụ tập nhảy múa, ca hát. Hẳn các em sẽ nhớ mãi hình ảnh một chú Dế Mèn hay vuốt râu, thích nằm khểnh, không khoái sự đơn điệu lặp lại của cuộc sống nhàn tản thường ngày: “ Ngày nào đêm nào, sớm và chiều nào cũng ngần ấy thứ việc, thứ chơi. Kể đời mà được như thế cũng khá an nhàn, nhưng mới đầu còn thấy hay hay, về sau cũng nhàm dần”. Tuy nhiên, chú ta cũng khá ích kỉ khi không chịu giúp đỡ anh bạn Dế Choắt hàng xóm đào một cái hang cho tươm tất, khiến Choắt gặp rủi ro trong một pha nghịch ngợm của Mèn. Tệ hơn nữa, chú còn rất hiếu thắng, thích được coi là nhà vô địch dế chọi mà không hiểu rằng đó là tội ác. Cho nên, các em sẽ rất khoái trá khi chứng kiến cảnh Mèn bị bác Xiến Tóc cảnh cáo bằng cách cắt cụt hai sợi râu khiến đầu Mèn từ đó trọc lóc, để cho mỗi lần vuốt sợi râu tưởng tượng, Mèn lại nhớ lại bài học về lẽ sống và sức mạnh mà bác đã dạy cho. Các em còn được biết đến xóm Cù Lao, nơi sinh sống của các con vật sống trong đầm lầy như ếch Cốm, Cóc, Nhái Bén, Rắn Mòng…đồng thời được hiểu thế nào là cách sống ếch ngồi đáy giếng mà dân gian vẫn truyền tụng. Theo chân Dế Mèn, bạn đọc còn đến với tổng Châu Chấu, gặp gỡ các côn trùng đồng cỏ như Chuồn Chuồn, Bọ Ngựa, Bọ Muỗm, Cào Cào, Châu Chấu, Châu Chấu Voi…và cũng được sống với không khí lễ hội dân gian ngập tràn tinh thần thượng võ của cuộc so tài bầu Chánh, Phó thủ lĩnh. Trong chuyến xâm nhập vào hang Kiến của Mèn cùng các bạn, các em cũng được biết đến tổ chức rất chặt chẽ cùng sự lợi hại của họ nhà Kiến. Như vậy, một bức tranh hiện thực nhưng không kém phần lãng mạn đã mở ra trước mắt các em qua từng trang sách. Lãng mạn vì vẻ đẹp của tình bằng hữu và của những ước mơ tìm hiểu, khám phá thế giới mà các nhân vật thể hiện.
Điều thứ hai, với hình thức hồi kí của nhân vật chính, tác giả đã lựa chọn cách kể chuyện từ ngôi nhân vật, khiến những gì được tả, được kể vừa hiện lên sinh động, chân thực, vừa mang tính trải nghiệm cá nhân, tác động trực tiếp tới tình cảm, nhận thức của trẻ, vì vậy mà càng có sức thuyết phục.
Bạn đọc trẻ em như được tham gia trực tiếp vào câu chuyện, sống với những cảm nhận của nhân vật, dễ đồng cảm, sẻ chia và vì vậy cũng dễ ngấm những bài học làm người mà tác giả đã khéo cài đặt trong tác phẩm, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục. Với những điều Dế Mèn tâm sự, các em sẽ thấy hiển hiện trước mắt những cảnh ngộ nguy hiểm, những pha thi đấu hoành tráng cùng những lo lắng, toan tính, những băn khoăn, dằn vặt mà Mèn đã trải qua. Chẳng hạn như trong cảnh Mèn vô tình gây ra cái chết của Dế Choắt, nằm trong cái hang an toàn của mình, Mèn đã ôm đầu sợ hãi như thế nào khi tưởng tượng ra sức mạnh của những cú mổ như trời giáng mà chị Cốc trút lên Dế Choắt; trong cảnh Mèn bị sặc nước trong hang, khi nước dâng lên đến cổ, Mèn đã nghĩ tới hai phương án hoặc là chui tọt xuống đáy hang may ra còn cái ngách phụ nào đó chưa bị phát hiện, hoặc là nhảy đại ra bên ngoài may ra chạy thoát, ấy vậy mà bọn trẻ đã đoán được suy tính đó, cắm lưỡi dao và que nứa chặn đường rút xuống đáy hang của Mèn; trong cảnh thi đấu đầu tiên với đương kim vô địch dế chọi, Mèn đã cho bạn đọc biết những cảm giác khó chịu của mình về cái bộ mặt hờm hợm, khinh khỉnh của gã, về sự lợi hại của cú đá hậu gia truyền của họ nhà dế mà Mèn đã sử dụng để hạ đo ván gã, về sự ngạc nhiên của chính mình khi thấy từ khi chân mình chạm vào mặt gã kia thì bao nhiêu cái ngông nghênh của gã lại truyền sang mình bằng hết; rồi cảnh cứu chị Nhà Trò, cảnh lên đường du ngoạn cùng Dế Trũi, cảnh Mèn dạy cho gã Bọ Ngựa huênh hoang bài học về tinh thần thượng võ… Có thể thấy, nhân vật vừa kể vừa bộc lộ suy nghĩ, cảm nhận cá nhân trong việc khám phá chính bản thân mình và khám phá thế giới xung quanh. Như vậy, khi đọc tác phẩm, bạn đọc trẻ em không chỉ được tham gia vào chuyến phiêu lưu kết nối bạn bè của nhân vật mà còn được tham gia vào hành trình khám phá thế giới nội tâm của chính nhân vật nữa. Bạn đọc và nhân vật trẻ em trở thành bạn đồng hành, đó là một cảm giác thú vị.
Điều thứ ba, bằng sở trường của mình, tác giả đã miêu tả rất thành công các đặc điểm ngoại hình, hành động, tính cách các nhân vật loài vật, biến chúng thành các hình ảnh tượng trưng cho một số kiểu người trong xã hội, tạo ra các nhân vật mang tính chất biểu tượng kép. Tính chất này chính là đặc điểm của các nhân vật loài vật nói chung, nhân vật đồng thoại nói riêng bởi vì các nhân vật loài vật thường chứa đựng trong nó cả các đặc điểm của loài vật lẫn những đặc điểm của con người, chúng hoà hợp thống nhất trong từng biểu hiện của nhân vật. Nếu tách bạch ra, có thể thấy các đặc điểm loài vật thường được thể hiện qua hình dáng bên ngoài, các cử chỉ và thuộc tính của nhân vật, còn các đặc điểm của con người luôn bộc lộ qua tính cách nhân vật, mà tính cách lại là tổng hợp của hành động, lời nói, suy nghĩ, quan hệ... Các em nhỏ có thể hình dung ra vẻ cường tráng của dế cụ Dế Mèn (đôi càng mẫm bóng, những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt, cả người rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn, đầu to ra và nổi từng tảng, sợi râu dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng), vẻ ốm yếu thảm hại của Dế Choắt (người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện, mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ), vẻ hiên ngang của Xiến Tóc (lực lưỡng và uy nghi bọc mình trong bộ giáp đồng hun rất cứng), vẻ hợm hĩnh của mấy anh Bọ Ngựa và Dế Chọi (cái khấc cổ vươn ra, cái mặt ngắn củn nhưng cái cằm vuông bạnh lún, con mắt đu đưa, chân nhấc từng bước cao ngang đầu gối kiểu bước chân ngỗng, cách thức rất ta đây kẻ giờ và hách dịch; bé loắt choắt thế mà đã bắt chước đâu được bộ mặt hờm hợm, khinh khỉnh từ cái dáng đi khụng khiệng, vẻ coi thiên hạ như rác), vẻ đớn hèn của Dế Anh Hai (hoảng hốt, luống cuống, bối rối cả càng lẫn râu, thất kinh trễ cả hai râu mũi xuống), vẻ gia trưởng của Dế Anh Cả (mới dúm tuổi mà lụ khụ hơn cả người già lẫn cẫn), vẻ kệch cỡm của gã Chim Trả ưa làm đỏm trái mùa (đã hóp má rồi lại hay tỏ vẻ hơ hớ trai tơ, bộ cánh sặc sỡ không hợp tí nào với bộ mặt âm thầm của lão)…Để có được những đoạn văn miêu tả đặc sắc đó, hẳn tác giả phải dày công quan sát, tìm hiểu thế giới loài vật. Khi được hỏi vì sao tác giả lại am hiểu về loài vật như vậy, rằng vì sao những gì ông miêu tả cứ như đang hiển hiện sống động trước mắt người đọc như vậy, nhà văn Tô Hoài đã khẳng định: cái làng ven đô của tôi có một cái đầm nước, bên bờ đầm là một bãi cỏ, tôi và bọn trẻ trong làng luôn chơi đủ mọi trò trẻ con ở đó như hun dế, giật cỏ gà chọi nhau, bắt chuồn chuồn, kéo vó tôm, bơi lội... vì vậy tôi biết rất rõ vẻ ngơ ngác của một anh gọng vó mới ở dưới đầm lên, cái thân hình béo núc ních của chị Cốc trong mùa tôm cá, rồi sự khác biệt của Dế Mèn với Dế Trũi, Châu Chấu với Châu Chấu Voi, Chuồn Chuồn ớt với Chuồn Chuồn Tương...vv. Cùng với những dáng vẻ bề ngoài đó, các em lại được tiếp xúc với hình tượng một cậu bé hiếu động, hiếu thắng, thẳng thắn, hào hiệp... qua nhân vật Dế Mèn, một anh chàng ngang bướng là Dế Trũi, một hiệp sĩ – ẩn sĩ Xiến Tóc, các gã lấc cấc như Bọ Ngựa và Dế Chọi, các gã đớn hèn và giả đạo đức như Dế Anh Cả và Dế Anh Hai, những người đáng thương như Dế Choắt... Để làm được điều đó, ngoài khả năng quan sát và miêu tả ra, tác giả còn phải tự trang bị cho mình vốn sống xã hội phong phú và phải có niềm đam mê được đóng góp công sức của mình vào việc thay đổi, cải tạo các mối quan hệ xã hội.
Điều thứ tư, tác phẩm đã xây dựng được hình ảnh đẹp đẽ về tình bạn bền vững giữa đôi bạn Dế Mèn và Dế Trũi, giúp các em cảm nhận được giá trị của tình bạn. Đó thực là đôi tri âm không hẹn mà gặp, là anh em kết nghĩa sinh tử có nhau. Họ cùng giống nhau ở niềm say mê khám phá thế giới, không chấp nhận sự tù túng, nhàm chán của cuộc sống thường nhật; đều thẳng thắn, hào hiệp, trung thành và dũng cảm. Trong khi Dế Anh Cả và Dế Anh Hai đều hèn nhát, sợ đi xa, sợ khó khăn, gian khổ thì Dế Mèn và Dế Trũi đã khăn gói lên đường để xem thế giới này còn có những gì khác nữa. Mèn và Trũi đã phải trải qua bao gian khó: suýt chết đói trên một vùng mênh mông nước trắng mười ngày liền, khiến Trũi đã phải nghĩ đến chuyện một trong hai người phải hi sinh thân mình để cho người kia sống nhằm tiếp tục hành trình; bị cư dân xóm Cù Lao trục xuất vì tội nói năng phạm thượng, trong nguy khốn, Mèn đã phải cõng Trũi bay qua lạch nước bằng đôi cánh mỏng manh của mình; trong cuộc giao tranh với đàn Châu Chấu Voi tại Tổng châu chấu nhân một ngày đầu đông đi tránh rét, Trũi đã bị bắt làm con tin, khiến Mèn phải lặn lội đi tìm; khi Mèn bị cầm tù trong hang Chim Trả, chính Trũi đã phát hiện ra tiếng hát của Mèn và giải cứu; khi Mèn, Trũi, Xiến Tóc cùng đàn Châu Chấu Voi bị đàn kiến xiết chặt vòng vây, Trũi đã mở một con đường máu trở về Tổng châu chấu xin tiếp viện. Nhưng để trở thành những con người ưu tú với những hành vi quả cảm như vậy, họ, đặc biệt là Dế Mèn, đã phải trải qua những lần lột xác đau đớn bởi sai lầm, khuyết điểm. Do vậy, những băn khoăn, trăn trở của nhân vật cũng phần nào giúp trẻ em nhìn nhận lại chính mình. Có cảm giác như giữa nhân vật và bạn đọc trẻ em không còn khoảng cách nữa khi Dế Mèn tâm sự: Tôi buồn lắm, buồn tưởng chết được. Phần thì ăn năn tội lỗi. Phần thì ngao ngán đời mình. Cuộc đời đã nửa thời xuân mà chưa làm nổi điều gì có ích. Chỉ những nay lầm mai lỗi (…) Còn chi buồn bằng, tuổi thì trẻ, gân thì cứng, máu thì cuồn cuộn với trái tim và tấm lòng thiết tha mà đành sống theo khuôn khổ bằng phẳng: ngày hí húi bới đất làm tổ, đêm đi ăn uống và tụ tập chúng bạn nhảy múa dông dài. Tôi không muốn, cho đến lúc nhắm mắt, vẫn phải ân hận chẳng biết đằng cuối cánh đồng mênh mông kia còn những gì lạ và cuộc đời ở đấy ra sao.
Điều thứ năm, tác phẩm hấp dẫn các em bé đang tuổi trưởng thành ở lí tưởng sống tiến bộ: đề cao tình đoàn kết cộng đồng. Trong hoàn cảnh đất nước chưa được độc lập, đương nhiên tác giả phải kín đáo gửi gắm tư tưởng này qua hình tượng các nhân vật – tư tưởng trong tác phẩm. Đó là hình tượng Xiến Tóc và phần nào là các hình tượng Dế Mèn, Dế Trũi, Châu Chấu Voi. Họ tâm niệm: cùng nhau đi khắp thế giới kết làm anh em (...) Tình bạn tốt đẹp, ấy là lẽ phải nhất trên thế gian. Có thể nói, âm vang sâu lắng nhất còn lại trong tâm hồn các em là những khát vọng hướng đến một cuộc sống phóng khoáng, tự do, những ước mơ về một thế giới đại đồng trong đó hết thảy những ai có lòng tốt thì cùng nhau kết anh em.
Các thế hệ trẻ em Việt Nam đều say sưa đọc tác phẩm này.
Đó cũng chính là cách hiểu của nhà văn về chủ nghĩa cộng sản với tất cả vẻ đẹp lí tưởng và sự mơ hồ trong suy nghĩ hồi ấy.
CAO ĐỨC TIẾN - DƯƠNG THỊ HƯƠNG
Nguồn: Văn học, Nxb Giáo dục – ĐHSP Hà Nội, 2007.
(*). Tiêu đề do chúng tôi đặt
(**). Năm 1956, tác giả mới cho in gộp thành Dế Mèn phiêu lưu ký (Nxb Thanh niên), và đến 1959, lần đầu tiên truyện của Tô Hoài mới được dịch sang tiếng Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét