Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

CÁI KÌ ẢO TRONG VĂN HỌC THIẾU NHI VIỆT NAM




Bài viết này được gửi tham gia Hội thảo Yếu tố kì ảo và huyền thoại trong văn học do Khoa Ngữ Văn, Trường ĐH Khoa học Huế tổ chức vào ngày 30.5.2013. Vì bận việc, mình không ra tham dự được nên không biết “số phận” bài viết ra sao. Hội thảo qua rồi, mình giới thiệu một phần bài viết. Mong bạn đọc góp ý, chia sẻ…


1. Cái kì ảo có địa vị rất khiêm tốn

(...)


2. Sáng tạo trên những khuôn hình kì ảo quen thuộc 

Cái kì ảo là một hiện tượng nghệ thuật xuất hiện từ lâu trong lịch sử nghệ thuật nhân loại. Ở Việt Nam, cái kì ảo xuất hiện trong nhiều tác phẩm truyện kể dân gian và văn xuôi trung đại, trở thành mẫu hình cho đời sau tiếp tục sáng tạo. 

Có hai lí do khiến cho nhà văn hiện đại “ưa thích” sử dụng các hình thức kì ảo quen thuộc. Thứ nhất, tác phẩm của họ được hoài thai trên cốt truyện dân gian. Thuộc trường hợp này có các truyện sau: Cây tre trăm đốt, Vợ Cóc, Ai mua hành tôi (Khái Hưng), Ngựa thần từ đâu đến? (Phạm Hổ)… Thứ hai, tác phẩm của họ được viết theo thi pháp thể loại truyện cổ tích – gọi là truyện cổ tích hiện đại. Tiêu biểu cho trường hợp này là 47 truyện trong tập Chuyện hoa, chuyện quả của nhà văn Phạm Hổ. 

Như vậy, hầu hết các sáng tạo về cái kì ảo của nhà văn viết cho thiếu nhi đều dựa vào những hình thức có sẵn trong văn chương truyền thống. Trên cơ sở những môtíp kì ảo quen thuộc như Bụt, Tiên, vật thiêng, biến dạng…, họ thực hiện phần sáng tạo của riêng mình. 

Minh chứng cho điều này, có thể nói đến hình thức giấc mơ kì ảo trong truyện An Dương Vương xây thành Ốc của Nguyễn Huy Tưởng. Truyện này có mối quan hệ cội nguồn với truyền thuyết An Dương Vương. Đối chiếu hai văn bản, người đọc nhận ra sự khác biệt ngay từ đầu với những trang viết đầy dụng công của Nguyễn Huy Tưởng miêu tả về cuộc gặp gỡ trong mơ giữa An Dương Vương với thần núi Thất Diệu. Trong cuộc gặp này, nhà vua đã được thần núi Thất Diệu giới thiệu cho kiểu thành chống giặc – “không phải là một cái thành vuông bao bọc bên ngoài, mà là một cái thành tròn, càng vùng ra ngoài thì vòng càng rộng”(7). Giấc mơ, về bản chất, là sự tái hiện một nỗi ám ảnh nào đó của con người. Theo ý nghĩa đó, giấc mơ của An Dương Vương là giấc mơ của một nhà vua đang nỗ lực hoàn thành trọng trách lịch sử là tìm cách chống giặc ngoại xâm một cách hiệu quả nhất. Rõ ràng, kiểu thành trôn ốc là nỗi suy tư đầy ám ảnh của An Dương Vương, đã được Nguyễn Huy Tưởng miêu tả thành giấc mơ kì ảo, thể hiện được chiều sâu vẻ đẹp hình tượng nhân vật chính, đồng thời đem lại cho người đọc nhiều cảm xúc bất ngờ, thú vị. 

Đọc Tiếng sáo và con rắn của Phạm Hổ, chúng tôi thấy có sự gần gũi với truyện Tinh chuột của Lê Thánh Tông. Sự gần gũi đó nằm ở việc khai thác hình thức biến dạng tạo nên “vụ án ma quỷ”, kích thích mạnh trí tò mò của độc giả : 

- Một con chuột sống lâu năm thành tinh, lợi dụng người đàn ông nọ đi trọ học xa, nhiều đêm giả dạng, lẻn vào buồng vợ anh ta giở trò thông dâm. Sự việc cuối cùng cũng được phát giác, nhưng vụ án lâm vào bế tắc vì vẻ ngoài của kẻ gian và người ngay giống hệt nhau (Tinh chuột); 

- Một con rắn vì mê tiếng sáo mà mê luôn người thổi sáo, đã giả dạng giống hệt vợ anh ta và nhận mình là vợ thật, gây lúng túng nhiều lần cho cụ già khi phân xử thật giả, đúng sai (Tiếng sáo và con rắn). 

Hình thức biến dạng trong hai câu chuyện nói trên quả đã gây được hiệu ứng tâm lí rất mạnh đối với người đọc. Tình thế câu chuyện được đẩy dần đến chỗ gay cấn, bế tắc. Có thể nói, người viết truyện đã tạo được cho mình một lợi thế để triển khai chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cụ thể, qua Tinh chuột, Lê Thánh Tông bộc lộ cảm hứng “khoe tài”: chỉ có ông mới được thần linh (Đổng Thiên Vương) giúp sức để làm rõ trắng, đen vụ án ma quỷ này. Cái kì ảo – một phương tiện nghệ thuật văn chương – đã được khai thác khéo léo vào việc gia tăng uy tín chính trị cho tác giả, phù hợp với tâm lí tiếp nhận của công chúng thời trung đại. Với Tiếng sáo và con rắn, Phạm Hổ hướng vào ca ngợi vẻ đẹp trí tuệ của nhân dân: bằng bề dày kinh nghiệm, cụ già đã buộc kẻ manh tâm đoạt chồng người khác hiện nguyên hình là một con rắn. Sự khác nhau này, cố nhiên, là do tài năng, bên cạnh sự chi phối của hoàn cảnh thời đại và đối tượng độc giả. Như đã biết, Tiếng sáo và con rắn – cũng như các truyện khác trong tập Chuyện hoa, chuyện quả – được Phạm Hổ viết cho các em lứa tuổi nhi đồng, với mục đích kể chuyện về hoa, về quả nhưng chủ yếu là để ca ngợi vẻ đẹp con người Việt Nam (8). 

Hoạt động sáng tạo cái kì ảo trong văn học thiếu nhi Việt Nam diễn ra từ những năm trước 1945, gắn với vai trò của một số nhà văn lãng mạn và hiện thực đương thời, qua những tác phẩm cụ thể như: Cái ấm đất (Khái Hưng),Chiếc vòng bạch ngọc (Vị Hồ), Tham thì thâm (Nguyễn Văn Nghiêm)… Sau 1945, nền văn học ghi nhận sự xuất hiện những tác giả, tác phẩm mới như: Nguyễn Huy Tưởng với An Dương Vương xây thành Ốc, Thy Ngọc với Đôi cánh của Ngựa Trắng, Ngô Quân Miện với Chú bé nhặt bông gạo, đặc biệt là Phạm Hổ với Chuyện hoa, chuyện quả và một số truyện lẻ khác… Như đã nói ở trên, địa vị khiêm tốn của cái kì ảo trong văn học thiếu nhi Việt Nam là kết quả tác động tổng hợp từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân ấy, dù khách quan hay chủ quan, đều đã làm nghèo đi một loại hình thức văn chương có khả năng phản ánh hiện thực một cách tinh tế, có khả năng kích thích trí tưởng tượng, làm sống dậy những ước mơ bay bổng, những đam mê được phiêu lưu vào xứ sở diệu kì của các độc giả nhỏ tuổi. Thừa nhận thực tế này cũng là để ghi nhận vai trò của nhà văn Phạm Hổ, người đã làm nên cả một vườn cổ tích hoa quả xanh biếc, lạ lùng. Nhớ rằng, Phạm Hổ viết Chuyện hoa, chuyện quả trong hoàn cảnh thể loại này không được đề cao. Nhưng với bản lĩnh của một nhà văn chuyên nghiệp, một ngòi bút có sự am hiểu sâu sắc tâm lí, thị hiếu của trẻ em, ông đã làm cho truyện cổ tích trở lại trong niềm hân hoan của tuổi thơ. Và ông trở thành “bácChuyện hoa, chuyện quả”(9), thủ thỉ kể cho các em về cái kéo cắt nắng, về chiếc vỏ ốc kì diệu và về cả những Bụt, Tiên nhân hậu giữa cuộc sống cần lao… Những thành công của Phạm Hổ, theo chúng tôi, có giá trị rất lớn trong việc gợi ý về hoạt động sáng tạo của mỗi nhà văn viết cho thiếu nhi. Rõ ràng, không nắm vững đối tượng, chỉ chăm chắm việc giáo dục, bỏ qua các hình thức nghệ thuật mà các em yêu thích thì người viết cho thiếu nhi khó lòng trở thành bầu bạn của tuổi thơ… 

*** 
Văn học thiếu nhi Việt Nam hiện vẫn chưa qua khỏi cơn khủng hoảng. Lối thoát cho tình trạng này, theo suy nghĩ chung hiện nay, là tìm cách phát triển loại hình văn chương kì ảo. Theo chúng tôi, đó là một hướng phát triển cần thiết, có khả năng kéo độc giả nhỏ tuổi trở lại với sân chơi trong nước. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào tài năng của người sáng tác. Về điều này, chúng tôi có chút quan ngại: nhà văn Việt Nam xưa nay vốn không phải mạnh về sức tưởng tượng… 

LÊ NHẬT KÝ

Chú thích

(1). Phạm Hổ: “Nếu tôi có chiếc đũa thần”, Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập I (Vân Thanh – Nguyên An biên soạn), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, tr.215 – 216. 
(2). Văn Hồng: “Xin chú ý! Có trẻ em!”, Văn học thiếu nhi, nửa thế kỉ một con đường, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2012, tr.21. 
(3). Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia: 50 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.17. 
(4). Đỗ Lai Thúy: Thơ như là mĩ học của cái khác, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2102, tr.29. 
(5). Tố Hữu: “Giáo dục thiếu nhi bằng văn nghệ là một vấn đề lớn”, Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập I (Vân Thanh – Nguyên An biên soạn), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, tr.60 – 61. 
(6). Viện Văn học: Văn học Việt Nam chống Mĩ cứu nước, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr.354. 
(7). Nguyễn Huy Tưởng: Tuyển tập truyện thiếu nhi, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1995, tr.73. 
(8). Phạm Hổ: Chuyện hoa, chuyện quả, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1995, tr.7 – 8. 
(9). Nguyên Ngọc: “Phạm Hổ và những Chuyện hoa, chuyện quả của anh”,Chuyện hoa, chuyện quả, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1995, tr.492. 








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét