Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

CON THIÊN NGA TRẮNG




Ngày xưa, có một cặp vợ chồng già có một người con trai duy nhất tên là Kotaro. Kotaro cày cấy trên một thửa ruộng nhỏ của ông bà, và khi công việc đồng áng nhàn rỗi, anh vào rừng kiếm củi đem bán ở thành phố. 

Việc đó không thu được bao lăm, nhưng đối với một gia đình nghèo khó thì một xu nhỏ cũng là quý. Kotaro là một thanh niên lao động giỏi và là một người con biết vâng lời bố mẹ. Tuy nhiên, bố anh thường hay trách mắng anh. Thật thế, anh là người giàu lòng nhân từ. Thường khi ở thành phố về, anh bớt một vài xu bán củi cho một người ăn mày gặp dọc đường. Nhưng điều này làm phật ý ông bố nhất, là khi đi săn với con, không bao giờ ông giết được con thú nào để cải thiện bữa ăn đạm bạc của gia đình. Mỗi lần gặp con vật săn, Kotaro liền quăng một hòn đá hoặc kêu to lên một tiếng, báo hiệu cho con thú là nó đang gặp nguy và tạo cho nó thời gian chạy trốn hay bay vút đi.

“Đúng là con trai chúng mình chăm chỉ lao động, phải thừa nhận như thế, nhưng nó không thông minh. Suốt đời con nó sẽ vất vả trong đồng ruộng và trên rừng rú vì nó không có một ý nghĩ gì để xoay chuyển cuộc sống” – hai ông bà già thường nói với nhau như vậy.

Một hôm ở chợ về, Kotaro băng qua khu rừng để về nhà. Anh vui vẻ bước trên đường, tai nghe chim hót thì bỗng nghe tiếng xào xạc lạ tai. Anh tìm tiếng động đó ở đâu đến và nhìn thấy có một con thiên nga trắng bị vướng vào những nhánh lá một cây to lớn và đang giẫy giụa. Chim đã yếu đi nhiều vì đã vùng vẫy và cựa quậy đôi cánh một cách yếu ớt. Không suy nghĩ gì, Kotaro trèo nhanh lên cây. Chim nhìn anh với đôi mắt mở to đầy vẻ sợ hãi. Thận trọng, Kotaro gỡ thiên nga ra, thấy con chim bị thương: một mũi tên dài cắm dưới cánh nó.

Kotaro vuốt ve lông thiên nga và nói:
- Chim bé bóng đáng thương, chim chắc sợ lắm. Có thể rằng một tay thợ săn nào đó đã bắn mũi tên vào chim, chim đã rơi vào vòm cây và bị mắc kẹt trong cành lá. Nhưng chim đừng sợ, vết thương không sâu lắm và chim sẽ chóng khỏi.
Anh nhẹ nhàng rút mũi tên ra và lau vết thương. Rồi anh mang thiên nga vào một nơi khuất gió trong rừng sâu, an ủi chim trước khi trở về nhà:
- Trong vài ngày nữa, chim sẽ lại sức.
Thời gian này, công việc đồng án nhàn rỗi và tất cả buổi sáng Kotaro vào rừng và mãi đến khi màn đêm buông xuống mới trở về. Một hôm, anh đã đi khỏi nhà thì một thiếu nữ xinh đẹp tìm đến cha mẹ anh. Cô mang trên vai một cái bọc lớn, chứng tỏ rằng cô đã đi từ xa tới sau một cuộc hành trình lâu dài. Với một giọng nhẹ nhàng và trong trẻo, thiếu nữ đứng ở hàng rào, hỏi xem anh Kotaro có ở nhà không? Bà mẹ bước ra, rất ngạc nhiên là có một thiếu nữ xinh đẹp muốn gặp con bà:
- Cháu gái thân mến, mời cháu vào nhà. Con trai bác không có nhà, nó đi vào rừng và tối mới về. Cháu vào trong nhà đợi nó.
Thiếu nữ từ chối và ngồi ở ngưỡng cửa ngôi nhà để đợi Kotaro. Đôi khi, ông bà già đi qua đi lại trước mặt thiếu nữ, đưa mắt tò mò nhìn cô, tìm cách nói chuyện để biết cô muốn gặp con trai họ để làm gì. Nhưng cô gái chỉ mỉm cười một cách lễ phép và đơn giản trả lời là cô muốn gặp anh Kotaro.
Sau cùng, vào lúc hoàng hôn, Kotaro về nhà, mang trên lưng một bó củi. Thiếu nữ đứng dậy, kính cẩn nghiêng mình và hỏi bằng một giọng dịu dàng, dễ thương:
- Anh là Kotaro phải không ạ?
- Vâng, đúng tôi, - Kotaro ngạc nhiên trả lời và anh hỏi cô muốn gì?
- Tôi đợi anh từ sáng tới nay, - cô gái đáp, mỉm cười một cách khiêm tốn.
- Vậy thì mời cô vào nhà, chắc chắn là cô mệt lắm, - Kotaro nói, bối rối vì cuộc viếng thăm bất ngờ này. Anh đưa thiếu nữ vào nhà và mời cô cùng dự bữa cơm thanh đạm. Lúc này, thiếu nữ không từ chối. Cô bỏ dép ra, bước vào nhà để ngồi vào bàn ăn với ông bà già và con trai hai cụ.

Sau bữa ăn tối, cô lại mỉm cười với Kotaro, thẹn thùng hạ mi mắt xuống và hỏi anh có muốn xây dựng gia đình với cô không.

Kotaro ngồi lặng im vì ngạc nhiên. Một thiếu nữ xinh đẹp như thế mà lại muốn làm vợ một anh nông dân – tiều phu đáng thương! Bố mẹ cũng không kém phần ngạc nhiên, nói rằng con trai ông bà không có đủ tiền bạc để cưới một thiếu nữ xinh đẹp như vậy. Họ nghèo khổ, - ông bà giải thích, - và Kotaro không thể nghĩ đến việc cưới vợ sớm.
Thiếu nữ đáp lại:
- Muốn sung sướng không nhất thiết phải giàu có. Chỉ cần có tấm lòng tốt, và đó là trường hợp của anh Kotaro. Cháu đảm bảo rằng các bác sẽ không bao giờ ân hận là nhận cháu vào gia đình. Cháu biết làm ăn và cuộc sống sẽ dễ chịu với bốn người trong gia đình.
Khi bà già hiểu rằng cô gái không những xinh đẹp mà còn chăm chỉ làm lụng, bà rất vui vì có người giúp đỡ bà. Từ đó, ông bà không bác bỏ một lời.
Kotaro mừng rối rít. Ai có thể tưởng tượng là một ngày nọ anh có một người vợ xinh đẹp như thế. Ấy vậy mà anh cũng không biết tên thiếu nữ nữa.
- Anh hãy gọi em là Komatchi Khiêm Tốn, - thiếu nữ đáp.
Cô rút một vài đồng tiền từ chiếc túi đeo ra, nói Kotaro ra phố mua bánh trái, rượu sakê và mọi thứ cần thiết cho một bữa tiệc cưới. Bữa ăn thật là tuyệt vời. Chưa bao giờ ông bà ăn ngon như thế và không ngớt lời khen ngợi con dâu.

Sau hôm cưới, hàng ngày Kotaro tiếp tục vào rừng kiếm củi, nhưng anh luôn luôn cố gắng về nhà sớm. Ngày nào cũng vậy, trong công việc của mình, anh sốt ruột mong sớm về nhà nhìn mặt người vợ trẻ. Bà mẹ cũng rất hài lòng. Komatchi Khiêm Tốn nhanh nhẹn làm tất cả mọi việc. Bà vừa mới bảo việc này việc nọ thì mọi việc được làm xong ngay. Cho nên, tất cả bốn người sống với nhau thật vui vẻ, thoải mái. Hạnh phúc của họ được nhân lên gấp nhiều lần khi Komatchi Khiêm Tốn sinh được một con trai cho Kotaro.
Một buổi tối, lúc Kotaro ngồi nghỉ ngơi sau một ngày lao động vất vả, Komatchi Khiêm Tốn nói với anh:
- Anh làm suốt ngày từ sáng đến tối, nhưng chúng ta không đủ ăn. Nếu chúng ta buôn bán, anh sẽ không còn phải còng lưng suốt ngày trên cánh đồng ruộng hoặc trong rừng sâu. Em biết dệt và chúng ta có thể bắt đầu từ đó.
Rồi cô gái lấy từ túi xách ra vài đồng tiền vàng, bảo Kotaro ra thành phố mua các thứ cần thiết để dệt. Ngày hôm sau, khi Kotaro đã mua tất cả các thứ cần thiết để dệt, vợ anh nói với anh đặt chiếc cửi trong kho thóc. Rồi cô nói với chồng là không làm phiền hà cô trong khi cô dệt. Cô nói thêm là công việc của cô có thể lâu.

Từ ngày đó, mỗi buổi sáng, Komatchi Khiêm Tốn vào kho thóc và xuống muộn lúc chiều tối. Ngày rồi lại ngày, cô trở nên xanh xao, gầy mòn và, thường thường, cô lảo đảo vì mệt nhọc. Nhiều lần, Kotaro nói với cô bỏ công việc vất vả đó đi, anh không cần giàu. Nhưng cô chỉ lắc đầu.

Ba năm trôi qua, một hôm Komatchi Khiêm Tốn từ kho thóc bước xuống, mang trong tay một tấm hàng dệt mà ông bà và Kotaro chưa từng thấy. Tấm hàng dệt rực rỡ, chiếu sáng muôn màu lộng lẫy, nhẹ hơn chiếc lông chim nhưng ấm hơn lụa dày nhất. Thật là tấm hàng có một không hai!

Nhưng còn Komatchi Khiêm Tốn thì gần như đứng không vững trên đôi chân. Cô quá mệt đến nỗi phải nằm liệt giường. Với một giọng yếu ớt, cô bảo Kotaro đưa đến cho cô túi bọc mà cách đây nhiều năm cô đem theo tới nhà Kotaro. Cô lấy ra hai đồng tiền vàng và nói:
- Anh hãy đi thật xa mà anh có thể, cho đến khi anh tiêu hết hai đồng tiền vàng này. Chỉ đến lúc đó, anh mới bán tấm hàng dệt. Nếu anh làm như em dặn, anh sẽ có nhiều tiền.
Kotaro gấp tấm hàng dệt, bỏ vào một chiếc bọc và cho hai đồng tiền vàng vào túi sắc của mình. Anh rất buồn vì phải từ biệt vợ mình trong tình trạng yếu mệt như là vừa qua một căn bệnh lâu ngày.

Ngày lại ngày, Kotaro đi, nhưng vẫn chưa tiêu hết đồng tiền vàng thứ nhất. Vậy mà anh có tiết kiệm đâu kia chứ! Sau cùng, anh đến một thành phố xa xôi. Tại chợ, một người đàn ông hỏi anh mang gì? Kotaro lấy tấm hàng dệt trong bọc ra. Người khách hàng ngắm nghía tấm hàng, nhấc nhấc thử xem nặng nhẹ, vuốt ve và thốt lên:
- Hàng dệt kỳ lạ! Hàng ấm mà thật là nhẹ, lóng lánh xiết bao! Tôi chưa từng thấy bao giờ. Anh lấy tấm hàng rực rỡ này ở đâu?
- Chính vợ tôi dệt, - Kotaro hãnh diện trả lời!
- Anh bán cho tôi tấm hàng này, tôi trả một nghìn đồng tiền vàng.
Khi nghe người khách hàng trả giá với số tiền đó, Kotaro hiểu rằng Komatchi Khiêm Tốn đã dệt loại hàng đáng giá một kho báu. Nhưng đồng thời anh nhớ lời vợ dặn là không bán tấm hàng dệt chừng nào mà anh chưa tiêu hết hai đồng tiền vàng. Cho nên anh xin lỗi người khách hàng, nói với ông là tấm hàng dệt này là không phải để bán và tiếp tục lên đường.

Một thời gian sau, anh đến một thành phố khác. Anh đi thẳng ra chợ. Anh vừa lấy tấm hàng dệt thì một đám đông đã quây lấy anh. Một khách hàng giàu có nhất trả bốn nghìn đồng tiền vàng, nhưng Kotaro nhớ những lời của vợ, và do anh còn nguyên đồng tiền vàng trong túi sắc và cũng chưa tiêu hết đồng thứ nhất, anh tiếp tục đi.

Vùng anh đi qua rất rộng và ít người ở, anh phải đi lâu mới đến thành phố sau. Tại đây cũng vậy, một đám đông người hơn đến ngắm nhìn tấm hàng dệt của anh và một người khách giàu sang trả giá tám nghìn đồng tiền vàng. Nhưng một lần nữa Kotaro từ chối vì anh vẫn còn nguyên một đồng tiền vàng trong túi chưa đụng đến.

Trong mọi vùng, người ta bắt đầu nói về tấm hàng dệt quý giá và lộng lẫy. Khi Kotaro đến thành phố tiếp theo, các người hầu của một thương gia giàu có đã đứng cửa chờ anh để dẫn anh đến người chủ của họ.

Khi người chủ thấy tấm hàng dệt, nhẹ hơn lông tơ, nhưng ấm hơn lụa dày nhất, rực rỡ phản chiếu muôn màu lộng lẫy, ông ta nói là muốn mua tấm hàng với bất cứ giá nào. Ông trả giá mười nghìn đồng tiền vàng.

Nhưng Kotaro nói là tấm hàng dệt này không phải để bán, mặc dù mười nghìn đồng tiền vàng là cả một tài sản mà chưa bao giờ anh dám mơ ước!
- Bán cho ta tấm hàng này, - người thương gia giàu có nằn nì. Và nếu mười nghìn đồng tiền vàng đối với anh còn ít, ta trả giá hai mươi nghìn.
Hai mươi nghìn đồng tiền vàng! Thiếu chút nữa trái tim Kotaro ngừng đập! Món tiền đó chắc chắn làm vừa lòng Komatchi Khiêm Tốn. Ngay cả khi anh chưa tiêu hết đồng tiền vàng cuối cùng, anh vẫn quyết định bán tấm hàng dệt đó.
Người thương gia giàu có cho đếm tiền trả hai mươi nghìn đồng tiền vàng. Nhiều tiền quá làm Kotaro phải khó nhọc mới vác đi được. Rất bằng lòng, anh trở về nhà. Anh bước đi khó khăn vì mang vác hai mươi nghìn đồng tiền vàng trên lưng là việc khác hẳn với việc mang một bọc nhẹ.

Cuối cùng, anh về đến nhà và Komatchi Khiêm Tốn đã lành bệnh trong thời gian anh đi vắng, mừng rỡ ra đón anh. Khi cô hỏi anh bán bao nhiêu tấm hàng dệt, Kotaro tự hào chỉ hòm tiền và nói:
- Ở trong đó có hai mươi nghìn đồng tiền vàng. Không thiếu một đồng nào, chính anh đã tự đếm lấy.
Bố mẹ Kotaro đứng nhìn sững sờ. Hai mươi nghìn đồng tiền vàng! Đối với ông bà, đó là một tài sản không thể tưởng tượng được. Họ bảo Kotaro đưa cho xem tất cả số tiền đó, Kimatchi Khiêm Tốn thì tỏ ra hơi thất vọng:
- Anh không đợi tiêu hết hai đồng tiền vàng rồi hãy bán. Nếu không vội vàng, anh đã có thể thu được ba mươi nghìn đồng tiền vàng.
Nhưng ngay khi đấy, cô giơ tay làm một cử chỉ:
- Dù sao đi nữa, đó là một món tiền khá lớn.
Và Komatchi Khiêm Tốn chuẩn bị bữa tiệc ăn mừng chồng nàng trở về.

Gia đình cho xây dựng một ngôi nhà lớn và Kotaro trở nên một thương gia giàu có. Komatchi Khiêm Tốn đảm đang giúp anh, nuôi con và chăm sóc bố mẹ già. Họ không thiếu một thức gì, và mặc dù giàu có, Kotaro sống như trước đây vẫn sống: một người từ thiện và có tấm lòng nhân hậu.

Như vậy, đáng ra họ có thể sống sung sướng nếu bà mẹ của Kotaro không ngừng nói với con dâu của bà:
- Một lần nữa, con hãy dệt một tấm hàng như trước. Con hãy tưởng tượng rằng tấm hàng này sẽ cho nhiều tiền biết bao! Số tiền đó sẽ dành trong hòm vì con đã có tất cả các thứ cần thiết. Một ngày nọ con có thể dùng đến. Nếu con thật sự là một người vợ hiền và con có tấm lòng nghĩ đến con trai con, con hãy dệt một tấm hàng nữa…
Và hàng ngày, điệp khúc đó được lặp đi lặp lại.
Komatchi Khiêm Tốn tìm cách thuyết phục bà, rằng họ đã có khá nhiều tiền bạc, rằng công việc làm ăn của Kotaro khá thuận lợi và thực ra hai vợ chồng không phải lo lắng gì về tương lai. Mỗi lần trò chuyện như thế, bà mẹ luôn luôn kết thúc bằng câu:
- Tất cả điều đó là những điều vô cớ. Con chỉ là một người lười biếng, thế thôi. Ở địa vị con, một người khác sẽ làm được cho gia đình họ.

Cuối cùng, Komatchi Khiêm Tốn thôi không phản bác lại và cho đặt một khung cửi trong một gian phòng cách biệt. Khi Kotaro biết vợ muốn tiến hành dệt tấm hàng thứ hai, anh tìm lời can ngăn. Anh nhắc lại là công việc dệt trước đây đã làm cô yếu xọp đi biết bao và dù sao họ cũng đã khá giàu rồi.

Nhưng Komatchi Khiêm Tốn chỉ mỉm cười một cách buồn bã:
- Ba năm đã nhanh chóng trôi qua. Lần này cũng như lần trước, em xin anh đừng làm phiền em trong khi em dệt.

Từ hôm đó, như trước đây, sáng sáng cô đến gian phòng có đặt chiếc khung cửi và đóng mình ở trong đó cho đến tận chiều tối mới ra. Ngay từ những ngày đầu tiên, người ta thấy công việc đó làm cô đuối sức trông thấy. Đôi má hồng của cô trở nên xanh tái và cô phải siết chặt chiếc thắt lưng áo kimônô của cô lại.
- Nó không thể làm gì tốt được, - bà già tự nói. Ta đánh đố vì nó gầy đi chỉ vì hờn dỗi, bực mình thôi. Những người đàn bà khác dệt vải, có ai tự giam mình trong phòng kín mít đâu.

Một buổi sáng, bà mẹ chờ cho tất cả mọi người ai vào việc nấy, rồi lặng lẽ nhón chân đến gian phòng Komatchi Khiêm Tốn đang dệt. Bà quỳ trước cánh cửa và hé mở ra. Bà thấy một con thiên nga đứng trước một khung cửi to lớn, dùng mỏ bứt lông cánh của nó, thân hình tóe máu và nhiều chỗ lộ mảng thịt đỏ lòm.

Lúc đó, con thiên nga nhìn ra phía cửa, thấy bà già đang tò mò ghé mắt nhìn vào. Nó hét lên một tiếng to, rồi bay vụt qua cửa sổ.

Kotaro nghe tiếng kêu đó, anh chạy bổ về gian phòng, mặt tái xanh. Bà mẹ nói cho anh biết là bà đã thấy gì. Lập tức, anh nhảy những bước nhảy dài vào vườn, xem xét tất cả cây cối. Trên một cành cây, anh thấy một con thiên nga trắng. Chim nằm đấy kiệt sức. Nước mắt đầm đìa trên má. Kotaro trèo lên cây, ôm con thiên nga sắp chết trên tay. Anh vuốt ve chim. Tức thì, lấy sức trong hơi thở cuối cùng, thiên nga thì thầm với anh:
- Anh Kotaro, anh còn nhớ con thiên nga trắng mà một ngày trước đây anh cứu sống nó không? Em đến với anh để trả ơn về tấm lòng tốt của anh. Bây giờ, giây phút cuối cùng của đời em đã đến! Anh hãy ở lại chăm sóc đứa con trai của chúng ta. Vĩnh biệt anh!

Lòng buồn da diết, Kotaro chôn thiên nga trong vườn. Từ nay, anh đổi tên thành Kotaro Khiêm Tốn. Ngày nào anh và đứa con trai cũng ra vườn, hai bố con đứng im lặng hồi lâu trước mộ và khóc Komatchi Khiêm Tốn.

Nguồn: Truyện cổ Nhật Bản






13 nhận xét:

  1. Truyện rất hay và ý nghĩa Thầy ạ!

    Trả lờiXóa
  2. Truyện hay quá thầy ơi.

    Trả lờiXóa
  3. truyện rất hay thầy ạ

    Trả lờiXóa
  4. Truyện " Con Thiên Nga Trắng" quá hay quá ý nghĩa, đọc xong câu chuyện e cảm nhận đc rằng trên đời này k phải cứ giàu có là sẽ vui đâu, phải biết đủ, biết lương thiện, biết trân quý những gì đang có và đừng mơ mộng xa xôi ngoài tầm với của bản thân.

    Trả lờiXóa
  5. Truyện con thiên Nga trắng rất hay thầy ạ.

    Trả lờiXóa
  6. Hay quá ạ ! Điều may mắn mắn sẽ lun đến với những người có tấm lòng nhân hậu

    Trả lờiXóa
  7. truyện hay quá thầy ơi, thấy thương thiên nga trắng quá

    Trả lờiXóa