Thứ Năm, 3 tháng 11, 2016

KHAI THÁC TRUYỆN DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÍ VÀO VIỆC RÈN KĨ NĂNG MIÊU TẢ LOÀI VẬT CHO HỌC SINH TIỂU HỌC


Thầy trò tại Hội thảo
TÓM TẮT 

Dế Mèn phiêu lưu kí là tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Tô Hoài. Thành công nổi bật ở tác phẩm này là nghệ thuật miêu tả loài vật. Trong tác phẩm, nhà văn đã xây dựng nên thế giới loài vật vô cùng sinh động, phong phú, với những đặc điểm về ngoại hình, tính cách, hoạt động hay đời sống nội tâm. Đây thực sự là tài liệu tham khảo tốt cho học sinh trong việc học làm văn miêu tả loài vật, nhất là trong bối cảnh hiện nay...

Hiện nay, chất lượng làm văn miêu tả nói chung, miêu tả loài vật nói riêng của học sinh tiểu học còn chưa cao, rất cần được khắc phục. Từ thực tế này, chúng tôi nêu hướng khai thác lớp văn miêu tả trong Dế Mèn phiêu lưu kí như một giải pháp tích cực đối với việc rèn luyện kĩ năng làm văn cho học sinh tiểu học. 

TỪ KHOÁ: miêu tả, loài vật, làm văn, tiểu học, Dế Mèn phiêu lưu kí 


I. Đặt vấn đề 

1.1. Đồng thoại Dế Mèn phiêu lưu kí đi vào lòng độc giả không chỉ vì nội dung phiêu lưu kì thú mà còn bởi vẻ đẹp của những câu, đoạn miêu tả loài vật sinh động, biểu cảm. Nhờ vậy, khi đọc Dế Mèn phiêu lưu kí, chúng ta được chứng kiến cả một thế giới loài vật phong phú nơi chốn sông nước, đồng cỏ… Tất cả đều được nhà văn miêu tả một cách chi tiết, chân thực cả về dáng vẻ bên ngoài lẫn tính cách, thế giới tình cảm bên trong.Theo Lã Thị Bắc Lý: “Khi miêu tả loài vật, Tô Hoài đã làm cho con vật hiện ra như chính nó trong thực tế. Nhưng bản thân những con vật là nhân vật này lại không hề khô khan bởi chúng đã được định hướng như một con người trong xã hội, được mô tả trong sự vận động, phát triển”[3,tr.81]. 

1.2. Nhìn vào thực tế làm văn miêu tả loài vật hiện nay của học sinh nói chung, học sinh ở bậc tiểu học nói riêng, chúng ta thấy có nhiều điều quan ngại. Phần lớn các em đang có xu hướng làm văn miêu tả loài vật theo văn mẫu, nếu có tự làm thì cũng chỉ là những câu từ được trình bày theo kiểu liệt kê, thấy đâu viết đó, không có sự chọn lọc, lời văn thiếu tính thẩm mĩ. Rõ ràng, vấn đề khó khăn lớn nhất cần bàn ở đây chính là kĩ năng làm văn của các em, mà “cội nguồn của kĩ năng lại là vốn sống, vốn ngôn ngữ, năng lực tưởng tượng và cảm xúc”[2]. Thật may mắn khi Dế Mèn phiêu lưu kí có thể giúp chúng ta tiến hành khắc phục, rèn luyện kĩ năng làm văn miêu tả cho các em một cách có hiệu quả. 

Bài viết Khai thác truyện Dế Mèn phiêu lưu kí vào việc rèn kĩ năng làm văn miêu tả cho học sinh Tiểu học của chúng tôi được hình thành từ những nhận thức nói trên. Chúng tôi muốn qua bài viết này ủng hộ hướng khai thác nguồn văn mẫu là các tác phẩm giá trị của các nhà văn, nhất là những cây bút viết cho thiếu nhi. 

II. Định hướng khai thác giá trị miêu tả loài vật trong truyện Dế Mèn phiêu lưu kí 

1. Khái quát về giá trị miêu tả trong Dế Mèn phiêu lưu kí 

Miêu tả được Tô Hoài vận dụng thường xuyên trong Dế Mèn phiêu lưu kí và đã làm cho bức tranh về nhân vật, phong cảnh trở nên sinh động, rõ nét và giàu tính biểu cảm. 

Trước hết, giá trị đặc sắc nhất phải kể đến đó là khắc họa chân dung loài vật một cách cụ thể, chi tiết cả về ngoại hình, hoạt động lẫn tính cách; làm cho nhân vật vừa là nó (tự nhiên) khiến mỗi khi đọc đến tác phẩm, độc giả như đang sống cùng, đang trực tiếp chứng kiến chúng trong tự nhiên và lại vừa mang dáng dấp của con người trong xã hội. 

Dế Mèn phiêu lưu kí là một đồng thoại viết về nhiều loài vật nhất, có đến 58/66 nhân vật là con vật.Số lượng đông đảo như vậy nhưng Tô Hoài không hề miêu tả trùng lặp, mỗi con đều mang những đặc điểm riêng, ngay cả khi chúng cùng một giống loài. Chẳng hạn, cùng một họ nhà dế với nhau mà Dế Mèn thì cường tráng, oai vệ; Dế Choắt thì gầy gò, dài lêu nghêu; Dế Trũi thì quê kệch, dài thuồn thuỗn;… Họ nhà chuồn chuồn cũng phong phú chẳng kém, Chuồn Chuồn Ngô nhanh thoăn thoắt; Chuồn Chuồn Ớt rực rỡ, Chuồn Chuồn Tương có đôi cánh kép điểm vàng;… 

Riêng từng đối tượng loài vật, Tô Hoài cũng không đề cập đến nhiều đặc điểm, không sử dụng quá nhiều chi tiết để miêu tả, mà ngược lại nhà văn chỉ tập trung lựa chọn những từ ngữ góc cạnh, giàu tính tạo hình kết hợp với những biện pháp nghệ thuật miêu tả phù hợp để xây dựng nên hình tượng nhân vật ấn tượng, mang tính biểu cảm cao. 

Thể hiện tập trung nhất là ở chân dung Dế Mèn - nhân vật chính của tác phẩm. Phải nói, khi miêu tả nhân vật này, Tô Hoài đã sử dụng nhiều chi tiết rất đắc địa, khắc họa được vẻ khỏe mạnh, cường tráng và đẹp mã của Mèn: 

“Đôi càng tôi mẫm bóng.Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt.Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ.Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch, giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”. 

Dế Mèn khỏe mạnh, oai vệ hiện lên trong tâm trí bạn đọc vừa quen thuộc vừa đẹp đẽ với những chi tiết tiêu biểu, đáng chú ý của loài dế. Về ngoại hình, Mèn được miêu tả qua các bộ phận: đôi càng, những cái vuốt, đôi cánh, đầu, răng, bộ râu,… khi miêu tả, nhà văn đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ mang tính tạo hình cao như mẫm bóng, nhọn hoắt, cứng dần, đen nhánh,… Nói về hành động của Mèn, Tô Hoài sử dụng những động từ mạnh như: đạp phành phạch, nhai ngoàm ngoạm,… Những hình ảnh miêu tả trên lại thú vị hơn khi ta thấy nó như mách bảo được nét tính cách “người” trong nhân vật này đó là ý thức vẻ ngoài hơn người của mình, Mèn lúc nào cũng thích phô diễn, ra oai. 

Bên cạnh đối tượng loài vật, các bức tranh thiên nhiên trong tác phẩm cũng được nhà văn xây dựng có đường nét, tươi sáng, phảng phất tình cảm nhân vật. 

Từ cảnh mùa xuân khoe sắc, khiến ta vừa nghe được âm thanh nhộn nhịp, lại như vừa nếm được cái mùi vị ngọt ngào của thiên nhiên (“Những ngày xuân…ngọt như đường phèn”) đến thời khắc đầu mùa thu với sự thay đổi chầm chậm của tiết trời và những đóa sen dần tàn (“Rồi mùa hạ…ngả sang mùa”), rồi thì thiên nhiên mùa đông khắc nghiệt, rét mướt (“Cánh đồng vắng ngắt…gió suốt đêm ngày”). Không những thế, cảnh làng quê, sông nước, đêm trăng sáng cũng được miêu tả đẹp đẽ, và đầy ý vị chẳng kém. Đặc biệt, Tô Hoài còn thật tài tình khi lồng ghép vào ý nghĩa vốn là điều tự nhiên của cảnh vật, đó chính là môi trường hoạt động của nhân vật.Điều này khiến cho sự miêu tả trở nên chân thực và sinh động hơn. 

Dù tả thiên nhiên hay viết về những con vật thì Tô Hoài đều gửi gắm vào đó tình cảm, thái độcủa riêng mình. Trong Văn miêu tả trong nhà trường phổ thông, các tác giả có nói, muốn miêu tảhay thì “phải có cái tình”, tình ở đây “có thể là tấm lòng say đắm, là thái độ và tình cảm trân trọng mến yêu đối với cái đẹp, cái trong sáng, cao thượng,… nhưng cũng có thể là sự căm ghét, khinh bỉ đối với cái ác,…”[5, tr.51], và Tô Hoài cũng không ngoại lệ. Miêu tả Dế Choắt, ông thương cho cậu chàng ốm yếu, không có nổi ba hột sức, nói về lão Chim Trả, ông tỏ thái độ không ưa mấy trước cái vẻ kệch cỡm, ưa làm đỏm trái mùa của lão; còn hình ảnh võ sĩ Bọ Ngựa thì được miêu tả trong sự mỉa mai châm biếm cho cái lối quan dạngthích thể hiện,… Như vậy, những đối tượng được nhà văn miêu tả bên cạnh chủ đích khắc họa đường nét, chân dung còn mang thông điệp tình cảm của ông về thế giới loài vật, tự nhiên…Điều này gây hứng thú không nhỏ đối với độc giả, đặc biệt là bạn đọc trẻ em sẽ rất tò mò xem ông yêu ghét chúng như thế nào, tại sao lại như vậy, gợi sự đồng cảm, lòng thương yêu trong các em. 

2. Định hướng khai thác Dế Mèn phiêu lưu kí vào việc rèn kĩ năng làm văn miêu tả loài vật cho học sinh tiểu học 

2.1. Khai thác nghệ thuật sử dụng từ láy vào việc miêu tả loài vật 

Trong tiếng Việt, từ láy là một lớp từ được cấu tạo bằng cách lặp lại âm tiết gốc theo quy tắc trùng điệp (toàn phần hay bộ phận), theo sự luân phiên âm tố chính, hài hòa về âm và nghĩa, tạo ra những tín hiệu đặc biệt trong kho tàng từ ngữ. Về phương diện tu từ, từ láy có ba chức năng cơ bản là miêu tả, bộc lộ và thay thế. Chính nhờ các chức năng này mà từ láy trở thành phương tiện chính để Tô Hoài vận dụng vào miêu tả nhân vật loài vật kết hợp biểu cảm. 

Trong Dế Mèn phiêu lưu kí, từ láy được sử dụng với số lượng không hề nhỏ, trở thành một phương tiện ngôn ngữ đặc sắc của Tô Hoài. Phải thừa nhận rằng, ông có vốn từ láy hết sức phong phú, giàu sáng tạo và khó bắt gặp ở những nhà văn khác, chẳng hạn có những từ láy nghe vừa dân giã, lại vừa ấn tượng như: hủn hoẳn, kheo khư, tồm tộp,… Cách sử dụng từ láy như vậy cho thấy một khả năng hiếm có ở Tô Hoài đó là biết phát triển ngôn ngữ trên cái nền lời ăn tiếng nói của dân gian. 

Ở tác phẩm, Tô Hoài đã đi khai thác triệt để từ láy vào miêu tả chân dung loài vật và thể hiện thái độ tình cảm của mình. Do đó, từ láy xuất hiện hầu hết là ở các đoạn miêu tả ngoại hình, hành động của nhân vật. Chúng tôi xin phép dẫn ra một vài ví dụ tiêu biểu: 

Đoạn văn miêu tả ngoại hình Dế Choắt như sau: “Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện (…). Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu, và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ”. 

Hoặc đoạn văn tả họ nhà chuồn chuồn: “… Chuồn Chuồn Chúa lúc nào cũng như dữ dội, hùng hổ, nhưng kì thực trông kĩ đôi mắt lại rất hiền. Chuồn Chuồn Ngô nhanh thoăn thoắt, chao cánh một cái đã biến mất.Chuồn Chuồn Ớt rực rỡ trong bộ quần áo đỏ chói giữa ngày hè chói lọi, đi đằng xa đã thấy. Chuồn Chuồn Tương có đôi cánh kép điểm vàng thường bay lượn quanh bãi những hôm nắng to. Lại anh Kỉm Kìm Kim lẩy bẩy như mẹ đẻ thiếu tháng, chỉ có bốn mẩu cánh tí teo, cái đuôi bằng chiếc tăm dài nghêu, đôi mắt lồi to hơn đầu, cũng đậu ngụ cư vùng này”. 

Qua các dẫn chứng, ta thấy mục đích chính của Tô Hoài khi đưa các từ láy vào sử dụng là khắc họa ngoại hình, hành động của nhân vật loài vật bởi đây một phần là nội dung cốt yếu khi miêu tả loài vật, phần khác khả năng tạo hình cao cùng tính biểu cảm mạnh mẽ, từ láy sẽ chuyển tải hiệu quả cảm xúc đồng thời toát lên được cái hồn của hình tượng nhân vật. 

Ví như, các từ láygầy gò và lêu nghêu đã làm nổi rõ được cái dáng xấu xí vừa gầy lại vừa dài của Dế Choắt, thêm nữa các từ láy bè bè, nặng nềtiếp tục nhấn mạnh vẻ đối lập giữa đôi cánh quá cỡ với thân mình ốm yếu và từ láy ngẩn ngẩn ngơ ngơ gây cho người đọc sự thương cảm, tội nghiệp trước vẻ bệnh tật còm cõi xơ xác mà Choắt phải gánh chịu. Xét hệ thống từ láy được dùng vào miêu tả họ nhà chuồn chuồn, ta càng thấy “độ phủ sóng” cao hơn khi chúng vừa tham gia tả hình dáng, màu sắc lại kết hợp phản ánh tính cách của các loài chuồn chuồn, tỉ như Chuồn Chuồn Chúa ngoài lạnh trong nóng (hùng hổ, dữ dội…đôi mắt lại rất hiền); Chuồn Chuồn Ngô tính tình nhanh nhẹn, đáng yêu(thoăn thoắt); Chuồn Chuồn Ớt có bề ngoài mang sắc đỏ bắt mắt (rực rỡ),… Có thể thấy, dẫu thế giới loài vật trong những trang văn miêu tả của ông có nhiều bao nhiêu, đa dạng như thế nào thì ở mỗi đối tượng vẫn là một chân dung có hình hài, đường nét và thần thái riêng. 

Về hình thức, để phát huy được tối đa giá trị thẩm mĩ mà các từ láy mang lại, ta có thể đặt chúng trong mối tương giao với các thành phần ngôn ngữ khác. Chẳng hạn, trên nền tảng tuân thủ sự chặt chẽ quy tắc của ngữ pháp tiếng Việt, Tô Hoài đã sáng tạo bằng cách đặt từ láy sau danh từ, động từ (tiếng phành phạch, nhai ngoàm ngoạm), nhờ đó, những hành động của một Dế Mèn cường tráng như hiện hữu hết sức chân thực và sinh động. 

Như vậy, khi miêu tả loài vật, từ láylà một lựa chọn tốt trong việc xây dựng đặc điểm ngoại hình, tính cách, hoạt động của đối tượng. Biết lựa chọn và vận dụng từ láy thích hợp, kết hợp với hình thức trình bày sáng tạo thì bài văn miêu tả loài vật sẽ giàu sức gợi hình, gợi cảm, đem lại sự lôi cuốn, hấp dẫn cho người đọc. 

2.2. Khai thác nghệ thuật so sánh trong miêu tả loài vật 

So sánh cũng là một trong những thủ pháp nghệ thuật được dùng nhiều vào miêu tả.“So sánh, ví von là một thế mạnh đặc trưng của tiếng Việt”[5, tr.64]. So sánh đạt hiệu quả cao nhất là khi làm nổi bật được đối tượng miêu tả, tức phát hiện ra được những đặc điểm, nét độc đáo trong quá trình đi tìm điểm giống nhau và khác nhau giữa các sự vật được so sánh. 

Nói về nghệ thuật so sánh trong miêu tả loài vật thì Dế Mèn phiêu lưu kí được xem là một dẫn chứng đầy sinh động và đạt được thành tựu đáng kể. Tô Hoài luôn lựa chọn cấu trúc so sánh đơn giản, gồm hai vế so sánh rõ ràng, trong đó vế được so sánh thường là các đặc điểm ngoại hình, tính tình,… của loài vật còn vế để so sánh thì đa dạng các đối tượng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở đây chính làviệc nhà vănluôn xác định thống nhất loại đối tượng để so sánh, đó là những sự vật cụ thể, gần gũi và quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Các từ so sánh cũng rất phổ biến và phần lớn thuộc kiểu so sánh ngang bằng với các từ so sánh: như, thì bằng,… 

Ví dụ: 

Tô Hoài thường đi so sánh con vật giống với những đồ vật quen thuộc, dễ nhận biết. Cụ thể: 

- “Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc”. 

- “Mỏ Cốc như cái dùi sắt chọc xuyên cả đất”. 

- “Thằng Chim Chích kia thì bằng hạt mít, chân nó leo khoeo như cái tăm và cái mỏ oặt như sợi bún”. 

Có khi, loài vật lại được so sánh với các đặc điểm của con người có nét tương đồng, như các trường hợp: 

- “Anh nay mới dúm tuổi mà đã lụ khụ hơn cả người già lẫn cẫn”. 

- “Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện”. 

Hoặc, so sánh giữa các loài với nhau như: 

- “Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh cô nàng mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn”… 

So sánh được Tô Hoài dùng vào miêu tả đã đáp ứng được tối đa nhu cầu đối chiếu để làm rõ đặc điểm đối tượng được so sánh, từ đó làm nổi bật khía cạnh được miêu tả của loài vật; tạo ra các liên tưởng tương quan giúp cho hình ảnh các loài vật hiện hữu cụ thể, sinh động, dễ hình dung mà lại mang giá trị nghệ thuật cao. 

Theo Đỗ Ngọc Thống: “Người miêu tả giỏi là người biết so sánh giỏi”[5, tr.64]. Yếu tố quan trọng nhất đòi hỏi ở một người so sánh giỏichính là tìm ra đối tượng để so sánh không những hợp lí mà còn phải độc đáo, mới lạ, thu hút người đọc. Yêu cầu này buộc người so sánh phải có vốn sống, có trí tưởng tượng cao và đặc biệt là khả năng quan sát. Và ở Tô Hoài, quan sát có thể xem là một thế mạnh vượt trội của ông. Nhờ đó ông đã có phát hiện thật thú vị giữa sự tương đồng từ trong thực tế để đưa vào trang văn miêu tả của mình. 

Nói đến điều này, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, để thực sự có được những so sánh hay, có “sức nặng” trong miêu tả thì điều kiện tiên quyết là phải trau dồi khả năng quan sát và tìm hiểu nhiều từ trong thực tế cuộc sống, như Tô Hoài từng chia sẻ: “Quả là muốn viết được nhất thiết phải biết quan sát để ấn sâu thêm trí nhớ, giúp cho sức tưởng tượng”[1, tr.11]. 

2.2.3. Khai thác nghệ thuật nhân hoá trong miêu tả loài vật 

Nhà văn Phạm Hổ đã nói: “Trong miêu tả người ta hay nhân hóa. Điều đó ai cũng biết”[4, tr.10]. Hơn nữa, do mang đặc điểm của thể loại đồng thoạimàở Dế Mèn phiêu lưu kí, việc sử dụng nhân hóa vào miêu tả loài vật là không thể thiếu, thậm chí rất phổ biến. 

Nhân hóa trước hết thể hiện trong việc Tô Hoài sử dụng cách xưng hô của người để gọi các con vật. Theo đó, loài vật sẽ mang một vai vế cụ thể như trong xã hội con người. Chẳng hạn, cào cào thì được gọi là chị, Gọng Vó là anh, Xiến Tóc được gọi thân mật là bác, Bói Cá là lão, còn chim Cốc được gọi là mụ,… Những cách gọi này vừa góp phần làm cho lượng thông tin cung cấp về nhân vật càng thêm phong phú, mặt khác lại vừa kéo gần khoảng cách giữa con người với loài vật, tạo sự gần gũi từ đó bộc lộ thái độ yêu ghét của nhà văn đối với nhân vật mà mình miêu tả. 

Thông qua nhân hóa, mỗi loài vật được miêu tả đều hiện lên có tính cách, có đời sống nội tâm, “biến chúng thành các hình ảnh tượng trưng cho một số kiểu người trong xã hội, tạo ra các nhân vật mang tính chất biểu tượng kép”[6, tr.159]. Với vẻ ngoài cùng những hành động được Tô Hoài miêu tả, người đọc có thể cảm nhận được “tính người” trong mỗi nhân vật. Đó là cậu bé hiếu thắng nhưng hào hiệp, trượng nghĩaDế Mèn; cậu bé dũng cảm Dế Trũi, người anh trưởng đạo đức giả Dế Cả; người anh đớn hèn, yếu đuối Dế Hai; một gã hợm hĩnh Bọ Ngựa,… 

Vận dụng khéo léo nhân hóa vào trong miêu tả, Tô Hoài đã xây dựng cho nhân vật của mình có những cá tính riêng, hợp thành thế giới tự nhiên đa sắc màu.Sự kết hợp uyển chuyển đặc điểm tự nhiên của các loài với đặc điểm của người đã khiến cho thế giới tự nhiên ấy trở nên giàu âm thanh, giàu cảm xúc và chuyển động không ngừng. 

Phân tích trên đồng nghĩa với việc chúng tôi đã khẳng định tầm quan trọng của nhân hóa trong viết văn miêu tả loài vật.Có nhân hóa, miêu tả mới hay, mới sinh động và tạo được cảm xúc cho người đọc.Việc đưa nhân hóa vào bài làm văn miêu tả cũng không phải khó, bên cạnh trí tưởng tượng phong phú, hiểu biết của học sinh người giáo viên cần cũng cần khơi gợi cảm xúc, sự liên tưởng trong các em để các em biết sử dụng nhân hóa đạt kết quả cao. 

3. Xây dựng hệ thống bài tập về miêu tả loài vật 

• Bài tập nhận diện và sử dụng từ láy trong miêu tả 

- Tìm các từ láy trong đoạn văn miêu tả nhân vật Dế Mèn sau đây và nêu hiệu quả miêu tả của các từ này: 

“Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gãy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch, giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng”. 

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí) 

- Viết một đoạn văn miêu tả loài vật có sử dụng nhiều từ láy tượng thanh (như:phanh phách, phành phạch, giòn giã) 

- Viết một đoạn văn miêu tả loài vật có sử dụng nhiều từ láy tượng hình (như: lũn cũn, tí teo, lẩy bẩy) 

• Bài tập sử dụng so sánh và nhân hóa trong miêu tả 

- Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn sau: 

“Chị Nhà Trò này đã bé lại gầy gùa, yếu đuối quá, người bự những phấn như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh cô nàng mỏng như cách bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù khỏe cũng chẳng bay được xa…” 

(Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí) 

- Chỉ ra tác dụng của biện pháp nhân hóa trong đoạn văn sau: 

“Lại vài mụ Diếc trắng trẻo, béo tròn con quay, lò dò đến. Các mụ tung tăng múa vây, múa gáy. Rồi mấy bác cá ngão mắt lồi đỏ, dài nghêu, mồm nhọn ngoác ra, ở đâu bơi chớp nhoáng đến, đỗ kề ngay bờ trước mặt, há miệng đợi đớp…” (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí) 

- Hãy viết một văn ngắn có sử dụng biện pháp nhân hóa để miêu tả về một con vật mà em thích. 

III. Kết luận 

Để đưa những định hướng làm văn miêu tả khai thác từ Dế Mèn phiêu lưukí đã phân tíchtrên trở thành cơ sở trong công tác bồi dưỡng kĩ năng làm văn miêu tả cho học sinh tiểu học đòi hỏi phải có một con đường thiết thực và sự đóng góp từ nhiều phía. Về nguồn tư liệu, nên khuyến khích học sinh đọc tác phẩm, bên cạnh đó, cần tuyển chọn và viết bài phân tích theo hướng tập trung làm rõ nghệ thuật miêu tả của Tô Hoài để học sinh được tiếp cận gần hơn. Về đối tượng tiếp nhận, cần xây dựng các bài tập giúp học sinh khám phá giá trị miêu tả của văn Tô Hoài, từ đó nâng cao kĩ năng viết văn miêu tả cho mình.

Lê Thị Thuỳ Liên 
(K.35, Trường ĐH Quy Nhơn) 


TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Tô Hoài (1998), Một số kinh nghiệm viết văn miêu tả, NXB Giáo dục, Hà Nội. 

2. Lê Nhật Ký (2014), “Khai thác truyện đồng thoại vào việc rèn luyện kĩ năng làm văn miêu tả cho học sinh Tiểu học”, (Sách điện tử), ĐHSP TP.Hồ Chí Minh. 

3. Lã Thị Bắc Lý(2003), Văn học trẻ em, NXB ĐHSP, Hà Nội. 

4. Vũ Tú Nam - Phạm Hổ - Bùi Hiển - Nguyễn Quang Sáng(1998), Văn miêu tả và kể chuyện, NXB Giáo dục, Hà Nội. 

5. Đỗ Ngọc Thống - Phạm Minh Diệu (2003), Văn miêu tả trong nhà trường phổ thông, NXB Giáo dục, Hà Nội. 

6. Cao Đức Tiến - Dương Thị Hương (2007), Văn học, NXB ĐHSP và NXB Giáo dục, Hà Nội.

1 nhận xét: