Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

CUỘC PHIÊU LƯU CỦA CHAI NƯỚC






Sạch sẽ, trong trắng và tinh khiết là danh hiệu mà mọi người đã tặng cho tôi. Mọi người nâng niu tôi, đặt tôi vào chỗ sạch sẽ nhất.

Tương lai tôi hứa hẹn tràn đầy những ngày vui và đáng tự hào khi được góp mặt trong những khách sạn sang trọng, trên bàn các cuộc họp, hội thảo, các lễ cưới, hội hè, hoặc theo chân du khách hành khắp mọi miền đất nước. Ấy vậy mà chỉ một phút sơ ý của một cô bé đểnh đoảng, cuộc đời tôi bỗng đổi thay đến cùng tận.

Tôi còn nhớ rất rõ hôm ấy, một buổi chiều muộn, cô bé đểnh đoảng ngu ngốc ấy đã không nhớ kiểm tra nhiệt độ của nước, dốc nguyên cả ấm nước còn nóng dễ tới sáu, bảy mươi độ vào tôi. Chỉ trong giây lát, da thịt tôi mủn ra, tôi khụy xuống, thân thể biến dạng. Công bằng mà nói, cô bé hơi hoảng, cô vội vàng đổ hết nước nóng ra và đặt tôi dưới vòi nước lạnh. Da thịt tôi cứng lại nhưng vĩnh viễn tôi trở thành kẻ thương tật không thể sử dụng được. Để tránh bị la mắng, cô bé đã mắc lỗi lần thứ hai. Cô ẩy tôi vào một bích ni lông rồi quẳng ra đường.

Tình thế đó đẩy tôi thành một kẻ phạm luật xả rác nơi công cộng hoặc làm mất vệ sinh đường phố. Mọi người nhìn tôi khó chịu. Mấy chú cún lang thang làm phách hít hít, ngửi ngửi, đưa mấy ngón chân cáu ghét khẽ khều khều rồi khinh khỉnh bỏ đi. Ả Mèo con rửa mặt chưa sạch cũng cau có chỉ trích:
- Giờ lại nằm ườn ra giữa đường đấy.
Lũ chuột lang thang rúc xỉa một hồi xong bảo nhau ra vẻ khinh miêt:
- Chẳng bổ béo gì.
Chỉ còn lũ tranh nhau bò ngang dọc tìm cách chui qua cái bao ni lông hôi rình nhưng cũng chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà thôi, bởi chúng đâu kiếm chác được gì trên thân xác cứng đơ của tôi. Tủi nhục quá, tôi nằm trơ ra cùng với chị Ni Lông thương tích đầy mình.

Đến khuya, khi sương ướt lạnh, những người phu quét đường đẩy tôi vào chung với rác rến bẩn thỉu. Tôi không chịu nổi, nín thở đến ngất đi. Khi tỉnh lại, tôi có cảm giác mình đang trôi đi vùn vụt. Gió thổi vun vút đẩy tôi lăn lóc trên lưng hàng trăm thứ rác khác. Tôi và chị Ni Lông cố bám vào tấm lưới che rách nát. Nhưng đến khi đi ngang qua sông, một cơn gió mạnh thổi bùng lưới chắn, đẩy tôi dạt ra khỏi xe giữa tiếng thét kinh hoàng của chị Ni Lông. Cả hai chúng tôi bay mỗi người một hướng. Thân tôi đập vào những dầm sắt và tấp vào chân cầu. Nhưng chưa kịp gượng dậy, một chiếc xe tải khác chạy vù qua hất tôi ra ngoài khoảng không rơi xuống lòng sông.

Dòng nước mát khiến tôi tỉnh người. Dù sao trôi dạt trên sông còn hơn nằm trên chiếc xe rác hôi hám kia. Tôi bắt đầu nhìn quanh tìm kiếm người quen. Bềnh bồng kế bên là những kẻ thương tật, anh Chiếu rách lờ đờ chậm chạp, chị Nón Lá, chú Ván mục và hằng hà sa số gia đình dòng họ Ni Lông. Ngoài anh Chiếu rách mòn hơi, các anh chị Ni Lông có vẻ yêu đời, họ cười nói oang oang cãi nhau luôn miệng.
- Ngày chú em, họ nhà Chai Nhựa của chú mày là vô duyên nhất. Chúng tao thì còn tái sinh trở lại với đời, chứ chú em thì vô phương.
- Càng cao danh vọng càng dày gian nan. Cứ tưởng mình sang cả, cuối đời mới biết là đồ bỏ đi.
- Sao các chị lại nói thế ? Mỗi người có một cuộc sống riêng, ai có quyền trách ai. Dù sao chú Chai Nhựa này cũng có họ xa xôi với các chị đấy.
Chị Ni Lông màu xanh bĩu môi:
- Ôi, cái giống đó mà là bà con của tôi à ? Còn khuya ! Đi chỗ khác chơi đi mày.

Chị Ni Lông xanh vừa nói vừa lách mình tránh xa tôi. Tôi cắn răn không cãi lại vì có gì mà phải thanh minh thanh nga. Tôi chỉ một thân một mình, bơ vơ… Nay mai tôi sẽ tấp vào một bụi bờ nào đó, chết dần chết mòn, một kẻ vô ích, một kẻ sống thừa.
- Đừng buồn chú em. Họ là vậy đó.
- Họ không hiểu một cuộc sống chỉ quý giá khi làm được điều hữu ích.
- Khi mình biết tận hiến bằng cả tấm lòng mình…

Những lời an ủi của chị Nón Lá, chú Ván mục, anh Chiếu rách, khiến tôi bớt tủi thân. Cùng với chị Nón tôi trôi đi trôi đi…
Bỗng tất cả chúng tôi đều dừng lại, xoay xoay quanh mình. Chị Nón rách trở mình hỏi:
- Có chuyện gì vậy ? Sao đám Ni Lông không chịu bơi tiếp ?
Từ phía trước có tiếng kêu:
- Chán quá, đi mãi mệt muốn đứt thở. Ai muốn đi thì đi. Tớ đứng lại.
- Nhưng chỗ này có bảng cấm dừng mà.
- Thây kệ, tớ thích là tớ đứng lại đây. Ai cấm ?
- Ừ, ai cấm ?
- Có làm hại gì ai đâu mà cấm ? Ở đây cũng vui đấy, nhân tiện mình đón bạn bè.
- Làm tổng hành dinh của bọn mình luôn há !

Tôi nhìn lên tấm bảng dựng bên bờ. Té ra đây là nơi luân chuyển nước cho các ruộng lúa trong đất liền. Đứng lại đây trong chốc lát hay mãi mãi cũng chẳng sao. Rác rưởi vô dụng như tôi thì ở đâu cũng như nhau mà thôi, có gì phải quan tâm.

Tôi nằm lơ mơ, bồng bềnh, vô ý thức như vậy không biết bao nhiêu ngày cho đến một hôm tôi có cảm giác mình bị thít chặt đến ngạt thở. Giờ tôi không thể trở mình. Chú Ván mục nằm cạnh tôi thỉnh thoảng nấc lên như bị nghẹn. Chị Nón Lá xơ xác không thể quay ngược thân mình đành thở dốc. Làn nước dưới lưng chúng tôi bốc mùi khủng khiếp. Những cái bao ni lông chứa rác căng phồng bụng óc ách đến khổ… Lúc ấy, một số bà con Ni Lông than phiền, to tiếng:
- Gớm, chật quá, đi chỗ khác đi…
Nhưng đã muộn quá rồi. Dòng chảy như ngưng trệ, lòng sông đầy bùn, vụn rác, mọi thứ như cô đặc, níu kéo lẫn nhau khiến cả khối ni lông và ngàn thứ rác như chúng tôi quấn vào nhau tạo thành một mảng, càng ngày càng lớn, càng cao, càng đặc. Chúng tôi giống như một đồi rác dưới lòng sông, lưu cữu, thoi thóp, bốc mùi đau ốm và len lỏi ở giữa là một thứ nước rỉ rác hôi thốc độc địa.

Một buổi sáng, tôi ngoi lên trên để hít chút khí trời thì bị chặn lại bởi những giốc lúa mới trổ đòng đòng. Sao chúng lạc loài đến đây nhỉ. Tôi thầm hỏi.
- Ôi, làm ơn chô tôi miếng nước… Tôi khát, tôi đau, tôi khó thở quá…
- Nước sạch ư ? Lấy đâu ra ? Toàn rỉ rác thôi… Mà cũng lạ, tại sao cậu không ở chỗ của mình, cậu mà không gắn liền với đất thì sống sao được ?
- Đất ư ? Toàn là chất độc. Chả hiểu dạo này Sông giận Đất hay sao mà chỉ cung cấp toàn chất độc. Hậu quả rõ ràng trên thân thể tôi đấy. Chúng tôi không sống được nữa rồi. Sao bác Sông ác quá.

Anh Chiếu rách len lách giữa đám rác dày đặc, chồm lên nhìn những gốc lúa vàng ủng, rồi anh nhìn quanh hằn học nói:
- Không phải lỗi bác Sông đâu mà chính là do lũ Ni Lông lưu cữu này. Chúng ngăn dòng chảy, tích tụ ngập đáy sông khiến nước sạch không vào được, nước thải không thoát đi. Chúng không chết, cứ sống nhởn nhơ dai dẳng đời này sang đời khác để giết chết sinh vật, hủy hoại cây cối, làm đất già cỗi… Chính nó đấy…

Tôi nhìn anh Chiếu nghi ngờ:
- Anh có chắc không ?
- Chắc chắn ! Tôi đã từng là chỗ nằm của các sinh viên. Tôi nghe họ học, đọc sách, bàn luận cạnh tôi suốt ngày đêm thì làm gì tôi không tiếp thu được chút kiến thức ấy.
Tôi nhìn quanh và thấy anh Chiếu có lí. Bản thân tôi tuy họ hàng với Ni Lông nhưng cũng không thể nào chịu nổi. Giờ đây một chút nước trong lành là ao ước duy nhất của tôi. Vì vậy tôi hiểu được tâm trạng của các chị em nhà Lúa.

- Không lẽ chúng ta đành chịu chết hay sao ?
Câu nói yếu ớt của ai đó không rõ trên bờ cạn khiến anh Chiếu ồ lên tán thành:
- Đúng rồi. Phải làm gì đi chứ ?
Có tiếng cười ồ của lũ Cá Trê:
- Làm gì à ? Chính bản thân tụi bây cũng góp phần khiến khúc sông này cạn queo, ô nhiễm. Đúng là túi xấu của mình luôn treo sao gáy, còn của người thì lồ lộ trước mắt.

Tôi nhìn anh Chiếu, anh Chiếu nhìn chú Ván, chú Ván nhìn chị Nón Lá… Chúng tôi xấu hổ cụp mặt chẳng dám nói năng gì. Cá Trê nói đúng. Ngực tôi phập phồng bất lực. Bản thân chúng tôi cũng đang ngăn dòng nước chảy, là những kẻ vô dụng, là những kẻ gieo ác với đất đai ruộng đồng. 
Tiếng nhà Lúa rên rỉ:
- Làm gì đi chứ ? Nếu chúng tôi chết hết, mùa màng hoa quả cũng sẽ mất. Đói kém dịch bệnh sẽ đến…
Chị Nón Lá òa khóc:
- Tôi đã biết thế nào là đói kém. Tôi đã che mặt những người chết đói, đã theo những cụ già tơi tả xin ăn, đã quạt ruồi nhặng trên thân thể ghẻ lở của các em bé suy dinh dưỡng… Ôi, tôi sợ lắm… Không thể để vậy được…
- Phải làm sao đây ?
- Làm ơn làm như các bác nông dân, khơi dòng chảy, đẩy rác rưởi trôi xa.
Anh Chiếu hăm hở:
- Đúng vậy. Chúng ta cùng làm nào…
Tôi sợ hãi kêu lên:
- Khó lắm, làm sao chúng ta làm được ? Chả khác chi đội đá vá trời. Tôi thì thương tật, anh già cỗi, xương cốt chú Ván với chị Nón Lá mục nát thế kia. Nhà Lúa kiếm ai khác đi, những người mạnh khỏe…
- Đến khi kiếm được thì chúng tôi đã chết rục rồi…
Anh Chiếu bỗng đổi giọng đanh thép:
- Đừng hèn nhát thế. Nhà Chai Nhựa có nhớ tôi đã nói gì với cậu không ? Cuộc sống chỉ quý giá khi ta làm được điều hữu ích. Tấm thân chúng ta đã thành vô dụng, nhưng lòng chúng ta vẫn đầy ắp điều tốt. Cứ tận hiến cho đời ắt sẽ được đền bù…

Lòng tôi như có một làn hơi ấm áp dâng lên. Phải rồi, dù mục rữa, dù thương tật, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đóng góp lợi ích cho đời đến hơi thở cuối cùng.

Chúng tôi nhìn nhau, gật đầu nhè nhẹ chứng tỏ quyết tâm. Chú Ván dùng lợi thế cứng cáp của mình bắt đầu xoay ngang xoay dọc. Anh Chiếu dùng thân mình che chắn, đẩy nhà Ni Lông dạt sang một bên. Tôi cố gắng moi, nạy những đống rác mủn lầy nhầy không tiêu hóa để dọn một con đường cho nước chảy vào, chị Nón che chắn khiến những bọc ni lông không thể tấp trở lại vào chỗ thoát nước. Chúng tôi tả xung hữu đột, lúc thành công, lúc thật bại nhưng vẫn không nản chí. Ngày đêm trôi mau, thân thể tôi tả tơi vỡ từng mảnh, anh Chiếu, chú Ván, chị Nón Lá trơ xương mất mát. Nhưng bù lại chúng tôi có thêm nhiều người bạn tiếp tay, tiếp sức.

Rồi một buổi sáng, tôi cảm thấy mình không thể nào dậy nổi. Hơi thở tôi chỉ còn nhè nhẹ như bấc, tôi biết mình sẽ không còn tồn tại lâu nữa. Bên tôi, tiếng thở hắt của anh Chiếu, tiếng xương cốt nứt vỡ của chú Ván cũng là tín hiệu báo chuyện chẳng lành. Chị Nón Lá mong manh đã ra đi từ ngày hôm trước, nhưng những cánh tay gầy ốm của chị vẫn ôm lấy đường dẫn nước. Có điều lạ thay, tôi không thấy sợ và tiếc nuối điều gì, chúng tôi đã tận hiến.

Tôi nằm ngửa mặt lên trời, nhìn những đám mây trắng trôi trôi. Chợt một cảm giác mát lạnh len lỏi dưới thân mình. Người tôi bềnh bồng, bềnh bồng. Một mùi hương thanh sạch thoáng qua. Tôi có nằm mơ chăng ? Văng vẳng bên tai tôi là tiếng chân người, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới, tiếng xẻng cuốc chạm nhau lẫn với tiếng sàn sạt của chổi quét, của gàu múc nước… Tôi vận dụng chút hơi tàn cố ngẩng cao đầu để xem chuyện gì đang xảy ra. Trước mắt tôi hàng trăm bức tường màu xanh biển đang vận động (?) Không, không phải, không phải những bức tường mà chính xác là hàng trăm cô bé, chú bé mặc đồng phục màu xanh đang ra sức xúc bùn, hốt rác, khai thông giòng chảy. Ngàn cây, ruộng lúa đồng loạt reo mừng:
- Chúng ta sống lại rồi… Chúng ta được giải độc rồi… Cảm ơn các bạn… Cảm ơn các bạn…

Những âm thanh vang vọng sao ngọt ngào như đường mía, như sữa lúa. Tôi nhắm mắt với nụ cười vĩnh viễn trên môi.

Kim Hài

(Nxb Giáo dục)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét