(Tổ Quốc)- NXB Kim Đồng vừa ấn hành cuốn sách cổ tích hiện đại pha trộn giữa hai câu chuyện cổ tích: Người đẹp ngủ trong rừng và Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn thành tác phẩm có tên mới: “Người đẹp ngủ và con thoi ma thuật”.
Về nội dung, lần đầu tiên sử dụng thủ pháp pha trộn (mix) giữa hai câu chuyện cổ tích: Người đẹp ngủ trong rừng và Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn. Đây được coi là một chuyện cổ tích hiện đại chưa từng có.
Về hình thức: Cuốn sách tuyệt đẹp với minh họa xuất sắc và công nghệ in tiên tiến. Phần bìa bọc giấy can tạo một vẻ mê hoặc rất phù hợp để bắt đầu câu chuyện. Mỗi hình ảnh xuất hiện không phải là những minh họa sơ lược cho nội dung mà cung cấp thêm những nội dung mới, mở rộng liên tưởng.
Đặc biệt về tác giả: nhà văn Neil Gaiman và hoạ sĩ Chris Riddden là những tác giả đương đại vô cùng nổi tiếng và ở Việt Nam với lượng độc giả hâm mộ rất lớn.
Neil Gaiman là tác giả người Anh, viết cho cả thiếu nhi lẫn độc giả trưởng thành. Ông là nhà văn đầu tiên đoạt cả giải thưởng Carnegie lẫn Huân chương Newbery cho cùng một tác phẩm - Câu chuyện nghĩa địa. Nhiều cuốn sách của ông đã được chuyển thể thành phim.
Chris Riddell là họa sĩ vẽ minh họa kiêm vẽ tranh biếm họa chính trị được đánh giá cao của Anh. Ông từng đoạt Giải thưởng Sách Thiếu nhi Costa, Giải Vàng Nestlé và hai Huân chương Kate Greenaway. Ông là đồng tác giả của The Edge Chronicles - bộ sách nằm trong danh mục sách bán chạy của tờ Thời báo New York, là tác giả tranh và lời của bộ truyện Ottoline.
Người chuyển ngữ “Người đẹp ngủ và con thoi ma thuật” là một gương mặt quen thuộc với văn học thiếu nhi, đã viết nhiều sách và đạt nhiều giải thưởng văn học thiếu nhi , đó là nhà văn Nguyên Hương.
“Người đẹp ngủ và con thoi ma thuật” là sự đan cài khéo léo của hai câu chuyện thuộc loại nổi tiếng nhất trong kho tàng cổ tích nhân loại. Câu chuyện được viết sau khi thoát không phải ăn quả táo độc, công chúa Bạch Tuyết trở thành Nữ hoàng của vương quốc. Nàng sắp kết hôn với hoàng tử. Nhưng đêm trước ngày cưới, nàng đã quyết định lên đường giải cứu vương quốc láng giềng đang bị dịch ngủ nuốt chửng. Cùng với ba chú lùn, nàng dấn thân vào một hành trình mới mà ở đó sự thức- ngủ là sức mạnh sinh- diệt duy nhất và ở đó nàng tìm thấy sức mạnh của chính mình.
Nữ hoàng- người được giải cứu giờ trong vai người đi giải cứu. Nhưng, công chúa xinh đẹp môi đỏ tươi, da trắng căng mọng nằm trên chiếc giường hoàng gia và bà lão xấu xí méo mó già nua cầm con thoi ma thuật, ai mới là người cần phải cứu?
Làm nên tác phẩm Cổ tích hiện đại này được coi là sự hội tụ của những gì “nổi tiếng”. Và liệu điều này có tạo nên sự đột phá và hấp dẫn cho một tác phẩm thiếu nhi không khi mà câu chuyện và nhân vật từ hai tác phẩm thiếu nhi trước đó đã quá nổi tiếng và thành công?
Khi nói về văn học nghệ thuật “viết lại”, “viết tiếp” những khái niệm như “bình cũ rượu mới” hay “bình mới rượu cũ” luôn được độc giả đưa ra làm thước đo và bình luận. Ở “Người đẹp ngủ và con thoi ma thuật” là rượu cũ bình mới sẽ đem đến cho độc giả cùng lúc hai cảm giác.
Cảm giác quen thuộc như vừa quay về thế giới của cổ tích để gặp lại những nhân vật quen thuộc để theo dõi tiếp họ sẽ trải qua biến cố gì, điều gì sẽ đến với các nhân vật đó. Chính sự quen thuộc này khiến độc giả thấy gần gũi và bắt nhịp nhanh với câu chuyện.
Nhưng bên cạnh đó, sự lạ lẫm khi xuất hiện tình tiết mới có thể khiến độc giả không ưa sự thay đổi, chỉ thích và trung thành với những gì đã có thì rất khó chấp nhận. Độc giả bị “cái bóng” khổng lồ của sự nổi tiếng, của sự kinh điển ấn định.
Chưa thể biết và đánh giá mức độ thành công cũng như tiếp nhận của “Người đẹp ngủ và con thoi ma thuật” khi xuất hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, có vẻ cũng khá thận trọng khi NXB đưa ra độ tuổi đọc cuốn sách là dành cho các em từ 14 tuổi trở lên. Phải chăng, những người làm sách cũng đã lường trước được “đối tượng độc giả” ở độ tuổi nhất định để thưởng thức sự pha trộn và phân biệt được cổ tích với cổ tích hiện đại. Còn ở lứa tuổi nhỏ hơn thì các em vẫn nên đọc “Người đẹp ngủ trong rừng” và “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” theo tác phẩm kinh điển để không bị “nhiễu loạn” và ảnh hưởng đến thế giới tuổi thơ hồn nhiên, trong sáng...
“Cổ tích hiện đại” xuất hiện ở Việt Nam như một sự “thăm dò” độc giả đầy mạo hiểm, tuy nhiên cũng phải ghi nhận sự nỗ lực của những người làm cuốn sách. Vì điều này chứng tỏ sự quan tâm đến văn học thiếu nhi và rằng chuyện cổ tích không phải là câu chuyện đứng im ở thì quá khứ mà nó vẫn chuyển động không ngừng, thậm chí lớn lên theo tuổi thơ, thích nghi với tâm lý tuổi thơ hiện đại. Thiếu nhi Việt Nam vì thế cũng bắt kịp và không bị lạc hậu với xu thế tiếp nhận hiện đại của thiếu nhi thế giới.
Hà Anh
Nguồn: htttp://toquoc.vn
Ngày 17/6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét