Thứ Hai, 17 tháng 3, 2025

HAI ÔNG CHÁU VÀ TÚP LỀU DỘT NÁT




PHẠM HỔ: "... tôi viết về hoa, về quả và cây, nhưng chủ yếu là viết về con người. Về tình cảm giữa mẹ và con, anh và em, vợ và chồng, thầy với trò, dân với nước, người với người... về những gì đẹp đẽ và cao quý của những con người Việt Nam nói chung..." (Lời nói đầu, Chuyện hoa, chuyện quả).

Ngày xưa, xưa, xưa... có một người tuổi đã già mà vẫn sống một thân một mình. Ông không có vợ, cũng không có con. Mà đã không có con thì cũng không có cháu.


Ông đi làm thuê để kiếm sống chứ nhất định không chịu đi ở làm đầy tớ cho bất cứ một nhà giàu nào. Ngày đi làm, tối ông trở về với túp lều dựng trên một cái gò cao. Ông ở một mình nhưng lại dựng một túp lều khá rộng. Ông vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ có một người bạn già hoặc một em bé đến ở cùng ông cho đỡ buồn. Nhưng năm này qua năm khác người ta vẫn thấy chỉ có mình ông chui ra chui vào cái túp lều bốn vách đắp bằng đất và mái lợp bằng lá chuối khô. Để có lá lợp, ông trồng hai khóm Chuối ở phía sau túp lều. Đất gò xấu cây Chuối khẳng khiu, có trổ hoa ra quả thì quả cũng bé tẹo....

Đất trong túp lều có khi ấm khi lạnh.

Nhưng dù nằm trên đất ấm, hay đất lạnh, ông vẫn cầu trời cho ông có được một người bạn cùng đến ở với mình cho đỡ buồn.

Một hôm vừa khấn xong, ông bỗng nghe như có tiếng ai đó đang nói với ông. Ông lạ quá vội ngồi ngay dậy, nhìn quanh... Trong lều vẫn chỉ có mình ông. Ngoài kia vẫn chỉ có đất gò lặng lẽ. Ông nằm xuống lại và khấn. Lần này tiếng nói nghe càng rõ hơn:

- Ông đừng có khấn trời. Trời ở cao, xa lắm không nghe được. Chỉ có ta là đất ta mới nghe được ông thôi.

- Ông già nằm im, vừa mừng vừa sợ. Ông vẫn nằm im vì sợ ngồi dậy sẽ không nghe tiếng nói từ dưới đất vẳng lên nữa.

- Ta đã nghe ông khấn đến hàng trăm lần. Lần này ta hứa sẽ giúp ông.

Tiếng nói vụt im lặng.

Ông già nằm đợi một lát rồi mới ngồi dậy, quỳ xuống lạy bốn lạy đáp tạ thần Đất. Suốt đêm đó ông già không ngủ được cứ ra ra vào vào và nhìn lên bầu trời đây sao sáng. Đúng là trời cao thật. Vậy mà ta cứ cầu trời. Còn đất lúc nào cũng ở bên ta mà ta không để ý...

Sáng hôm sau ông dậy sớm đi vác đất thuê rồi chiều đến lại trở về với túp lều. Về gần đến nơi ông bỗng thấy có một ngọn Mía thật tươi, ai đánh rơi ngay trên đường. Thương ngọn Mía không nỡ để nó chết khô, ông nhặt về rồi cắm luôn cái ngọn Mía xuống cạnh hai khóm Chuối.

Đêm đó ông không dám khấn gì thêm. Ông cứ nghĩ không biết thần Đất đã hứa như vậy thì thần sẽ giúp ông như thế nào để ông có được một người bạn đến ở với ông. Ông lại thức rất khuya, lại nhìn lên trời. Trên đời này không biết có nhiều người phải sống lầm lũi một mình như ông không.

Những ngày hôm sau, ông lại đi làm thuê. Và lại mong đợi người bạn mà thần Đất sẽ đưa đến cho ông. Vẫn không thấy ai cả. Vẫn một mình ông nằm trên nền đất khi ấm, khí lạnh của túp lều.

Ngày tháng lặng lẽ theo nhau trôi qua.

Cái đọt Mía đã nảy mầm và mấy cây Mía gây guộc ngày một cao thêm lên một tí. Chúng càng cao thì cái gầy guộc của chúng càng rõ. Nhưng dù sao chúng cũng vẫn là những cây Mía.

Một buổi chiều, sau khi đi vác đất thuê về, ông già bỗng thấy có một chú bé đang đứng ngắm cái khóm Mía thân chỉ to hơn chiếc đũa là cùng. Chú bé có vẻ thèm ăn mía lắm. Nhưng rõ ràng là chú không dám bẻ trộm.

Thấy ông già về chú vội lảng đi.

Ông già liền đi theo gọi lại, hỏi:

- Cháu ở đâu đến? Thích ăn Mía lắm phải không?

Chú bé nhìn ông già một giây lâu rồi gật đầu.

- Vậy thì lại đây, ông bẻ cho mấy cây mà ăn.

Chú bé như lần đầu gặp được người như ông già.

Vừa nhìn chú bé ăn Mía, ông già vừa hỏi:

- Cháu có còn bố mẹ, ông bà gì không?

- Cháu có đủ ông bà, cha mẹ nhưng bây giờ thì chết hết rồi!

- Cháu đến đây từ lúc nào?

- Hôm qua cháu ở bên kia sông. Sáng nay mới đi nhờ đò qua bên này.

- Sao cháu không đi ở cho một nhà giàu nào để kiếm cơm ăn?

- Cháu đi ở nhưng khổ quá cháu trốn đi.

- Làng cháu ở cách đây xa không?

Chú bé lúng túng mãi rồi mới đáp:

- Cháu đi lâu lắm mới tới đây...

- Ăn Mía xong cháu định đi đâu nữa ?

- Tìm một gốc cây để ngủ.

Ông già cầm ngay lấy tay chú bé:

- Cháu có muốn ở luôn lại đây với ông không ?

Chú bé lại nhìn ông già như để dò xem ông nói thật hay nói đùa. Chú gật đầu, đáp nhỏ:

- Có!

Thế là từ đấy, ông già đã có một người bạn trẻ cùng sống với mình. Ông vui lắm và cảm thấy khỏe hơn trước. Ông không quên khấn tạ thần Đất đã cho mình cái hạnh phúc kia.

Cái lều có hai người nằm thêm hơi ấm vào những đêm Đông lạnh. Nhưng những ngày Hè thì nóng quá. Nhất là mỗi lúc có giông, túp lều bị dột ướt không thể nằm được. Trước đây, sống một mình, ông già chịu đựng được hết. Nhưng bây giờ có thêm chú bé, ông già thấy không thể để yên như vậy. Ông lợp nhiều lá chuối khô hơn. Nhưng vô ích, cứ có mưa to, giông lớn là gian lều ướt sũng. Hai ông cháu ngồi co ro bên nhau suốt đêm bên gốc cây hay trên một miếng ván mục đặt ở trong lều. Có đêm khổ quá, ông già lại định cầu khẩn nhờ thần Đất giúp cho hai ông cháu có được một mái lều đủ sức che nắng, che mưa. Nhưng ông là người không muốn làm phiền ai nhiều. Vì vậy ông chỉ nói với đứa cháu:

- Ước gì trên đầu ông cháu mình bỗng có được một cái mái nhà mà mưa to đến mấy chỗ ông cháu ta nằm vẫn khô vẫn ráo...

Ông bỗng ngừng nói. Rõ ràng tai ông lại nghe thấy tiếng nói quen thân của chính thần Đất:

- Rồi có ngày hai ông cháu, bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ có được một ngôi nhà...

Đứa cháu ngạc nhiên nhìn ông vì chính nó cũng vừa nghe văng vẳng được lời nói kia.

- Ông ơi, ai vừa nói đấy ?

- Thần Đất đấy cháu ạ!

Ông già bảo cháu cùng mình lạy tạ thần Đất.

Ngày tháng lại lặng lẽ theo nhau trôi qua.

Hai ông cháu vẫn sống khổ sở trong túp lều lợp lá chuối khô.

Một cơn hạn hán kéo đến. Lúa thóc khan hiếm dần rồi cạn hẳn.

Đói!

Một trận đói khủng khiếp ập đến. Người ta đi tím cả rau dại để ăn. Rau cũng hết dần. Trời vẫn không mưa. Cây có úa vàng như bị đốt trên lửa.

Người chết đói ngày càng nhiều. Chết ngoài đồng. chết trong nhà...

Bây giờ thì chỉ có cái ăn là đáng kể nhất.

Hai ông cháu dắt nhau đi hái rau, đào củ. Cái đói ngày càng tăng trong lúc rau củ cứ lụi dần, hết dần.

Một hôm ông già bảo cháu

- Ông cháu ta nên chia hai ngả mà đi tìm cái ăn. Tối đến gắng trở về lều.

Ông lên ngả trên, cháu xuống ngà dưới.

Ngày hôm đó ông già bồng bắt gặp trên đường một gốc Mía khá to. Lạ thật, ngày trước thì một cái ngọn Mía, bây giờ lại một cái gốc Mía, mà giữa ngày đói, sao ai lại đánh rơi cái gốc Mía đẹp như thế này? Ông già rồi nhưng răng vẫn còn chắc lắm. Ông định róc Mia ăn, sực nghĩ đến cháu: "Nó được ăn cái gốc Mía này sẽ đủ sức cầm hơi trong vài ngày. Mình già rồi nhờ có làm sao cũng không tiếc". Ông vui lắm cầm cái gốc Mía đi về.

Đứa cháu đi tìm cái ăn, hái được mấy cái lá ráu Má vàng úa đã mừng rồi. Bồng nó thấy trên đường có một bông Lúa chắc hạt như đang giữa mùa gặt ai đã đánh rơi. Lâu lắm mới thấy một bông lúa to đẹp như thế. Nó mừng quá cúi xuống nhặt lên ngay. Nó định cắn từng hạt ăn sống luôn cho đỡ đói. Nó chợt nghĩ đến ông nó : "Bông Lúa này có thể giúp ông ta sống trong vài ngày. Mình còn trẻ còn có sức chịu đựng. Ông già rồi, phải để dành bông Lúa cho ông". Nó vội vàng cầm bông Lúa trở về.

Hai ông cháu gặp nhau, vừa vui, vừa cảm động. Nhưng ông không chịu nhận bông Lúa cháu nhường phần. Cháu cũng không chịu nhận gốc Mía ông cho. Dằng co mãi, ông cụ quả quyết đứng dậy và nói:

-Thôi ông lại đi đây !

Đứa cháu nhìn ông đi nghĩ thầm:

- Chắc gì ông đã tìm được cái gì khác. Ta cứ để dành cả gốc Mía, cả bông Lúa để đêm nay ông về ăn.

Nó đặt bông Lúa và gốc Mía vào một góc lều rồi cũng đi nốt. Ông đi quá trưa đến xế rồi đến chiều chỉ nhặt được vài cái lá rau héo ăn tạm. Ông định về nhà thì một cơn mưa bất chợt ập đến. Ông cố đi nhanh nhưng yếu quá cứ lê từng bước một. Đến một gốc đa ông ngồi nấp mưa và nghỉ lấy sức. Nhưng sau đó kiệt sức, lại bị nước mưa lạnh ngấm vào người. Ông dựa vào gốc cây co dúm cả người lại rồi cứ run lên cầm cập. Đêm xuống nhanh, mà trời vẫn cứ mưa, mưa mãi...

Thằng cháu đi ngả khác cũng gặp mưa. Nó may mắn nhặt được một cái nùn rơm ai ném ở một gốc cây bàng già. Nó nhặt lên và quơ một nắm cành lá khô đốt lên để sưởi. Nó lo cho ông nó không biết giờ này đã về nhà chưa? Nó định bụng trời ngớt mưa một ít là nó trở về luôn. Nó bóng ngửi thấy có mùi gì rất thơm có thể ăn được. Nó lạ quá nhìn quanh. Có ai thổi nấu gì đâu ? Một lúc, nó mới biết là mùi thơm bốc lên từ đám lá đang cháy lên. Nó gạt than đỏ qua một bên và thấy có một cái rễ cây to, đã bị cháy đen. Nó lấy một cái que cạy thử. Lớp vò bị cháy bật ra để lộ một vệt trắng như bột. Nó lại lấy que cạy tiếp. Bây giờ thì nó đang cầm trong tay thứ bột trắng đã nướng chín nóng bỏng, thơm lừng. Nó thổi cho nguội rồi bỏ vào mồm nhai thừ. Ôi chao! Sao mà bùi và thơm ngon, nhai kỹ lại ngòn ngọt nữa. Nó mừng quá gạt sạch hết lửa, lấy que cứng đào cả cái rễ kia lên. Hóa ra đó là một loài củ của một cái cây mọc ngay gần đây. Cái chỗ bị lửa đốt là phần đuôi của cái củ còn nửa phần trên dài non gang tay thì còn dính liền vào góc. Khi đào vào đến tận gốc, đứa cháu lại reo lên. Vì cái cây kia không chỉ có một củ, mà cả một chùm củ,chạy tỏa ra khắp các ngả xung quanh gốc. Nó lại nổi lựa nướng nửa củ còn lại rồi đào tiếp nướng thêm một củ nữa. Ông ơi! Chiều nay chắc là ông vui lắm. Thứ củ này chắc là ông còn thích hơn cả cháu không chừng.

Được ăn cả một cái củ rất ngon kia, nó thấy ấm áp và khỏe khoắn lạ lùng. Nó mang cái củ đã nướng chín sẵn và mấy cái củ còn sống đi nhanh trở về.

Lều vắng ngắt. Trời bắt đầu tối. Trời vẫn rả rích mưa.

Nó nhìn ra quanh lều, gọi ông mấy tiếng thật to. Chỉ có sự im lặng đáp lại lời nó. Nó nhìn kỹ thì vẫn thấy cái gốc Mía và bông Lúa còn nằm nguyên trong góc lều.

Nó lo quá, nhưng vẫn hy vọng là ông nó đã trú mưa ở đâu đó cho qua đêm, sáng mai lại về với nó.

Trời đã tối đen như mực. Nền đất trong lều bị mưa dột, ướt sũng. Nó ngồi trên một mô đất cao ông cháu đã đắp sẵn ở một góc lều phòng khi mưa to. Nó cố ngủ mà không ngủ được.

Gà vừa bắt đầu gáy sáng, nó đã cầm cái củ được nướng chín chiều hôm trước ra đi tìm ông.

Đến gốc cây đa, nó thấy ông nó đang nằm co quắp chết từ lúc nào rồi. Nó nhào xuống ôm lấy ông, khóc rống lên:

- Ông ơi, cháu tìm được cái ăn ngon, ăn no thì ông đã không còn nữa.

Xung quanh im ắng đến ghê người. Không một bóng nhà cửa, không một bóng người qua lại.

Chờ mãi không thấy ai, đứa cháu đành mang xác ông đến một chỗ đất lõm sâu rồi nhặt đất lấp chôn ông. Sực nhớ lời ông thường dặn: Tìm được cái gì ăn đừng quên bà con đang đói, thằng cháu liền chạy đi báo với bà con gần đó, theo nó đến chỗ cái cây còn một số củ chưa đào. Biết đâu xung quanh đó còn có những cây khác tương tự.

Bà con đang đói, nghe nói có cái ăn mừng rỡ, gắng gượng đi theo đứa cháu. Họ cùng nó đào nốt mấy cái củ còn lại. Càng mừng hơn nữa là xung quanh có rất nhiều những cây khác cũng có củ như cây trên. Mọi người đào hết mang về. Cả vùng như chết đi sống lại. Và liền sau đó, các vùng khác cũng bắt chước đi tìm những cây có loại củ quý để vượt qua những ngày tháng đói ăn.

Đứa cháu cũng thường nướng củ, bóc vỏ thật sạch sẽ ngon lành đem đến mộ người ông để cúng. Ở nhà thì nó vẫn để nguyên cái gốc Mía và bông Lúa ở trên một mô đất cao, đắp vuông vắn, để thờ ông.

Một hôm nó bỗng thấy cái gốc Mía bị kiến đục cả ruột và chỉ còn cái vỏ xung quanh. Riêng bông Lúa vẫn còn nguyên vì có lẽ vỏ hạt thóc vẫn còn cứng lắm. Nó bèn lấy bông Lúa cắm vào trong cái gốc Mía đã bị rỗng ruột. Một thời gian sau, đứa cháu bỗng ngạc nhiên thấy cái gốc Mía đâm rễ và từ đó mọc lên một giống cây cũng có từng đốt, từng đốt, nhưng hoàn toàn không giống Mía vì rỗng ruột và lá cứ ra từng chùm. từng chùm nhìn rất đẹp. Càng lớn, thân cây càng xanh và lá cây càng rậm. Cây vượt qua khỏi vách lều. Vài tàu lá rủ xuống kín cả túp lều che nắng che mưa.

Bà con trong vùng nghe có loài cây lạ cùng kéo nhau đến xem. Ai cũng yêu quý em bé vì chính nhờ em mà cả vùng đã thoát qua cơn đói.

Giống cây mới của em bé sinh sôi nảy nở theo tháng theo năm chẳng mấy chốc nó đã trở thành một lùm cây lớn. Bà con rủ nhau đến xin giống về trồng. Chẳng bao lâu cả vùng đã xanh rờn những lùm cây mới. Có người sau đó đã chặt cây cưa ra làm nhiều đoạn để làm cột, làm kèo cất nhà nhỏ, nhà lớn, nhà trước, nhà sau...

Em bé, cháu ông cụ cũng thôi ở lều mà đã dựng lên một ngôi nhà khá tinh tươm. Có nhà ở rồi, nó càng thương nhớ ông vô hạn. Ông ơi có được nhà rồi sao ông không còn sống nữa!

Em liền này ra ý định cất cho ông một cái nhà nhỏ thật đẹp ở ngay trên nấm mộ của ông. Em chặt mấy cây "che nắng che mưa", tên này do bà con trong vùng đã đặt cho loài cây nhìn giống Mía mà không phải Mía kia. Em mang hết ra mộ ông rồi cũng dựng một ngôi nhà nhỏ ở bên trên, để che cho ngôi mộ khỏi bị mưa, bị nắng. Nó khấn với ông: "Ông ơi ! Cháu cất cho ông ngôi nhà nhỏ, mong ông vui lòng nhận cho".

Chẳng mấy chốc em đã trở thành một chàng trai. tính nết ngay thẳng, làm lụng siêng năng. Lấy vợ rồi đẻ con, chàng trai cũng đã nhiều lần kể lại cho vợ con mình nghe câu chuyện ngày trước, từ khi mình còn là đứa bé lang thang đến đây gặp khóm Mía khẳng khiu của ông cụ, xin Mía ăn rồi ở luôn làm cháu nuôi ông cụ, cho đến lúc ông cụ nhặt được gốc Mía nhất định không ăn để nhường cho cháu, rồi sau đó chết đi trong một đêm mưa lạnh kinh người. Mỗi lần kể chuyện xong, chàng trai không bao giờ quên lạy tạ thần Đất, người đã giữ đúng lời hứa giúp cho hai ông cháu gặp nhau, được sống bên nhau và có nhà tránh được nắng, tránh được mưa.

Loài cây mới mọc từ cái gốc Mía bị kiến đục rỗng ruột, ngày nay ta gọi là cây Tre. Có lẽ do cái tên "cây che nắng che mưa" mà ra chăng? Che, che rồi dần dân đọc chệch thành tre, tre. Hoa cây Tre đặc biệt lại rất giống những bông lúa. Các cụ xưa thường bảo có lẽ là do em bé ngày trước đã cắm bông lúa vào cái gốc Mía rỗng ruột. Khi gốc Mía thành cây Tre thì bông Lúa cũng thành hoa Tre. Còn cái cây có nhiều củ ăn no, ăn ngon, ngày nay ta gọi là cây Sắn. Và cái tên Sắn đó không hề nghe ai nói vì sao mà có cả.

Đấy, sự tích của cây Tre đầu đuôi là như vậy. Còn sau này từ cây Tre Xanh lại sinh ra cây Tre Vàng, tức là cây Tre Đằng Ngà mà ông Gióng đã nhổ lên từng bụi lớn để diệt giặc Ân thì lại có một cái tích khác. Có dịp tôi lại sẽ kể tiếp cho các em nghe.

PHẠM HỔ
Nguồn: Chuyện hoa, chuyện quả (Nxb Phụ nữ, 1995).

1 nhận xét:

  1. Truyện hay quá! Cảm ơn thầy đã chia sẻ ạ

    Trả lờiXóa