Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2024

TÍNH GIÁO DỤC CỦA VĂN HỌC THIẾU NHI





"Không nên nghĩ rằng sau khi đọc một tác phẩm là ngay lập tức các em có thể trở thành người tốt hay người xấu. Những ảnh hưởng của văn học tới các em là một quá trình lâu dài và bền bỉ. Nó tác động một cách từ từ, nhưng giá trị nhân văn của nó thì có thể tạo nên sức mạnh, ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành và phát triển nhân cách của con người".


Văn học thiếu nhi nằm trong nghệ thuật sáng tác văn học nói chung, vì thế, nó cũng mang đầy đủ những đặc điểm của sáng tác nghệ thuật ngôn từ. Nó thực hiện các chức năng chung của văn học như: chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thấm mĩ, chức năng giao tiếp, chức năng vui chơi giải trí. Các chức năng này không tồn tại tách rời mà gắn bó chặt chẽ với nhau trong mỗi quan hệ chuyển hóa lẫn nhau. Nhưng do đối tượng phục vụ chủ yếu là trẻ em nên nó có những đặc điểm được nhấn mạnh.

Trước hết, tính giáo dục được coi là một trong những đặc trưng cơ ban nhất của văn học thiếu nhi. Văn học thiếu nhi có vai trò vô cùng to lớn trong việc giáo dục toàn diện nhân cách trẻ em, cả về đạo đức, trí tuệ và thấm mĩ.

Nhà văn Tô Hoài, người có nhiều kinh nghiệm trong sáng tác cho các em đã khẳng định tầm quan trọng của chức năng này: "Nội dung một tác phẩm văn học viết cho thiếu nhi bao giờ cũng quán triệt vấn đề xây dựng đức tính con người. Nói thì thừa, cần nhắc lại và thật giản dị, một tác phẩm chân chính có giá trị đối với tuổi thơ là một tác phẩm tham dự mạnh mẽ vào sự nghiệp nên người của bạn đọc ấy." Hay Võ Quảng, người đã để tâm sức cả đời sáng tác cho các em, cũng quan niệm: "Văn học cho thiếu nhi còn đặt ra vấn đề chính yếu thứ hai, đó là vấn đề giáo dục: giáo dục cái hay, cái đẹp cho thiếu nhi. Người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo muốn các em trở nên tốt đẹp. Quan điểm sư phạm và văn học thiếu nhi là hai anh em sinh đôi." Để thực hiện tốt chức năng giáo dục, tác phẩm văn học phải thực sự là người bạn đồng hành, người đối thoại với các em. Nhà văn không thể nói với các em bằng những lời thuyết giáo khô khan mà phải bằng những hình tượng nghệ thuật, bằng ngôn ngữ giản dị, trong sáng để khơi gợi, dắt dẫn các em tìm hiểu và khám phá thế giới. Các em phải biết phân biệt cái hay, cái dở; cái cao quý, cái thấp hèn trong cuộc sống.


Văn học phải mang lại cho trẻ thơ cái đẹp, cái cao quý, cái chân, thiện. Tuy nhiên, cũng không nên cực đoan chức năng giáo dục của văn học thiếu nhi. Không nên nghĩ rằng sau khi đọc một tác phẩm là ngay lập tức các em có thể trở thành người tốt hay người xấu. Những ảnh hưởng của văn học tới các em là một quá trình lâu dài và bền bỉ. Nó tác động một cách từ từ, nhưng giá trị nhân văn của nó thì có thể tạo nên sức mạnh, ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành và phát triển nhân cách của con người.

LÃ THỊ BẮC LÝ
Nguồn: Văn học thiếu nhi với giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét