Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

BẦU SỮA HƯƠU - 3&4





(Tiếp theo và hết)

III.


Phò mã Vương Xuân, từ khi dẹp yên giặc ở biên thùy, trở về sống trơ trọi với nỗi thống khổ xót xa trong tòa lâu đài cổ vắng bóng người vợ yêu năm xưa. Bức thư vĩnh biệt viết bằng máu, bằng nước mắt của công chúa do đứa đầy tớ gái dâng bữa nọ khiến phò mã càng đêm ngày than khóc, điên dại vì hối hận.

Chàng đã sai giam tên gian ác Sơn Dũng vào hầm - chính ngay chỗ nó đã giam công chúa trước kia. Những lúc điên cuồng, chàng lại cầm roi xuống hầm, nghiến răng quật vào mặt nó một hồi. Đánh xong, chàng lại lên lầu ngồi khóc. Các tỳ tướng ai ai cũng nhớ tiếc xót xa công chúa và ái ngại cho phò mã.

Một hôm, họ mời phò mã đi săn để giải sầu. Phò mã gượng vui nhảy lên yên. Đoàn người ngựa vào rừng. Bỗng phò mã nhác thấy một con hươu sao đang nhởn nhơ trong đám cỏ gianh như thách thức phò mã bắn. Chàng giương cung. Müi tên không biết có trúng không, nhưng con vật co chân chạy. Phò mã một mình quất ngựa đuổi theo.

Qua bao nhiêu suối, con ngựa trắng đưa phò mã đến một gốc thông già. Nhận rõ con hươu chui tọt vào một cái hang, chàng vội xuống ngựa. Vừa khom lung chui vào, phò mã rú lên khi thấy một xác người nằm thẳng cẳng, mà con hươu nọ đang phục xuống ủ hơi nóng cho cái xác đó.

Phò mã định thần, cúi xuống gần. Chàng gọi:

- Người kia, nếu chưa chết thì theo ta ra ngoài cửa hang.

Tiếng chàng vang trong lòng hang đá hẹp như tiếng sấm. Khi chàng ra thì cái xác cũng theo ra, tóc rũ rượi, áo quần tơi tả.

Người ấy phều phào nói:

- Phò mã đấy à? Trời Phật run rủi chàng đến đây chăng? Thiếp tưởng không còn bao giờ thấy mặt nhau nữa.

Công chúa lảo đảo đến gần chồng. Phò mã lùi trở lại:

- Có phải ngươi là oan hồn thì biến ngay đi. Ta sẽ bảo nhà sư đến tụng niệm cho vong linh nhà ngươi được siêu thoát.

- Chàng ơi, chính thiếp, chính thiếp là Hoàng Mai công chúa, vợ chàng. Bốn năm thiếp bị đày đọa ở đây, uống nước suối, ăn quả rừng, mặc da thú, và nay đang hấp hối thì chàng đến. Hơi nóng ở miệng chàng, cái hơi quen thuộc ở da thịt chàng đã là thuốc hồi sinh cho thiếp. Sao chàng còn nỡ ngờ thiếp là ma quỷ. Thế ra nhan sắc thiếp đã hết rồi ư, giọng nói thiếp đã không còn trong trẻo như ngày xưa chàng vẫn bảo là tiếng oanh vàng?

Phò mã tiến đến, nắm lấy hai bàn tay công chúa, nước mắt ứa ra, quỳ ngay xuống mà xin lỗi. Hai vợ chồng cùng khóc. Con hươu nằm phục ở bên cạnh hai người. Giữa lúc ấy có tiếng hú ở trên sườn núi. Một đứa trẻ khỏe mạnh xinh đẹp, mình quấn da cừu trắng, hiện ra như một vị thần.

Đứa trẻ ném bó rễ cây, chuỗi dây hoa quả xuống ngơ ngác nhìn mẹ và nguời lạ mặt, và con ngựa, một con vật mà nó chưa từng thấy bao giờ.

Công chúa vẫy con:

- Minh Châu, con đến lạy cha con đi.

Đứa trẻ mừng rối rít chạy đến níu áo phò mã:

- Cha con đây à? Mẹ vẫn nhắc đến cha luôn. Sao cha để mẹ con con ở mãi trong rừng, bây giờ mới đến?

Phò mã bế con lên, khóc:

- Cha nhận tội truớc Trời Phật, trước mẹ con, truớc Con.

Nói rồi, phò mã cầm chiếc vỏ ốc đeo bên mình, giơ lên thổi một hồi. Tiếng ốc vang cả rừng núi. Một lát, tiếng nhạc ngựa gần xa rộn rã. Bọn tỳ tướng kéo đến, thấy công chúa mà ai nấy đều tưởng là trong giấc mơ. Họ quỳ xuống, khóc. Công chúa cũng khóc với tất cả mọi người.



IV.

Đám rước công chúa và cậu con trai sắp về tới hoàng thành. Mọi người từ già tới trẻ, những người yêu quý công chúa kéo ra đông như kiến, đứng hai bên đường chào đón, hoan hô. Công chúa cảm động sung suớng, nước mắt rơi lã chã. Minh Châu ngơ ngác nhìn đoàn người đông đúc hai bên đường, lấy làm lạ như khi cậu thấy con ngựa trắng của người cha trong rừng vậy.

Con hươu được phò mã phủ trên lưng một tấm vóc vàng, nằm dưới chân công chúa trên cái kiệu vàng kết hoa trắng.

Hai tên đao phủ ngày nọ hôm ấy đi buôn xa về gặp đám rước cũng theo sau kiệu công chúa, và hai đứa thì thầm:

- Đấy, tôi đã bảo bác: Mình làm việc thiện thì sẽ có ngày Trời Phật đền bù lại cho mình. Bây giờ chúng ta buôn bán phát tài, mẹ con công chúa lại được cùng phò mã đoàn viên. Còn kẻ bạc ác là thằng Sơn Dũng kia thì bị giam trong ngục tối.

Đám rước đông tới vạn người, kèm hai bên và sau kiệu. Bỗng công chúa mở rèm lụa chú ý nhìn một cô gái đeo chuỗi ngọc lóng lánh trên cái cổ nõn nà. Đó là thị tỳ Hạnh Ngọc đã có công dâng lá thư vĩnh biệt của nàng cho phò mã. Công chúa vẫy Hạnh Ngọc đến gần, cầm tay thân mật và nhìn nó bằng đôi mắt biết ơn. Cô thị tỳ rỏ nước mắt: xuống tay nàng.

Đêm ấy cả kinh thành, các nhà dân đều bảo nhau treo đèn, kết hoa ăn tiệc, nhảy múa và đàn ca để mừng công chúa.

Nghỉ ngơi, thang thuốc ít lâu, công chúa lại lành mạnh hẳn. Nàng xin phò mã tha thứ cho Sơn Dũng, vì như nàng hằng nói: "Không bao giờ thiếp muốn trông thấy một giọt máu của loài người, nhất là giọt máu kia lại rỏ ra vì thiếp".

Từ đấy, công chúa lại ăn chay, niệm Phật, và cứu giúp dân nghèo khổ như xưa. Phò mã đem hết cả lòng kính yêu công chúa và cậu con trai để đền bù lỗi trước. Minh Châu càng lớn càng thông minh, tuấn tú và vô cùng khỏe mạnh. Phò mã luyện cho con đủ tài cung kiếm để mai sau phò vua giúp nước. Dân chúng vẽ hình công chúa treo ở trong nhà, họ kính trọng công chúa như kính trọng một vị nữ thần ở Thiên đường giáng xuống để an ủi, để xoa dịu những nỗi nghèo nàn, những nỗi đau thương, tăm tối của loài người.

NGỌC GIAO

Truyền Bá, số 77, năm 1943





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét