Thứ Ba, 6 tháng 10, 2015

TRẦN HOÀI DƯƠNG, NHÀ VĂN CỦA CÁI ĐẸP MANG TÊN VỊ THA






Người bộ hành chung thủy của văn học thiếu nhi


Trong đội ngũ những người viết cho thiếu nhi, Trần Hoài Dương là một cây bút văn xuôi độc đáo cả trong đời thường lẫn sáng tác.
Theo tiểu sử, nhà văn Trần Hoài Dương sinh ngày 8/11/1943, tại Hải Dương. Ông say mê văn chương từ nhỏ, sớm tiếp xúc với nhiều tác phẩm nổi tiếng trong nước và thế giới như Dế Mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài), Những người khốn khổ (V. Hugo), Không gia đình (H. Malot), Truyện cổ Andersen… Sau này, trong tác phẩm có tính chất tự truyện Miền xanh thẳm, ông viết rằng: “Cả một thế giới bao la nhiều màu nhiều vẻ, lung linh kì ảo và lầm lụi bùn đất hiển hiện trước mắt tôi, đem lại cho tôi biết bao hiểu biết, nâng tâm hồn tôi bay bổng trong thế giới của cái Thiện và cái Đẹp”[1].

Năm 1963, Trần Hoài Dương trình làng tập truyện ngắn đầu tay Em bé và bông hồng (Nxb Kim Đồng). Ở tập sách này, Trần Hoài Dương cho thấy là một cây bút tinh tế trong cảm nhận thiên nhiên, ấm áp trong nghĩ suy về tuổi thơ và có một lối văn mượt mà, giàu chất thơ. Trong đời văn kéo dài non nửa thế kỉ, Trần Hoài Dương đã xuất bản khoảng 40 đầu sách, gồm văn xuôi và kịch bản phim hoạt hình. Ông đã nhiều lần được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và một số tổ chức văn hóa, xã hội khác (1968, 1994, 2001). Tuy nhiên, nói như nhà văn Triệu Xuân, giải thưởng lớn nhất đối với Trần Hoài Dương là “không chỉ bạn nhỏ, mà cả người lớn tuổi như ông Tô Hoài, như tôi, cùng nhiều người khác cũng rung động khi đọc văn của anh”[2].

Mục đích sáng tác của Trần Hoài Dương cho thiếu nhi là “viết để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ”. Nhưng qua mỗi trang viết, ông cũng gieo vào đó niềm hi vọng rằng sách của ông sẽ cũng sẽ hữu ích với các độc giả trưởng thành – những người mong muốn tìm lại tuổi thơ đã mất hoặc muốn có những giây phút yên bình trong thế giới trắng trong của cái đẹp và cái thiện. Nhờ xử lí tốt yêu cầu nghệ thuật này, Trần Hoài Dương đã đạt được sự mở rộng cần thiết về đối tượng độc giả, góp phần khẳng định chân lí “một sáng tác hay cho các em cũng làm cho người lớn thấy hay”[3].

Trần Hoài Dương bước vào làng văn trong hoàn cảnh Đảng và Chính phủ chủ trương xây dựng nền văn học nghệ thuật phục vụ thiếu niên nhi đồng. Hoàn cảnh ấy hẳn đã tác động tích cực tới việc lựa chọn nghề nghiệp của ông. Bởi như đã biết, trước khi trở thành nhà văn, ông đang làm biên tập viên tại Tạp chí Học tập. Ông hiểu được những thử thách khắc nghiệt của nghề nghiệp nhưng chấp nhận dấn thân, tự nguyện làm người dẫn dắt các em đi theo ánh sáng của cái đẹp.

Điểm nổi bật ở Trần Hoài Dương là ông chỉ viết cho thiếu nhi. Về điều này, ông gần gũi với nhà văn Võ Quảng – người được xem là “một bộ hành chung thủy”(chữ GS. Phong Lê) của văn học thiếu nhi Việt Nam. Nhưng nói về Trần Hoài Dương, chúng ta cần ghi nhận thêm điều này: ông thuộc lớp nhà văn trưởng thành trong thập niên 60 của thế kỉ XX. Cùng với Viết Linh, Phong Thu, Văn Biển…, ông đã góp phần quan trọng vào việc làm nên tầm vóc và thành tựu của văn học thiếu nhi nước nhà.


Cái đẹp mang tên vị tha

Thế giới nghệ thuật của Trần Hoài Dương là sự hội tụ của nhiều vẻ đẹp khác nhau. Qua những trang viết, ông cho thấy là một ngòi bút say mê khám phá và dụng công trong việc miêu tả cái đẹp.

Cố nhiên, chúng ta không phủ nhận sự hiện diện của cái xấu, cái ác trong tác phẩm của ông. Nhưng chủ đích của người viết trước sau vẫn là tập trung khắc họa chân dung của cái đẹp ở tất cả mọi hình thức tồn tại vốn có của nó. Cái xấu, nếu được nói đến, cũng là để tạo thành mặt đối lập, có tác dụng làm nổi bật giá trị của cái đẹp.

Trần Hoài Dương là một nghệ sĩ say mê cái đẹp, yêu con người, yêu hoa lá đắm đuối đến kì lạ. Do đó, ông đã viết được nhiều trang văn giàu tính phát hiện, hấp dẫn mạnh mẽ người đọc. Có thể nói, đó là một lợi thế của Trần Hoài Dương trong nhiệm vụ định vị cái đẹp vào tâm hồn tuổi thơ. 

Cái đẹp trong hiện thực vốn rất đa dạng, nhiều màu nhiều vẻ. Nhưng cảm quan về cái đẹp ở mỗi người nghệ sĩ lại gắn với những tiêu chí cụ thể khác nhau. Với Trần Hoài Dương, ông hầu như không có những phát biểu trực tiếp nói lên quan niệm thẩm mĩ của mình. Nhưng qua tác phẩm, ông cho thấy là người có tư tưởng về cái đẹp.

Trước hết, nhà văn cho rằng, cái đẹp có khả năng to lớn trong việc hướng thiện con người. Tư tưởng này được Trần Hoài Dương thể hiện rõ trong tác phẩm Nàng công chúa biển. Tuy mới xuất bản gần đây (Nxb Kim Đồng và Công ty sách Thương Huyền, 2009) nhưng tác phẩm này đã được nhà văn hoàn thành từ hơn 30 năm trước. Nhân vật chính của tác phẩm là một cô bé đẹp như thiên thần. Cô có mái tóc đen dày, đôi mắt bồ câu, nước da trắng hồng… Nói chung, cô bé là hiện thân của cái đẹp toàn vẹn, cả về hình thức lẫn phẩm chất. Bằng vẻ đẹp dịu dàng, thanh khiết, cô bé đã cảm hóa được cái ác, khiến cái ác hoàn lương. Có thể nói, với hình tượng nàng công chúa biển, Trần Hoài Dương gửi gắm một mơ ước cao đẹp sự lan tỏa, cảm hóa của cái đẹp trong đời sống xã hội. Mơ ước của ông hẳn cũng là mở ước của các độc giả nhỏ tuổi, do đó thông điệp này dễ dàng nhận được sự sẻ chia, đồng cảm.


Ở phương diện hình thức, theo Trần Hoài Dương, cái đẹp đôi khi là sản phẩm của sự kết hợp hài hòa những mặt trái ngược nhau. Trong Cô bé mảnh khảnh, nhà văn trong vai nhân vật người viết truyện phát biểu rằng: “Có lẽ một con người đẹp thực sự, theo mình cũng có những nét gì giống như thế. Trong con người đó, kết hợp những cái tưởng như rất trái ngược nhau: vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối, vừa sâu sắc vừa trong sáng, vừa từng trải vừa ngây thơ…”. Phát biểu trên là kết quả quan sát từ một hiện tượng thiên nhiên cụ thể là cây hoàng lan. Loài cây này vốn có vẻ ngoài “khẳng khiu”, “những cành mảnh dẻ thưa thớt vài chiếc lá”, mấy mùa liền “không có nổi một chiếc nụ”. Thật không ngờ, cây hoàng lan lại trổ những chùm hoa đẹp, làm cho không gian tràn ngập một mùi hương dịu ngọt: “Từ mỗi kẽ lá lại nảy ra một bông cánh dài, vàng như chuối chín. Toàn thân cây nở đầy hoa vàng tươi xen kẽ lá xanh non”. Từ thiên nhiên, cộng với những trải nghiệm cuộc sống phong phú, Trần Hoài Dương đã hình thành nên nhận thức như vậy về vẻ đẹp của con người. Nếu điều này được chấp nhận thì đó là một đóng góp hữu ích vào việc làm giàu vốn kinh nghiệm, mở rộng khả năng nhìn nhận, đánh giá cuộc sống cho các em. Sở dĩ nói như vậy là vì, văn chương xưa nay thường chỉ cung cấp cho các em về hai dạng thức tồn tại của cái đẹp: 1) cái đẹp toàn vẹn như thường thấy ở các nhân vật cổ tích Tấm, Thạch Sanh…; và 2) cái đẹp giấu mình trong vỏ bọc của cái thô kệch, thậm chí là xấu như trường hợp nhân vật Dế Trũi của nhà văn Tô Hoài...

Đối với Trần Hoài Dương, cái đẹp quan trọng nhất ở mỗi người là lối sống vị tha. Bản thân ông trong cuộc sống đời thường luôn ứng xử theo nguyên tắc ấy. Ông đã dành tiền nhuận để giúp các em mua sách, dành một phần tiền lương giúp em Nguyễn Thị Nội bị tàn tật có thêm điều kiện ăn học… Trong sáng tác, nhất là ở nhóm truyện đồng thoại, ông đã xây dựng nhiều hình tượng đẹp, gây xúc động sâu xa cho người đọc. Đó là chuyện bầy chim sẻ trên đường đi tránh rét đã quyết định dừng chân ngủ lại một đêm với cây gạo, hi vọng hơi ấm của mình sẽ làm cho cây gạo sống lại. Chúng đâu biết cây gạo suốt đêm âm thầm tích nhựa, mong đáp lại tấm tình của những người bạn sẻ bằng việc dâng tặng một niềm vui bất ngờ. Thế là, “sớm tinh mơ, sẻ đầu đàn vừa ló ra khỏi hốc cây đã sửng sốt kêu lên: khắp mình cây gạo phủ đầy hoa đỏ” (Đàn chim sẻ). Đó còn là chuyện các loài hoa vì muốn “ánh mắt tin cậy của cô bé luôn trong trẻo” nên đã rủ nhau thực hiện một cuộc chạy tiếp sức, lưu giữ sắc đỏ qua bốn mùa hết sức thú vị (Sắc đỏ)…


Ở thế giới loài vật, lối sống vị tha được nhà văn khắc họa qua hình tượng Họa Mi giúp bạn Ốc Sên đi tìm gặp cô Mùa Xuân. Tuy sức lực có hạn, đôi cánh bé tí xíu, “càng về sau, sức càng đuối” nhưng Họa Mi vẫn quyết tâm giúp Ốc Sên thỏa nguyện ước mơ của mình. Khi được cô Mùa Xuân tặng quà là những hạt phấn màu, Họa Mi chủ động nhường cho Ốc Sên để ngôi nhà của bạn trở nên đẹp đẽ hơn (Tiếng mùa xuân).


Ở một truyện khác – Những trái bưởi mùa thu – lối sống vị tha được nhà văn miêu tả qua mối quan hệ của mẹ con nhà bưởi. Tình huống làm bộc lộ vẻ đẹp của họ là trận bão kinh hoàng ập đến bất ngờ. Mẹ bưởi ra sức chống chọi với gió bão, che chở đàn con. Nhưng khi thấy mẹ đã mệt mỏi rã rời, đàn con đã chủ động “buông mình cho cánh tay bưởi mẹ nhẹ bớt, dễ bề chống trả với mưa gió”. Sự hi sinh của đàn con khiến bưởi mẹ đau lòng nhưng cũng vì thế mà bưởi mẹ được tiếp thêm sức mạnh, ý chí để vượt lên thử thách, tiếp tục đơm hoa, kết trái, mang lại niềm vui cho trẻ thơ mỗi độ thu về.

Lòng vị tha là nguồn cảm hứng sáng tác chủ đạo của nhà văn Trần Hoài Dương. Đó là một thực tế, vì cảm hứng ấy cũng xâm nhập vào những tác phẩm hiện thực của ông. Tiêu biểu là truyện Miền xanh thẳm: thế giới nhân vật của ông đa phần là người tốt, dù họ làm nghề gì và sống ở đâu, nông thôn hay thị thành. Về điều này, nhà văn Văn Hồng có lí khi nhận xét rằng, “ngòi bút của Trần Hoài Dương như chỉ làm một chức năng: thể hiện người tốt việc tốt, nói cái hay, cái đẹp của cuộc đời. Anh sống và viết như một người thiên về lí tưởng”[4]. 

Những câu chuyện về lòng vị tha của Trần Hoài Dương không chỉ giúp các em xây dựng niềm tin yêu về cuộc đời mà còn là thông điệp về nguyên tắc và chuẩn mực giá trị ứng xử của con người trong cuộc sống.


Một lối văn giàu chất thơ

Ngay từ tác phẩm đầu tay Em bé và bông hồng, Trần Hoài Dương cho thấy là một cây bút văn xuôi giàu chất thơ. Lối văn này được ông tiếp tục phát huy trong những sáng tác về sau, tạo thành một đặc điểm phong cách của nhà văn.

Đọc Trần Hoài Dương, nhà văn Tô Hoài khen đó là thứ văn chương không có tuổi, “chỉ cảm được cây bút và tâm hồn người viết ra thành chữ, từng chữ đem lại cho tôi cảm giác yêu đời”[5].

Viết cho các em, Trần Hoài Dương có hai chủ đích: đem lại lòng yêu thương và giúp các em thấy được vẻ đẹp kì diệu của văn chương. Để làm được điều đó, ngoài tài năng, Trần Hoài Dương đã rất chú trọng tới việc chăm chút câu văn, xây dựng hình ảnh sao cho dễ hiểu, hấp dẫn đối với tuổi thơ. 

Truyện của Trần Hoài Dương chủ yếu dành cho lứa tuổi nhi đồng. Đối tượng độc giả này hẳn cũng là một lí do để nhà văn tìm cách gia tăng chất thơ cho tác phẩm. Trước hết, ông đưa vào tác phẩm nhiều bức tranh thiên nhiên mĩ lệ, tươi tắn và đầy sức sống. 

Đây là hình ảnh hoa hồng trong buổi sớm mai qua cái nhìn trong veo của em bé: “Giữa vòm lá um tùm, xanh mướt, còn ướt đầm sương đêm, lấp loáng dưới ánh mặt trời buổi sớm, bông hoa dập dờn trước gió, khi ẩn khi hiện. Màu hoa đỏ thắm, mùi hoa thơm mát dìu dịu, cánh hoa mịn màng, khum khum úp sát vào nhau như còn ngập ngừng chưa nở hết” (Em bé và bông hồng).

Còn đây là cảnh đất trời khi mùa xuân đến: “Bầu trời hồng lên, lấp lánh những màu kì diệu. Những hạt phấn màu ấy rơi xuống, phủ lên muôn vật. Lập tức rừng rào rào nảy lộc, lá non xanh mướt run rẩy vẫy gió, suối tung bọt trắng xóa, cỏ cựa mình sột soạt, hoa đào, hoa mai, hoa tường vi, hoa tầm xuân, hoa mận, hoa lê… đua nhau nở, phô sắc phô hương rực rỡ ngào ngạt cả đất trời” (Tiếng mùa xuân).

Những đoạn văn như thế xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của Trần Hoài Dương. Theo chúng tôi, sau Tô Hoài, Trần Hoài Dương là cây bút viết cho thiếu nhi có sự chú trọng đặc biệt tới việc miêu tả thiên nhiên, vừa khắc họa môi trường hoạt động của nhân vật, vừa làm cho các em thấy được, cảm được vẻ đẹp của quê hương đất nước. Trong hoàn cảnh hiện nay, khi mà lối văn kiểu “thông tấn báo chí” đang bị lạm dụng thì những trang văn của Trần Hoài Dương càng trở nên có ý nghĩa đối với việc học văn của các em!

Những bức tranh thiên nhiên tươi sáng, rực rỡ đã làm cho chất thơ bàng bạc trong mỗi tác phẩm của Trần Hoài Dương. Cố nhiên, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ấy đã được khúc xạ qua tâm hồn nghệ sĩ, thấm đượm tình yêu và sự mê đắm của con người.

Chất thơ cũng toát lên từ những trang văn Trần Hoài Dương viết về kí ức tuổi thơ, một tuổi thơ nhọc nhằn mà chất chứa nhiều kỉ niệm yêu thương: “Tuổi thơ ấu đã xa rồi, không bao giờ tôi còn được hưởng lại những ngày thần tiên ấy nữa. Những ngày ấy cứ xa vời, xanh thẳm, hun hút bay về chân trời phía sau, tôi cố ngoái lại, cố nắm bắt mà không sao giữ lại được”. Miền xanh thẳm đã được khởi đầu bằng những câu văn thiết tha, đầy sắc màu hoài niệm như thế. Thiên truyện như một bài thơ văn xuôi, hấp dẫn nhờ “những trang văn đằm thắm của tình người, ở cách cảm thụ lí giải cuộc sống giàu tính thẩm mĩ và trìu mến thiết tha”[6].

Văn Trần Hoài Dương đằm thắm, mượt mà, là lối văn của lòng tin yêu con người và cuộc sống. Mỗi một câu văn của ông đều là kết quả của tài năng và sự dụng công đặc biệt. Có thể nói, ông đã làm được điều mong muốn là đưa đến cho các em cái đẹp văn chương và cuộc đời. Ông hoàn toàn xứng đáng được tôn vinh là nhà văn của tấm lòng vị tha…

LÊ NHẬT KÝ

(Bài đã đăng trên Tạp chí Lí luận, phê bình VHNT, số 12/2013) 


Chú thích:

[1]. Trần Hoài Dương: Miền xanh thẳm, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2002, tr.152.
[2]. Triệu Xuân: Lời người biên soạn, in trong Trần Hoài Dương truyện chọn lọc, Nxb Văn học, TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.11.
[3]. Tô Hoài: Dế Mèn, Chim Gáy, Bồ Nông, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, tr.8.
[4]. Văn Hồng: Độc đáo Trần Hoài Dương, in trong Em bé và bông hồng, Nxb Kim Đồng, Hà Nội, 2002, tr.9.
[5]. Tô Hoài: Gửi Trần Hoài Dương, in trong Trần Hoài Dương truyện chọn lọc, Nxb Văn học, TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.13.
[6]. Ma Văn Kháng: Tuổi thơ, miền xanh thẳm của văn chương, in trong Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, tập I, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, tr.211.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét