Thứ Tư, 29 tháng 3, 2017

LẠI CHUYỆN THỎ VÀ RÙA


"Theo tôi nghĩ, hợm hĩnh sẽ đưa đến sợ hãi. Sợ hãi nên mới phải nhìn lui. Nhìn lui, làm cho thua cuộc. Hãy rút kinh nghiệm lần nữa..."

Từ sau cuộc chạy thi và thua trận cay cú đến nay, mỗi lần nhớ lại, Thỏ đuôi xơ vẫn còn ấm ức với thằng Rùa lưng mốc. Hắn tự giận mình về cả ba nhược điểm đã mắc phải trước đây. Một là chủ quan, hai là hợm hĩnh, ba là khinh thường những bạn bè nào có tính chậm chạp như rùa.

Một buổi sáng kia sương mù vừa tan. Thỏ đuôi xơ đã chạm trán ngay Rùa lưng mốc ngoài bãi cỏ của nông trường dành riêng cho đàn bò sữa. Chớ tưởng "chạm trán" đây là trán Thỏ và trán Rùa chạm nhau đến nghe cái cộp một tiếng. Chạm trán nhưng đôi bên còn xa đến một trăm bước đi của Rùa, hoặc là năm mươi bước đi của Thỏ. Gặp nhau xa xôi như vậy mà Thỏ đuôi xơ đã nảy ý khinh bỉ kẻ kia rồi. "Bước đi chậm chạp, nhìn qua cũng đủ ngứa mắt rồi, lưng lại còn mốc thếch!", Thỏ nghĩ như vậy. Nhưng nó cũng cứ hỏi xã giao rất lịch sự:
- Chào anh bạn Rùa lưng mốc! Chứ đi đâu lính quýnh sớm dữ vậy?
Rùa hấp háy đôi mắt do thói quen nhìn mọi vật:
- Sớm gì mà sớm? Muộn thì có. Tớ đi kiếm ăn suốt đêm, đang trên đường về nhà thì trời bỗng dưng sáng quắc. Mặt trời hôm nay về sớm quá. Chắc là bác ấy gặp được ô tô nông trường, ra vẫy tay xin đi ké cả đoạn đường dài nên mới nhanh đến thế đấy. Thỏ quệt cái đuôi cụt vào lưng mình để rũ bớt sương:
- Nói gì thì nói, cái chính là do thói quen khó sửa chữa của cậu: Đi chậm! Đúng không? Có vui chân, ta đua lại chuyến chơi. Chạy thi lần nữa để cho tớ học tập với (Nó nói mỉa thế). Nào trả lời đi. Đồng ý thì ừ, ngại ngùng thì khất. Tớ là nhất ghét cái thói chậm chạp, đi đã chậm chạp, nói cũng chậm chạp. Ra đời cái gì cũng cân nhắc do dự thì... nằm hẳn trong hang cho xong. Thế nào? Xin hẹn hôm khác, tháng khác, năm khác phải không?
Rùa ta nghênh nghênh cái cổ rồi bảo:
- Được!
Hai bên thoả thuận với nhau về một số nội quy trong cuộc thi tài. Bác Cột Ki-lô-mét là trọng tài chính. Chim Cắt (sẽ bay theo quan sát cuộc đua) và Nhện Hùm (sẽ thả mình từ trên cây xuống, dòng một sợi tơ thẳng như đường thước thợ đánh dấu thời gian kết thúc cuộc đua); hai anh này là trọng tài phụ. Dọc đường luôn luôn sẽ có chim Cắt, tượng trưng cho kẻ đi nhanh theo dõi từng hành động về đường đi nước bước của cả đôi bên, và Ốc Sên, tượng trưng cho kẻ đi chậm, kiểm soát từng hành vi cử chỉ về bốn chân vượt phóng của hai loài Rùa, Thỏ.

Từ trên đỉnh đồi, dưới bóng một cây bồ đề già, nơi xuất phát đối với Thỏ đuôi xơ, xuống hết chân đồi tận mép tảng đá trắng - nơi xuất phát đối với Rùa lưng mốc - là hai phần ba đường của cuộc đua. Và từ mốc này đến Cột Ki-lô-mét đứng kia sẽ là nơi đến đích. Hai vận động viên Thỏ và Rùa sẽ nhờ ông lão chăn bò nông trường thường ngồi nghỉ trưa dưới bóng cây bồ đề già, nhờ ông hút cho một hơi thuốc lào để phì khói lên không, làm ám hiệu xuất phát cho cuộc chạy đua.

Thỏ đang chuẩn bị. Nó đứng phủi phủi bốn chân một cách quá sốt ruột dưới chân ông lão. Và ở dưới kia cậu Rùa cũng đang sửa soạn ở bên tảng đá trắng, đôi mắt hấp háy, cái cổ vươn dài để nhìn lên chờ dúm khói toả.

Ông lão vừa rít xong hơi thuốc lào và đang ngước mặt lên không. Ông chưa phà khói, thế mà chàng Đuôi xơ đã phóng tới cả bốn chân rồi. Các bạn biết không, trước đó hắn ta đã chuẩn bị hết sức đầy đủ: 
1. Định bụng: Sẽ chén hai lần củ sâm ăn trộm tại hai vườn cây thuốc trên đường từ chân đồi đến Cột Ki-lô-mét.
2. Đã giấu sẵn một miếng mỡ lợn, sẽ phết nó xuống bốn mặt bàn chân để thêm trơn khi bước vào giai đoạn "nước rút".
3. Một túi nhựa đựng gió của bão cấp 12, để khi gần đến đích, sẽ dùng móng chân chích làm bốn lỗ đúng vào sau bốn chân. Như vậy, bốn chân sẽ có thêm bốn sức gió nâng bổng, làm cho chân bay chứ không phải chân chạy.

Trong khi ấy thì anh bạn Rùa chỉ có chuẩn bị một ý chí cần cù và quyết tâm. Nó quyết tâm tập dượt không phải hôm qua hôm kia mà từ lâu lắm, ngay sau ngày thắng cuộc Thỏ lần đầu. Cho nên vừa thấy ông lão ngẩng mặt, rồi ông lão chúm miệng định phà khói chứ bụi khói chưa thành hình, Rùa liền phóng bước.

Chim Cắt bay kèm theo trên cao. Thấy chàng Thỏ đang thẳng cái đuôi xơ phóng chạy dưới đất, anh ta nói:
- Chạy chậm như Ốc Sên thế thì còn thua cậu Rùa keo nữa.
Thỉnh thoảng, từng chặng rải rác, từng chú Ốc Sên bám ở thân cây hai bên đường để quan sát cuộc đua, thấy Rùa cần mẫn lướt qua, khen:
- Phóng nhanh như tên lửa, làm mình chóng cả mặt! Nhất định cậu này thắng đúp thằng Thỏ keo nữa.

Rùa ta phóng đã qua bốn phần năm quãng đường có cắm những cành bông lau nghiêng mình trắng xoá, bác Cột Ki-lô-mét đã hiện ra trước mặt. Nhìn lui, Rùa bắt đầu thấy một chấm trắng di động của Thỏ phóng lên. Cũng vẫn còn rất xa, nếu ta nhìn không quen mắt thì chỉ cho rằng: đó là một hạt đậu cô-ve mà bác Chân trời vừa cóng tay làm rơi vãi. Thỏ đã ba lần dừng bước để chùi mỡ lợn vào bốn bàn chân, do vậy cũng đã hai lần hắn bị trượt chân ngã lăn quay, ném người ra xa đường chính hàng chục mét, rồi lại chạy tiếp.

Đã nghe tiếng Chim Cắt vừa bay vừa tường thuật tại chỗ bằng mi-crô cuộc thi chạy của hai anh tài Thỏ đuôi xơ và Rùa lưng mốc. Tiếng vang trong mi-crô:
- Trần Rùa, còn đúng 18 mét nữa, sẽ đến đích!
- Chỉ cách sau đó một tí ti, bằng đặt lọt cái tăm xỉa răng lại có tiếng tường thuật trên cao của Chim Cắt giọng sắt:
- Đinh Thỏ, còn đúng 44 mét nữa, sẽ tới đích!
Thỏ dừng lại. Nó giãn móng chân trước ra, chích vào túi đựng gió của bão cấp 12 đúng bốn lỗ. Gió bỗng thổi mạnh ở dưới bốn chân, ném tạt cả người Thỏ sang cánh đồng bên phải xa 144 mét. Thật là lợi chẳng bằng hại! Thỏ ta phải chạy ngược trở lại trên con đường đua. May sao. May sao, lúc này cái túi gió đã xẹp lép và bay đâu mất.

Giờ đây, Thỏ ta đã vượt lên ngang một nửa cái đuôi Rùa. Nhưng mà Rùa cũng vừa phóng vừa rướn cổ mình ra thật dài, dài nữa, gắng tí nữa... Và Nhện Hùm vội thả người từ cây cao rơi xuống, kẻ một đường tơ chấm dứt cuộc đua. Bác Cột Ki-lô-mét bắt đầu tuyên bố vào mi-crô:
- Trần Rùa thắng Đinh Thỏ một khoảng cách bằng hai lỗ tai thỏ chắp nhau. Trần Rùa thắng cuộc.
Thỏ giận run bắn, cho là bác Cột Ki-lô-mét thiên vị. Chim Cắt phải quay lại đoạn phim chụp chậm. Phim rè rè chiếu ngang pha đường tơ Nhện Hùm buông xuống thì dừng lại, trở thành bức ảnh chụp:
"Lúc sắp đến đích, Thỏ đã quay đầu lại nhìn lui Rùa. Vì vậy, hai tai thỏ cũng đã chìa người ra sau, để cho Rùa vươn đầu lên trước một nửa cổ".
Chim Cắt bình luận:
- Giá như Thỏ không quay mặt nhìn lui Rùa, cứ để hai tai mình quay chìa ra trước, thì Thỏ thắng rồi. Theo tôi nghĩ, hợm hĩnh sẽ đưa đến sợ hãi. Sợ hãi nên mới phải nhìn lui. Nhìn lui, làm cho thua cuộc. Hãy rút kinh nghiệm lần nữa...

Trần Thanh Địch
(Nguồn: Ngôi nhà biết đi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét