Thứ Ba, 8 tháng 12, 2015

CỐT TRUYỆN ĐỒNG THOẠI VÀ KỸ THUẬT KỂ CHUYỆN




1. Cốt truyện đồng thoại 
1.1. Các cách xây dựng cốt truyện 

Thứ nhất, nhà văn dựa vào những cốt truyện có sẵn. Trong trường hợp này, cốt truyện có sẵn thường lấy từ nguồn dân gian, rồi chế tác thành câu chuyện mới.

Ở đây, ngoài việc trung thành với dân gian, các tác giả cần có những sáng tạo nhất định nhằm tạo nên cảm giác mới mẻ cho người đọc. Lấy ví dụ truyện Bài học tốt của Võ Quảng: Truyện này gợi ta nhớ đến Sự tích vết rạn trên mai rùa trong kho tàng truyện kể dân gian. Cả hai đều có nội dung giải thích về nguồn gốc những vết rạn trên mai rùa. Nhưng nếu như dân gian chuyên chú vào việc giải thích thì Võ Quảng cố gắng lồng ghép vào câu chuyện nhiều nội dung khác nhau. Ông không chỉ giải thích mà còn đưa ra cho các em bài học về lối sống tích cực. Đó là chưa nói đến hình tượng nhân vật Rùa được nhà văn xây dựng thành hình tượng trẻ em với những biểu hiện thường thấy ở lứa tuổi này: hiếu động, ngại khó, ưa cậy nhờ... Có thể nói, so với cốt truyện dân gian, cốt truyện đồng thoại hiện đại chứa nhiều lượng thông tin hơn – không chỉ thông tin sự kiện, thông tin quan niệm mà còn có cả thông tin cảm xúc. 

Phổ biến hơn là cách nhà văn tự mình tạo ra cốt truyện mới. Trong trường hợp này, nhà văn sẽ dựa vào khả năng hư cấu, tưởng tượng để hình thành nên cốt truyện mới. Không phải ngẫu nhiên mà những tác phẩm có cốt truyện như vậy được gọi là truyện hư cấu. Tất nhiên, gọi như thế chỉ cốt nhấn mạnh vai trò của hư cấu, tưởng tượng chứ không nhằm đối lập nó với những truyện được hoài thai từ cốt truyện dân gian. 

Trong một số trường hợp, việc sáng tạo ra cốt truyện mới ít nhiều có sự chỉ dẫn của truyền thống văn chương. Câu chuyện về những chuyến phiêu lưu của Dế Mèn, như Tô Hoài đã xác nhận, được gợi ý từ Rôbinxơn Cruxô (Daniel Defoe), Không gia đình (H. Malot), Giulivơ du ký (Jonathan Swift) (Tô Hoài, 1985, tr.235). Tương tự, Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết về chàng hiệp sĩ Don Quixote của Cervantes (Vũ Tú Nam, 2000, tr.44)... 

1.2. Các kiểu cốt truyện

Cốt truyện được sử dụng phổ biến trong đồng thoại Việt Nam là cốt truyện tuyến tính – hành động. Đặc điểm của loại cốt truyện này là nó được xây dựng dựa trên chuỗi các hành động của nhân vật. Câu chuyện sẽ được trần thuật theo thời gian, tôn trọng diễn biến trước sau của các sự kiện.

Trong hệ thống cốt truyện tuyến tính – hành động này, chúng tôi thấy có thể nói tới hai nhóm sau đây: Cốt truyện phiêu lưu (Adventurous plot) và Cốt truyện đối thoại (Dialogic plot). 

Cốt truyện phiêu lưu có hai đặc điểm chính, trái ngược nhưng dung hòa, cùng tồn tại trong một chỉnh thể. Một là, nó rất lỏng lẻo, có thể mở rộng vô biên với những cuộc phiêu lưu tiếp nối của nhân vật. Hai là, nó rất chặt chẽ trong sự liên kết nội tại của chính cuộc phiêu lưu. Cốt truyện phiêu lưu rất được trẻ em ưa thích. Ở lứa tuổi của mình, các em luôn hiếu động, thích được đặt mình vào những thử thách và chiến thắng thử thách.

Trên cái nhìn lịch sử, cốt truyện phiêu lưu được sử dụng từ rất sớm, đem lại thành công vang dội cho thiên truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Về sau, cốt truyện này còn được sử dụng trong nhiều truyện đồng thoại “dài hơi” khác như Cuộc phiêu lưu của Mèo con và Chó con (Chu Hồng Hải), Cuộc phiêu lưu của Ong Vàng (Vũ Duy Thông), Ngàn dặm xa (Nguyễn Đình Chính)... Điểm khác là, nếu cốt truyện phiêu lưu ở Dế Mèn phiêu lưu ký tham gia thể hiện hành trình đi tìm lý tưởng của Dế Mèn, Dế Trũi thì ở những truyện ra đời sau 1945, chủ yếu nói về hành trình khám phá thế giới của trẻ em.

Cốt truyện đối thoại cũng được sử dụng trong đồng thoại Việt Nam hiện đại. Đặc điểm của loại cốt truyện này là trình bày nội dung câu chuyện thông qua hình thức đối thoại giữa các nhân vật. Trong Những câu chuyện, Võ Quảng xây dựng tình huống họp mặt mùa xuân của các loài chim. Trong cuộc gặp gỡ đó, chúng thi nhau kể về những điều kì lạ mà chúng trông thấy được. Vành Khuyên kể về những con mương thẳng tắp, những mái nhà ngói đỏ; còn Bồ Chao liến thoắng về “hai cái trụ cao chống trời”... Lời kể nối tiếp nhau của các nhân vật trở thành đường dây kết nối để cho mạch truyện không bị đứt gãy. 

Cốt truyện đối thoại hầu như không có biến cố, xung đột nên rất khó kể lại, khó gây được hiệu quả thẩm mĩ cao – nhất là với độc giả trẻ em. Đó là lí do khiến nó ít được nhà văn đồng thoại khai thác.

2. Kỹ thuật kể chuyện 

Nhà văn nào cũng muốn mình trở thành người kể chuyện hay, được các độc giả ưa thích. Để làm được điều đó, người viết truyện trước hết phải biết được những cái hay trong nghệ thuật kể chuyện. Cái hay đó, theo Phạm Hổ, gắn liền với cốt truyện, nhân vật, tình huống, chi tiết, giọng điệu... (Phạm Hổ, 1999, tr.919). 

...

Thể loại truyện đồng thoại ở Việt Nam đã trải hơn nửa thế kỷ phát triển, với sự đóng góp của nhiều thế hệ tác giả tâm huyết và tài năng. Trên thực tế, đây là thể loại văn xuôi dành cho trẻ em có số lượng tác phẩm phong phú nhất (trên 1000 tác phẩm), có tác phẩm gây được tiếng vang không chỉ trong mà ngoài nước, được xếp vào hàng kiệt tác văn học thiếu nhi. Thành công của mỗi tác phẩm, dĩ nhiên, phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau – trong đó có vấn đề tổ chức cốt truyện và kỹ thuật kể chuyện. Sáng tác trong bối cảnh hiện đại, các nhà văn đã vừa kế thừa dân gian, vừa đem vào đồng thoại nhiều sáng tạo mới mẻ. Có thể nói, cốt truyện và kỹ thuật kể chuyện đồng thoại linh hoạt và đa dạng hơn, thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức của trẻ em thời hiện đại...

Lê Nhật Ký

ĐỌC ĐẦY ĐỦ TRONG: 
1. Tạp chí Khoa học xã hội, số 10/2012; 
2. Sách Từ bước chân Dế Mèn (NXB KHXH, 2024).

Tài liệu tham khảo
[1]. Tô Hoài (1985), Tự truyện, Nxb Văn học, Hà Nội.
[2]. Phạm Hổ (1998), «Văn miêu tả và kể chuyện», Tuyển tập Phạm Hổ, Nxb Văn học, Hà Nội, tr.894 – 934.
[3]. Vũ Tú Nam (2000), «Nhớ lại Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công 35 năm trước», Qua những chặng đường, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 41 – 44.
[4]. Nhiều tác giả (1987), Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, Hà Nội.
[5]. Nhiều tác giả (2002), Bách khoa thư văn học thiếu nhi Việt Nam, Tập 1, (Nguyên An – Vân Thanh biên soạn), Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
[6]. Võ Quảng (1982), «Lại nói về truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi», Tạp chí Văn học, số 1, tr.74 – 76.
[7]. Vân Thanh (1974), «Tìm hiểu đặc điểm của đồng thoại», Tạp chí Văn học, số 4, tr.103 – 114.






2 nhận xét: