- “Khoa học, đương nhiên là một thế giới kì diệu. Truyện khoa học là một cái cửa, để các em nhìn vào thế giới đó” (Viết Linh)
- “Cái giỏi của người viết truyện khoa học? Chính là làm cho các em tiếp thu được kiến thức nhẹ nhàng... Tôi rất thú cái ví dụ về loại hình này: giống như những viên kẹo giun xanh đỏ ngọt ngào hấp dẫn, đường và bột nhiều kèm theo cả bao bì sặc sỡ, thuốc chỉ có tí tẹo. Uống thuốc không phải nhăn mặt sợ đắng mà thưởng thức như một cái kẹo ngon lành. Các em sẽ không thích những truyện cầm lên tay, mới đọc được vài dòng đã “ngửi thấy mùi giáo dục”.
Thường ngày, Dạ Dày là một bác giữ kho làm việc giỏi. Kho của bác không bao giờ giữ lại lâu một thứ gì.
Bác thường dặn cậu Mồm:
- Bất cứ làm việc gì cũng phải có kế hoạch. Ăn cũng thế, phải điều độ.
Ấy vậy mà hôm Tết lại xảy ra chuyện rắc rối.
Bác Dạ Dày đang nằm, chợt có giọng nói dẻo như cơm nếp:
- Năm mới chúc bác mạnh khoẻ.
Dạ Dày nhận ra Bánh Chưng Xanh. Bánh Chưng Xanh vội nói tiếp:
- Mỗi năm cháu chỉ tới thăm bác một lần vào dịp đầu xuân. Chẳng lẽ bác không cho cháu vào.
Sau đó, Bánh Chưng Xanh kể lể dài dòng cậu ta là món ăn đầy đủ nhất: nào gạo nếp, đỗ xanh, nào thịt mỡ, hành củ, hạt tiêu…
Bánh Chưng Xanh vừa nằm yên thì Thịt Mỡ tới. Bác giữ kho biết tính Thịt Mỡ từ lâu: có khi sáu, bảy giờ sau chú ta vẫn nằm ỳ trong kho.
Bác khẽ khàng hỏi:
- Trong bánh chưng đã có thịt mỡ rồi, chú còn vào đây làm gì?
Thịt Mỡ nói trơn tuột:
- Thế bác chưa nghe nói: “Bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” à? Bánh Chưng Xanh thường đi kèm với Thịt Mỡ. Có như vậy mới gọi là Tết nhất chứ!
Bác Dạ Dày lại cho Thịt Mỡ vào.Nhưng bác bảo:
- Cho chú vào nhưng ngày Tết chớ có nằm ỳ ăn vạ trong ấy đấy!
Vừa ngửi thấy mùi nem thơm, bác Dạ Dày nhận ra ngay Dưa Hành, cho vào luôn.
“Thịt mỡ cứ phải có dưa hành mới trị được!”.
Bác biết rõ những tính tốt của dưa chua: bổ, thơm, chống độc, lại còn giúp cho công việc lưu thông được dễ dàng.
Nhìn vào cái kho khá đầy, bác giữ kho lo lắng nghĩ:
“Trời! Bánh Chưng Xanh, Thịt Mỡ, Dưa Hành… Không hiểu lát nữa Câu Đối Đỏ đến thì ngồi vào đâu đây?”.
Chợt thấy một anh chàng dò dẫm tới, bác giữ kho vội hỏi:
- Ai thế kia?
Giò đáp:
- Giò đây! Cho cháu vào với!
Bác Dạ Dày vội xua tay:
- Chật lắm rồi!
Giò năn nỉ nói:
- Bánh Chưng Xanh phải đi với giò mới phải chứ!
Bác giữ kho nói:
- Ấy lúc nãy, chú Thịt Mỡ cũng nói thế!
Giò thủ thỉ nói:
- Thịt mỡ hàng ngày thiếu gì. Ngày Tết phải có tí giò chứ. Với lại người cháu bó chặt lắm mà. Bác cứ cho cháu vào.
Thấy chú Giò dò dẫm từ ngoài xa vào, chẳng lẽ lại đuổi đi, bác Dạ Dày động lòng nói:
- Vào đó đừng có cãi nhau với Thịt Mỡ nhé!
Giò vừa vào kho thì cô Ninh tới:
- Ngoài kia cô cấp dưỡng đã hầm kĩ chúng cháu rồi, đụng vào là tan ngay. Chúng cháu xin hứa với bác, không ở lâu trong kho đâu: toàn nước lõng bõng thế này.
Bác thủ kho vừa cho cô Ninh vào thì cậu Mứt tới. Cậu ta nói luôn:
- Chẳng lẽ ngày Tết ăn xong lại không có tí mứt tráng miệng. Mà có nhiều nhặn gì cho cam.
Nghe Mứt nói cũng có lí, bác Dạ Dày tưởng đã được nghỉ ngơi tí chút, chợt nghe thấy tiếng óc ách trong kho như nước sôi ùng ục.
Thịt Mỡ kêu toáng lên đầu tiên:
- Ối trời ơi! Chật chội quá!
Cô Ninh cũng kêu toáng lên:
- Ai đạp vào người tôi thế?
Thịt Mỡ vội đáp:
- Tôi đấy! Ở đây chật quá!
Cái kho của bác ta căng hết mức như sắp nứt ra. Kho chật quá làm bác ta nôn nao, khó chịu. Chị em nhà Ruột lộn ngược lộn xuôi sôi lên sùng sục. Bác Dạ Dày mở toang cửa. Chị em nhà Ruột cũng làm như vậy. Thế là bao nhiêu thứ trong kho mất sạch.
Lần đầu tiên trong đời, bác Dạ Dày mắc lỗi.
Viết Linh
(1971)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét