Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

CÚN SỐ 5





Ngô Quân Miện: “Truyện viết về loài vật cho các em không hiếm, nhưng chuyện khiến cho các em thấy loài vật ấy mang tâm hồn mình, hoặc bè bạn với mình mới thú. Cún số 5 đạt được yêu cầu này” (Đọc Cún số 5 – tập truyện viết cho thiếu nhi của Thanh Châu, Báo Văn nghệ số 22/1994).


Cún mở mắt chào đời thấy mình nằm cạnh bốn anh em giữa ổ rơm, trong gian bếp nhà bà cả Lé. Cún không được hưởng êm ấm bên mẹ bao lâu. Chỉ vì Cún gầy nhất, xấu nhất trong ổ chó nhà. Các anh, các chị sinh trước Cún thì lông mượt, lanh lợi, dễ thương, ai trông thấy cũng muốn ẵm vào lòng. Lông Cún vừa cứng vừa thưa, màu gio. Đầu Cún lại to, mắt buồn thiu, giống mắt người buồn ngủ hay sắp khóc. Cũng như những trẻ con xấu xí, Cún không được người ta thích.
Một buổi sáng, bà cả Lé vào bếp thăm ổ chó, rồi nói với chồng:
- Này ông ạ, cái con đẻ sau cùng, tôi không ưa một chút nào. Hình như nó ốm, không chịu ăn cháo lắm. Nó sắp chết thì phải, ta bảo đem quẳng ra sông thôi, kẻo chết lây cả đàn chó khỏe mạnh này thì hỏng.
Ông cả Lé vốn người hà tiện, không muốn quẳng đi bất cứ vật gì ở trong nhà, nhấc Cún ra khỏi ổ:
- Bà này chỉ được cái phí của! Ừ, coi như con thứ năm này có sán không sống được bao lâu. Ta đem biếu con mẹ ba Mành. Ta còn nợ tiền của nó, hẳn là con trai nó thích.
Khi bà cả Lé mang Cún đến nhà bà ba Mành, Cún rên lên thảm thiết. Bà ba Mành cũng rên lên khi trông thấy Cún:
- Bà cho tôi cái nợ gì thế này? Khiếp, chó má gì mà xấu thế? Độ này tôi túng lắm bà cả ạ…
Vừa lúc đó, thằng Tòng, con trai bà ba Mành đi học về. Nó reo lên:
- A ha! Cún! Bà cho cháu con chó Cún này đấy chứ? Trời ơi! Thích quá! Con chó này lành quá!
Cún có tên từ đấy. Cái tên cũng không đẹp đẽ gì. Tòng sung sướng vì có một người bạn mới. Bà ba Mành cũng lây cái vui thích của con mà hóa ra dễ dãi. Bà cả Lé dùng dằng được món nợ. Mọi người đều hài lòng. Duy có Cún là chịu thiệt. Cuộc đời lênh đênh của Cún bắt đầu từ đấy.
Bà cả Lé vừa ra khỏi ngõ thì Tòng ôm lấy Cún vào lòng ngay. Cún kêu lên mấy tiếng sợ hãi, một lát sau, người ta thấy vạt áo Tòng loang ướt. Bà ba Mành vội hét lên:
- Thả nó ra, đồ khốn! Nó đái ướt cả người rồi!
Tòng thả người bạn mới xuống đất. Cún chạy lon ton trông rất ngượng nghịu, khiến cả nhà phá lên cười. Tòng đuổi theo Cún ra sân. Rồi Tòng đi ăn trộm sữa bò của em bé cho Cún uống. Lần đầu trong đời, Cún được nếm một thứ đồ ăn thơm mát đến vậy. Cún ngước mắt nhìn Tòng, sau khi liếm sạch bát. Tòng nhận thấy ngay Cún đã thân mến với mình từ phút ấy. Tấm lòng tốt của Tòng đã có kẻ biết ơn. Cún phải xa mẹ và anh em, nhưng Cún đã gặp một người biết thương loài vật, biết quý mình như một con chó đẹp.

Những ngày hạnh phúc bắt đầu.
Cún được Tòng lấy bàn chải áo của bố chải lông, tắm rửa luôn cho, thành ra một tuần sau trông Cún cũng không đến nỗi “gì” cho lắm. Cún được ăn uống ngon lành, và được chơi đùa với chủ suốt ngày, nên thành ra dạn và khôn vặt. Cún không còn vẻ ngù ngờ, sợ sệt như khi mới đến nữa. Cún lại biết nghĩ ra một trò chơi mới lạ: Cún đi tha những chiếc giầy, chiếc guốc đến cho chủ, hay là giằng co với chủ một sợi dây, một cái que.
Cún lấy làm thích trí lắm. Muốn tỏ ra mình giỏi hơn thế nữa, Cún tha ngay một chiếc tất mới của ông ba Mành ra cống và dầm nước bùn cho sũng ướt đi, rồi Cún lại tha chiếc tất ấy vào phòng khách. Cún suýt bị ông ba Mành vụt cho một cái thước lên lưng. Nhưng Cún bây giờ đã tinh ý. Cún trốn ngay vào gậm tủ và ở lì trong đó.
Cún càng ngày càng lớn, nhưng cũng bởi cuộc đời Cún ở nhà bà ba Mành phong lưu dư dật quá, nên chẳng mấy chốc Cún hóa ra lười biếng, đâm ra kiêu căng hống hách. Cún ngủ cả đêm lẫn ngày bên cạnh bếp. Cún đuổi theo những người ăn mày đói rách vào xin tiền, và sủa rất lâu. Nhưng cả nhà bà ba Mành đã biết là Cún nịnh xằng rồi. Ban đêm không ai nghe thấy một tiếng nào của Cún. Người ta chỉ thấy Cún chui vào gậm giường tránh rét.
Một hôm, người ta lại thấy trong bếp có người kêu: “Không biết ai ăn trộm thịt đông mà vẹt ngay mất một đĩa vừa dọn ra mâm”. Người ta để ý. Tòng, người chủ, người bạn đáng quý của Cún cũng không ưa Cún như ngày trước nữa. Tòng cũng để tâm rình. Thế là Cún bị bắt quả tang vào bếp ăn vụng cá kho. Ông ba Mành đá cho Cún một cái lộn mấy vòng. Cún chạy biến ra đường. Người ta đóng ấp ngay cửa lại để trị tội một tên ăn cắp, không cho nó vào nhà vội.
Đó là một đêm tháng chạp. Trời rét buốt và mưa bụi. Cún co ro nép mình vào cánh cửa nhưng không ai mở cho vào cá. Cún rên rĩ thực thống thiết, cạo sồn sột vào cánh cửa. Nhưng vô ích! Đêm càng khuya, Cún càng thấy lạnh. Bởi đã quen chui vào bếp, vào gậm giường khi trời tối, bởi không tập chịu cho quen rét mướt ngoài sân vườn để giữ trộm như những con chó khác, Cún vừa run lên vì gió lạnh, vì sợ tối. Cún lại rít, lại cạo vào cánh cửa. Cánh cửa vẫn đóng im ỉm như thường. Cún lấy tai nghe ngóng thì hình như trong nhà đi ngủ cả rồi. Hình như không ai để ý gì đến Cún.
Cún tủi thân rầu rĩ bước đi trên đường. Lần này là lần đầu tiên Cún đi khỏi một cái nhà ấm áp, lúc nào cũng sẵn đồ ăn thức uống cho mình.

Nhưng trên đường không phải chỉ có một mình Cún mà thôi. Trên đường lại có bóng một bà lão ăn mày vừa lò rò đi vừa xuýt xoa kêu rét. Cún mừng rơn vì lại thấy có bóng người trong đêm vắng. Cún đi theo bà lão ăn mày.
Cún không sủa, không có ý xua đuổi người ăn mày rách rưới như mọi lần. Cái khổ đã khiến Cún biết mình hơn. Cái bóng người đàn bà đói rách kia có thể là một sự che chở cho mình trong đêm tối. Cún theo bà lão ăn mày đi mãi, đi mãi ra ngoài thành phố. Bà lão ăn mày bước vào xó cổng một ngôi nhà không đèn đóm rồi ngả lưng vào một bức tường mà ngủ. Cún cũng rón rén nép vào bên ngoài bà lão.
Gió thổi vi vu suốt cả đêm. Càng về sáng, cái lạnh càng tăng. Nhưng Cún, dẫu sao, cũng chỉ là một đứa trẻ con, cái sợ, cái mệt nhọc không làm cho mất giấc ngủ. Cún thiếp đi. Cún mơ màng thấy người ta đánh đuổi mình. Cún sủa lên rõ thực to. Cún mở mắt ra thì trời gần sáng. Cái đêm hãi hùng thực đã qua rồi.
Bà lão ăn mày cũng đi đâu mất. Cún đương phân vân chưa định làm gì, bỗng thấy một vật mình đen, đuôi dài và mềm như mình rắn, tai giương lên nhọn hoắt, hai mắt xanh như lân tinh, có lúc lại như hai chấm lửa đương nhìn mình chòng chọc. Cún chực làm quen bước lại gần sủa lên mấy tiếng vui vẻ. Tức thì một bàn chân đầy móng sắc cào ngay vào mõm Cún. Con vật lạ lùng hét lên một tiếng “meo” và phun phì phì rất là quái gở. Đuôi nó cún lên như sóng, lưng gù lại, râu tua tủa quanh mồm, hàm răng nhọn hoắt và trắng nhởn, mắt nó lại xanh lè, căng đến tận tai, và hình như chiếu ra ánh điện. Cún hoảng hồn chực chạy thì một người đàn ông ở đâu đến cầm cán chổi xua con vật đáng ghét ấy đi, rồi cúi xuống vuốt ve lưng Cún.
Đó là một người nông dân có vẻ thật thà chất phác. Cún biết rằng mình đã lại gặp một người bạn tốt ở đời. Cún đi theo người đó.
Lửa trong bếp cháy đỏ rực chung quanh những nồi cơm và nồi cám lợn. Người ta ném cho Cún một miếng xương còn dính rất nhiều thịt nạc. Sau khi đã trải qua một cơn đó rét như Cún, người ta mới biết quý một ánh lửa, một hạt cơm, một miếng ăn, dù là một miếng xương. Cún đã lạc vào một cái trại trồng rau và làm ruộng ở xa thị thành.
Cún không hối hận gì nữa. Một cuộc đời mới lại hơn lại bắt đầu. Cún sống lẫn cùng một bọn người vui tính và giản dị. Họ không xua đuổi Cún. Cún ở đâu tới họ không cần biết. Họ chỉ biết Cún có dáng khổ sở buồn rầu và đói khát là họ nuôi thôi.
Cún mủi lòng muốn tỏ ra rằng mình không phải là một đồ vô dụng. Ngay hôm đó, Cún đã bạo dạn đi ra ngoài tối một mình. Cún sục sạo khắp mọi nơi trong trại. Cún nhìn những ông sao lấp lánh trên trời. Cún sủa lên vài tiếng thực hùng dũng. Người trong trại nghe thấy vậy bảo nhau:
- Con chó này khá đấy !
Cún thích nghe những người thôn quê vừa hút thuốc lào vừa bàn chuyện giồng giọt, cày cấy. Cún muốn được ngồi bên cạnh họ hóng chuyện. Nhưng Cún vừa bước vào nhà thì lại trông thấy hai con mắt xanh lè của con vật khó chịu đã gây chuyện với Cún từ khi mới đến. Con vật gầm ghè nói với Cún:
- Ta là Mèo đen. Ta không muốn thân thiện với những quân đầu đường xó chợ. Ta sống ở đây từ nhỏ. Ta không muốn anh đến gần ta.
Cún giận sôi lên muốn nhảy xổ vào Mèo đen mà cắn cho một miếng, nhưng nghĩ rằng mình mới đến, không tiện đánh nhau, nên chỉ đáp lại thế này:
- Mày là một đứa ích kỷ. Ta không thèm chấp. Ở đời phải thương yêu nhau, giúp đỡ nhau mới phải lẽ. Mày tưởng ta muốn gần mày đấy hẳn? Mày đáng thương hại và buồn cười quá!
Cún lẳng lặng quay ra nằm ở đầu hè. Đằng xa có những tiếng gà vịt, tiếng lợn kêu, tiếng trâu bò nhai cỏ. Không khí có mùi lúa rạ.
Cún khoan khoái nằm lắng từng tiếng động lạ tai, cẩn thận như một ông tướng đương dò xét nơi mình vừa cắm trại. Cún bỗng nhiên nhớ đến thằng Tòng, con trai bà ba Mành. Cún nghĩ thương người bạn cũ và hối hận. Nhưng Cún lại nghĩ đến cái cánh cửa đóng im ỉm nhà bà Ba, lúc người ta đá Cún ra đường nên Cún sợ. Cún không còn lòng nào trở về chốn cũ nữa.
Suốt đêm, Cún canh phòng khu trại thực chu đáo. Mãi khi gần sáng bạch, Cún mới chợp mắt ngủ đi một chút. Thế nhưng khi người chủ trại, ông năm Bính, đi guốc lộc cộc qua mình thì Cún vội vàng đứng lên phe phẩy cái đuôi để đón mừng ngay.
Mặt trời chưa hiện, như từ bà năm Bính cho đến tất cả mọi người làm ăn trong trại đều đã dậy. Cún liền đi ngay ra chuồng lợn, bởi vì cả đêm Cún chỉ nghe tiếng lợn ủn ỉn mà không rõ hình thù chúng ra sao cả. Khi đã nhìn thấy những con vật bụng xệ lê không nổi mình, đuôi nhỏ, mắt ti hí, mõm dài, đương sục sạo trong vũng hôi hám giữa chuồng thì Cún vội tỏ vẻ ghê tởm, khinh bỉ như một cậu học sinh ăn mặc sạch sẽ thơm tho đứng gần một anh bẩn thỉu và ghẻ lở. Cún lảng chân ngay sang phía cây rơm và Cún trèo lên đó để đứng ngắm vòng quanh trại.
Tất cả loài vật trong trại đều đã kéo nhau đi ăn sáng. Hai đàn gà con, có gà mẹ dẫn đầu che chở kêu ríu rít rất vui tai đương rủ nhau ra phía cổng. Một con bò con đương gặm cỏ tươi bên cạnh mẹ. Hai con vịt bầu đang đi đủng đỉnh, kêu lên quàng quạc, tiến về phía ao bèo. Cún nhìn tất cả và tự bảo thầm: “Ở đây không có trật tự gì hết. Bắt đầu từ hôm nay ta phải cai quản cả bọn này và bắt chúng tuân theo mệnh lệnh của mình mới được”.
Cún nghĩ vậy lấy làm kiêu hãnh lắm. Cún chạy theo hai con vịt dáng bệ vệ như hai vợi chồng một ông phú hộ. Hai con vịt bầu hoảng sợ vừa chạy vừa đập cánh, làm cho lông cánh và bụi đất bay lên mù mịt. Cún sủa lên mấy tiếng thị uy và chắc thể nào mình cũng tóm được hai con vịt béo. Nhưng đến bờ ao, hai con vịt, nhanh như cắt, lội ngay xuống nước và lướt trên mặt ao như hai chiếc thuyền rất nhẹ. Cún tức mình chạy quanh bờ, sủa càng to, nhưng chịu không làm sao theo bắt được. Bỗng hai con vịt như ngã lộn nhào cổ xuống nước, đít chổng lên trời.
Cún không từng thấy cảnh những con vịt bơi lội kiếm mồi dưới nước bao giờ. Bởi vậy nên Cún hoảng. Cún tự cho là mình vừa gây nên tai vạ:
- Không khéo hai con này chết đuối! Mà chính tại ta đuổi chúng xuống ao.
Cún đã thành ra kẻ giết hại loài vật trong trại rồi. Cún nghĩ thầm vậy. Cún lấy làm lo ngại, xấu hổ. Cún vung cẳng chạy. Cún đâm bổ vào chân một con dê gần đó. Con dê lấy sừng húc cho Cún ngã quay lơ vào gữa chân bò con. Bò còn giật mình chạy tuốt ra phía ruộng. Đàn gà mẹ gà con nháo nhác kêu lên như có loạn. Bà năm Bính đương đổ cám cho lợn ăn thấy thế giơ tay lên trời mà rủa Cún, rồi vác gậy đuổi Cún.
Cún hiểu ngay mình là một kẻ vô tích sự. Cún hiểu rằng mình không đuổi được bò về cho chủ thì địa vị mình ở trại khó yên. Cún vội chạy theo con bò. Cún đi đến trước mặt con bò con và mắng ầm lên:
- Mày làm gì mà chạy như hóa dại thế kia? Quay về đi! Quay về tức khắc!
Con bò ngần ngừ không quay lại. Cún tức thì ghé vào đầu, vào chân nó mà nhe răng làm bộ cắn. Con bò lại hoảng hốt chạy tuốt về phía trại. Cún vẫn không rời một bước. Cún vừa chạy theo vừa sủa, vừa dọa cho bò về.
Ở trong trại, hai vợ chồng ông năm Bính trông thấy vậy ôm bụng cười ngặt nghẽo bảo nhau:
- Con muông này khôn lạ!
Cún hoàn hồn vội chạy nép vào chân ông năm Bính, thở lên hồng hộc. Bà năm Bính quẳng gậy, đi vào trong bếp. Ông năm Bính cúi xuống vỗ về Cún như người ta vỗ về một con ngựa quý.
Thế nhưng việc đó cũng không có gì đáng kể. Cún còn tài giỏi hơn thế nhiều.
Một đêm, Cún đương nhìn sao trên trời nghĩ đến tương lai, bỗng nghe có tiếng động sột soạt ở mé tường. Nhờ có ánh trăng, hôm đó Cún nhìn thấy rõ một tên kẻ trộm đầu bịt khăn đen, chỉ để hở có hai con mắt. Tên trộm dò xét kỹ càng một lúc rồi, mềm như rắn, hắn trèo qua tường mà bước nhẹ nhàng xuống đất. Cún nhìn thấy cả một lưỡi dao sáng loáng trong tay kẻ gian phi.
Tên gian phi kề dao vào khe cửa cạy. Vừa lúc đó, Cún mới lấy hết sức nhảy vọt lên lưng thằng kẻ trộm và kêu lên, giọng oang oang. Tên gian phi hất Cún ra, chạy núp vào một xó tường nhà bếp.
Nhưng lúc đó, ông năm Bính đã đánh thức người trong trại dậy. Họ cầm khí giới và soi đèn rọi ra sân. Cún đuổi theo tên kẻ trộm. Thấy đã có người nhà trợ lực, Cún càng sủa to hơn trước. Dáng điệu Cún khi đó thực dữ tợn: miệng há ra đến mang tai, mình thì xù lông dựng ngược. Cún nhảy vào chân thằng kẻ trộm cắn ngay một miếng thực đau. Tên kẻ trộm thuận tay đưa mũi dao vào mũi Cún. Cún lại càng hăng tiết. Nhưng máu tươi đã chảy ra lênh láng cả mặt mày làm Cún không trông thấy rõ ràng như trước nữa. Tên kẻ trộm thừa thế bỏ chạy.
Cún vẫn không tha, vừa sủa vừa chỉ đường cho người chủ trại. Cún theo sát chân kẻ trộm. Ông năm và người nhà cầm mác lăm lăm không dám đâm, chỉ sợ đâm nhầm phải Cún. Tên kẻ trộm sắp vượt qua tường thì Cún nhảy lên cắn ngay được vào vạt áo nó mà níu xuống. Bí thế, tên gian phi lại lia lưỡi dao vào người Cún lần thứ hai. Lần này, Cún đứt một mẩu đuôi, đau quá, đành nhả cho tên trộm chạy thoát. Ông năm Bính vội hô hoán rầm lên. Tất cả trại đều náo động. Mọi người đổ xô đến. Bà năm Bính vội ôm Cún vào nhà. Bà bảo hâm nước chè rửa những vết thương cho Cún. Bà âu yếm Cún như đứa con nhỏ của bà khi nó ốm đau. Bà xé hai miếng vải màn thực mới để băng bó cho Cún.
Khi mọi người đều đã trở về, họ đốt lửa lên để sưởi và để nhìn mặt Cún cho thêm rõ. Ai ai cũng muốn vuốt ve và an úi Cún một vài câu. Cún tuy mệt lả, nhưng thấy người ta nhắc luôn đến mình, đến cử chỉ anh hùng của mình, cũng lấy làm vinh dự.
Từ đấy, Cún là một kẻ quan trọng ở trong trại ông năm Bính. Kẻ ăn người làm không ai dám khinh thường Cún nữa. Có miếng gì ngon, hai vợ chồng ông Năm cũng gọi Cún vào cho ăn. Tất cả trại đều nể Cún. Hễ ai muốn làm vui lòng vợ chồng ông năm Bính chỉ cần nhắc đến cái việc bắt trộm thần tình của Cún. Trẻ con các nơi gần đấy đều muốn chơi với Cún. Người các làng xa thường đến đong thóc ở nhà ông năm Bính đều biết tiếng Cún mà muốn xem mặt Cún. Dần dần người ta thêu dệt cho câu chuyện có vẻ rùng rợn hơn lên. Bà năm Bính thuật lại với những người đàn bà khác là “suýt nữa thì trộm nó đâm chết ông Năm nhà tôi, cũng may có con chó quý này”. Cún thành ra một con chó quý, một ân nhân của gia đình ông năm Bính. Nhiều khi nhớ lại cuộc đời ở tỉnh thành khi trước, Cún con tự bảo thầm: “Giá mà mình không dám đi ra, cứ ru rú một nơi, làm gì có ngày nay ?”.
Cún sống những ngày rất êm đềm trong trại, giữa sự yêu mến của mọi người, mọi vật. Cún đã biết kính trọng cái đời sống riêng của lợn, gà, bò, vịt, bồ câu… trong trại. Cún không hống hách xằng như trước nữa.
Chỉ còn có Mèo đen là vẫn cách biệt với Cún thôi. Nhưng chẳng làm gì sự đó. Mèo đen chỉ là một con vật lười nhác và ích kỷ. Cái đời sống của Mèo đen không có ích cho ai. Cún bây giờ đã trở nên một con chó đứng đắn và có uy tín. Cún có chấp nhất làm gì một con mèo vô dụng.
Nhưng mùa xuân đã đến. Mùa xuân làm cho ngày hóa dài ra và đêm đến trời không lạnh giá nữa. Trẻ con trong trại thường đạp tung chăn ra mà ngủ. Người ta và loài vật tự nhiên thành vui vẻ hơn, hoạt động hơn. Cún thấy bà năm Bính thỉnh thoảng lại hát một vài câu trong khi giặt giũ ở cầu ao, tuy giọng bà không lấy gì làm trong lắm. Rau cỏ trong vườn thì xanh um lên. Ông năm Bính bây giờ lại còn chăm cả mấy luống hoa ở trước sân và thường hay uống rượu. Con bò con đã lớn một cách dị kỳ. Tiếng nó rống lên nghe như một anh con trai vỡ giọng.
Cún chạy ra ngoài ruộng và Cún thấy một con sên đương tha nhà đi phương khác. Con vật trông thực lạ lùng. Nó có hai cái sừng rất đáng yêu. Cún đặt chân lên đấy. Tất cả người con sên liền co lại, trốn vào vỏ bọc ngoài. Cún đương sửng sốt thì một con chim trong ruộng lúa bay vụt lên trời, kêu từng hồi một: “Mùa xuân! Mùa xuân đã tới!”.
Mùa xuân? Cún không hiểu là gì cả. Cún trở về nằm sưởi nắng trong sân. Cún lim dim mắt thấy trong người mình rộn rạo, hình như máu chảy mạnh hơn. Cún đâm mơ mộng. Cún mơ màng những phương trời xa lạ. Cún nhớ lại cài mùi thơm của đất ngoài đồng nội. Cún nhớ đến những con châu chấu, cào cào mặc áo xanh, áo đỏ bay trong ruộng lúa mỗi khi Cún tuôn vào. Cún muốn mình cũng mọc ra hai cánh để bay, bay đi từng quãng một, đến khắp mọi nơi.
Cún buồn quá, Cún muốn châm chọc hết cả mọi người, mọi vật ở quanh mình. Thấy ai đi qua, Cún cũng ôm lấy chân và gặm đùa cho một miếng. Cún chạy như điên ra đường cái, rồi lại quay vào. Cún thấy những con ong trong bụng nhà bay tán loạn đi tìm hoa. Cún tò mò đi lại gần tổ chúng mà trêu ghẹo. Cún vẫn cho bọn chúng là một bọn ruồi vô hại, chỉ biết có tìm hoa và làm mật. Cún lấy chân đạp mấy con đương canh phòng trước cửa. Tức thì, một bọn xông ra đốt Cún tối tăm mặt mũi. Cún xuýt xoa kêu váng cả lên. Đêm đến, Cún nhớ lại những điều trông thấy ban ngày. Cún cho cái mùa xuân là một mùa lạ lùng hết sức. Hoa, cỏ bỗng dưng thay màu đổi lốt. Loài vật và người thì ca hát như hóa dại. Còn những con ruồi tự nhiên lại có răng cắn được người ta.
Mùa xuân tới cũng đã làm cho Cún khác. Một sức lực mới chạy trong thân thể Cún. Cún muốn được tự do chạy nhảy trên những con đường dài có bụi bay trắng xóa. Cún thấy chán cuộc đời của mình bên cạnh Mèo đen, bên cạnh vợ chồng chủ trại. Cún chán những cảnh trông thấy hằng ngày. Nhưng đôi khi, Cún lại bảo thầm:
- Mày còn lạ gì những nỗi khổ dọc đường hả Cún? Mày có một nơi yên lành, sung sướng đến thế còn đòi gì hơn nữa. Mày dại dột thì mày sẽ khổ, Cún ơi sẽ khổ…
Song, những đêm thức canh khu trại rộng mênh mông, nghe gió từ phương xa lại rít trong những cành cây, Cún tuy vậy vẫn ao ước một cuộc đời đi chơi kỳ thú.
Khi người ta đã làm được những sự phi thường như Cún thì ở chết mãi một nơi là một điều hèn. Bây giờ, ngày đêm Cún chỉ còn nghĩ vậy. Nhưng vốn không cương quyết, Cún cứ chờ dịp mãi. Sau cùng, đó là một con chó khác đến rủ rê Cún cùng đi.
Con chó tên là Vàng, một con chó không có chỗ ở nhất định, đến nơi nào cũng có thể sống được rất trơ tráo và la liếm.
Vàng gặp Cún trong khi Vàng đi qua cổng trại chực bắt gà. Vừa trông thấy Cún, hắn sán lại gần nịnh nọt:
- Chào anh, tôi vẫn thường được nghe nói đến anh ở vùng này. Ông thực là tài giỏi, tôi rất phục.
Cún sung sướng không trả lời và ngây người đứng ngắm Vàng.
Vàng cao gấp hai lần Cún, mõm nhọn, tai vểnh lên cứng thẳng, lông thì vàng nhạt, nhưng có lẽ vàng vì bụi thì nhiều hơn. Bốn chân Vàng to thô, gân guốc. Cún rụt rè, có ý không tin những lời tán tụng của Vàng.
- Anh là ai vậy? Anh muốn hỏi gì tôi?
- Tôi là Vàng “giang hồ” đây. Nội vùng này, ai làm gì mà tôi chẳng biết. Tôi rất phục anh. Ta đi chơi nói chuyện với nhau một lát.
Cún đi theo Vàng đến chỗ gốc cây đa râm mát đầu làng. Vàng dừng lại đấy và kể lể:
- Tôi là dòng dõi một giống cho săn khỏe nhất. Bởi vậy tôi chẳng sợ gì ai cả. Tôi sống một mình. Nghĩa là tôi chỉ rong chơi thôi, chẳng phải làm ăn gì cả.
Chỉ rong chơi thôi mà cũng có ăn, mà chẳng bị ai bó buộc, muốn đi đâu thì đi, cuộc đời như vậy thực đáng thèm thuồng.
- Như thế thì cậu sung sướng thực!
Vàng được dịp gạ ngay:
- Nhưng mà đi một mình mãi cũng buồn. Giá được một bạn đồng hồng can đảm như anh thì thú quá. Anh có muốn đi cùng với tôi chăng?
Liếc mắt coi chừng Cún đã liêu xiêu, Vàng lại nói thêm:
- Anh đi với tôi thì không còn phải lo ngại điều gì nữa. Ngay đêm nay, chúng ta sẽ lên đường. Lúc nào nghe tiếng tôi sủa ngoài cổng trại, anh cứ lẳng lặng theo tôi.
Cún trả lời, yếu đuối:
- Vâng… đêm nay, tôi sẽ đợi…
- Nhưng, trước khi đi, anh phải vào bếp xem có cái gì ăn được thì liệu tha đi làm lương thực chứ ?
Như vậy là ăn cắp! Như vậy là ăn cắp phải không? Trong tai Cún vang lên câu hỏi ấy cho đến khi trở về nhà. Nhưng tiếng gọi của phương xa vẫn giục giã, mặc dầu Cún đã nghĩ đến cái lần đầu trong đời ăn vụng cá, bị đuổi đi một cách thực nhục nhã.
          Tuy thế, khi trời đã tối, nghe chừng trong bếp không còn ai nữa, Cún lẻn vào ngoạm lấy cái chân giò lợn chạy ra đường đợi bạn. Vàng gừ lên một tiếng báo hiệu ở đằng xa. Cún theo hút cùng ra đi khỏi trại, dáng điệu đúng như hai kẻ bất lương.
Được một quãng xa, Vàng rẽ vào một rừng cây bên đường bảo Cún:
- Đưa cái chân giò tôi ăn một miếng. Tôi sẽ để phần anh một nửa. Anh có mệt thì ta nghỉ ở đây, sáng mai sẽ đi xa hơn. Đến đây thì thực chẳng còn ai tìm ra chúng ta được nữa.
Cả đêm, Cún lắng nghe những tiếng động rất đáng lo ngại ở trong rừng. Cún không ngủ được, cũng không buồn ăn nữa. Những tiếng chồn cáo đuổi nhau lạt xạt trong bụi rậm. Những tiếng chim lợn và chim cú réo gọi nhau trên cành cao. Những tiếng chân thỏ rừng giẫm trên cành khô, tiếng rắn rết bò quanh đâu đấy, làm cho Cún hoang mang cả đầu óc. Nhưng còn Vàng thì Vàng rất thản nhiên. Vàng vừa gặm xương vừa rít lên coi bộ ngon lành lắm. Vàng giống một kẻ chết đói đã lâu ngày mới lại vớ được mồi ngon, nên quên cả rằng mình đi với bạn.
Lúc mặt trời lấp ló ở chân đồi thì Vàng đánh thức Cún để lại lên đường. Bây giờ Cún mới thấy mình đói bụng. Nhìn cái chân giò chỉ còn trơ cái xương không. Cún gặm nhấm miếng xương một hồi lâu, càng khiến cho bụng mình xót như cào. Cún chợt hiểu rằng Vàng không phải là một kẻ tốt. Cún đương nghĩ vậy thì một người kiếm củi ném cho Cún một hòn đá vào lưng. Tức thì Vàng dẫn Cún chạy qua đường “cỏ cháy”. Con đường khuất nẻo, đầy lau lách, lá sắc như dao đâm tua tủa vào mình Cún. Con đường bí mật ấy chỉ có những kẻ gian phi trộm cướp hay qua lại mà thôi. Có lẽ một đêm nào đấy, một bọn cướp đã đi qua, và nghỉ chân chia của với nhau ở chỗ này. Có lẽ chúng hút thuốc hoặc thổi nấu gì ăn, nên lửa bắt cháy sém cả một quãng đường cỏ gianh và lau sậy.
- Chúng ta đi về đâu thế này, Vàng? Cún nhọc mệt lo lắng hỏi.
- Chúng ta đi săn xem có gì ăn sáng được không. Gần đây, có con mụ tư Huề vẫn làm nghề kiếm củi, nhà nó thường bỏ vắng, thỉnh thoảng cũng có một nồi tép kho ăn tạm được.
Cún nghe vậy lại càng hiểu Vàng rõ hơn. Thì ra, cái đời tự do của Vàng chỉ là một đời tự do bất chính. Vàng lẩn lút mà đi, Vàng ăn cắp mà ăn. Vàng còn làm gì nữa?
Đây này, Vàng đang dừng bước và rón rén đi theo một con gà rừng, y chừng để ý xem ổ trứng nó ở đâu. Đích thực rồi! Vàng ra hiệu cho Cún là Vàng sẽ tiến lên. Vàng sẽ chộp lấy một con chim non mới ra ràng vừa ngửng đầu lên miệng tổ làm trong cỏ rậm. Con chim đương ngơ ngẩn tìm mẹ.
Thế là xong, Vàng nhai nát đầu con chim nhỏ. Cún buồn rầu cúi đầu xuống, và tuy đói, Cún cũng không muốn tranh cướp làm gì một cái mồi mà Vàng đã giết một cách dã man như vậy. Cún lẳng lẳng đi đến dưới một gốc cây gạo lớn. Cún nằm lì ở đấy không đi nữa. Cún nhìn chung quanh một cách lo ngại và thảm đạm. Cún nhớ nhà, nhớ cái chỗ vẫn nằm ấm áp trong trại ông năm Bính. Cún nhớ vợ chồng ông và những người làm ruộng. Cún nhớ cả Mèo đen, tuy Mèo đen vẫn ác cảm mới mình. Kể ra Mèo đen còn có tư cách hơn Vàng nhiều lắm. Bây giờ, Cún đã tự do rồi, tự do như Vàng vậy. Cún muốn làm gì thì làm. Nhưng đó không phải là cái tự do mà Cún thường mơ ước.
Cún thích đi đây, đi đó, cho rộng tầm hiểu biết cuộc đời. Còn cái tự do của Vàng chỉ là cái tự do của những kẻ lúc nào cũng phải trốn tránh những hòn đá, những chiếc gậy bất thình lình ném vào lưng. Vậy mà Cún đã nghe theo một kẻ chỉ trông bề ngoài cũng đủ biết là phường không lương thiện. Cún đã đi theo một kẻ đã xui Cún ăn cắp, giết hại và lẩn lút như những đồ hèn hạ.
Cún mệt và buồn. Nhưng dẫu sao, đó cũng là một sự từng trải thêm cho Cún.
Buổi chiều hôm sau khi mặt trời sắp lặn, khi những con chim sẻ còn ríu rít trò chuyện với nhau trong những cành cây trước cổng trại thì Cún đã bỏ Vàng để trở về. Ông năm Bính và vợ lúc đó đương ăn cơm trông thấy Cún lù lù cụp tai bước vào sân thì bỏ đũa reo lên:
- Bà nó trông! Tôi biết thế nào nó cũng về mà. Vào đây con! Đi đâu suốt hai hôm nay như vậy hử con?
Giọng nói ấm áp làm cho Cún muốn khóc lên rưng rức. Nhưng khi Cún trông thấy mọi người đầy đủ thì vui mừng quá, quên cả khóc. Cún vẫy đuôi rối rít chạy lại gần bà năm Bính. Bà đặt bát xuống mâm, đập khẽ vào đầu Cún mà cười:
- Ông này, không biết nó ở xó nào ra mà lấm như ma vùi thế này.
Những người nông dân ngồi chung quanh cũng nói xen vào:
- Dễ thường mùa xuân đến, con này muốn lấy vợ đấy. Ông bà cưới vợ cho nó!
Cả nhà cười váng lên, vui vẻ quá. Một bát cơm do tay bà Năm trộn đầy thịt cá đưa ra tước mõm anh chàng vừa bỏ nhà về. Cún chưa bao giờ thấy mình ăn một bữa ngon lành như hôm đó.
Một hôm, bà năm Bính đi chợ tỉnh về dắt theo một con chó cái đẹp và béo tốt. Cả trại trông thấy vậy đều reo mừng. Mọi người đều hiểu: đó là cô dâu mới. Cô dâu ấy sẽ là bạn trăm năm của Cún, Cún con nuôi ông bà năm Bính, Cún vị anh hùng đã bắt trộm tài tình, đã cứu vợ chồng ông năm Bính thoát khỏi lưỡi dao nguy hiểm của gian phi.
Những chuyện li kỳ khác về Cún nhiều lắm, không ai nhớ hết.

Bây giờ Cún đã già rồi.
Cún cũng đã có con. Mỗi lúc nằm ngoài sân sưởi nắng lim dim đôi mắt nhìn đám con nhỏ chơi đùa quanh quẩn bên mình, Cún hồi tưởng lại quãng đời thơ ấu đầy gian nan của mình. Và Cún lấy làm cảm động.
Những đứa con của Cún sẽ lớn lên, sẽ ra đời, sẽ trải qua nhiều điều sung sướng và gian khổ. Cũng như những người cha nhiều kinh nghiệm, Cún muốn tránh cho chúng những bước không hay. Bởi vậy, nhiều lúc chơi giỡn cùng con nhỏ, khi vui vẻ, Cún thường kể lại đoạn đời của mình từ lúc mở mắt chào đời trong gian bếp nhà bà cả Lê:
- Ngày xưa… ta là một đứa con ốm yếu, xấu xí nhất nhà. Ta là đứa thứ năm, đứa đẻ sau cùng. Cún số 5…

Thanh Châu

(Theo Cún số 5, Nxb Kim Đồng, 1959)





1 nhận xét: