Thứ Tư, 3 tháng 6, 2020

KINH NGHIỆM LÀM VĂN MIÊU TẢ CỦA PHẠM HỔ






Nhà văn Phạm Hổ (1926 – 2007) có nhiều ảnh hưởng đối với ngành giáo dục. Bên cạnh tác phẩm thơ truyện, ông còn biên soạn cho nhà trường một số cuốn sách tham khảo về cảm thụ văn học và kỹ năng làm văn. Một trong những đóng góp của ông, đó là chia sẻ kinh nghiệm về làm văn miêu tả, làm sao viết được bài văn hay để người đọc tiếp nhận một cách thích thú. 

Toàn bộ ý kiến của ông về văn miêu tả được trình bày trong cuốn sách Văn miêu tả và kể chuyện, xuất bản lần đầu vào năm 1991, tái bản năm 1998 với số lượng lớn (1). Ở cuốn sách này, cùng với bài tiểu luận Văn miêu tả và kể chuyện, Phạm Hổ còn viết lời bình cho 67 đoạn văn do chính ông tuyển chọn. 

Miêu tả là một nghệ thuật sáng tạo đầy thử thách, thể hiện tài năng của người viết và kiến tạo sức hấp dẫn cho tác phẩm. Từ góc độ người sáng tác, Phạm Hổ thấy rõ những khó khăn mà học sinh gặp phải trong quá trình học làm văn miêu tả. Để dễ hiểu, ông chọn cách trình bày vấn đề gọn rõ, theo lối “nói có sách, mách có chứng”. Những câu văn, đoạn văn ông sử dụng minh họa đều tiêu biểu, phù hợp với tầm hiểu biết của người đọc. Có thể nói, sự hài hòa giữa phong cách nghệ sĩ và nhà giáo đã làm nên giá trị lâu dài cho các bài viết của Phạm Hổ về văn miêu tả. Trong bối cảnh đổi mới chất lượng dạy học làm văn hiện nay, việc trở về tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm miêu tả của Phạm Hổ (cũng như các nhà văn khác) là rất cần thiết, ý nghĩa. 

Vậy Phạm Hổ đã bàn gì về văn miêu tả? 

Trước hết, nhà văn đưa ra quan điểm về miêu tả. Ngay đầu bài tiểu luận, ông viết như sau: “Miêu tả giỏi là khi ta đọc những gì chúng ta viết, người đọc như thấy cái đó hiện ra trước mắt mình: một con người, một con vật, một dòng sông… Người đọc còn nghe được cả tiếng nói, tiếng kêu, tiếng nước chảy. Thậm chí còn ngửi thấy được mùi mồ hôi, mùi sữa, mùi hương hoa hay mùi rêu, mùi ẩm mốc… Nhưng đó mới chỉ là miêu tả bên ngoài. Còn có sự miêu tả bên trong nữa, nghĩa là miêu tả về tâm trạng vui, buồn, yêu ghét của con người, con vật và cả cỏ cây”(tr.9). Đoạn văn trên cho thấy cách hiểu về miêu tả của Phạm Hổ thống nhất với quan niệm chung, phổ biến xưa nay. Đóng góp của ông là đưa ra khái niệm miêu tả bên ngoài và miêu tả bên trong giúp cho người đọc dễ ghi nhớ, chú ý hơn nữa tới phương diện bên trong khi miêu tả một đối tượng nào đó. 

Ở một đoạn văn khác, ông nhấn mạnh tới yêu cầu “người viết phải tìm ra cái mới, cái riêng”(tr.11). Theo ông, cái mới, cái riêng là tiêu chuẩn, là đích đến của nghệ thuật, thể hiện “bắt đầu từ trong những quan sát khi miêu tả. Rồi sau đó mới tiến đến (…) trong tình cảm, trong tư tưởng…”(tr.12). Cố nhiên, “cái mới, cái riêng ấy phải gắn với cái chân thật”(tr.12). Như vậy, miêu tả là khắc họa, là làm cho chân dung đối tượng hiện ra một cách cụ thể, sinh động và biểu cảm. Nói cách khác, miêu tả trong văn chương có nhiệm vụ tái hiện sự vật, con người bằng tất cả hiểu biết và cảm xúc của người nghệ sĩ. Theo đó, đối tượng miêu tả sẽ hiển hiện lên trang giấy gắn liền với ấn tượng riêng của nhà văn, khiến cho nó không bị hòa lẫn hay nhạt nhòa đi bên cạnh những miêu tả tương tự khác. 

Trong miêu tả, nhà văn đề cao vai trò của quan sát. Theo ông, “muốn miêu tả hay, phải tập quan sát, phải có công quan sát”(tr.13). Dẫn chứng cho điều này, ông nhắc tới cách quan sát của nhiều nhà văn trong và ngoài nước như Tô Hoài, Đoàn Giỏi, V.Hugo, Maiakovski… Mỗi người đều chọn cho mình những điểm nhìn riêng, do đó, thu nhận được những kết quả rất thú vị. Chẳng hạn, cùng nhìn lên bầu trời đầy sao, văn hào V.Hugo thấy như “một cánh đồng lúa chín”, còn Maiakovski thì đó là “những giọt nước mắt của người da đen”(tr.11). Gần gũi hơn, đó là kết quả quan sát chiếc lá vàng mùa thu của các em học sinh ở Câu lạc bộ Văn học (Cung thiếu nhi Hà Nội) do nhà văn trực tiếp phụ trách. Ông cho biết rất thích kết quả quan sát này: “Gió mùa thu rủ lá vàng, bay vào trong nắng, đi lang thang…”. Theo ông, đó là một quan sát tốt vì vừa tả được cái bên ngoài vừa nói được cái bên trong cũng như cảm nghĩ của người viết, “bay thì là lá, còn đi thì như là con người!”(tr.15). Như vậy, để giải phóng học sinh ra khỏi tình trạng miêu tả sách vở (tức sao chép văn mẫu), nhà trường cần gia tăng hình thức học tập trải nghiệm, đề cao các thu nhận thực tế của các em. Cố nhiên, phải rèn tập cho các em kỹ năng quan sát, cách tiếp cận sự vật hiện tượng, đồng thời huy động được vốn sống tham gia vào cảm thụ đối tượng miêu tả. 

Về cách viết, Phạm Hổ cũng có những chia sẻ rất thiết thực. Ở nội dung này, ông lưu ý các em học sinh ba điều. Thứ nhất, đó là không nên viết lan man dông dài, vì tiêu chuẩn cao nhất của nghệ thuật là nói ít, gợi nhiều. Để làm được điều đó, các em nhất thiết phải “tìm hiểu và quan sát thật kỹ, nắm bắt cho được cái thần, cái hồn, cái dáng vẻ đặc biệt của con người, con vật, hoa trái… mà ta tả”(tr.15). Thứ hai, cần đặt đối tượng miêu tả vào trong các mối quan hệ vốn có của nó, bao gồm quan hệ với bên ngoài và quan hệ với chính mình. Chính từ các mối quan hệ đó, các em sẽ thấy được đối tượng miêu tả của mình một cách phong phú nhất. Như vậy, các em không còn sợ bị lâm vào tình trạng viết ngắn, hay không có gì để miêu tả. Thứ ba, cần chú ý sử dụng các biện pháp tu từ, nhất là nhân hóa và so sánh, để làm cho câu văn có hình ảnh, nhạc điệu và biểu cảm. Sự sáng tạo cái mới, cái riêng được thể hiện một phần từ những câu văn như thế. 

Như đã nói ở trên, trong cuốn sách Văn miêu tả và kể chuyện, Phạm Hổ có tới 67 lời bình về các đoạn văn hay của nhà văn Việt Nam và thế giới. Trong các lời bình đó, ông luôn chỉ ra cái hay của tác giả về quan sát, về cảm thụ hay về ngôn ngữ. Chẳng hạn, bình đoạn văn Mùa nước ngập, ông chỉ ra cái đặc sắc của ngòi bút Nguyễn Quang Sáng là miêu tả rất cụ thể; còn với Tập ném lao bắt cá của Nguyễn Thị Cẩm Thạnh lại nằm ở việc sử dụng chi tiết … Trong khi bình, ông hay sử dụng những câu văn có xưng hô trực tiếp, như: “Miêu tả cần cụ thể là như vậy đấy, các em!”(tr.57), “Xin lưu ý các em thêm mấy nét tương phản này nữa”(tr.117), “Miêu tả hay kể chuyện vì vậy đều rất cần có chi tiết. Chi tiết càng mới, lạ và mang rõ nét riêng trong quan sát, trong cảm nghĩ của người viết thì càng quý các em ạ”(tr.157)… Cách làm này tạo nên mối quan hệ tương tác thân mật giữa nhà văn và bạn đọc, góp phần gia tăng sức thuyết phục cho các lời bình của Phạm Hổ. 

Tóm lại, bài tiểu luận cũng như các lời bình là những chia sẻ của nhà văn Phạm Hổ về kinh nghiệm làm văn miêu tả với giáo viên và học sinh tiểu học cũng như trung học cơ sở. Những kinh nghiệm ấy được nhà văn đúc kết từ chính trải nghiệm của bản thân và đồng nghiệp, thực sự là tài liệu bổ sung sinh động về lí thuyết văn miêu tả, có giá trị tham khảo lâu dài. Trong bối cảnh dạy học văn miêu tả hiện nay, nhà trường nên trở lại, khai thác mạnh mẽ hơn nữa kinh nghiệm sáng tác mà các nhà văn đúc kết được qua thực tiễn sáng tạo. Đó chính giải pháp giúp học sinh thoát dần tình trạng sao chép văn mẫu, vươn tới cách làm văn có văn… 

Lê Nhật Ký 


(1) Các trích dẫn trong bài được dựa vào Văn miêu tả và kể chuyện, bản in năm 1998, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 

(Bài đã đăng trên Tạp chí Thế giới trong ta, số tháng 4/2020).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét