Thứ Hai, 18 tháng 7, 2016

SỰ TÍCH VẾT RẠN TRÊN MAI RÙA






(LNK). Không chỉ giải thích đặc điểm tự nhiên của loài vật, truyện này còn hàm chứa bài học về giao tiếp: Lịch sự là cần thiết nhưng phải đúng lúc, đúng nơi...


Ngày xưa, Rùa và Khỉ là đôi bạn thân thiết. Mặc dù tính cách rất khác nhau, một đằng chậm chạp, hiền từ, một đằng nhanh nhẹn, lém lỉnh; một đằng sống ở mặt đất, một đằng sống ở trên cây… nhưng điều đó không gây ngăn trở lòng quý trọng và sự thuỷ chung giữa chúng với nhau. 

Một hôm, nhà Khỉ có cỗ. Bà con, bạn bè xa gần của Khỉ đều đã có mặt đông đủ, riêng còn Rùa, chờ mãi vẫn không thấy đến. Vợ chồng nhà Khỉ rất nóng lòng, cứ leo lên, leo xuống để trông chừng. 

Đến quá trưa, Rùa mới lịch kịch bò đến. Khỉ đực vội vã tụt xuống gốc cây đón Rùa và bảo Rùa ngậm chặt đuôi mình để Khỉ đưa lên trên nhà. Rùa vui vẻ làm theo. Khi lên gần đến nơi, Rùa thấy khách khứa đông đúc, nói chuyện ầm ĩ, dáng chừng đang chờ đợi mình. Thấy Rùa đến, họ hàng Khỉ xô ra chào hỏi rối rít. Rùa theo thói quen sống ở dưới đất, quên phắt rằng mình đang ngậm vào đuôi Khỉ để lên cao, há miệng chào đáp lễ mọi người. Thế là uỵch một cái, Rùa rơi từ ngọn cây cao xuống dưới đất làm cho chiếc mai bị vỡ thành nhiều mảnh. 

Và cho đến ngày nay, con cháu của Rùa vẫn mang những đường rạn nứt trên chiếc mai. Đó là dấu vết của tổ tiên chúng để lại. 

Truyện dân gian Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét