Chủ Nhật, 7 tháng 1, 2018

CON NGƯỜI BIẾN DẠNG HAY SỰ TRỪNG PHẠT TRONG CÂU CHUYỆN “ÔNG LÃO ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ VÀNG”



(Đọc truyện cổ tích “Ông lão đánh cá và con cá vàng”của A. Pu-skin, dựa theo bản dịch của Vũ Đình Liên và Lê Trí Viễn)

Từ một câu chuyện dân gian Nga, Đức, sang thế kỉ 19, Ông lão đánh cá và con cá vàng được đại thi hào Pu-skin sáng tạo với tất cả sự mới mẻ của nó trên mọi phương diện. Tìm hiểu truyện cổ tích Ông lão đánh cá và con cá vàng của Pu-skin, ta nhận thấy tác giả đã gửi gắm trong đó một triết lí nhân sinh sâu sắc và thấm thía.

Gần hai trăm năm tồn tại, tác phẩm đã đi vào lòng người bởi sức hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện độc đáo của Pu-skin. Chính tài năng đó đã tạo sự cuốn hút nhiều đối tượng nghiên cứu, và đó cũng là lí do nảy sinh những ý kiến khác nhau. Trong các nhân vật chính của truyện, sự tham lam, độc ác của mụ vợ ai cũng nhận thấy. Nhưng nhân vật ông lão, qua các tầng lớp tiếp nhận cũng như tài liệu định hướng giảng dạy trong nhà trường được coi là đại diện cho lòng tốt,cho cái thiện (Sách giáo viên Ngữ văn lớp 6-tập 1, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, giáo sư Nguyễn Khắc Phi làm tổng chủ biên); hay nhân vật ông lão tiêu biểu cho cái thiện, nhân hậu và tốt bụng (sách Ngữ văn nâng cao lớp 6, nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, tác giả Nguyễn Đăng Điệp, Đỗ Việt Hùng, Vũ Băng Tú), như thế phải chăng còn cảm tính, phiến diện trong đánh giá? Trong cách hiểu chưa đồng thuận, thống nhất ấy, ở góc độ người tiếp nhận đang tìm con đường lí giải phù hợp để thấy ẩn ý của tác giả gửi gắm trong tác phẩm. 

Đến với Ông lão đánh cá và con cá vàng, nhìn nhận nhân vật ở tổng thể hoạt động của nó trong việc phân tích các chi tiết, sự việc vừa mang đặc trưng của truyện dân gian lại vừa thể hiện cá tính sáng tạo của Pu-skin để tìm hiểu một cách khách quan về các đặc điểm, hiện tượng nhân vật trong truyện. Từ kết cấu truyện cũng như các nhân vật, tình tiết đều nằm trong mối liên quan, ảnh hưởng lẫn nhau, vì thế khi tìm hiểu nhân vật, sự việc này là cũng để soi chiếu vào nhân vật, sự việc kia. 

Nhìn nhận trên nhiều bình diện về các nhân vật chính của truyện, ta thấy một sự lộ diện bản chất của mụ vợ- kẻ cơ hội, và ông lão- kẻ hèn nhát, thiếu chính kiến bị điều khiển, lợi dụng.

Vợ ông lão, một người đàn bà cơ hội, vụ lợi, có lòng tham vô đáy. Bà vốn là người chăm chỉ, cam phận với cuộc sống thiếu thốn, không có đòi hỏi nào vượt quá giới hạn đời sống thực tại. Nhưng một cơ hội đã đến quá dễ dàng, bản năng thực dụng trỗi dậy và bà ta trở nên tham lam, độc ác, tàn nhẫn. Mụ vợ ông lão vô cùng ghê gớm, nhưng chỉ là cái ghê gớm của kẻ chộp lấy cơ hội một cách bản năng, so với kẻ thủ đoạn có ý thức tự tạo ra cơ hội, chiếm lĩnh cơ hội để trục lợi thì sự ghê gớm ấy chưa thấm vào đâu. Mụ vợ phải gánh chịu hậu quả và tự chịu trách nhiệm trước hành động tham lam của mình. Nhưng giá như ông lão không tạo điều kiện thì người đàn bà ấy làm sao có cơ hội lộng hành để rồi dẫn đến kết cục bi đát như thế? Chủ nghĩa cơ hội là mặt tiêu cực, bùng phát hay không do quan niệm, ý thức sống cá nhân của mỗi người. Cũng như mụ vợ, sự thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần là điều dễ thấy trong cuộc sống con người, vì thế lòng tham cũng có thể bùng phát bất kì lúc nào. Nên chăng nhìn vào bài học tự trói mình của người đàn bà có lòng tham không đáy để cảnh giác, dè chừng, đó cũng là cách bảo vệ chính bản thân và làm cho cuộc sống thiện lương hơn. 

Nếu như mụ vợ đáng bị lên án thì bản thân ông lão không thể người ngoài cuộc. Ở góc độ tiếp nhận, ta nên khám phá tác phẩm một cách hệ thống từ các tình tiết, sự việc bằng cái nhìn xâu chuỗi, tổng quát để tìm ra đặc điểm chính của nhân vật. Đầu tiên, ông lão đã có biểu hiện của sự nhân từ. Trước lời kêu van của cá vàng: Ông sinh phúc thả tôi trở về biển, tôi sẽ xin đền ơn ông, ông muốn gì cũng được, ông đã thả cá thật vô tư :Ta không đòi gì cả, ta cũng chẳng cần gì. Một tương lai tốt đẹp hiếm thấy mở ra trước mắt của con người suốt đời chịu cảnh chật vật, thiếu thốn, nhưng ông lão đã cự tuyệt (Trang sách như ngưng lại trong sự thán phục, ngưỡng mộ của độc giả!). Nhưng tiếc rằng điều đáng trân trọng, đáng quý ấy của ông lão chỉ tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn tính từ thời điểm bắt được cá vàng rồi rời biển trở về nhà. Đúng lúc này, ta nhận thấy mạch truyện bắt đầu thay đổi, chuyển hướng. Câu chuyện được cá và thả cá đã mở rộng thêm đối tượng mụ vợ, và cũng từ đây xuất hiện tính hai mặt của vấn đề, đó là ngay sau khi về nhà, trước đòi hỏi của mụ vợ, không làm chủ được bản thân, ông trở ra biển đòi cá vàng đền ơn. Như thế, ông đã trực tiếp trao cơ hội cho một kẻ tham lam, đó chính là mầm mống tai họa do tự ông gieo nên.

Ông lão luôn được coi là người nhân hậu qua hành động thả cá vàng không cần đền ơn. Nhưng nếu như sự việc thả cá chứng tỏ ông lão là người nhân hậu thì hành động trở ra biển theo yêu cầu của mụ vợ lại cho ta thấy sự tốt bụng của ông chỉ được thực thi khi nằm ngoài vòng kiểm soát. Thử lật lại vấn đề: Khi cá vàng van xin, nếu có sự xuất hiện của mụ vợ (hay áp lực tương tự như thế) thì điều gì sẽ xảy ra? Hẳn lúc ấy, một là ông thoái thác việc ấy cho mụ vợ tự giải quyết, hai là không từ chối việc cá vàng trả ơn, ba là ông sẽ xin xuống đại dương sống cùng cá vàng khi không vượt qua lực cản trong thực tế(!?)... 

Điều này hoàn toàn có lí bởi ông là người thiếu bản lĩnh, thiếu chủ kiến, dễ dàng đánh mất lòng tự trọng của con người, phản bội chính bản thân mình đến nỗi trong khi đã khước từ sự đền ơn của cá vàng mà vẫn hèn nhát chấp thuận vô điều kiện trước đòi hỏi của mụ vợ. Không chủ ý nhưng đó chính là hành động tiếp tay, tạo kẽ hở đầu tiên cho kẻ cơ hội lộng hành để mụ vợ leo thang từ thấp đến cao, từ vật chất đến quyền lực một cách quá thuận lợi. Dù gián tiếp, nhưng là kẻ đang nắm trong tay quyền hạn, vậy sao ông dễ dàng “cho” một cách bừa bãi như thế ? Tại sao khi lòng tham của mụ vợ trỗi dậy, ông lão không tìm cách ngăn chặn; hay là tìm cách phân giải để mụ nhận thức đúng sai, thay đổi suy nghĩ theo chiều hướng tốt lên; hoặc là đấu tranh không thỏa hiệp trước sự đòi hỏi của mụ? Thực chất, lòng tốt của ông lão chỉ là sự mủi lòng trong biểu hiện thả cá chứ chưa thể hiện cội rễ bản chất của nó một cách đúng nghĩa là ngăn chặn, đấu tranh trước cái xấu.

Có quyền hành trong tay, do vô ý thức dẫn đến sai lầm trong việc tạo cơ hội cho mụ vợ đạt mục đích, ông lão trở thành kẻ nô lệ bị điều khiển; thất thế quay lại làm kẻ tay sai bợ đỡ, nịnh nọt. Thật thê thảm, xót xa trong bộ dạng tiều tụy, khom mình của lão như một sự trừng phạt: Kính chào phu nhân...Kính chào nữ hoàng...Đó phải chăng là cái giá phải trả cho kẻ có quyền hạn đã hèn nhát, vô trách nhiệm trong việc ban phát bừa bãi để tạo cơ hội cho lòng tham, cái ác lộng hành? Trong mỗi lần đòi hỏi của mụ vợ và sự chấp nhận của ông lão, trước khi ra gặp cá vàng, cảnh biển đã luôn luôn thay đổi, ngày càng dữ dội. Nghệ thuật tăng tiến đầy dụng ý trong sáng tạo của Pu-skin đã thể hiện sự phẫn nộ của biển cả trước đòi hỏi ngày càng tăng của mụ vợ và sự tiếp tay của ông lão cho lòng tham và cái ác.

Mụ vợ tham lam, ông lão hèn nhát, nhu nhược tạo cơ hội, tiếp tay cho cái ác lộng hành, chính những hành động này đã nhồi nặn con người đến mức biến dạng và trở nên sa thoái, băng hoại về đạo đức. 

Muốn gì cũng được, nắm quyền trong tay, giá như ông lão có chủ kiến, không dễ dãi đánh mất mình, không tạo cơ hội cho mụ vợ đòi hỏi bắt đầu từ cái máng? Phải chăng sự trỗi dậy bắt đầu từ cái “được” nhỏ nhặt ấy là nguy cơ, tai họa bùng phát cuồng tham của kẻ cơ hội? Nếu như ông lão không tạo điều kiện cho mụ vợ thỏa mãn yêu cầu ngày càng cao thì liệu mụ vợ có đến nông nỗi như thế hay không? Ai ngờ rằng chỉ một áp lực nhỏ ông đã dễ dàng biến mình thành tay sai để hủy hoại người khác và ngay cả bản thân mình. 

Sự biến dạng của mụ vợ là hệ quả từ sự nhu nhược, hèn nhát, thiếu bản lĩnh sống của ông lão. Dù vô ý thức, nông cạn hay thiếu bản lĩnh trước cuộc sống thì ông lão cũng phải chịu trách nhiệm trước sự tha hóa, biến chất của mụ vợ. Còn sự biến dạng của bản thân ông lão, ông tự chuốc lấy từ trong cái vô thức của cách sống bản năng tự đánh mất cả bản thân mình, đó là sự trừng phạt tất yếu. Sự biến dạng của mụ vợ được phanh phui trần trụi, trở thành nỗi ám ảnh ghê sợ trong tiềm thức người đọc như một điều tồi tệ đáng phỉ nhổ. Nhưng tiếc thay, sự méo mó, què quặt của tâm hồn ông lão, trong nhận thức nhiều người vẫn được ngợi ca là tiêu biểu cho cái thiện, lòng tốt, phải chăng đó là cách nhìn nhận cảm tính, phiến diện cần suy ngẫm!

Một sự trừng phạt thật nghiệt ngã và đau đớn trong cuộc sống khôn lường. Đôi vợ chồng già trong điều kiện khó khăn về vật chất, trước thách thức không gian, thời gian vẫn sống bình thường, cam phận. Vậy mà lên lão, chỉ một tình huống xảy ra trong cuộc sống, thiếu suy nghĩ tỉnh táo đã đánh mất đi bản ngã con người để rồi cả hai đều phải gánh chịu bi kịch. Câu chuyện thức dậy trong ta ý thức sống cá nhân, mỗi con người phải luôn tự chịu trách nhiệm về chính bản thân mình. Lòng tham, cái ác và sự nhu nhược, hèn nhát để kẻ khác điều khiển, lợi dụng, cả hai đều đáng bi phê phán, lên án một cách nghiêm khắc. Phải chăng đó là bài học sâu sắc, là ý thức cảnh tỉnh trong cuộc sống để khi soi mình vào đó ai cũng phải sửng sốt, giật mình?

Còn nhân vật cá vàng, càng theo dõi, càng suy ngẫm, càng thấm hiểu về cách phân xử thâm sâu trong diễn biến câu chuyện.

Tại sao mụ vợ ngày càng tham lam, độc ác mà cá vàng vẫn đáp ứng yêu cầu tột đỉnh của trần gian, không cho mụ điểm dừng ở những đòi hỏi trước đó? Hoặc là tiếp tục thỏa mãn khi mụ muốn làm Long vương, nơi vượt quá giới hạn con người? Cá vàng, biểu hiện của cán cân công lí luôn thể hiện đúng chức năng của mình một cách có ý thức. Trực tiếp nắm quyền hành trong tay, cá vàng đã biết hành động rất đúng lúc, đúng chỗ trong việc cố ý cho mụ hưởng thụ tận cùng vật chất, quyền lực để rồi từ điểm rơi ở vị trí cao nhất xuống chỗ xuất phát với sự gặm nhấm đau đớn nỗi tuyệt vọng. Mụ trở về như xưa, chỉ là sự định vị trong không gian, giống nhau về hiện tượng nhưng mặt bản chất đã hoàn toàn thay đổi. Nếu trước đây mụ chăm chỉ quay tơ dệt vải trong túp lều nát bên cái máng lợn sứt mẻ với sự bằng lòng, an phận thì giờ mụ đang tê dại, nuối tiếc, đau khổ tột cùng. Kẻ cơ hội khi mất chỗ dựa sẽ bị sụp đổ về vật chất và tinh thần, tự hành hạ bản thân là điều không tránh khỏi.

Câu chuyện đền ơn của cá vàng, không chỉ là mô típ trong truyện dân gian mà đã trở thành đề tài phổ biến trong văn học nhân loại. Cách đền ơn trong Ông lão đánh cá và con cá vàng không theo hình thức vay-trả, cho-nhận đơn thuần mà ẩn trong đó một cách lí giải, một giá trị nhận thức về cuộc sống.

Khi cá vàng thực hiện những mong muốn của ông lão, thực chất không phải sự đền ơn, đó chính là ý đồ trong cách thể hiện tư tưởng chủ đề tác phẩm. Giá trị vật chất và quyền lực nhận được từ cá vàng là miếng mồi nhử thử lòng để bóc trần rõ nét từng nhân vật, từng kiểu dạng con người một cách hoàn hảo, sâu sắc nhất. Một sự trả ơn thực sự có ý nghĩa dành cho ông lão đó là khi cá vàng không nói gì, quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển trước đòi hỏi vượt quá giới hạn của con người. Khi thế giới con người-mụ vợ và ông lão đã đi quá ngưỡng thực tế thì cá vàng-yếu tố thần kì với phép nhiệm mầu, biến hóa đã thực hiện chức năng của nó trong việc giúp con người quay lại cuộc sống của mình, dù có khi cũng đã muộn mằn! Sự trả ơn thực sự có ý thức của cá vàng là một quan niệm sống đúng đắn giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn trong mọi quan hệ ứng xử, tránh xảy ra những nhầm lẫn đáng tiếc.

Như vậy, dựa trên cơ sở chân lí khoa học khách quan để phân tích, mổ xẻ, ta thấy tác phẩm đã hoàn thành xuất sắc khi mỗi nhân vật trong truyện như một “bản sao” về một số kiểu dạng con người mang tính sát thực trong thực tế. Tác phẩm có sức sống bền chặt bởi đang còn xã hội loài người thì đang còn kẻ cơ hội và kẻ bị lợi dụng. Nhìn nhận, bóc trần ra nó đã khó, đấu tranh chống lại nó lại càng khó hơn, đó là vấn đề mang tính xã hội đang thách thức ý thức sống của tất thảy chúng ta , có khi đánh đổi bằng hy sinh, mất mát để thanh sạch, hoàn thiện nhân cách con người .

Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng của Pu-skin nằm trong thời điểm chế độ Nga hoàng đang áp đảo quyền lực đày đọa con người, vì thế hầu như trong các tầng lớp tiếp nhận xưa nay đều cho rằng tác giả đã gửi gắm thái độ chống lại chế độ Nga hoàng (mụ vợ độc ác tượng trưng cho Nga hoàng tàn bạo, ông lão tượng trưng cho nhân dân Nga hiền lành, chất phác). Nhận xét này còn suy diễn, áp đặt, may chăng chỉ đúng phần nào trong cách nhìn nhận về hiện tượng. Thiết nghĩ, tác phẩm mang sức sống vĩnh viễn, vượt thời gian và không gian bởi hình ảnh mụ vợ và ông lão dường như đã bước ra khỏi trang sách, hóa thân vào những con người bằng xương, bằng thịt ở mọi lúc, mọi nơi, từng ngõ ngách để mỗi khi nhìn vào đó ai cũng phải chùn lại trong cái ngưỡng của thế giới Con Người. 

Trong hai thế kỉ tồn tại, câu chuyện đã hấp dẫn bao thế hệ bạn đọc nhờ yếu tố thần kì đan xen vào thực tại, mở ra những cảnh tượng của ảo giác rồi cuối cùng thắt lại trong hiện thực đời thường để những nhân vật hiện hình, bước ra giữa cuộc đời như một sự cảnh báo về nhận thức lối sống.

Ông lão đánh cá và con cá vàng của Pu-skin dựa trên câu chuyện dân gian, vì thế, nhờ yếu tố thần kì, dù kết thúc nghiệt ngã nhưng chưa hoàn toàn bế tắc khi lòng tham và cái ác đang có điểm dừng. Trong thực tế, khi kẻ cơ hội nắm trong tay quyền lực, lòng tham cái ác ngày càng vô độ, tăng tiến sẽ không có cái phanh nào giữa cuộc đời kìm hãm được tốc độ, ngoại trừ yếu tố thần kì. Hình tượng cá vàng phát sáng trong câu chuyện, mang dáng dấp những Bao Công giữa cuộc đời, như ngọn hải đăng dẫn đường để con người biết chọn lựa, phân định rạch ròi trong cuộc hành trình tìm lẽ sống để neo đậu Bến Người một cách ý nghĩa nhất.


Một tác phẩm thực sự có giá tri kinh điển chỉ khi mà mỗi nhân vật trong truyện là nơi trú ngụ đời sống thực của con người. Trong câu chuyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, mỗi nhân vật gần gũi với con người đến mức ta tưởng chừng như vừa bắt gặp ở đâu đây!

Phan Thị Thanh Thuỷ
(Hương Khê, Hà Tĩnh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét