Thứ Tư, 25 tháng 9, 2019

TIẾNG CHUÔNG TRONG MỜ SƯƠNG


Năm đó tôi mười tuổi.
Hằng ngày tôi cùng mẹ đẩy chiếc xe có những món đồ lưu niệm xinh xinh ra chân nhà thờ đá để bán cho khách du lịch. Ðó là những chiếc vòng cổ, vòng tay và toòng teng được quấn từ những sợi dây dù, hoặc dây len đính những chiếc lông gà nhỏ nhuộm các mầu sặc sỡ. Hàng chỉ lèo tèo vậy. Có khi cả buổi chả bán được thứ gì.


Nhiều người cầm lên xem, ngắm nghía rồi lại đặt xuống và bỏ đi. Nhìn sang những gian hàng bên cạnh, có rất nhiều đồ, tôi băn khoăn hỏi mẹ: "Sao mình không bán nhiều đồ như thế kia?". Mẹ nhìn tôi, thở dài rồi lại cúi xuống quấn nốt chiếc vòng trên tay.
Có những lúc mẹ giao hàng cho tôi bán rồi chạy đi đâu đó. Tôi không biết mẹ đi đâu. Có lúc tiếng chuông nhà thờ cất lên những hồi dài não nuột rồi lặn vào sương mù mà mẹ vẫn chưa về. Tôi ngẩn ngơ ngồi nhìn những chiếc lông gà xanh đỏ ướt mèm trong sương muộn. Những sợi lông bết lại, teo tóp, ủ rũ. Sương giăng mờ mịt. Những bậc đá dẫn lên nhà thờ chỉ còn là những vệt mầu tối chênh vênh. Từng đoàn người dờ dẫm trong màn sương. Tôi chỉ nhìn thấy bóng. Lặng lẽ lướt qua. Những ánh đèn nhòe nhoẹt và ẩm ướt. Tôi kéo tấm bạt che đầu rộng ra. Chợt mẹ về, dúi vào tay tôi một củ khoai còn nóng hổi. Ăn đi, khoai nướng đấy. Tôi bóc vỏ khoai, những giọt mật chảy ra, vàng sánh. Một mùi thơm dậy lên ngầy ngậy. Những miếng khoai ngọt lịm trôi tuột xuống cổ họng tôi lúc nào không hay. Mẹ nhìn tôi, cười. Ngon không? Tôi gật đầu. Từ giờ mình sẽ bán thêm cả khoai nướng nữa.
Thế là tối ấy có một người đàn ông lạ chở đến cho mẹ tôi một cái bếp để nướng khoai. Ông ta có một vết sẹo dài ở bên má phải. Ðôi lông mày như hai con sâu róm bò lổm ngổm trên hai con mắt ốc nhồi. Tôi thụt vào phía trong, lấm lét nhìn người đàn ông. Không nói gì nhiều, một lúc sau, ông ta đi khỏi. Mẹ hồ hởi nhóm lửa, quạt than và đặt khoai lên chiếc phên nướng.
Ðó là đêm đầu tiên mẹ kiếm được nhiều tiền đến vậy. Những người khách thành phố không thể cưỡng nổi mùi vị của món ăn dân dã, quê mùa này. Tối sau và sau nữa, mẹ lại có thêm ngô nướng và trứng nướng. Xe đồ lưu niệm bị đẩy vào góc khuất để nhường chỗ cho bếp than lúc nào cũng đỏ rực và xí xúp người ngồi vây quanh. Mẹ luôn tay quạt than và lật các đồ ăn cho khỏi cháy. Má mẹ bừng đỏ, những giọt mồ hôi rịn ra trên trán và hai bên tóc mai.
Nhưng một tuần sau, ở chân nhà thờ đá lại xuất hiện nhiều hàng bán ngô, khoai và trứng nướng. Họ treo biển, chăng đèn để từ xa người ta cũng phải nhìn thấy. Mẹ tôi giận lắm nhưng không biết nói gì. Mẹ lại bỏ đi để mặc tôi trông mấy củ khoai nguội ngắt ngơ trên bếp than đã tắt ngấm.
Tôi lại cắm đầu gắn những chiếc lông gà vào những món đồ lưu niệm.
Buổi chiều, nhà thờ đá bồng bềnh trong một biển sương. Tôi ngước lên chỉ còn thấy đỉnh tháp chuông chơi vơi như một nét sổ thẳng cô độc giữa đất trời. Những tiếng chuông rền trong sương, đọng lại thành từng giọt, chầm chậm rơi. Từng dòng người hững hờ trôi lướt qua gian hàng bé nhỏ của tôi. Bỗng có tiếng kêu: "ối!", một người đàn bà mặc áo xanh bị trượt chân và ngã vào người tôi. Bị bất ngờ, tôi cũng ngã xuống đường. Người đàn ông đi cùng vội vã kéo chúng tôi đứng lên, phủi sạch quần áo và rối rít xin lỗi. Tôi xoa xoa bùn đất dính trên tấm áo gió bạc phếch. Họ đi rồi. Tôi nhìn theo, trong lòng không buồn cũng không vui. Rồi quay trở về gắn nốt những chiếc lông gà còn dang dở. Bỗng nhiên, mắt tôi sững lại khi nhìn thấy một vật gì vàng vàng dưới chân. Tôi lấm lét nhìn chung quanh rồi cúi xuống nhặt. Một chiếc lắc bằng vàng. Tôi những muốn reo lên nhưng đã kịp trấn tĩnh. Tôi nắm chặt chiếc lắc trong tay rồi đút ngay vào túi áo. Bàn tay tôi nóng ran.
Tối ấy, tôi kêu mệt. Tôi lên giường nằm sớm để mặc mẹ với ngổn ngang những dây dợ và những chiếc lông gà. Tôi thích thú lần tay trong túi áo, sờ nắn cái vòng giá trị ấy. Mang nó ra hiệu vàng ở đầu dốc mà bán chắc chắn sẽ được rất nhiều tiền. Trong đầu tôi hiện ra bao nhiêu quần áo mới, dép mới, cả những con búp bê xinh xắn, món bánh kem sinh nhật được đặt trong tủ kính sang trọng. Tôi sẽ tha hồ được mua những món đồ mà tôi thích. Con bé Ngọc nhà bà Ánh sẽ phải ganh tị với tôi cho mà xem. Có tiền, tôi sẽ mở một cửa hàng cho mẹ bán chứ không phải đẩy cái xe hàng tồng tộc như vậy nữa. Mẹ con tôi sẽ đổi đời. Tôi nóng ruột quá. Muốn báo với mẹ niềm vui này nhưng lại sợ. Tôi nhổm dậy, định bước đến bên mẹ rồi lại nằm xuống. Tôi muốn cho mẹ niềm vui bất ngờ.
Sáng hôm sau, mẹ gọi mãi tôi mới dậy được. Ngồi trên giường, mặt tôi thừ ra, đầu tóc bù xù, ngáp ngắn ngáp dài. Bỗng tôi giật mình nhớ tới cái lắc vàng. Tôi vội thọc tay vào túi áo. Ðây rồi! Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi rình cho mẹ đi khuất rồi bỏ chiếc lắc vào trong một cái tất. Tôi cuộn chiếc tất lại và nhét xuống đáy tủ quần áo của mình. Quay đi rồi nhưng thấy không yên tâm, tôi lại lôi chiếc tất lên. Nhìn khắp nhà xem có chỗ nào bí mật để cất giấu. Cuối cùng, tôi nhét cái tất vào một cái lọ rồi để dưới gậm giường. Xong xuôi, tôi chạy theo mẹ. Những món đồ chơi đẹp mắt nhảy nhót trong đầu tôi. Mẹ tôi đã đẩy xe hàng lên đến đỉnh dốc. Lưng mẹ cong xuống như dấu hỏi nặng trĩu lẫn vào sương mù.
Dọn hàng được một lát thì người đàn bà bị ngã ở xe hàng của tôi bước đến. Ði cùng vẫn là người đàn ông hôm qua. Họ vừa đi vừa như tìm kiếm vật gì ở dưới đất. Họ cứ tìm kiếm như vậy một hồi lâu. Rồi ngồi xuống thở dài. Nắng lên, sương dần tan. Tôi thấy người đàn bà khóc. Bỗng người ấy đứng dậy đi về phía tôi. Tôi giật mình, lùi lại mấy bước. Người ấy hỏi tôi có nhìn thấy một chiếc lắc mầu vàng rơi xuống ở đây, vào giờ này, ngày hôm qua không? Trên đó, có khắc tên, là thế này, thế này. Tôi ngước lên nhìn người đàn bà, bắt gặp ánh mắt khắc khoải, vừa hy vọng, vừa tuyệt vọng của người ấy liền vội vàng cúi mặt. Tôi lắc đầu rồi thụt vào phía trong. Mẹ tôi chép miệng: "Ðánh rơi vòng vàng ở đây thì giờ còn đâu nữa mà tìm". Tôi lấm lét nhìn người đàn bà áo xanh và người đàn ông rời đi.
Cả buổi hôm đó tôi cứ nghĩ về người đàn bà ấy, về chiếc vòng tôi đã nhặt được. Nhưng khi con bé Ngọc mang con búp bê mới mua đến khoe với tôi thì mọi ý nghĩ đó đều tan biến. Trong đầu tôi giờ chỉ còn những con búp bê thiên thần, đôi mắt xanh như hai viên ngọc, đôi môi đỏ thắm và mái tóc vàng óng ả. Tôi sẽ có nhiều con búp bê như thế! Tôi lâng lâng với những ý nghĩ vui tươi. Hàng họ chẳng có gì nhiều, khách mua cũng ít. Mẹ thường để tôi trông hàng rồi tranh thủ đi làm gì đó đến cuối buổi mới về. Dù đi đâu thì mẹ cũng phải về kịp giờ làm lễ chiều để hai mẹ con tôi cùng vào nhà thờ nghe cha giảng kinh. Chiều nay, mẹ về cùng người đàn ông có vết sẹo dài ở bên má phải. Tôi thấy mẹ có vẻ vui và phấn chấn. Người đó gật đầu với tôi rồi phóng xe đi, để lại một vệt khói đen sì. Mẹ đưa cho tôi một đồng tiền mới, cười bảo: "thưởng cho con đấy!". Tôi ngạc nhiên. Mẹ lại cười, bảo: "Hôm nay mẹ kiếm được nhiều tiền". Hai chữ "nhiều tiền" nghe thật thích. Tôi cũng cười. Tôi cũng đang có nhiều tiền.
Ngày hôm sau, người đàn bà lại đến quầy hàng của tôi. Vừa nhìn thấy người ấy từ xa, tôi đã lẩn vào phía trong. Người ấy đi một mình, quanh quẩn tìm kiếm rồi nán lại chuyện trò với mẹ tôi. Tôi không dám bước ra nhưng tai vẫn cố vểnh lên để theo dõi câu chuyện giữa hai người. Thì ra, chiếc lắc vàng ấy là vật kỷ niệm mà mẹ của người đàn bà đã để lại cho cô trước khi gửi cô vào một nhà thờ để ra đi. Một bà xơ đã nuôi cô từ nhỏ, nói rằng, vật đó sẽ giúp cô tìm lại mẹ. Mẹ cô cũng có một chiếc vòng như vậy, khắc tên bà. Bà xơ già đã chết. Chỉ còn lại duy nhất chiếc vòng để cô có thể tìm lại mẹ trên thế gian. Dù chỉ để hỏi vì sao, mẹ cô lại bỏ cô mà đi? Tự nhiên, mẹ tôi khóc. Người đàn bà rối rít xin lỗi vì kể cho mẹ nghe một chuyện buồn. Nhưng tôi biết, mẹ đang nghĩ về cha tôi. Dù chỉ là một đứa trẻ lên mười, nhưng qua những câu chuyện của người lớn, tôi cũng hiểu rằng, cha tôi bỏ đi mà không có một lời từ biệt.
Mấy hôm sau, tôi không thấy mẹ tranh thủ đi làm trong ngày nữa. Tôi hỏi nhưng mẹ chỉ ậm ừ. Rồi tôi nghe loáng thoáng ai đó bảo người đàn ông có vết sẹo dài bên má phải đã bị công an bắt vì vận chuyển ma túy. Tôi thấy mẹ ngồi một mình, thở dài não nuột. Những chiếc lông gà chấp chới bay trong cơn gió chiều. Sương dâng lên ngập lối đi. Người đàn bà áo xanh ngồi bên mẹ, thầm thì kể những câu chuyện về chiếc vòng và những kỷ niệm ấu thơ của một đứa trẻ mồ côi. Kể mà như không cần ai phải nghe.
Ðêm nay, mẹ tôi không ngồi bện những sợi dây dù và đính những chiếc lông gà xanh đỏ. Mẹ ngồi trước cửa sổ, nhìn ra vầng trăng lạnh như sắp tan vào sương. Từ đằng sau, tôi thấy vai mẹ run lên. Tôi muốn chạy ra ôm lấy mẹ nhưng lại thôi. Mẹ khóc vì câu chuyện của người đàn bà, về sự bỏ đi của cha tôi hay về việc người đàn ông kia bị bắt. Tôi nghĩ về chiếc lắc, về những món đồ đẹp mắt, về cửa hàng tôi sẽ mở cho mẹ tôi. Rồi lại nghĩ về người đàn bà mặc áo xanh, tà áo chấp chới như một con cào cào lẩn trong bụi cỏ, về hành trình đi tìm mẹ mà người ấy đang đi.
Sáng ấy, người đàn bà đến gian hàng của mẹ con tôi. Cô không tìm kiếm nữa. Cô chào chúng tôi để ra về vì đã hết thời gian nghỉ. Mẹ tôi động viên cô. Tôi cúi mặt trước cô mà không nói được một lời nào. Tôi nhìn theo dáng cô, cái đầu cúi xuống, hai vai so lại, đôi tay buông thõng như đang tuyệt vọng. Cô đã đi xuống gần hết con dốc. Tự nhiên, tôi vụt chạy theo và gọi tên cô. Hai tay tôi run run nắm chặt một chiếc tất trước ngực. Cô quay lại. Một vầng sáng chói lòa. Tôi không biết đấy là ánh sáng của sớm mai hay ánh sáng của Ðức Chúa nhân từ đã soi chiếu nơi tâm hồn tôi.
Năm đó, tôi mười tuổi.
Giờ đây, mỗi khi trở về chốn cũ, cứ đến con dốc ấy là tôi lại thấy một đứa bé con cúi đầu run rẩy nói lời xin lỗi. Và tiếng chuông nhà thờ lại vang lên trầm ấm giữa chốn mù sương.
Nguyệt Chu
Nguồn: Báo Nhân dân, ngày 13/9/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét