"Chỉ cảm được cây bút và tâm hồn người đã viết ra thành chữ, từng chữ đem lại cho tôi cảm giác yêu đời, nhớ đến hạt sương tàu lá cải và biết quý những con vật, những đồ vật xung quanh mình. Tôi nhận ra đấy là những khơi gợi vun đắp nên tấm lòng nhân hậu, tin yêu" (Tô Hoài - Gửi Trần Hoài Dương).
Ngày xửa ngày xưa, ở một làng kia có hai em bé, một trai, một gái. Trai là anh, gái là em. Bố mẹ mất sớm, hai anh em về sống với bà ngoại. Bà già lắm và cũng nghèo lắm. Ba bà cháu rau cháo nuôi nhau, đời sống rất đỗi chật vật nhưng được cái lúc nào cũng hòa thuận vui vẻ. Các cháu ríu rít quấn quít bên bà. Bà móm mém cười hiền từ nhìn các cháu, dịu bớt những vất vả và cay đắng.
Một hôm, có bà tiên đi ngang qua. Thấy tình cảnh ba bà cháu, mủi lòng, liền để lại một trái đào và dặn: “Khi nào bà đến cõi, mất đi, hai cháu mang hạt trồng trên mộ thì lập tức sẽ được giàu có sung sướng”.
Đời sống cực nhọc quá, cuối cùng rau cháo cũng không đủ ăn. Bà ngoại thương cháu, nhịn ăn liền mấy ngày để cái chết mau đến, hi vọng lời bà tiên sẽ thành sự thật, cháu mình sớm được hưởng hạnh phúc.
Quả nhiên, mộ bà vừa đắp xong, hạt đào vừa trồng xuống, phút chốc đã hiển hiện điều lạ lùng. Hạt đào nảy mầm, lớn nhanh vung vụt, rào rào nảy lá, đơm hoa, kết quả. Trùm quanh mộ bà là một cây đào lực lưỡng, chi chít trái vàng, trái bạc. Hai anh em hớn hở chạy quanh gốc đào, cúi mặt mỏi tay cũng không lượm hết của cải quý giá. Nỗi nhớ bà khuây khỏa dần. Hai anh em trở nên giàu có, giàu hơn cả mọi ông hoàng, bà chúa trên khắp thế gian.
Nhưng rồi những phút vui sướng bồng bột ban đầu lắng xuống, vàng bạc châu báu lạnh lẽo không bù lại được tình thương đầm ấm của người bà. Sống giữa cung điện cao vọi, nhiều lúc hai anh em cảm thấy thật trống trải. Nhìn đâu cũng thấy vàng thấy bạc mà không thấy mảy may bóng dáng thân thuộc của bà ngoại. Nỗi nhớ thương bà cồn cào gan ruột làm hai anh em ăn ngủ không yên, vẻ mặt lúc nào cũng rầu rĩ, héo hắt. Làm sao có thể sung sướng được nếu sống thiếu bà?
Bà tiên lại đi ngang qua. Thấy hai anh em đã trở nên vô cùng giàu có mà vẫn không được thanh thản, bà dừng lại hỏi. Em gái òa khóc, cầu mong bà tiên hóa phép cho bà ngoại mình sống lại. Bà tiên nói: “Nếu bà ngoại sống lại thì ba bà cháu sẽ lại cực khổ như xưa, liệu có chịu được không?”. Hai anh em cùng nói như reo lên: “Chúng cháu chịu được! Khổ sở đến đâu chúng cháu cũng chịu được, miễn là bà chúng cháu sống lại!”.
Bà tiên phất chiếc quạt lông màu nhiệm, phút chốc tất cả lâu đài thành quách, cây đào với những trái vàng, trái bạc đều biến thành một đám mây hồng lơ lửng trôi về phía cuối trời. Bà ngoại lại hiện ra móm mém cười, hiền hậu dang tay ôm hai cháu. Cậu bé, cô bé sà vào lòng bà ngoại, khóc thổn thức. Sẽ chẳng bao giờ họ xa nhau nữa. Ba bà cháu lại tần tảo rau cháo nuôi nhau, thật vất vả nhưng lúc nào cũng tràn đầy tình thương mến.
Trần Hoài Dương
Nguồn: Trần Hoài Dương Con người Tác phẩm, Nxb Hội nhà văn, 2015.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét