Thứ Tư, 22 tháng 4, 2020

NGỘ RA NHỮNG THI VỊ






Nụ hồng cho trái đất là tập thơ thứ năm, gồm 62 bài, được tác giả Võ Ngọc Thọ sáng tác trong những năm gần đây. Giá trị của tập thơ rồi đây sẽ được bạn đọc nhìn nhận, đánh giá dựa trên những kinh nghiệm và lí thuyết tiếp nhận khác nhau.



Cá nhân tôi may mắn được đọc Nụ hồng cho trái đất khi còn ở dạng bản thảo, nhận thấy tập thơ thừa tiếp một cách tự nhiên, nhuần nhị cả về đề tài – cảm hứng lẫn hình ảnh – giọng điệu thơ vốn đã định hình từ những tập thơ trước đó: Sợi tóc và vầng trăng (2002), Ươm mầm trên sóng (2005), Hạt bụi và hoa quỳnh (2010) và Những quầng sáng chân trời (2015). Bằng những tác phẩm này, Võ Ngọc Thọ cho thấy sự kiên trì với con đường thơ đã chọn, chủ động kiến tạo bản sắc ngòi bút, tránh hòa lẫn với nhiều tác giả thơ Bình Định đương đại khác.

Nhìn tổng thể, các bài thơ trong Nụ hồng cho trái đất nảy sinh trong những khoảnh khắc thụ cảm cuộc sống của tác giả. Thơ anh chỉ bật lên khi bản thân người cầm bút cảm thấy đã đạt được phát hiện nào đó về chất thơ của đời sống ẩn tàng trong cảnh vật hay con người. Tôi nhận thấy, tác giả thường hay viết về cái hàng ngày như con sóng, ánh hoàng hôn, chị quét rác, chiếc áo trao gửi của người cha... Khi viết về những cảnh, những sự như vậy, Võ Ngọc Thọ chủ động tránh các lối mòn, tự tin dẫn dắt người đọc cùng khám phá mọi vẻ đẹp cuộc sống. Có thể nói, thơ Võ Ngọc Thọ sinh ra từ cái “ngộ” về thiên nhiên và con người – đúng như anh đã viết: “Mỗi sáng tôi ngộ ra/Cây, người đều thi vị”(Cây và người). Bạn đọc hiểu vì sao, trong những năm gần đây, anh viết nhanh, viết nhiều, hầu như ngày nào cũng có thơ. Ở độ tuổi lục thập (anh sinh năm 1952), bút lực dồi dào như thế thực đáng ngạc nhiên và ngưỡng mộ!

Thơ Võ Ngọc Thọ nói chung, Nụ hồng cho trái đất nói riêng không mạnh về nội lực cảm xúc. Cái hay, cái hấp dẫn của thơ Võ Ngọc Thọ đó là chiều sâu tư tưởng triết lí. Bản thân anh cũng từng có lần chia sẻ rằng: “Thơ vần vè không phải là thơ, đọc mệt lắm. Nhưng thơ viết bằng cả tấm lòng ta nên chia sẻ”. Trong phát biểu trên, anh nhấn mạnh đến vấn đề “tấm lòng”, xem thơ là sự chưng cất “tấm lòng” người viết đối với cuộc đời. Trong tập thơ Nụ hồng cho trái đất này, tư tưởng trên được thể hiện rõ nét ở bài Khoảnh khắc, đề cao “tứ thơ đa mang đến con người”. Có thể nói, quá trình sáng tác của tác giả Võ Ngọc Thọ chịu sự chi phối sâu sắc của quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh. Dù viết về đề tài gì, tác giả đều xoay quanh số phận con người, tùy đối tượng cụ thể mà bày tỏ các trạng thái trữ tình thích hợp. Có thể, đó là cảm xúc đắng đót về số phận con người trước sự tấn công của cái xấu, cái ác; hay nỗi hoài niệm về quá vãng tươi đẹp cùng những hi vọng về tương lai trong sự vần xoay ghê gớm của vũ trụ. Không dừng lại bày tỏ cảm xúc thuần túy, Võ Ngọc Thọ chủ động đẩy tư duy thơ lên mức cao hơn – trình bày những chiêm nghiệm, đúc kết bản chất và ý nghĩa cuộc sống. Cũng đúng thôi, khi viết Nụ hồng cho trái đất, Võ Ngọc Thọ đã kinh qua nhiều cuộc sống khác nhau. Anh có đủ vốn tri thức sách vở và sự từng trải để thực hiện các khái quát nhằm làm cho thơ trở nên có chiều sâu, sức hấp dẫn bằng vẻ đẹp của ánh sáng trí tuệ. Tôi cho rằng, thơ Võ Ngọc Thọ sẽ được đón nhận nhiều hơn ở lớp bạn đọc lớn tuổi, những người vốn thích ngẫm ngợi, triết lí dựa trên nền các sự kiện đời sống.

So với những tập thơ trước, Nụ hồng cho trái đất có nhiều hơn những câu thơ, bài thơ nói về cảm thức thời gian. Không thể phủ nhận, tác giả đã ám ảnh ít nhiều về tuổi già. Có khi, tác giả nói về nó một cách bình thản: “Hôm nao tóc xanh/Tràn nhựa sống/Nay bạc mái đầu/Bạc những bâng khuâng”(Những đóa tình); song chủ yếu là thảng thốt: “Mới bình minh/đã hoàng hôn”(Mới bình minh), bâng khuâng: “Hoàng hôn buông/Thiên nhiên chùng xuống/Lòng người bâng khuâng/Tình người miên man...”(Hoàng hôn). Những trạng thái cảm xúc ấy là có thực, không riêng anh mà với bất cứ ai đã ở vào chặng cuối của hành trình, thấy rõ cái hữu hạn của đời người. Vấn đề là, khi đối diện với thực tế “thời gian trôi như nước” đó, anh Võ Ngọc Thọ càng lộ rõ niềm tin yêu, trân trọng từng khoảnh khắc thời gian, từng con người và sự vật hiện tượng. Anh đem đến cho mỗi chúng ta niềm lạc quan cùng sự khích lệ hướng về phía ánh sáng mặt trời: “Kìa mai vàng đang nở/Những đóa tình tin yêu”(Những đóa tình).

Về hình thức, một đặc điểm dễ thấy ở thơ Võ Ngọc Thọ là sự ngắn gọn. Thơ anh không có bài dài, câu chữ được chắt lọc, tinh giản đến tối đa. Rất có thể, trong quá trình sáng tác của anh luôn có sự tham gia của nhà giáo dạy Ngữ Văn Võ Ngọc Thọ.

Thơ Võ Ngọc Thọ không nhiều những bài toàn bích, nhưng hầu như bài nào cũng đều có những câu, những đoạn vụt sáng. Và khi tư tưởng, hình ảnh cũng như ngôn từ đạt được sự kết hợp nhuần nhuyễn, thơ hay tất yếu sẽ xuất hiện. Tôi muốn nói đến Thời gian, Cảm ơn, Khoảnh khắc, Lối mòn rêu phong, Chiều, và một số bài thơ khác nữa.

Trong Nụ hồng cho trái đất, tôi rất thích bài Khoảnh khắc, vì nội dung nói về một nhà thơ mà tôi (và anh) yêu mến, ngưỡng mộ. Trong bài, có đoạn như sau: “Thơ ông được nhiều người biết đến/giản dị nhưng có sức vang xa/cánh phượng rực hồng trong nắng/tán lá bàng nặng nề trên thân cây khẳng khiu/cũng làm ông ấn tượng/gợi một tứ thơ đa mang đến con người”. Không hiểu sao khi đọc những câu thơ trên, tôi lại thấy có sự gần gũi ít nhiều giữa anh và nhà thơ được nói tới trong bài. Cả hai, theo những cách khác nhau, đều chọn thơ dẫn lối về phía con người.

Kể từ Ươm mầm trên sóng (2005) đến nay, anh Võ Ngọc Thọ cứ 5 năm lại ra mắt bạn đọc một tập thơ mới. Không rõ đó là chủ ý hay là ngẫu nhiên, nhưng chắc chắn, nó làm cho chúng ta cảm thấy thú vị.

Chúc mừng anh với niềm tin rằng, thơ anh rồi sẽ vang xa, vang xa...

Tháng 1.2020
LÊ NHẬT KÝ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét