Vở "Cây tre thần" |
QĐND - Những câu vè “bống bống bang bang”, “thị ơi thị rụng bị bà” trong truyện “Tấm Cám”; hay câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” của “Cây tre trăm đốt” với phép màu kỳ ảo khơi gợi vào ước mơ đẹp đẽ… luôn là những miền cổ tích có chỗ đứng sâu thẳm trong tâm hồn bao thế hệ người dân Việt Nam.
Thời gian qua, với cách kể hấp dẫn trên sân khấu, những câu chuyện cổ tích của người Việt còn được khán giả thế giới trầm trồ thán phục trên sàn diễn của các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật quốc tế.
Sức hấp dẫn của lòng nhân ái
Trên sân khấu rạp Đại Nam (Hà Nội), trong vở diễn “Cây tre thần”, mỗi khi anh nông dân đọc câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất”, dưới khán phòng, khán giả bỗng dưng nín lặng, hồi hộp chờ đợi… Khoảnh khắc vỡ òa là những lời trầm trồ tán thưởng, những tràng vỗ tay khi chứng kiến lão phú hộ bị trừng trị bởi tính tham lam, ức hiếp dân lành.
“Cây tre thần” là vở kịch được Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng theo câu chuyện dân gian “Cây tre trăm đốt”. Vở diễn có buổi công diễn đầu tiên vào tháng 3, nhưng đã nghỉ dài vì dịch Covid-19. Buổi diễn đầu tiên (tối 21-5) sau khi “thiết lập trạng thái bình thường mới”, rạp hát còn nhiều ghế trống, nhưng khán giả có đủ lứa tuổi; phần nhiều là khán giả nhí hào hứng trước mỗi phân cảnh. NSND Lệ Ngọc, Giám đốc Sân khấu Lệ Ngọc, cho biết: “Cây tre thần” giống các vở diễn trước đây từng dàn dựng và gặt hái thành công như: “Tấm Cám”, “Cải lão hoàn đồng”… là đi vào những câu chuyện dân gian dễ hiểu, dễ đồng cảm nhưng vẫn còn tính thời sự trong đời sống hôm nay, để từ đó truyền đi những thông điệp ý nghĩa, nhân văn. Vở “Cây tre thần” nhấn mạnh vào vấn đề bảo vệ môi trường. Thông qua tác phẩm, những người làm sân khấu muốn cảnh báo về vấn đề cháy rừng, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí…".
Nối dài những miền cổ tích
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Thời gian qua, đón nhận những “làn sóng” Âu, Mỹ, Hàn Quốc… nghệ thuật giải trí của Việt Nam có nhiều đổi thay ấn tượng từ phim ảnh, kịch nghệ, nhưng mọi thế hệ người Việt vẫn trào dâng cảm giác gần gũi, thân thương với những câu chuyện cổ tích". Tuy nhiên, dù có “hò hẹn” với bao cái mới của nghệ thuật giải trí thì NSƯT Mỹ Uyên vẫn thấy tim mình rung lên mỗi khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật lấy cảm hứng từ câu chuyện cổ tích trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam: “Tôi đã luôn có những ký ức đẹp về những miền cổ tích. Vì thế, khi làm nghệ thuật, tôi vẫn cố gắng nhất có thể để dựng nên các vở diễn mang màu sắc cổ tích nhằm khơi gợi tính nhân văn, lòng nhân ái trong mọi đối tượng công chúng. Đặc biệt là trẻ em, đưa các em phiêu lưu trong thế giới cổ tích để các em nuôi dưỡng ước mơ, sống nhân ái với những suy nghĩ, hành động thiện lương. Và khi dàn dựng thành công một vở diễn cổ tích, thần thoại cho thiếu nhi, được các em háo hức đến xem đồng nghĩa với việc chúng tôi đón được cả đối tượng khán giả là người lớn”.
Kể chuyện cũ bằng sáng tạo mới
Đạo diễn của vở “Cây tre thần”, NSƯT Bùi Như Lai cho biết: "Với những câu chuyện cổ tích, dân gian, thần thoại, sân khấu là một hình thức để đưa các em đến một sự tiếp nhận gần gũi mang tính sáng tạo, rất sinh động, linh hoạt và dễ truyền tải. Nhưng chúng ta đang ở thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, các em nhỏ rất thông minh nên không thể bắt các em tin vào những điều phi lý. Thế giới cổ tích trong vở diễn được tái hiện sinh động bằng nghệ thuật ngôn từ, ngôn ngữ hình thể, âm thanh và ánh sáng. Khi những yếu tố này được cộng hưởng là lúc cánh cửa bước vào miền cổ tích dần mở ra. Chúng tôi phải dùng hình ảnh và các trò trong diễn xuất, nghệ thuật sắp đặt… để các em tin vào câu chuyện. Vẫn là thần thoại nhưng cây tre không thể có 100 đốt mà đó là cây tre thần. Biến “Cây tre trăm đốt” thành “Cây tre thần”, từ đó chúng tôi lý giải ý nghĩa, sức mạnh của cây tre, lũy tre trong văn hóa, đời sống của người Việt, để các em nhỏ biết cây tre đã bảo vệ người Việt như thế nào”.
Những câu chuyện cổ tích bước vào thế giới trẻ thơ theo một cách mới, sinh động và lôi cuốn, để rồi đưa tinh hoa văn hóa Việt đi sâu vào tâm hồn của người Việt từ những thế hệ trẻ đang được các nhà hát truyền thống và đương đại tập trung khai thác. Theo NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam, sân khấu thiếu nhi là “mảnh đất màu mỡ” để các đơn vị nghệ thuật “gieo hạt”. Các câu chuyện cổ tích, dân gian hay tác phẩm văn học luôn là “kho báu” vô tận để các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật khai thác. Thông qua nghệ thuật, những câu chuyện được kể theo nhiều cách khác nhau, đổi mới, sáng tạo cả về không gian và thời gian. Cũng theo NSƯT Xuân Bắc, dù có sáng tạo thế nào thì cũng không nên lấy tư duy hiện đại để áp đặt, thậm chí làm sai lệch nội dung của câu chuyện cổ tích. Người làm nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng cần biết khai thác hợp lý, hài hòa để luôn đề cao ý nghĩa nhân văn, tính giáo dục trong mỗi câu chuyện. Đó là điều mà chính những khán giả nhí mong chờ và cũng háo hức đến rạp xem câu chuyện của mình được nghe, được đọc có như trên sân khấu không.
Châu Xuyên
Nguồn: qdnd.vn, ngày 10/7/2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét