Nhận định: "Tấm lòng Võ Quảng nặng tình nghĩa với cái Quê nội ấy, với con sông quê hương ấy, đã giúp anh miêu tả thiên nhiên và con người không phải chỉ bằng chữ nghĩa, mà bằng cả trái tim, bằng kỉ niệm bồi hồi và nỗi nhớ" (Vũ Tú Nam).
Trưa hôm đó, đưa trâu về nhà, tôi thuật lại với chị Ba tôi vừa gặp một thằng mọi biển. Tên nó là Cù Lao, ở ngoài cù lao Chàm mới về. Thấy chị Ba nghe có vẻ chăm chú, tôi càng nhấn thêm một vài chi tiết có vẻ giật gân. Nào là thằng Cù Lao đó trông rất gớm ghiếc. Nó biết uống nước bằng lỗ mũi. Cặp mắt nó con nhỏ con to cứ lấm lét. Chị Ba nghe xong xì một tiếng:
- Làm gì có mọi biển mọi
núi! Họ cũng là người như ta cả. Thằng Cù Lao đó là con của chú Hai Quân. Chú
Hai Quân ở ngoài cù lao Chàm về đây hôm qua. Trước kia bị lý trưởng đánh, chú bỏ
làng đi mất. Chú cùng họ với nhà mình, chú của anh Bốn Linh đó. Chú có đứa con
trai, chắc là thằng mày gặp. Chúng mày ma cũ ăn hiếp ma mới. Chớ bịa đặt những
chuyện bậy bạ!
Cách nói của chị Ba có
một cái gì quả quyết làm tất cả những điều tôi tưởng về thằng Cù Lao bỗng tan
ra mây khói. Chị Ba bảo tôi đi xúc ngô ra giã. Tôi xách mủng leo vào cót xúc một
mủng bắp đổ vào cối. Chị Ba hứa sẽ làm món lớ bắp. Nghe vậy tôi giã càng nhanh.
Chợt chị Ba ra hiệu bảo tôi dừng chày:
- Im để nghe thử!
Hình như có tiếng ai
khóc. Tôi dừng chày lắng nghe. Rõ ràng có tiếng kể lể từ phía nhà anh Bốn Linh
đưa lại. Chị Ba gác chày lên cối, bỏ chạy. Tôi vứt chày chạy theo.
Trước nhà anh Bốn Linh,
bọn trẻ con đang nhốn nháo. Trong nhà có tiếng khóc ồ ồ và tiếng kể lể.
- Ối trời ơi! Chị chết
đi bỏ một mình anh ở lại... sống một ngày dương gian bằng nghìn ngày âm phủ...
Quái! Chị Bốn Linh hôm
qua bị cảm đã nhờ chị Năm Như cào xông. Sau đó lại làm thêm mấy bát cháo hành.
Không nhẽ chị Bốn lại bỏ anh Bốn về với ông bà đột ngột như vậy? Tôi nhìn quanh
trong nhà cũng chẳng có ai nằm im đắp chiếu, cũng chẳng thấy có cỗ áo quan nào
cả. Bác Úc ngồi xếp hàng trên phản cười tủm tỉm.
Thầy Lê Hảo cười hà hà.
Chú Năm Mùi cười hì hì. Ông Bảy Hóa cười như người ta ho khẹc, khẹc! Ông vừa cười
vừa vuốt râu ra bộ khoan khoái lắm. Bộ râu của ông Bảy vừa rậm vừa dài tỏa xuống
đến rốn. Xem điệu bộ ông vuốt râu, người ta tưởng ông còn muốn kéo râu ông dài
đến đất. Một người lạ mặt, tóc hoa râm ngồi cạnh bác Úc. Tiếng khóc và tiếng kể
lể nổi lên:
- Ối chị Hai ôi! Anh
Hai đã về đó mà chị đi đâu?...
Thì ra bà Hiến đang ngồi
khóc. Bà là người khóc to nhất. Chị Bảy Có, chị Năm Như ngồi chung quanh cũng
thút thít. Tôi rất lạ là trong lúc các bà đang khóc lóc thì bên nam giới lại cười
nói ồn ào. Từ nhỏ đến lớn, tôi chưa hề thấy một cảnh vừa cười vừa khóc như vậy.
Trong những hội hè đình đám tất cả đều uống rượu, ăn thịt, đều cười hể hả,
không ai khóc. Tôi cũng có đi xem những đám ma, nhiều đám to lắm, cũng chỉ thấy
người ta khóc. Nếu không khóc cũng làm ra vẻ buồn, chẳng có người cười người
khóc bao giờ cả. Bà Hiến nấc lên:
- Khi anh Hai bỏ làng
đi thì chị Hai cũng đi biệt tích. Chị em thương nhau từ thuở để chỏm. Con rận,
con chí cũng cắn làm đôi, không nhớ không thương sao được!
Ông Bảy Hóa lại vuốt
râu dài cười khẹc khẹc:
- Ôi cái bà này! Trước
đây anh Hai bị đế quốc phong kiến áp bức, cực chẳng đã phải bỏ làng ra đi. Nay
Cách mạng lên rồi. Đất đã lành thì chim phải bay về đậu. Anh Hai về tìm lại quê
cha đất tổ, bà con ta phải mừng chớ làm răng bà lại khóc? – Ông bắt chước cách
nói lối của hát tuồng – Anh Hai giận làng ra đi, bỏ chị Hai ở lại. Ra ngoài cù
lao Chàm lại lấy được một bà khác. Bà sau sinh được một cậu quý tử. Thật là hạnh
ngộ!
Ông Bảy Hóa đưa mắt
nhìn quanh. Chợt ông chỉ tay vào chỗ góc cột:
- Có phải chỗ nó kia
không?
Tôi nhìn theo ngón tay
chỉ của ông Bảy Hóa. Thì ra là thằng Cù Lao đang đứng nép sau gốc cột.
Ông Bảy Hóa đưa tay vẫy
vẫy:
- Ra đây. Mày ra đây để
bác xem cái tướng mày ra sao? Ái chà! Trán cao, mắt xếch, tai sừng, đường đường
như Lục Vân Tiên. Lại đen thui đen thủi! Úy, có cái mũ khéo đã hung! Cho bác mượn
bác đội một chút cho sướng. – Ông quay về phía người lạ mặt: – Nè anh Hai, đã về
đến đây, anh để cho em nó ăn mặc chi lạ vậy? Quần dài không ra quần dài, quần
xà lỏn không ra quần xà lỏn. Phải sắm cho em nó một bộ đồ tây, có cái ca-vát hẳn
hoi, đội cho nó cái mũ phớt, ngó mới được!
Thằng Cù Lao mắc cỡ lại
thụt vào sau gốc cột.
Ông Bảy Hóa cười to:
- Con trai sao lại thậm
thà thậm thụt làm vậy! Phải can trường lên chớ! Lục Vân Tiên tuổi vừa đôi tám
đã đánh được bọn lâu la. Về đây, nên dùi mài kinh sử. Cách mạng đã thành công,
phong vân ta đà gặp hội!
Ông Bảy Hóa quay sang
phía thầy Lê Hảo:
- Sẵn đây có thầy Lê Hảo,
anh Hai nên nhờ thầy lo bề đèn sách cho em nó. “Danh con đặng rạng thì tiếng thầy
đồn xa” đó thầy!
Anh Bốn Linh ở dưới nhà
bếp bước lên nói liền theo:
- Tôi phải lo cho nó học
tập cái đã. Chú tôi về được đây, ông chẳng phải lo cái chi cho mệt. Mất cha còn
chú. Chú cũng như cha. Vợ chồng tôi sẽ lo hết cho chú. Chữ hiếu trung bọn này
giữ trọn.
Ông Bảy Hóa khẹc khẹc
to hơn:
- Vậy mới phải đạo chớ!
Tôi còn muốn hỏi, vậy cái khoản mừng anh Hai về làng, anh chị Bốn định sao?
- Trưa nay tôi có con
gà, làm bữa qua loa. Mời ông Bảy ở lại với chú tôi cho vui, không mấy khi hai
ông gặp lại. Ngoài chuồng, tôi còn con heo. Tôi bảo mụ Bốn thúc cho nó béo ú ù,
rồi mời bà con đến cầm... chén rượu!
Dưới nhà có tiếng gà bị
bắt kêu oang oác.
Chợt con Vện nhà anh Bốn
Linh sủa ran. Con Vàng nhà tôi cũng sủa. Chó nhà bà Hiến sủa rộn lên. Ông Kiểm
Lài bên hàng xóm chạy qua, chú Năm Mùi, dượng Hương Thư, ông Bốn Rị ở xóm dưới
chạy đến. Ông Kiểm Lài vừa bước vào cửa đã oang oang:
- À anh Hai! Anh về đó
hả? Anh giận có người, chớ sao lại giận cả bà con, bỏ đi biệt tích. Sáng nay
anh về... Hèn gì con chim khách cứ bay qua bay lại kêu choẹt choẹt. Tưởng có
khách lạ. Té ra anh Hai về.
Ông Bảy Hóa vê râu:
- Sáng nay tôi cứ hắt
xì, hắt xì, đoán có điềm lành. Hóa ra thật!
Bác Úc cười:
- Bữa nay mà ông Bảy
còn nói chuyện mê tín. Sách của ông Bảy cũng phải đốt đi.
Ông Bảy nửa đùa nửa thật:
- Thế tôi xem tướng có
sai không nào? Khi anh Sáu còn bị đế quốc làm tù, tôi xem tướng biết cái hậu vận
của anh sẽ làm ông lớn. Nay nghe nói anh làm đến chức gì rồi đó! Có đúng không
nào? – Ông quay sang phía chú Hai Quân chỉ vào cái cằm của chú: - Theo sách tướng,
người có cái cằm dài và nhọn như thế này thì cả đời lao khổ. Nhưng được một cái
thượng đình (1) bằng bằng như anh Hai thì hậu vận về sau phú quý.
Bác Úc cười to hơn:
- Nước nhà độc lập, rồi
đây ai chẳng phú quý. Đoán như vậy cũng chẳng khác chi thầy bói “đoán cho một
quẻ trong nhà, vợ chú đàn bà chẳng phải đàn ông”.
Mọi người cùng cười. Bà
Hiến nín khóc cười theo:
- Còn cái hậu vận của
tôi nè?
- Bà hử? Bà có hai tai
to, hai má bầu bầu. Như vậy tướng bà đúng là tướng phật. Tiên phật ra đời phải
nếm đủ mùi cay đắng. Đức Quan Âm cũng vậy, phải chịu hết oan khiên. Lửa thử
vàng gian nan thử sức, sau đó mới được ngồi trên tòa sen. Bà từ nhỏ đến già,
không nơi chui rúc. Nhưng nhờ cái hiếu trung giữ trọn nên đã đến lúc... thái
lai. Vài ngày nữa bà có một gian nhà mới, có hai trái tám cột đàng hoàng!
- Phải chịu thầy coi tướng
giỏi! Uỷ ban đã cấp đủ tranh tre kèo cột. Đợi vài bữa sẽ có nhà mới!
Tiếng cười như pháo nổ.
Ai cũng muốn hỏi chú Hai rất nhiều chuyện, mời chú Hai về nhà mình chơi. Cho đến
lúc chị Bốn Linh nhắc chồng quét bàn để dọn cơm, mọi người mới lần lượt giải
tán.
Võ Quảng
(1) Thượng đình: phần
trên của mặt (chú thích của tác giả)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét