KỈ NIỆM 100 NĂM SINH NHÀ VĂN TÔ HOÀI (1920 - 2020)
Viết là để bày tỏ tâm tình với ơn
huệ ông bà
Viết
lại truyện cổ là một cảm hứng sáng tạo của nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014). Ngay
từ khi mới vào nghề, ông đã có một số truyện cổ viết lại được đăng trên tuần
báo Nước Non của ông Trần Trung Viên,
tờ Truyền bá của nhà xuất bản Tân
Dân. Sau năm 1945, ông chuyên tâm hơn với thể loại này khi lần lượt xuất bản bộ
ba tiểu thuyết Đảo hoang, Nỏ thần và Nhà Chử, tập 101 truyện ngày
xưa và Chèo Bẻo đánh Quạ. Những
tác phẩm kể trên là một bộ phận đặc sắc của văn nghiệp Tô Hoài, đồng thời cũng là
thành tựu quan trọng của văn học thiếu nhi Việt Nam thế kỉ XX.
Trong
lời Tựa sách 101 truyện ngày xưa, Tô
Hoài nói rằng: “Bấy lâu tôi vẫn ham thích viết cổ tích”. Theo chia sẻ, hứng thú
viết lại truyện cổ của nhà văn được hình thành từ nhiều lí do khác nhau. Trước
hết, đó là nỗi ám ảnh dai dẳng của ông về “những câu chuyện lạ lùng” được nghe
bà ngoại kể trong thời thơ ấu. Đó là chuyện con người quan hệ cộng sinh với
loài vật, với lực lượng thần tiên ma quỉ, là con chó có nghĩa, cái cây biết che
chở người lành… Theo ông, truyện kể dân gian dù hoang đường đến đâu vẫn đều thấm
đượm ý nghĩa nhân sinh, rất có ích cho trẻ em ở bất cứ thời đại nào. Mặt khác,
Tô Hoài cũng hàm ơn những nhà sưu tầm, biên soạn truyện cổ đi trước như Lê
Thánh Tông, Nguyễn Dữ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Trọng Thuật, Trương Vĩnh Ký… Chính
nhờ công trình của họ mà ông biết được nguồn truyện kể dân gian rất phong phú. Cũng
từ họ, ông được khơi dậy ước mơ, muốn như Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật “làm được
bài thơ về cái đảo hoang ấy một lần nữa” (Tựa sách Đảo hoang). Như vậy, truyện cổ dân gian đã thấm vào tâm hồn Tô Hoài
bằng nhiều con đường khác nhau, làm thành vốn sống giúp ông ngay khi biết cầm
bút thì “những chuyện ngày đêm ám ảnh vẩn vơ này cứ tự nhiên là những chuyện
trước nhất tôi viết ra” (Tựa 101 truyện
ngày xưa).
Tô
Hoài có nhiều lí do khi viết lại truyện cổ, nhưng dù để “đọc chơi” hay “gửi toà
báo” thì sâu xa cũng là để bày tỏ “tâm tình của tôi với ơn huệ ông bà”. Ông sẽ
kể tiếp những câu chuyện lạ lùng xưa, gắn nối truyện kể dân gian với trẻ em thời
hiện đại.
Lấp đầy những khoảng trống của cốt
truyện dân gian
Viết
lại truyện cổ là sáng tạo ra một giá trị mới, độc lập với giá trị dân gian. Vì
thế, nhà văn bắt buộc phải làm mới câu chuyện cổ xưa theo những nguyên tắc nghệ
thuật tự sự hiện đại.
Truyện
cổ viết lại của Tô Hoài chủ yếu dành cho độc giả thiếu nhi. Căn cứ vào đặc điểm
của lứa tuổi này, nhà văn lại có những sáng tác riêng cho từng độ tuổi. Cụ thể,
tập 101 truyện ngày xưa là món quà đậm
chất kì ảo dành riêng cho lứa tuổi nhi đồng, còn bộ ba tiểu thuyết lại hướng đến
các độc giả ở độ tuổi mới lớn. Với đối tượng tiếp nhận như vậy, Tô Hoài sẽ
không chọn phương án “giải huyền thoại” mà trước sau vẫn trung thành với cốt
truyện dân gian. Trong quá trình kể, ông có một số điều chỉnh song cũng không
ngoài mục đích tô điểm thêm những gì vốn có, nên có của nhân vật. Chẳng hạn, với
trường hợp Tấm Cám, ông chọn cách để
Cám tự mình đun nước sôi rồi “nhờ người” dội giúp. Hay ở truyện Lấy vợ Cóc, ông để nhân vật người học
trò và cô Cóc có quá trình tiếp xúc, đến khi “phải lòng” nhau thì mới nhờ bà mối
giúp kết nối lương duyên. Những điều chỉnh như thế quả phù hợp hơn với cách cảm,
cách nghĩ của trẻ em thời hiện đại.
Sáng
tạo trong truyện cổ viết lại của nhà văn Tô Hoài rất đa dạng, thể hiện ở cả hai
phương diện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Ông là nhà văn có hiểu biết
sâu sắc về thể loại, biết cách thu hút người đọc vào với câu chuyện của mình.
Ông tạo ra sự khác biệt với dân gian khi không nhất nhất mở đầu bằng “ngày xửa,
ngày xưa” quen thuộc. Ông chọn cách dẫn dắt linh hoạt, khi thì: “Câu chuyện “của
thiên trả địa” không biết xảy ra từ bao giờ mà đến hôm nay người ta vẫn kể lại,
vẫn được nhiều người nghe” (Của thiên trả
địa), khi lại: “Kể ra thì cũng là hiếm, nhưng trên đời, việc rắc rối đến thế
nào mà chẳng có” (Sự tích lá trầu quả cau)…
Ông cũng thường hay “trữ tình ngoại đề”, vừa để giãn nở cốt truyện, vừa nêu lên
quan điểm, sự cảm nhận của mình về nhân vật hay sự việc đang được đề cập. Chẳng
hạn, đây là đoạn văn ông phản biện một phong tục Tết xưa: “Ông bổ củi và bà đầu
bếp phải đầy ải suốt đời. Mà chổi lúa, chổi xể không phải quét ba ngày Tết cũng
chẳng vì người đời tử tế gì chỉ bởi chúng họ hám của nên nghĩ ra cái hèm thành
phong tục không quét nhà quét sân ba ngày Tết
để cho tiền bạc của cải – ví như rác rưởi – trong nhà không chảy ra rãnh
trôi xuống sông xuống ao mất” (Cái chổi)…
Những đoạn văn như trên xuất hiện khá nhiều trong 101 truyện ngày xưa, nếu khai thác tốt sẽ có tác dụng giáo dục cho
các em về nhận thức và tình cảm.
Truyện
kể dân gian vận hành bằng phương thức truyền miệng, do đó, nội dung miêu tả thường
bị bỏ qua, tất cả chỉ được trần thuật một cách khái quát. Khi viết lại truyện cổ,
nhà văn sẽ tìm cách lấp đầy các khoảng trống nghệ thuật nói trên. Nói theo lí
thuyết văn học, mọi sáng tạo trong truyện cổ viết lại sẽ được dồn vào các yếu tố
ngoài cốt truyện, gồm miêu tả nhân vật, miêu tả thiên nhiên và ngôn ngữ phong
cách hóa. Có thể nói, truyện cổ viết lại là một thể văn phù hợp với phong cách
sáng tác của Tô Hoài. Ông có đất dụng văn, phô diễn biệt tài miêu tả của mình
qua từng nhân vật, từng cảnh sắc thiên nhiên cụ thể.
Trong
101 truyện ngày xưa, Tô Hoài chọn
cách miêu tả chấm phá, giới hạn trong vài ba câu song phải toát lên được nét
riêng của từng đối tượng. Tả Cám, ông dùng từ láy “quềnh quàng”, lạ mà chính
xác với tính cách của kẻ ham chơi, không biết làm việc: “Cám quềnh quàng trên mặt
nước, cả buổi chưa được lưng giỏ” (Tấm
Cám). Tả nhân vật người vợ Cóc, ông có các cụm từ “nhảy nhô nhảy nhốp”,
“nhô nhốp nhảy theo” rất sáng tạo. Thiên nhiên trong truyện của ông cũng rất đặc
sắc, vừa làm nền cảnh, vừa khơi sâu vào tâm hồn người đọc cảm xúc lãng mạn: “Bóng
trăng lấp lánh xuống dòng sông chốc lại sáng rợn lên như bóng ma” (Chiếc giày thơm); “Cả cánh bãi mênh mông
cồn lên như nổi sóng. Bụi bay mù mịt, các con vật phía nào cũng đứng lên, vươn
lên, chồm tới” (Ai là chúa muôn loài)…
Cốt
truyện trong 101 truyện ngày xưa được
Tô Hoài lựa chọn từ nhiều nguồn truyện kể khác nhau: Tày, Nùng, Mạ, Khơ me, Xê
đăng… Qua ngòi bút Tô Hoài, các truyện kể nói trên đã tựa vào nhau làm thành một
hệ thống phản chiếu vẻ đẹp “diện mạo và tâm hồn” dân tộc. Mặt khác, tập sách
cũng đem lại những ấn tượng ban đầu về bản sắc dân tộc, sắc thái văn hóa vùng miền
qua từng câu chuyện cổ.
Như
vậy, bên cạnh thể văn đồng thoại, Tô Hoài cũng rất tài năng qua những tác phẩm
truyện cổ viết lại. Trong tương quan chung, 101
truyện ngày xưa nổi bật lên nhờ hệ thống cốt truyện đa dạng, giàu yếu tố kì
ảo, hài hước và thông minh tài trí… Nói như Tô Hoài, đó là những “câu chuyện lạ
lùng mà như có thực” (Chèo Bẻo đánh Quạ),
rất phù hợp với tâm lí – thị hiếu của trẻ em.
Thành
công kể trên của Tô Hoài là một tham khảo tốt đối với nhà trường trong việc rèn
dạy cho học sinh kĩ năng kể chuyện sáng tạo. Đối với người cầm bút, có thể vận
dụng kinh nghiệm của Tô Hoài vào quá trình sáng tác – nhất là trong bối cảnh hiện
nay, không ít nghệ sĩ đang tìm về với văn hóa dân gian để xây dựng nên những
tác phẩm mới.
LÊ
NHẬT KÝ
(Bài đã đăng trên Zingnew)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét