Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

KỶ NIỆM 100 NĂM SINH NHÀ VĂN TÔ HOÀI (1920 - 2020): BƯỚC CHÂN DẾ MÈN

 




Với gần ¾ thế kỉ cầm bút, nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014) đã tạo được một sự nghiệp văn chương quy mô và nhiều giá trị. Trong khối lượng tác phẩm đồ sộ đó, ông có nhiều cuốn sách hay dành cho thiếu nhi, điển hình là Dế Mèn phiêu lưu ký.


Những sắc điệu của bước chân Dế Mèn

Kể từ lúc ra đời cho đến nay, Dế Mèn phiêu lưu ký luôn nhận được tình cảm yêu thích đặc biệt của bạn đọc ở cả trong và ngoài nước. Vậy điều gì đã làm nên sức mê hoặc của tác phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký? Trả lời câu hỏi này, chúng ta cần xuất phát từ nhiều góc độ khác nhau như cảm hứng tư tưởng, đặc điểm nhân vật, nghệ thuật miêu tả... Song tựu trung, đó chính là hình tượng bước chân phiêu lưu của nhân vật Dế Mèn mà Tô Hoài đã rất dụng công khắc họa.

Việc sử dụng cốt truyện phiêu lưu của Tô Hoài ở Dế Mèn phiêu lưu ký là kết quả tiếp thu kinh nghiệm nghệ thuật từ những nền văn học lớn, nhất là văn học phương Tây. Nhà văn cho biết, trước khi viết Dế Mèn phiêu lưu ký, ông đã đọc khá nhiều tác phẩm văn học về đề tài phiêu lưu như Tây du ký (Ngô Thừa Ân), Giu-li-vơ du ký (J. Swift), Không gia đình (H. Malot), Con chim xanh (M. Maeterlinck)… Chính những tác phẩm kể trên đã giúp ông hình thành tư tưởng phiêu lưu cho nhân vật của mình.

Toàn bộ nội dung phiêu lưu của Dế Mèn được nhà văn diễn tả qua mười chương truyện, gồm hai chuyến đi cụ thể là vào xã hội loài người và thế giới loài vật. Ở chuyến đi thứ nhất, Dế Mèn hoàn toàn bị động vì bị hai cậu học trò tên là Nhớn và Bé bắt về để chơi trò chọi dế. Ở chuyến đi thứ hai, Dế Mèn chủ động và có bạn đồng hành thân thiết là Dế Trũi. Cả hai đã đi qua nhiều nơi, hết vùng đầm lầy của Đại vương Ếch Cốm là vùng hoa cỏ may, và cuối cùng là xứ sở các loài kiến. Trên hành trình phiêu lưu ấy, các nhân vật đã tiếp xúc nhiều đối tượng, cảnh vật, đối diện với nhiều thử thách khác nhau.

Đối với trẻ em, cốt truyện phiêu lưu bao giờ cũng hấp dẫn vì hứa hẹn đem đến nhiều điều bất ngờ. Quả vậy, cứ mỗi trang sách mở ra là các em có thêm hiểu biết về đặc điểm tự nhiên cũng như tập tính của từng con vật. Mặt khác, nghệ thuật nhân cách hóa cũng sẽ cung cấp cho các em những hình tượng giàu tính ẩn dụ, gợi dẫn liên tưởng về đời sống xã hội. Chẳng hạn, tiếp xúc với nhân vật Dế Trưởng, các em sẽ thấy được tính cách bảo thủ, gia trưởng của con người làng xã truyền thống. Hay, hình ảnh “những chị Cào Cào trong làng ra, mỹ miều áo đỏ áo xanh mớ ba mớ bảy” gợi lên nét đẹp của người phụ nữ vùng văn hóa Bắc Bộ vào mỗi mùa lễ hội… Với nội dung phong phú như vậy, Dế Mèn phiêu lưu ký đã tạo được những tác động sâu sắc đối với bạn đọc thiếu nhi cả về nhận thức lẫn tình cảm, khiến cho bạn đọc nào cũng “mơ màng đến bước phiêu lưu, vượt ra ngoài lũy tre làng, y như anh bạn Dế Mèn” (Tuổi thơ – đọc và học văn).

Không rõ Tô Hoài có chịu ảnh hưởng Nguyễn Du, nhưng ở hai tác phẩm đạt tầm kiệt tác này có sự gặp gỡ về hình tượng bước chân nhân vật chính. Ở Truyện Kiều, đó là bước chân táo bạo, chủ động đi tìm hạnh phúc tình yêu của Thúy Kiều, “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”. Ở Dế Mèn phiêu lưu ký, đó sẽ là bước chân phiêu lưu đầy say mê ngay từ lúc xuất phát: “Lên đường! Lên đường! Mỗi bước chân sẽ thấy một đổi thay. Mỗi sớm mỗi chiều lại gặp một cảnh vật mới” (chương IV), và trên hành trình di chuyển: “Chúng tôi, ngày đi đêm nghỉ, cùng nhau say ngắm dọc đường. Non sông và phong tục, mỗi nơi mỗi lạ, mỗi bước rời chân mỗi thấy tuyệt vời” (chương V)… Lần lượt qua mười chương truyện, nhà văn miêu tả cho các em hình tượng bước chân Dế Mèn ở nhiều trạng thái khác nhau, gắn với một ý nghĩa hay thông điệp cuộc sống nào đó.

Trước hết, đó là bước chân biết cách “đi đứng oai vệ” và “làm điệu dún dẩy” để vẻ đẹp cơ thể được nổi bật lên trước mắt mọi người: “Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn” (chương I).

Đó là bước chân hiếu động, chủ động “sang chơi” nhà Dế Choắt, vì ngán ngẩm cái cảnh ngày ngày “ra đứng ngoài cửa” rồi lại “chui vào trong cùng hang” (chương I).

Đó là bước chân thức tỉnh, biết nghe lời phải trái, “len lén rời nắp bao diêm”, rời bỏ xã hội loài người, lần đường tìm về bờ đầm nước thân thuộc.

Đó là bước chân nghĩa hiệp, dám “tới chỗ mai phục của bọn Nhện” để giúp chị Nhà Trò thoát khỏi món nợ, chấm dứt cảnh kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu (chương III).

Đó là bước chân tình nghĩa, chủ động tìm “đến thăm anh hai”, “thăm anh trưởng”, rủ họ cùng đi du lịch để “xem xét các nơi cho mở mang trí óc ra” (chương IV).

Đó còn là bước chân hiếu thảo, “ra viếng mộ người” ngay sau khi trở về, với mong muốn được “quỳ ôm đôi càng gầy yếu của mẹ kính mến mà kể lại những ngày luân lạc và những công việc con đã làm ích cho đời để mẹ nghe” (chương X).

Cố nhiên, nổi bật lên trong toàn tác phẩm là hình tượng bước chân phiêu lưu của Dế Mèn và Dế Trũi. Đôi bạn này tâm đầu ý hợp nên bước chân đồng điệu “mê mải đi”, “mỏi chẳng muốn dừng”, gặp nguy thì “chạy một mạch”, hoặc tìm cách “trèo lên ngọn hoa cỏ xước”… Nói chung, hành trình của hai nhân vật qua nhiều miền xa, xứ lạ nên bước chân có đủ mọi trạng thái vận động. Nó phản ánh hoàn cảnh an nguy, cách ứng xử của nhân vật trước những tình huống phiêu lưu. Theo đó, một cách tự nhiên, bạn đọc được được đặt mình vào thử thách để trải nghiệm cảm giác mạo hiểm, hay được thỏa thích ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên, phong tục sinh hoạt của các giống loài khác nhau.

Khi kể chuyện, Tô Hoài rất biết cách tạo ra một số tình huống để bước chân nhân vật Dế Mèn có cơ hội xuất hiện và vang lên ý nghĩa xã hội. Chẳng hạn, sau trận đấu võ, Dế Mèn trở thành chánh thủ lĩnh vùng hoa cỏ may. Theo quy định, Dế Mèn sẽ phải ở lại nơi này ít nhất là đến mùa xuân năm sau, khi đã chọn được thủ lĩnh mới. Để câu chuyện phiêu lưu được tiếp tục, Tô Hoài tạo ra tình huống Dế Trũi bị bắt, không rõ bọn Châu Chấu Voi đưa đi giấu chốn nào. Như vậy, Dế Mèn đã tìm được lí do chính đáng để “tôi lại bước chân đi”, “cứ ngắm những bụi cây trơ trụi xa xa mà đi tới”, “bước cao bước thấp, đi hết mùa đông sang mùa xuân” (chương VI). Đây đúng là bước chân tình bạn, tìm bạn mải miết, bất chấp “một mình lẽo đẽo đường dài, đơn thân độc bóng” (chương VII).

Với thể văn đồng thoại, con dế mèn ngoài bờ bãi đã trở thành một hình tượng vừa là chính nó (loài vật), vừa là ẩn dụ về những người trẻ tuổi say mê lí tưởng “thế giới đại đồng”. Có thể nói, cái hay của thiên truyện chính là sự trưởng thành của Dế Mèn qua từng chặng đường phiêu lưu. Từ chỗ ban đầu là một chú dế đẹp mã nhưng ngỗ nghịch, Dế Mèn đã biết tự trau dồi nhân cách, càng ngày càng trở nên đẹp hài hòa, trọn vẹn giữa ngoại hình và phẩm chất. Đó là vẻ đẹp của nhân vật lí tưởng, được Tô Hoài xây dựng theo một cách khác, không như những nhân vật tương tự trong văn chương truyền thống. Phải chăng qua cách làm này, nhà văn muốn nhấn mạnh đến ý nghĩa của việc phiêu lưu, sự cần thiết phải biết tự nâng cao giá trị bản thân của mỗi người?

Những bước chân phiêu lưu nối tiếp Dế Mèn

Như đã nói ở trên, kiểu truyện đồng thoại về loài vật phiêu lưu ở Việt Nam chỉ nảy sinh và phát triển trong thời kì hiện đại của nền văn học. Với Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài vinh dự trở thành nhà văn khai sinh ra thể loại truyện đồng thoại nói chung, kiểu truyện đồng thoại về loài vật phiêu lưu nói riêng. Mặt khác, tác phẩm mở đầu này cũng đồng thời là tác phẩm đỉnh cao, đã được thừa nhận là “kiệt tác ở thể đồng thoại”. Đó thực sự là điều đặc biệt, vì hầu hết những thể loại khác đều phát triển theo quy luật tịnh tiến, chỉ xuất hiện tác phẩm đỉnh cao sau khi đã có một thời gian tích lũy các điều kiện bên trong và bên ngoài văn học liên quan.

          Thành công của Tô Hoài không chỉ đem lại hứng thú đọc sách cho trẻ em mà còn tác động tới cả những người cầm bút. Nhiều nhà văn từng chia sẻ rằng, họ cảm thấy “bị mê hoặc” bởi “cuộc phiêu lưu đầy ý vị của Dế Mèn” (Ngô Văn Phú), thuộc lòng nhiều đoạn văn của tác phẩm. Từ chỗ say mê, một số cây bút đã noi theo Tô Hoài tìm kiếm thành công ở kiểu truyện đồng thoại về loài vật phiêu lưu.

Tính đến này, theo thống kê của chúng tôi, đã có hơn 100 truyện đồng thoại về loài vật đi phiêu lưu. Có thể kể ra đây một số tác phẩm được nhiều bạn đọc biết đến: Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công (Vũ Tú Nam), Cuộc phiêu lưu của những con chữ (Trần Hoài Dương), Cuộc phiêu lưu của hòn sỏi (Nguyễn Kiên), Cuộc phiêu lưu của ong vàng (Vũ Duy Thông), Ngàn dặm xa (Nguyễn Đình Chính), Cuộc phiêu lưu của Kiến Nhóc (Quân Thiên Kim), Cuộc phiêu lưu của Ỉn Hồng (Đào Thu Hà)… Những tác phẩm trên có đặc điểm chung là đều hiển thị nội dung “phiêu lưu” ngay từ tên truyện, có dung lượng của truyện vừa hay truyện dài. Bên cạnh các con vật, nhà văn còn xây dựng nhân vật phiêu lưu từ một số đối tượng khác như đồ vật, kí tự… Chúng tôi xem đó là nỗ lực của nhà văn trong việc phát triển thể loại nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đọc sách của trẻ em hôm nay.

Năm 1968, trên Tạp chí Văn học, nhà văn Tô Hoài đăng bài Tôi viết đồng thoại: Dế Mèn, Chim Gáy, Bồ Nông (số 10). Trong bài viết này, ông chia sẻ một số kinh nghiệm viết truyện đồng thoại. Theo ông, truyện đồng thoại là một hình thức biểu đạt cuộc sống, giàu tưởng tượng và dễ hấp dẫn đối với tuổi thơ. Người viết đồng thoại phải có mục đích rõ ràng, không thể “viết vì bâng quơ, vì muốn làm cho lạ”; trái lại, phải có “nội dung xã hội” và chức năng giáo dục. Bài viết trên được nhiều người tìm hiểu, vận dụng trong quá trình sáng tác truyện đồng thoại. Nhìn chung, truyện đồng thoại Việt Nam từ sau 1945 trở lại đây nhờ có điểm tựa tốt nên đạt được nhiều giá trị về giáo dục và giải trí. Tuy vậy, so với Dế Mèn phiêu lưu ký, các cuộc phiêu lưu sau 1945 chưa thật sự hấp dẫn. Có lẽ, các tác giả đã chọn lối viết đơn giản, mạnh về kể vật mà nhẹ về ẩn dụ, thiếu màu sắc lí tưởng và lời văn cũng chưa thực sự dồi dào về nội lực cảm xúc…

Tóm lại, với Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài đã tạo nên nhiều dấu mốc quan trọng cho lịch sử thể văn đồng thoại. Ông đã giúp nhiều người nhận thức đúng đắn hơn về văn học thiếu nhi, góp phần mở rộng tầm ảnh hưởng của văn học Việt Nam ra thế giới. Ông không chỉ làm bạn đọc ngẩn ngơ trước bước chân phiêu lưu của Dế Mèn mà còn thu hút được nhiều cây bút tham gia sáng tác khiến cho kiểu truyện loài vật phiêu lưu trở thành một “dòng riêng giữa nguồn chung” đồng thoại rất ấn tượng.

LÊ NHẬT KÝ

(Bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Định, số tháng 9+10/2020)

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét