Nhà văn Tô Hoài |
1. Nói về mùa xuân trong văn Tô Hoài, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến truyện ngắn Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm này có những trang viết thú vị về mùa xuân của người H’mông nơi vùng cao Tây Bắc.
Thường khi gặt hái xong là người H’mông bắt đầu ăn Tết, bất kể ngày tháng thế nào. “Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới”. Ngày Tết, con trai con gái đánh pao, đánh quay rồi rủ nhau đi chơi, thổi sáo gọi bạn làm nên những đêm tình mùa xuân rất đặc biệt. Chính trên nền không gian, không khí mùa xuân đó, Tô Hoài đã triển khai mô tả diễn biến số phận nhân vật Mị: bị bắt về làm dâu gạt nợ, khát vọng sống hồi sinh… Qua Vợ chồng A Phủ, người đọc mở rộng được hiểu biết nhờ những kiến thức về phong tục ngày Tết của người H’mông, đồng thời thấy rõ tác động kì diệu của mùa xuân đối với con người.
2.
Thực ra, không phải đợi đến Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài mới viết về mùa xuân. Trước 1945, và sau Vợ chồng A Phủ, cảm hứng về mùa xuân vẫn dồi dào trong ngọn bút nhà văn. Nếu tổng hợp lại, chúng ta có được một hệ thống gồm những trang viết đặc sắc về mùa xuân của Tô Hoài.
Theo quan sát của chúng tôi, mùa xuân xuất hiện nhiều trên những trang văn đồng thoại. Đó là một thể văn mà Tô Hoài rất thành công với những câu chuyện về loài vật, loài người rất độc đáo, ý nghĩa.
Mùa xuân trong mắt Tô Hoài thật kì diệu. Đó là sự kì diệu của thiên nhiên với đủ sắc màu tươi sáng, âm thanh rộn ràng. Rõ ràng, thiên nhiên mùa xuân mang một gương mặt hoàn toàn khác với vẻ u ám, lạnh lẽo của mùa đông. Bởi vậy, nó khiến cho lòng người trước cảnh vật trở nên hân hoan, mê đắm:
- “Chim hót ơi ới đầu cành. Ánh nắng lụa nõn phủ trên chòm cây. Những vạt cỏ trở lại non tươi, xanh mởn khắp mặt đất, cỏ xuân nhấp ngọt như đường phèn” (Dế Mèn phiêu lưu ký).
- “Mùi hoa hồng, hoa huệ sực nức bốc lên. Trong không khí vắng bóng hơi nước lạnh lẽo. Không khí bây giờ sáng và đầy hương thơm. Cây hồng bì đã rũ bỏ những cái áo lá già đen thủi. Những cành xoan khẳng khiu đang trổ lá. Những cành xoan gầy lại buông ra những tàn hoa sang sáng, tim tím” (Chim Chích lạc rừng).
Là nhà văn có biệt tài miêu tả thiên nhiên, Tô Hoài không khó để tạo nên những đoạn văn giàu chất thơ, sức quyến rũ như vậy. Nhưng ông không lạm dụng vì sợ làm chậm mạch văn, khiến cho câu chuyện mất đi sức lôi cuốn cần thiết đối với các độc giả nhỏ tuổi vốn ưa thích tốc độ và hành động.
Với Tô Hoài, mùa xuân là không – thời gian gắn với hoạt động của con người và vạn vật. Mùa xuân tạo nên các tình huống, các cảm hứng hành động cho các nhân vật của ông. Vì thế, ông đã khai thác mùa xuân theo nhiều cách khác nhau, qua đó nhằm biểu đạt những “nội dung xã hội” mà ông chủ trương khi viết đồng thoại.
Thể hiện rõ điều này là truyện Chim Chích lạc rừng. Truyện này được Tô Hoài viết vào thập niên 60 của thế kỉ XX. Cảm hứng của truyện là ngợi ca những đổi thay nhanh chóng của nông thôn miền Bắc trong thời kì xây dựng CNXH. Đây là một cảm hứng lớn, xuyên thấm vào hầu hết mọi tác phẩm văn chương thời bấy giờ. Là người viết chuyên nghiệp, Tô Hoài muốn tiếp cận hiện thực theo cách riêng. Ông tìm đến thể văn đồng thoại và xây dựng nên câu chuyện ngồ ngộ, dễ thương về chú chim Chích Bông đi tránh rét trở về và cảm thấy bị lạc đường. Thì ra, cảnh vật quen thuộc dưới đường bay của chú chỉ qua mùa đông ngắn ngủi đã đổi thay. Nhiều công trình mới mọc lên, làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn: đường dây điện chằng chịt, ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, trạm bơm thủy điện… Đọc truyện này, chúng ta như thấy được sự hòa điệu giữa mùa xuân đất trời và mùa xuân lòng người. Nó khác nào là một bài thơ, một khúc ca xuân ấm áp, mê say!
Lối viết truyện như vậy còn được Tô Hoài phát huy qua tác phẩm Cá đi ăn thề. Bối cảnh câu chuyện là cuối xuân có những cơn mưa, những ngọn gió đông ấm áp bay về. Theo dân gian, đây cũng là dịp họ hàng nhà cá đi ăn thề: “Mồng năm cá đi ăn thề/Mồng bảy cá về, cá vượt vũ môn”. Từ sự gợi ý của câu tục ngữ dân gian này, Tô Hoài viết về mùa xuân hội hè của họ nhà cá trên cánh đồng Đan Hoài. Ông kể chuyện những chú Rô Ron tròn xoe mắt ngạc nhiên, không hiểu vì sao các bác cá Ngão, các cậu Bống, Thờn Bơn mảnh khảnh… vượt được đê sông Hồng cao ngất vào vui chơi trên cánh đồng của mình. Chúng không thể biết “chính là cái bơm điện đã hút các bác cá Ngão nhảy lên”.
Đồng thoại là một thể văn nhân cách hóa loài vật. Trong văn Tô Hoài, mùa xuân không được nhân hóa, không được xây dựng thành nhân vật đồng thoại. Bản thân mùa xuân được Tô Hoài nhìn nhận trên tư cách một hiện thực, có chức năng làm nền cho nhiều diễn biến khác nhau của đời sống nhân vật, là lí cớ để nhà văn xây dựng tình huống, phục vụ việc triển khai nội dung cảm hứng xã hội.
3.
Nếu có một gam màu trầm buồn trong những trang văn viết về mùa xuân của Tô Hoài thì đó là truyện Đôi ri đá, viết trước 1945. Ở truyện này, Tô Hoài nói về cái Tết buồn ở gia đình mình và làng Nghĩa Đô, quê hương ông. Người đọc không khó nhận ra nỗi buồn nghèo túng đượm trong từng câu văn, dù Tô Hoài chủ động sử dụng câu văn ngắn và lối tường thuật theo kiểu báo chí:
“Năm nay, ở Nghĩa Đô, người ta ăn một cái Tết Nguyên Đán không vui. Bởi vì, làng có mỗi một nghề làm lĩnh, lĩnh, lụa lại ế. Hàng dệt ra không bán đi được. Chẳng có ai mua. Nhiều khung cửi phải xếp lại. Những vày tơ bỏ trống. Vắng tiếng lóc cóc ran rỉ của cái vày tơ. Ngày phiên không có những bác thợ cửi say rượu, mặt đỏ gay đi chệnh choạng trên đường cái làng…”.
Bên cạnh nỗi buồn đói nghèo, Tô Hoài còn vương thêm một nỗi buồn khác. Đó là nỗi buồn khi ông chứng kiến cảnh tan tác của nhà chim ri đá. Tiếng pháo “xì toạch, xì toạch toang toang” do anh cu Lặc đốt vô tình đã làm cho “những con chim nhỏ ngã xuống (…), tan tác mỗi con về một phía”. Kết cục, vợ chồng ri đá cùng bốn đứa con thơ dại rời bỏ cây hồng bì bay đi, tìm nơi chốn bình yên khác để trú thân.
Thật trớ trêu khi mấy tiếng pháo tạch đùng mà bác quyền Vực tặng cho gia đình không đủ sức xua tan cái u ám của ngày Tết. Không những vậy, tiếng pháo còn gây nên nỗi li tán của loài vật, làm dấy lên trong lòng nhà văn nỗi thương tâm. Trong những câu văn như thế này, chúng ta thấy hiển hiện nỗi bi thương, băn khoăn của người viết: “Tội nghiệp, bốn con ri nhỏ mới ra ràng”, “Chẳng ai biết được cái bầu đoàn khốn khổ long đong bạt đi đâu và về sau ra làm sao”…
Con người, loài vật vốn tồn tại trong mối quan hệ cộng sinh. Bởi vậy, hình như qua câu chuyện của mình, Tô Hoài muốn nói tới một quy luật tương tác khác – quy luật về cái ngẫu nhiên. Và phải chăng, ông cũng muốn mỗi người trong cuộc sống cần ý thức hơn về những cái vô tình mà mình có thể gây ra cho đồng loại cũng như muôn loài?
* * *
Tô Hoài viết văn từ 1940, và như vậy, ông đã trải hơn 70 năm cầm bút. Với trên 200 đầu sách đã xuất bản, Tô Hoài thật sự là người dẻo dai, bền bỉ với nghề, không bao giờ là hình ảnh của một ngòi bút tẻ nhạt, vô vị. Đọc những đoạn văn viết về mùa xuân của ông, chúng ta càng có thêm căn cứ để ngưỡng mộ tài năng của ông…
Lê Nhật Ký
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét