Những tuỳ bút của Elena Pucillo Truong được nói tới trong bài viết này nằm trong tập Một phút tự do do nhà xuất bản Văn hoá, Văn nghệ ấn hành, năm 2014
Elena Pucillo Truong là Tiến sĩ ngôn ngữ và văn chương, giảng dạy tiếng Pháp và văn minh Pháp tại Đại học Minalo, Italia. Năm 1985, chị lập gia đình, chồng là dược sư – nhà văn Trương Văn Dân, người Tây Sơn, Bình Định, du học Italia năm 1971. Nhiều năm trở lại đây, chị theo chồng về Việt Nam sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Sự thay đổi này đã mở ra cho chị những cơ hội khám phá và hoà nhập vào đời sống cộng đồng dân cư Việt nói riêng, Đông Nam Á nói chung.
Elena Pucillo Truong đã nhiều lần về Bình Định, lên Đà Lạt, sang tận Campuchia, và rất, rất nhiều lần tiếp xúc với nghệ sĩ, trí thức Việt sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Những cuộc hạnh ngộ như vậy đã mang đến cho Elena Pucillo nhiều cảm xúc, nhiều phát hiện đến ngỡ ngàng, mê đắm. Elena Pucillo Truong đã chọn tuỳ bút, một thể loại có tính cách tự do, cho phép giãn nở câu chữ, nội dung khi trình bày về những kết quả trải nghiệm của tâm hồn, những thu hoạch thú vị từ các cuộc phiêu lưu vào văn hoá Đông Nam Á.
Trong những chuyến đi như thế, Elena Pucillo Truong luôn có được sự cộng hưởng cần thiết từ khát vọng khám phá của một người ngoại quốc và vẻ đẹp thâm trầm, thậm chí huyền bí của văn hoá phương Đông. Do đó, ở chị không ngừng phát xuất những nỗi tò mò, rồi ngạc nhiên, rồi mê đắm…
Sang Angkor Wat, Elena Pucillo Truong thấy mình bị hấp dẫn bởi nghệ thuật điêu khắc đá. Theo chị, những hoa văn khắc sâu trên đá đã làm cho một thành phố tưởng chừng bị bỏ quên đã được sống lại, và nhờ đó, “làm cho chúng ta nghe được hơi thở của một nền văn minh của dân tộc Khmer”. Ngay cả những phế tích, những rễ cây hoá thạch cũng có giá trị mách bảo về lịch sử và sự mệt mỏi bởi gánh nặng thời gian. Nhưng vượt lên tất cả, Angkor Wat là sự kết hợp kì diệu giữa tự nhiên và con người, là bản lưu kí lịch sử đầy chất thơ về đời sống sinh hoạt của một dân tộc cần cù và trí tuệ (Angkor Wat. Đi, với trái tim).
Cũng với cái nhìn đầy tinh tế như vậy, Elena Pucillo Truong đã nhận ra vẻ đẹp của người phụ nữ Việt toát lên từ chiếc áo dài mỏng mảnh, thướt tha. Ấn tượng về chiếc áo dài Việt trở nên mạnh hơn khi chị được quan sát dáng vẻ bà chủ thiền trà Viên Trân pha trà mời khách. Elena viết: “Tôi có cảm giác là thời gian đã ngưng lại trong khoảnh khắc đó: Chẳng quan trọng là mình đang ở đâu, đang làm gì, ở đây không có chỗ cho quá khứ với những muộn phiền mà cũng chẳng còn có chỗ cho tương lai với bao ẩn số”. Tuỳ bút Tà áo lụa giữa những cánh sen đầy ắp kí ức về chiếc áo dài Việt mà chị, chồng chị, bạn bè chị đều rất ưa thích.
Elena Pucillo Truong đã nhiều lần về thăm Quy Nhơn, Bình Định. Từ một trong những chuyến đi ấy, chị viết tuỳ bút ngồn ngộn thông tin về Lễ hội Tây Sơn, Bình Định: kì diệu và tự hào. Bài này chị viết cho báo Raccontare il viaggio (Italia, 2008), giới thiệu về mảnh đất anh hùng và phong cảnh thơ mộng của Bình Định. Theo chị: “Lễ hội Tây Sơn – Bình Định chính là cơ hội tuyệt vời để giới thiệu danh lam thắng cảnh, lịch sử, con người của vùng đất nổi tiếng về võ thuật và cũng là thứ danh thiếp cho thấy một đất nước trên đường phát triển”. Nhận định này, chắc chắn, đã và sẽ có nhiều người đồng tình, chia sẻ.
Elena Pucillo Truong là người có cảm tình đặc biệt với đất nước và con người Việt Nam. Tình cảm ấy là có chiều sâu, bởi nó được xây dựng trên những nguyên cớ đẹp đẽ. Elena Pucillo Truong hẳn chưa thể đến hết mọi miền, gặp gỡ đủ mọi hạng người dân Việt, nhưng từ những gì đã tiếp xúc, chị luôn cảm thấy mình bị thuyết phục bởi vẻ đẹp văn hoá Á Đông. Điều này được chị bày tỏ thông qua những câu chuyện rất cụ thể, thuyết phục.
Elena Pucillo Truong nhìn thấy vẻ đẹp tâm hồn Huế trong thơ ca và trong cung cách ứng xử đời thường của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương. Ở nhà thơ dòng dõi quý tộc này, Elena Pucillo Truong luôn thấy hiện hữu một nụ cười “trong sáng và rạng rỡ” có khả năng che giấu khổ đau, chỉ để gây lòng thiện cảm với mọi người (Còn gặp nhau… xin hãy cho nhau nụ cười).
Ngay cả chuyến đi tham quan Angkor Wat vừa kể trên, Elena Pucillo Truong cũng đã thấy được nghĩa cử cao đẹp của người Việt dành cho nhau nơi xứ người, khi mà cuộc mưu sinh đầy khó khăn, nhọc nhằn (Angkor Wat. Đi, với trái tim).
Elena Pucillo Truong sáng tác chủ yếu ở hai thể loại: truyện ngắn và tuỳ bút. Nếu truyện ngắn đậm hư cấu thì tuỳ bút, trái lại, cái tôi trữ tình của người viết lại hiện ra một cách rõ nét, chân thực. Tuỳ bút của Elena Pucillo Truong, như đã nói, gắn với những khám phá về vẻ đẹp văn hoá và con người Việt Nam. So với nhiều người, ưu thế của chị là ngắm nhìn, cảm thụ văn hoá Việt bằng con mắt của một nhà văn châu Âu. Do đó, chị luôn có được những ngạc nhiên, những đối sánh cần thiết để làm nổi bật nhiều giá trị văn hoá, tâm hồn Việt.
Những tuỳ bút của Elena Pucillo Truong nguyên bản bằng tiếng Ý, được chồng chị là nhà văn Trương Văn Dân chuyển ngữ sang tiếng Việt. Bản dịch sáng rõ, chuyển tải được vẻ đẹp ngôn ngữ Ý khiến cho tuỳ bút Elena Pucillo Truong thêm hấp dẫn công chúng Việt…
LÊ NHẬT KÝ
Bài đăng trên
Báo Bình Định điện tử ngày 17.4.2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét