Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

BIỆT THỰ MÓNG BÒ (*)



 "... truyện ngắn Biệt thự móng bò của Hồ Phước Quả lại khiến người đọc thú vị ở giọng văn hài hước và linh hoạt. Thêm vào đó là những chi tiết sinh động được sử dụng để xây dựng tính cách một chú dế Ốc Tiêu ngang tàng, nghĩa hiệp..." (Nhà văn Hồ Anh Thái).

Dế cồ lửa mới sinh hồi đầu tháng ba, nó là con út, nhỏ thua các anh chị rất nhiều, cha mẹ đặt tên là “Ốc Tiêu”. Ốc Tiêu là tên bọn trẻ chơi dế thường gọi những con dế nhỏ con mà hăng đá, hay còn gọi là “nhỏ con mà ngon độ”. Thân mình thằng Ốc Tiêu mới bằng ngón tay út thằng bé, cặp cánh màng bên trong với cặp cánh cứng bên ngoài chưa phủ hết cái bụng no tròn lá non, có năm ngấn. Hai chiếc râu trên đầu chỉ mới nhô lên, còn ngắn và tay chân khẳng khiu. Cha mẹ rất cưng vì hắn sinh sau đẻ muộn, chịu nhiều thiệt thòi hơn anh chị. Hắn còi đẹt hơn những con dế đồng trang lứa, nhưng Ốc Tiêu là con dế có rất nhiều ước mơ.

Ốc Tiêu chưa tới tuổi trưởng thành. Nó mới biết xòe đôi cánh mềm lên nhau cọ qua cọ lại vài cái, chưa phát ra âm thanh nào vì đôi cánh còn non nớt, các nếp nhăn trên cánh chưa đủ cứng, chưa thể cất cao ngón đàn chuyên môn của loài dế.

Hôm nay lần đầu tiên trong đời thằng Ốc Tiêu ra khỏi hang khám phá thế giới. Nó di chuyển bằng cách nhảy những bước dài đầy may rủi trên bờ ruộng. Cư dân vùng đồng ruộng xưa nay có thói quen di chuyển theo cách luồn lách dưới những ngọn cỏ, cách này chậm chạp, mất nhiều công sức, nhưng được cái im lặng bí mật, không gây chú ý cho bọn chim chóc kẻ thù. Vùng ruộng nước nào khi mùa khô đến bùn lầy co mình nứt nẻ ra thì đó chính là một mạng địa đạo, di chuyển trong ấy vô cùng an toàn. Riêng thằng Ốc Tiêu chỉ muốn nhảy nhót để tập cho cặp giò cứng cáp, hy vọng ngày sau trở thành trang dũng sĩ nổi tiếng. Nó búng nhiều cái thực mạnh phát ra tiếng kêu tanh tách như người ta bật mảnh tre mỏng. Mỗi cái búng chân sau đẩy nó lên cao hơn ngọn cỏ một tí và đưa nó đi một đoạn dài bằng chiếc lá lúa. Những cuộc nhảy nhót hú họa trong đêm tối như thế này thường đem lại kết quả bất ngờ. Đôi khi rơi xuống êm ái trên lá cỏ rồi nhờ sự đàn hồi của lá, nó nhún mình nhảy tiếp cái thứ hai đi xa hơn. Thế nhưng nhiều khi rơi trúng cục đất đau điếng! Nhưng có đau thì đau, Ốc Tiêu cũng phải luyện tập để ngày sau nó không chỉ là ca sĩ nổi danh mà còn là dũng sĩ lừng lẫy, làm vẻ vang cả họ tộc cồ lửa của vùng Ruộng Mả Vôi này.

Ngày nào Ốc Tiêu cũng học tập hai môn học chủ yếu của những gia tộc quý phái, là môn âm nhạc và võ nghệ.

Hát thì tập trong hang cũng được nhưng chiến đấu lại phải ra bên ngoài. Đêm đêm Ốc Tiêu nhảy nhót dọc bờ ruộng, từ đầu này đến đầu kia. Cách đây mấy ngày nó phải nhảy tất cả là 180 cái mới đến, bây giờ cũng đoạn đường ấy nó chỉ nhảy có 152 cái. Như thế bước nhảy của nó đã tiến bộ hơn trước nhiều. Đêm nay khi mới nhảy tới cái thứ 65 thì Ốc Tiêu rơi vào “biệt thự”…

Lần nhảy đó Ốc Tiêu thấy mình chơi vơi trên cao, loay hoay lúng túng một lúc rồi rơi xuống. Đang khi rơi hắn nghĩ: nguy to rồi, thật là một cú nhảy không có nghệ thuật và kỹ thuật gì cả, rơi kiểu này có thể giập bụng, gãy càng, rụng râu. Đang khi rơi, gió vù vù bên tai, hắn thấy chạm vào cái gì mềm mềm, đàn hồi bên dưới, như tấm lưới người ta giăng trong rạp xiếc ở các màn đu bay. Hắn mừng rỡ, may quá, êm ái làm sao! Tấm lưới như có tẩm những hạt sương đêm lạnh ngắt, nó dãn dài ra rồi hình như chịu không nổi sức nặng, nó rách toạc nơi đáy, ném thằng Ốc Tiêu rơi đánh bịch xuống đất. Tuy tấm lưới bị rách nhưng cũng nhờ nó cản bớt sức rơi, nếu không đã xảy ra tai nạn.

Nó rơi vào một nơi hoàn toàn không có ánh sáng. Nó đứng lên, phủi bụi, cất tiếng gọi: “có ai ở đây không?” Gọi đôi ba lần không thấy ai trả lời. Trong bóng tối Ốc Tiêu dùng đôi râu sờ soạng chung quanh, thấy vách đất rất trơn, có mùi thơm của củ cỏ gấu. Trong góc tối có nhiều hạt trắng như hạt cơm, nếm thử, ôi thứ gì ngon quá. Hóa ra đây là những chiếc mũ nấm rơm vừa mới tượng hình. Nó nghĩ, nơi đây ở được lại có sẵn thực phẩm. Nhưng không biết đã có ai ở chưa?

Nó ngước lên thấy một màn sương trắng đục che phủ miệng hang. Nó lấy hết sức từ dưới búng lên, đầu chạm tấm lưới hất nó trở lại. Nhưng cú nhảy này giúp cho nó nhận ra đó là tấm mạng nhện tẩm sương đêm. Sương đậu trên lưới giống như những hạt đường cát. Cú nhảy làm cho mảnh lưới rung đổ xuống một trận mưa sương lạnh giá. Ốc Tiêu nhìn trời. Đằng sau tấm lưới là một nền trời đêm sâu hun hút, những ngôi sao lạnh lẽo xa xăm.

Ốc Tiêu chợt hiểu căn nguyên ngôi nhà của mình. Đây là cái dấu chân bò giẫm trên bờ ruộng đất mềm trong mùa mưa vừa qua. Con bò nào đó chắc là to lớn lắm, đi những bước rất dài dọc theo bờ ruộng. Nó đi một lần và chỉ có một mình nó, nên những dấu chân không bị đè lên nhau. Từ đó đến nay đã qua những tháng hè nắng gắt, đất cứng lại, dấu chân còn nguyên. Chỗ ấy nấm và cỏ bắt đầu mọc. Mới hồi chiều qua, một chú nhện đất nào đó chọn nơi này để giăng tấm mạng, giống như miếng vải mùng đậy trên chén chè.

Lúc đầu Ốc Tiêu thấy mình bị giam hãm, hoảng sợ tìm cách thoát thân. Nó nhảy loạn xạ, nhưng vô ích, lần nào cũng bị tấm lưới hất trở lại. Nhảy một lúc mệt, nó không nhảy nữa. Nó thấy chẳng cần lo gì, mai trời sáng tìm lối ra, mà dù chẳng có thì đào hang mà chui lên.

Thấy đây quả là một ngôi nhà lý tưởng, nó đặt cho ngôi nhà cái tên sang trọng, văn hóa là Biệt thự Móng Bò.

Nhà cha mẹ nó chật rồi, anh chị em lớn cả, chưa chịu ra ở riêng, thiếu chỗ sinh hoạt, mới đây lại thêm cái nạn bất ngờ. Tháng trước có thằng cha cuốn chiếu tới xin ở nhờ một vài ngày rồi đi. Nghe giọng nó năn nỉ tội nghiệp lắm. Thế nhưng nó chẳng đi mà ở luôn. Mới đây hắn ve vãn một chị cuốn chiếu khác, cũng kéo vô nhà luôn. Cặp này ăn nhờ ở đậu mà không biết thân phận, lại sinh thêm một lũ cuốn chiếu con. Cha mẹ Ốc Tiêu vốn cả nể, nhân từ, không nỡ đuổi cái gia đình nheo nhóc ấy. Họ cho chúng ở cuối hang, còn cả nhà dọn lên gần miệng hang. Nói thế để thấy rằng hiện nay vấn đề chỗ ở của Ốc Tiêu là vô cùng khó khăn. Ốc Tiêu tuy là con út, nhưng nó là con dế khôn trước tuổi, đàng hoàng, biết phải trái, thương yêu cha mẹ anh chị. Chính nó còn muốn làm gương cho anh chị. Lâu nay nó đã có ý tìm nhà, không ngờ đêm nay lại vô tình rơi vào biệt thự Móng Bò.

Trong ngôi biệt thự này, nó thích hơn cả là cái mái nhà. Tấm mạng nhện là cái mái nhà lý tưởng. Nó che nắng rất tuyệt. Nó là tấm vải lọc, những tia nắng trưa dù gay gắt cách mấy, xuyên qua nó cũng trở thành dịu mát, soi sáng và giúp khu vườn nấm bên trong phát triển tốt. Tấm mạng nhện cũng là cái mái nhà che mưa không thể chê vào đâu được. Không biết loài nhện giăng tơ bằng chất gì mà cái nào chạm vào cũng dính, kể cả những giọt nước mưa, những hạt sương nhỏ li ti. Mạng nhện còn là cái cửa kín đáo chống lại bọn dế chó, dế nhũi, dế cơm, gián đất, bọ xít, bọ nhảy… rất tò mò muốn biết cái gì ở bên trong song rất sợ bị sa lưới nhện, nên chỉ biết đứng ngoài nhìn vào trong thèm thuồng.

Không có việc gì làm, Ốc Tiêu đắm mình vào mơ mộng. Nó nằm ngửa, gác chân chữ ngũ, uốn cong cặp râu lại, ngậm vào miệng chải chuốt, nghĩ ngợi về tương lai. Chừng tháng nữa thôi, đôi cánh màng sẽ mọc dài ra phủ kín cái bụng non nớt, để bọn con gái không còn chê mình là con nít. Cặp cánh cứng bên ngoài trước đây còn non và mềm như tờ giấy dầu sẽ được nắng mưa sương gió tôi luyện cứng lại, chuyển thành màu vàng nâu, vàng mật ong, ánh lên chất đồng thau đỏ như lửa, thành ra bọn trẻ con chơi dế gọi là dế cồ lửa. Lúc đó nó sẽ xòe đôi cánh ra, chồng lên nhau, cọ qua, lướt nhẹ, giống như nghệ sĩ vĩ cầm chạm chiếc má vĩ lên sợi dây đồng ngân lên giai điệu ngọt ngào, hùng tráng. Lúc đầu chưa có kinh nghiệm, đôi cánh chỉ phát ra tiếng “két!” Một âm “két” đơn độc nghe rất chói tai, nhưng nếu nâng tần số lên thành 360 lần rung động trên một giây sẽ thành nốt “la” lý tưởng. Nhưng đã là nhạc sĩ đâu chỉ có một nốt “la”? Còn “đồ, rê, mi, pha, son”. Đến đây chẳng phải kỹ thuật âm học đơn giản nữa, nó đã ngả qua lĩnh vực nghệ thuật âm nhạc vô cùng phức tạp rồi.

Đã là nhạc sĩ thì tâm hồn là cái chính. Ốc Tiêu tự hỏi, mình sẽ chơi thứ nhạc nào đây?

Rồi nó tự trả lời:

- Cái đó còn tùy khi vui, khi buồn, khi xao xuyến, khi bâng khuâng… Còn tùy ngoại cảnh nữa chứ. Ví như chiều mưa thê lương, sáng xuân nồng ấm, đêm đông buốt giá, mây lóng lánh ngọc trai, gió lừng hương đồng nội, sương treo đầu ngọn cỏ, ấy là những lúc chơi khúc nhạc vui.

Nó lại tự hỏi:
- Thế còn khi buồn?
Và cũng chính nó trả lời:
- Mình có gì để buồn không? Có chứ. Ai lại không có nỗi buồn? Có một nỗi buồn nhè nhẹ dễ chịu làm sao! Ôi nhớ về em! Cô Mái Than…

Nó liền nghĩ tới một con dế Mái Than tơ rất đẹp, mình đen và bóng như thoa mỡ. Có lẽ con mái này lớn hơn nó vài ngày tuổi. Cô nàng đang sống cùng với cha mẹ, mà cha mẹ cô ta ở trọ trong hang của lão rết. Lâu nay nàng có vẻ lớn khôn hơn Ốc Tiêu nên xem nó chỉ là thằng bé con. Có lần Mái Than nhờ Ốc Tiêu đứng canh cho cô chui vào bụi thay quần áo. Cũng hơi buồn vì bị xem thường, nhưng đối với Mái Than thì nó chẳng nề hà việc gì.

- Hãy đợi đấy! Chỉ nửa tháng nữa thôi, “em” sẽ thấy thế nào là một ca sĩ, lực sĩ chính hiệu của đồng xanh!

Ốc Tiêu mở cửa lồng cho con chim tưởng tượng cất cánh bay lên khung trời lãng mạn. Ôi, được nằm nơi đây, một chỗ êm ấm, nghĩ về tương lai xán lạn thú vị làm sao! Đó là lúc trẻ, khi về già, mùa hè qua, thu tới, mình cũng sẽ nằm như thế này, bên đàn cháu chắt, suy ngẫm về ý nghĩa cuộc đời, về nhân tình thế thái, rút ra những bài học kinh nghiệm dạy dỗ lớp hậu sinh, nhàn nhã biết bao!

Gần sáng, lòng hang rộn lên bao thứ âm thanh kỳ bí. Trước tiên là tiếng động trầm trầm của những tảng đất bị hạt trương nước nẩy mầm đội đất nhô lên. Cây non mang trên đầu hai lá mầm đầu tiên trông như công chúa đội vương miện ngọc thạch. Tiếng những lá cỏ non tách ra khỏi búp. Tiếng những hạt khô rơi trong đất, nhiễm sương tách vỏ. Tiếng loài mối gặm lá mục và tiếng rào rào của bọn kiến ăn đêm. Khi tia nắng đầu tiên, vàng ngọt như mật ong, trong như nước suối, lạnh lẽo sắc bén quét sát trên đầu ngọn cỏ, cũng là lúc lũ cào cào giành nhau bò lên ngọn tìm lá non.
Đến gần sáng Ốc Tiêu mới chợp mắt được một lúc. Nó mang theo vào giấc mơ bao nhiêu dự tính đẹp đẽ cho tương lai. Khi trời đã đủ sáng nó mới nhìn rõ ngôi biệt thự Móng Bò của mình. Ôi thực là đẹp. Kể về mặt bề thế thì nơi đây to rộng quá. Nó còn tốt hơn cả căn nhà bác cồ lửa, lâu nay nổi tiếng là đẹp. Nó mới vào nhà bác có một lần, thực là rộng rãi, đó là cái hốc ở mặt kia bờ ruộng. Nơi mà mỗi mùa người nông dân dùng cái rựa phát bờ, vạt sạch cỏ trên mặt để lộ ra vô số hang hốc. Nơi đây chẳng khác gì một chung cư cao tầng cho đủ loại côn trùng. Cái hốc ấy trước kia là tổ mối, tụi mối đã bỏ đi, bác nó tới chiếm, được có mấy ngày có lão cóc tía tới xin ở đậu. Lão này mình mẩy sần sùi, làn da như vại sành, ho hen cả đêm không ai ngủ được. Đêm nào lão cũng nghiến răng trèo trẹo mà mưa đâu chẳng thấy rơi. Lão ta lì lợm, lúc đầu xin trú tạm vài ngày chờ lũ cháu sửa chữa nhà xong sẽ đi, nhưng rồi cứ lần lữa mãi chẳng chịu đi. Lão ta to lớn quá, nên dù bác nó thuộc loại sừng sỏ cũng không đẩy lão ra ngoài được.
Thế nhưng giờ đây cái nhà đó so với ngôi biệt thự Móng Bò sao được. Đúng là một trời một vực. Biệt thự hình bầu dục, nền láng, tường xây theo kiểu cách âm, để luyện giọng, cách nhiệt chống lại cái nóng mùa hạ, lại có cái mái tơ nhện chất liệu đặc biệt che nắng mưa. Nếu phải so sánh thì vùng này chỉ có nhà dế cơm bụng bự ở đầu bờ. Nhưng dù sao anh chàng này cũng phải chia chỗ ở với cặp ốc sên. Ốc Tiêu bỏ ra mấy ngày để sửa chữa. Nó làm ra chỗ tập võ nghệ, chỗ tập nhạc luyện giọng, chỗ ăn, chỗ ngủ và cả một căn phòng riêng dành cho nàng Mái Than, có bàn phấn, gương lược tí hon.
Ốc Tiêu vốn cẩn thận, nó mở ra hai cửa vào nhà, ngụy trang rất khéo và còn mang tính phòng thủ. Kẻ lạ mặt không thể tự tiện xâm nhập vào nhà.
Suốt mấy ngày liền Ốc Tiêu vừa làm việc vừa nghĩ ngợi tới Mái Than, nhờ thế nó chẳng thấy mệt mỏi tí nào. Nó tự nhủ, nàng mà thấy được chỗ này chắc mê mẩn ngay, có phòng ngủ riêng cho nàng, và nếu nàng sinh nở, đã có phòng cất những chiếc trứng. Một gã trẻ trung mới vào đời như mình dễ gì có được cơ ngơi như thế này. Xong nhà cửa chỉ còn lo hai việc: luyện tập ngón đàn giọng hát sao cho điêu luyện. Rèn cặp giò thực khỏe, cái ngàm thực cứng rồi bắt đầu lên đường hành hiệp, trừ gian diệt bạo, bảo vệ mẹ góa con côi, xong thì chinh phục quả tim người đẹp, lúc về già thì an nhàn, tu dưỡng sum họp với con đàn cháu đống ở trong cái ngôi biệt thự Móng Bò này.

Đêm nay Ốc Tiêu lên đường phiêu lưu. Hắn ta ôm đàn đến nhà cô Mái Than. Hắn chọn chỗ đứng dưới cửa sổ người đẹp, dạo một khúc nhạc tình rồi cất cao tiếng hát. Hát một lúc, hắn nhìn quanh, chỉ mong có con dế tơ nào lai vãng để hắn có dịp biểu diễn vài ngón quyền cước gia truyền, hạ một hai tên cho nàng xem chơi! Thế nhưng Ốc Tiêu đàn hát mãi cũng chẳng thấy cửa nhà Mái Than động đậy. Lúc sau có con mụ cà cuống già ho hen trong bụi cỏ, cất cái giọng rền rĩ trách móc:
- Đàn hát cả đêm như thế này ai mà ngủ cho được?
Một lúc sau lại có kẻ phá đám khác, đó là lão sâu róm la lối:
- Con cái nhà ai không biết dạy dỗ sao mà nửa đêm tới đây làm ồn không cho ông già bà cả ngủ nghê chút nào…
Ốc Tiêu nghĩ, mình chấp làm gì cái lũ quê mùa dốt nát chẳng biết thưởng thức nghệ thuật cao cấp này. Nghĩ thế nó cứ tiếp tục đàn hát. Một lúc sau có chú dế con chui ra. Ốc Tiêu liền hỏi:
- Chị Hai có nhà không em?
Dế con:
- Chị Hai nào?
Ốc Tiêu:
- Chị Hai của em, chị Mái Than đó.
Dế con:
- À chị Tư, sao anh kêu chị Hai?
Ốc Tiêu:
- Anh đâu biết ngôi thứ trong nhà em. Cứ quen miệng gọi người chưa biết là Hai. Thế sao chị Tư không ra miệng hang nghe anh đàn hả?
Dế con:
- Chị đang đẻ trứng!
Ốc Tiêu điếng hồn. Đẻ trứng gì? Lấy ai mà đẻ trứng?
Dế con:
- Đẻ trứng dế. Lấy anh Cồ Than được mấy ngày, hôm nay đẻ lứa trứng đầu tiên.
Ốc Tiêu nghe xong tan nát cả cõi lòng. Thế là nàng phụ ta rồi. Ôi biệt thực Móng Bò không được dịp đón tiếp bàn chân xinh xắn của người đẹp. Trời ơi, trong khi mình miệt mài xây tổ cho nàng thì nàng đành ôm cầm sang thuyền khác, không một lời từ biệt…
- Chị Tư biết anh ca hát ở ngoài này nên sai em ra đây…
Ốc Tiêu mừng khấp khởi:
- Ra đây làm gì? Chị Tư đã biết mối tình của anh dành cho chị sao? Chị muốn bỏ thằng Cồ Than về biệt thự Móng Bò của anh sao?
Dế con:
- Không, chị sai em ra đây nhờ anh vào chuyển hộ số trứng chị mới đẻ, sợ nay mai mưa lụt, nước ngập.
Ốc Tiêu than thầm: “Trời ơi cuộc đời lại có chuyện đau đớn bẽ bàng đến độ này sao?”. Hắn hỏi:
- Thế anh chồng đâu?
Dế con:
- Bị bọn chăn trâu bắt bán cho trẻ con thành phố chơi rồi.
Ốc Tiêu nghe chuyện tính nói: “Đáng đời”, song nghĩ lại, mình là người quân tử không thấp hèn như thế được. Giờ đây nàng trong cơn vượt cạn, nguy hiểm trăm bề, mình trách nàng làm chi? Vả lại thôi đã là người quân tử ai nề hà việc lớn nhỏ, của người, của ta, hãy bác ái độ lượng. Ốc Tiêu đi vào phòng đẻ thấy Mái Than lúc này xấu xí vô cùng, hắn nghĩ cũng còn may, đời thiếu gì gái đẹp, tiếc con mái xấu này làm gì. Mái Than cong mình đẻ ra những chiếc trứng trong như bột lọc. Ra cái nào Ốc Tiêu nhẹ nhàng chuyển lên trên cao. Đẻ xong Mái Than rất mệt, ngủ ngay. Ốc Tiêu ra về, không được lấy một lời cảm ơn. Hắn nghĩ, cần gì chuyện nhỏ nhặt ấy. Thì ân bất cầu báo(**).

Trên đường về, Ốc Tiêu đụng phải một thằng lưu manh côn đồ. Ốc Tiêu than thầm: thực là cái đêm gặp toàn chuyện xui xẻo, buồn bực, rắc rối! Hắn nhìn tướng tá thằng lưu manh kia thấy đúng là thằng côn đồ, áo quần xốc xếch, người ngợm bẩn thỉu, râu rụng, càng gãy, sáu cái chân ngực gãy mất ba cái, hai chân sau chỉ còn một. Thằng côn đồ thét:
- Đứng lại!
Ốc Tiêu làm lơ, cứ bước, nghĩ mình là bậc đại trượng phu không cần hơn thua với kẻ thất phu. Tên kia lại thét:
- Đứng lại! Có cái gì bỏ ra không tao giết!
Ốc Tiêu dừng lại, cố tìm lời hòa nhã thuyết phục:
- … Phàm ở đời ăn ở phải có đạo đức…
Hắn nói chưa dứt câu, tên kia đã sấn tới. Ốc Tiêu nghĩ, lâu nay học võ nghệ làm gì? Đây là cơ hội để thi thố tài năng, cho thằng này một trận nhớ đời. Song Ốc Tiêu lại nghĩ cách khác. Học võ là để tự vệ, đừng đánh người, thất đức. Nhưng rồi Ốc Tiêu rất hoang mang. Lâu nay mình học võ chỉ một mình, múa quyền cước một mình, đẹp thì đẹp lắm, nhưng chưa có dịp thi đấu với ai. Biết đánh thằng này có lại không? Thằng kia thấy Ốc Tiêu có vẻ ngần ngại, nó xốc tới.
Lý thuyết và thực tế khác xa nhau vô cùng. Khi lâm trận, võ nghệ bay biến đi đâu hết. Ốc Tiêu múa võ tự do, lộn xộn như mấy con mụ bán cá đánh nhau ở ngoài chợ. Ốc Tiêu nghĩ: may quá nàng không trông thấy cái cảnh dị hợm này! Thế nhưng kết quả lại hết sức bất ngờ. Tên côn đồ rụng mất cái càng còn lại. Bây giờ nó chỉ còn có ba chân trước, không di chuyển được, mới đi mấy bước đã bị ngã lật ngửa, giãy giụa mãi không lật sấp lại được.

Ốc Tiêu tính mặc kệ nó, bỏ đi, đi vài bước, lại nghĩ. Thằng này nằm ngửa tới trưa chưa chắc đã lật sấp lại được. Cái nắng trưa hè sẽ thiêu hắn chết mất. Thôi làm phúc quay lại giúp nó rồi tống nó đi cho khuất mắt.

Ốc Tiêu lật con dế què lại, nó nằm rên rỉ một lúc rồi cố gắng lê cái thân tàn. Thế nhưng nó chẳng thể nào nhấc mình lên được. Ốc Tiêu để nó nằm đó trở về biệt thự Móng Bò. Một lúc sau hắn nghĩ, thằng tàn phế như thế, làm sao kiếm cái ăn chỗ ở trong thời buổi khó khăn này? Nay mai thế nào cũng chết. Hay ta kéo nó về ở chung? Mình là đấng trượng phu phải tỏ ra nghĩa hiệp. Ốc Tiêu ra cửa hang lôi hắn vào biệt thự Móng Bò. Thằng kia vẫn còn thiêm thiếp, chưa thể nói năng gì được. Ốc Tiêu lên giường nằm, mới nhắm mắt đã bị tiếng gáy vang dội của thằng ấy đánh thức. Ôi, đúng nó là thằng du côn mạt hạng, người dơ dáy hôi hám, ngủ ngáy như kéo gỗ. Sống với kẻ này làm sao chịu nổi? Đuổi nó đi thì đi đâu? Chỉ còn nước mình nhường cái biệt thự Móng Bò này cho hắn, mình đi nơi khác. Sách vở nói: đại trượng phu bốn biển là nhà, cần gì cái chốn chăn êm nệm ấm cỏn con này.

Ốc Tiêu lặng lẽ giã từ biệt thự Móng Bò ra đi. Hắn làm như cái đêm đầu tiên lang thang trên bờ ruộng. Bỗng hắn cám cảnh mình tự dưng hóa thành kẻ thất tình, không nhà, nửa đêm còn bơ vơ trên bờ ruộng. Hắn cất cao giọng hát:
Đêm nay lang thang.
Đêm nay không nhà.
Đêm nay thất tình.
Đêm nay cô đơn…

Hát đến đó bỗng nhiên hắn thấy một tâm trạng buồn vui lẫn lộn, sau thì vui nhiều hơn buồn. Hắn tự nhủ:
- Ôi! Không nhà, thất tình. Hát “nhạc vàng” thú vị làm sao! Hắn chợt nghĩ biết đâu chốc nữa đây lại rơi vào cái biệt thự móng bò khác. Và hắn cong chân lại búng một cái thật mạnh.

Hồ Phước Qu
________________
(*). Giải nhì cuộc thi Đối thoại với thiên nhiên, 2009 - 2010.
(**). Làm việc nghĩa không cần báo đáp.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét