Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

TẢN MẠN VỀ CON CHUỘT MÙ


Để giới thiệu Con chuột mù (Nhà xuất bản Kim Đồng – 1991), tôi tìm gặp tác giả Bùi Hiển: 

- Thưa anh, nghe nói, khi Kim Đồng định tái bản Con chuột mù, anh ngạc nhiên và nghi ngại lắm?
- Không lắm, nhưng cũng ngại. Bấy giờ đang rộ lên ca nhạc tiền chiến, tiểu thuyết tiền chiến, mình ngại góp phần vào sự chệch choạc đó. 

Tôi nghĩ bụng: Anh không chỉ ngại mà còn lo nữa. Lo người ta “phủ nhận” cả những Bên đồn địch, Quỳnh xóm cháy, Nhớ về một mùa thị chín... Như bắt được ý nghĩ của tôi, Bùi Hiển nhắc: 

- Nhớ về một mùa thị chín đã in vào tuyển tập Bùi Hiển bên Văn học. Còn Quỳnh xóm cháy in lại được đấy. Nó khẳng định một cá tính. 

- Vâng, nhưng thị trường sách đang phát triển không bình thường, loại truyện sinh hoạt bây giờ đang khó bán lắm. Cổ tích, phiêu lưu, viễn tưởng cũng ế! Xin trở lại Con chuột mù. Bản in lại có sửa chữa gì nhiều so với bản in năm bốn mốt? 

- Mấy chục năm nay mình đâu có trong tay một bản in nào! Khi Kim Đồng đề nghị in lại, vì băn khoăn nên mình chần chừ mãi. Mấy tháng sau, nhân một buổi đi thư viện soát lại một tư liệu về Tự lực văn đoàn, mình mới tìm thư tịch Bùi Hiển. May mà có Con chuột mù. Đọc thấy được, mà lại có ý nghĩa giáo dục (cười) nên chép luôn. Chỉ chữa vài chữ ở bài hát của lũ chuột cho hiệp vần. 

Tôi xin chứng minh điều anh vừa nói: Hồi nhỏ tôi đọc linh tinh đủ thứ, nhưng nhớ lơ mơ, trường hợp nhớ lâu, dai dẳng, in đậm vào tâm khảm như Con chuột mù thật hiếm. Nhớ tác giả Bùi Hiển, nhớ chuyện một con chuột già mù lòa bị lũ chuột cháu trêu chọc, bị chị con dâu hắt hủi... Thế mà khi hang chuột bị hun khói, bị dội nước sôi thì ông chuột mù đã dùng thân mình nút chặt lỗ thông lên ngách hang để cứu cả gia đình nhà chuột. Cái tinh thần xả thân của ông chuột có để lại ấn tượng nhưng không đậm lắm. Lâu bền, dai dẳng hơn là nỗi chạnh lòng, niềm trắc ẩn trước những bất hạnh, oan trái của người đời. Nhiều năm sau ở một trường nội trú, tránh cái ồn ào của khu kí túc xá tôi lánh ra nhà dân để ôn thi. Thế mà nghe chuyện bà chủ nhà mị mù suốt cả buổi, long bâng khuâng thương cảm chẳng học được một chữ nào! Nhân dịp này xin được cảm ơn anh về bài học nhân tình đó! 

Tác giả nói “được” là khiêm tốn, chứ công bằng đó là một áng văn hay. Bùi Hiển đã vượt qua cái khó của thể loại: miêu tả thật sinh động loài vật nhưng lại lấp lánh tình người. Ngày bé mẹ tôi thường bảo đừng đụng đến loài chuột. Nó nghe được tiếng người và hay trả thù. Điều đó thật khó tin. Nhưng có thể khẳng định: chuột là một loài vật vô cùng tinh khôn. Tôi đã chứng kiến cảnh chuột tha trứng gà: một con nằm ngữa ôm quả trứng trong lòng, một con cắn đuôi kéo đi. Có lẽ Bùi Hiển đã kết hợp những quan sát của riêng mình và những lời truyền tụng trong dân gian để vẽ nên những bức tranh sống động về loài chuột. Trẻ em vốn sợ chuột, nhưng càng sợ chúng lại cang tò mò muốn hiểu, muốn xem. Những trang miêu tả trò chơi kéo co, trốn tìm (dĩ nhiên cũng của loài chuột) và những bài hát ngộ nghĩnh kiểu như: Hôm qua bắt được mèo vằn/ Định đem thết tiệc đãi đằng anh em... chắc chắn sẽ được các em yêu thích. Còn chuyện người? Trong nhiều gia đình ta thường gặp mâu thuẫn: mẹ chồng – nàng dâu, loại mâu thuẫn do nhiều yếu tố khác nhau tác động: sự giằng co về tình cảm (mẹ con – vợ chồng), sự khác nhau về tuổi tác, về tính nết, về gia phong... Tác giả Con chuột mù khai thác mâu thuẫn bố chồng – nàng dâu, mâu thuẫn ít phổ biến nhưng lại giàu tính khái quát. Bố chuột là tượng trưng cho vẻ đẹp lí tưởng của người đàn ông: khoe mạnh, tháo vát, dũng cảm, từng trải... Ông đã đau khổ nhiều vì con cái. Khi những đứa con trưởng thành bỏ đi rồi bà vợ buồn phiền đổ bệnh mà chết, ông đã chăm lo thằng con út hết lòng. Với vợ chồng thằng út, không những ông có công nuôi dưỡng, gây dựng mà còn cứu mạng nữa. Chính trong lúc gồng người nâng cái nắp thạp gỗ lên để cứu chúng nó mà ông bị người ta ấn nắp thạp đè bẹp ruột, rồi bị bắt và tưới axit vào mình, khiến cho bị tàn tật mù lòa. Thế mà sau đó ông bị chính cô con dâu nhiều lần nhiếc móc “lão già ăn bám báo hại”. Lâm vào cảnh ngộ ông, người ta có quyền phẫn nộ. Nhưng không, hầu như ông chỉ nhẫn nhục, chịu đựng, khoan hòa, cố dùng chút sức tàn để làm việc, để bớt gánh nặng cho con cháu. Trong cách ứng xử của ông thấp thoáng cái lẽ từ bi hết sức thực tiễn của một người lao động sống bằng tình thương yêu và sự cống hiến. Còn cách xử sự bội bạc tàn nhẫn của người con dâu lại gợi lên những băn khoăn: Phải chăng những cử chỉ nhân hậu thời con gái, những lời nói đầy hiếu thảo lúc người bố chồng chưa bị nạn chỉ là những biểu hiện giả dối nhất thời? Hay những vất vả hàng ngày, gánh nặng cuộc sống đã làm tha hóa một con người vốn muốn sống tốt đẹp! Cuối cùng, cái chết cao cả của ông chuột mù liệu có thức tỉnh được chị ta? Quả thật Con chuột mù không chỉ dành cho bạn đọc thiếu nhi. Và nửa thế kỉ trôi qua, thiên đồng thoại ngắn này vẫn chưa mất đi bao nhiêu ý nghĩa thời sự. 

Đồng thoại theo Đào Duy Anh là Truyện chép cho trẻ em (Từ điển Hán Việt). Nhưng trong nghĩa thông thường lâu nay vẫn dùng, đồng thoại có nghĩa hẹp hơn: truyện loài vật nhân cách hóa. Có lẽ để phân biệt với các loại truyện khác. Vả lại, cho đến nay, đồng thoại vẫn là loại hình phù hợp với thị hiếu và tâm lí trẻ em, cái tâm lí thích nhìn sự vật trong những phép màu. Các tác giả viết cho thiếu nhi nổi tiếng trên thế giới như Cooc nây Tru-côp-xki, Đơ Gia nhi Rô-đa-ri... đều để lại cho các em những trang đồng thoại tuyệt vời. Vậy mà những năm qua, thể loại này gặp biết bao khó khăn. Chính vì cách hiểu đồng thoại theo lối dung tục, lệch lạc mà câu chuyện thú vị về Văn Ngan tướng công của Vũ Tú Nam đã bị quy kết bao nhiêu tội chết người. Nếu Con chuột mù được ra đời vào những năm đó chắc cũng có người lên án tác giả đứng về phía lũ phá hoại, loại chuột bọ gặm nhấm để chống lại chính nghĩa! May thay tất cả những điều đó đã trở thành quá khứ. Tương lai văn học thiếu nhi đang chờ các nhà văn với những tác phẩm đồng thoại thật hay! 

Thanh Xuân Bắc 1 – 1991 
Văn Hồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét