Thứ Tư, 28 tháng 10, 2015

CÁC NHÂN VẬT CỦA ANDERSEN: KHƯỚC TỪ SỰ ĐỀN ĐÁP




Những truyện cổ tích của Hans Christian Andersen, đôi khi, được cho là quá tuổi và mang màu sắc bi quan đối với trẻ thơ. 

Chẳng hạn, nhà nghiên cứu May Hill Arbuthnot, trong công trình kinh điển của mình: Trẻ em và những cuốn sách, dù rất ngợi ca nhà ngụ ngôn Andersen, vẫn lưu ý rằng: “vì sự đa nghĩa, những chủ đề thuộc thế giới của người lớn, và nỗi buồn trong nhiều truyện, nên toàn bộ tuyển tập, theo lẽ thường, ít được trẻ em yêu thích.” 



P. L. Travers nhận ra một “yếu tố gây tổn thương” của sự luyến tiếc trong các truyện kể. Bruno Bettelheim đã bình luận rằng: những kết thúc trong một số truyện của Andersen gây nên sự chán nản, nằm ở chỗ “chúng không mang lại cảm giác an ủi, đặc trưng của các truyện cổ tích”. Và Jack Zipes kết tội  Andersen về việc dạy cho trẻ em những bài học về sự cam chịu.

Tuy nhiên, những truyện kể của Andersen vẫn tiếp tục được xuất bản, được đọc, thảo luận và được sử dụng như một nền tảng trong các vở kịch thiếu nhi. Và những truyện nổi tiếng nhất trong số đó có sức hấp dẫn không thể chối cãi đối với trẻ thơ. Hơn thế, những truyện quen thuộc như: Vịt con xấu xí, Nàng tiên cá, Chú lính chì dũng cảm, Cây linh sam nhỏ,  Chim sơn ca, hầu hết những truyện ấy, đều do chính Andersen tự nghĩ ra. Quan điểm của ông về thế giới, các vấn đề ông đặt ra và những giải pháp ông đề xuất đã chạm đến những âu lo nơi chúng ta; chắc phải có điều gì đó vượt lên nỗi bi quan thuần túy, vượt lên lời kêu gọi cam chịu có tác dụng không tốt (với tâm hồn trẻ thơ).


Quả thực, Andersen thường hay cố tình bỏ đi những kết thúc có hậu đầy giả tạo, vốn là điều thường thấy của truyện cổ tích, nhưng nhiều nhân vật của ông – những người thất bại trong việc tìm được sự báo đáp, liệu có gục ngã về mặt tinh thần? Tôi sẽ nói rằng: họ không bao giờ gục ngã. Chọn một nhân vật có lẽ là buồn nhất trong số các nhân vật chính của ông, cây linh sam nhỏ (hay cây thông như Erik Haugaard đã chuyển ngữ). Cái cây ngã xuống để hiểu giá trị tuổi thanh xuân của nó trong khu rừng, nó hoang mang và lo sợ suốt đêm huy hoàng trong tư cách một cây Giáng sinh lòe loẹt, rồi bị vứt lên gác xép, và chẳng thể giữ chân được đám thính giả chuột muốn nghe câu chuyện về “thịt lợn muối hay những mẩu nến”, chứ không phải câu chuyện “Làm thế nào Humpty-dumpty ngã cầu thang nhưng dẫu sao cũng lấy được công chúa”. Bị lôi ra ngoài ánh nắng mùa xuân, cây thông buộc phải nhận thấy: nó là một cái cây đã chết giữa sự hồi sinh của thiên nhiên mùa màng, rồi nó đạt đến khoảnh khắc bừng ngộ: “Giá mà mình có thể tận hưởng khi còn cơ hội”. Cuối cùng, cái cây tội nghiệp bị đốt đi, nhựa sống khô cạn dần với những tiếng nổ đôm đốp, và “sau mỗi tiếng thở dài, cái cây lại nghĩ đến mùa hè trong rừng, đến một đêm đông khi những ngôi sao sáng chói, và nhớ về Đêm Giáng sinh cũng như Humpty-dumpty: câu chuyện duy nhất nó từng được nghe và biết cách kể lại. Rồi nó hóa thành tro bụi”. Cái cây chết đi mà không được toại nguyện, đúng, nhưng theo nghĩa không hề gục ngã. Nó chưa từng đánh mất ảo vọng về khả năng hiện hữu của Cái Đẹp trên cõi đời này. Giống như Vua Lear, cái cây trở nên cao cả với sự thức tỉnh đến vào lúc quá muộn màng.


Khi chúng tôi đọc truyện này cho con trai của mình nghe, lúc đó cháu mới 8 tuổi, cháu đã ứa nước mắt. Cháu nói rằng, đó là câu chuyện buồn nhất cháu từng nghe. Mới đầu, tôi cho rằng đây là một phản ứng tiêu cực, một sự khước từ câu chuyện. Nhưng tôi đã lầm, cháu liên tục nghe lại câu chuyện hết lần này đến lần khác. Giống như cậu bé đã bứt những ngôi sao vàng từ nhánh cây và đính nó vào trước ngực mình, cháu nhà tôi thâu nhận được thứ gì đó lấp lánh từ câu chuyện ấy, và như tôi được biết, cháu đã mang nó theo đến tận ngày hôm nay.

Dĩ nhiên, không phải tất cả các truyện của Andersen đều có kết thúc buồn. Thậm chí, khi coi những truyện như thế không phải là một dị bản đơn thuần của truyện cổ dân gian (vốn thường có một kết thúc mang tính quy ước), ta cũng có thể nhận thấy nhiều kiểu kết thúc khác nhau. Có những kết thúc biểu lộ tinh thần lạc quan mang sắc thái tôn giáo, có những kết thúc mà các nhân vật được đáp đền bằng sự tôn kính và tình yêu. Những truyện thuộc nhóm thứ nhất, phần nào, có hình bóng của Thiên chúa giáo và kết thúc một cách lạc quan. Để nhắc đến chỉ một truyện trong số này, ta xem xét truyện Giấc mơ cuối của cây sồi già – một truyện mang giọng điệu và thông điệp khác xa với Cây thông. Cây sồi sống đã 365 tuổi, trong nhiều năm, nó đã từng là cột mốc cho những người thủy thủ. Nó thương hại những con thiêu thân và những bông hoa chỉ tồn tại ngắn ngủi, nhưng rồi, trong giấc mơ vào lúc hấp hối về sự thăng thiên vào cõi thiên đường hạnh phúc, nó chợt hiểu: “Chẳng thứ gì bị quên lãng, ngay cả những bông hoa hay những chú chim bé nhỏ nhất”. Câu chuyện kết thúc: “Cây sồi nằm sõng sượt trên bờ biển phủ tuyết. Từ con tàu, vang lên bài ca ngày lễ Giáng sinh của những người thủy thủ, hát về một mùa vui, khi Chúa giáng sinh để cứu vớt nhân loại và mang đến cho chúng ta sự sống đời đời. Những thủy thủ cùng hát về một giấc mơ, giấc mơ diệu kỳ mà cây sồi già đã mơ vào đêm Giáng sinh: đêm cuối của cuộc đời nó”.


Ít nhất, với những người mộ đạo, cái kết này có tính khích lệ nhiều hơn cái kết để cho cây thông chỉ còn là đống tro tàn luyến tiếc.


Một kiểu truyện khác của Andersen lại bao gồm những sự đáp đền thực sự. Trong những truyện này, các nhân vật chính được chấp thuận bằng việc hoàn nguyên về đúng bản chất và kiên trì tìm kiếm hay thực hiện bổn phận. Truyện Vịt con xấu xí chợt hiện lên trong tâm trí, nhưng có lẽ, Chim sơn ca lại là một dẫn chứng thích đáng hơn. Trong truyện kể này, chú chim nhỏ hiện lên chân chất, mộc mạc ở đầu truyện cũng như cuối truyện, nhưng khả năng giữ sự tự nhiên của chú, để hót những âm thanh thành thực, thánh thót, cuối cùng đã giành được sự kính trọng từ hoàng đế, người được cứu thoát bởi quyền năng tiếng hót của nó, và nhận ra sự lựa chọn sai lầm trước đó của mình, khi say mê con chim sơn ca giả làm bằng ngọc ngà, chỉ có thể hót một điệu duy nhất. Trong tất cả các truyện của Andersen, truyện này có lẽ là truyện mà sự chiến thắng của tinh thần, thông qua chủ đề, được thể hiện đơn giản và trực diện nhất.


Tình yêu là hình thức cao nhất của sự chấp thuận, và truyện Bà chúa Tuyết thấm đẫm chủ đề này. Bettelheim công nhận truyện này nằm trong số những truyện có khả năng mang đến sự an ủi. Là một truyện ngụ ngôn nói về sự đối lập giữa tình yêu và lý trí, Bà chúa Tuyết, cũng như mọi ngụ ngôn khác, rất giàu tính tượng trưng, và sự hiển nhiên này khiến cho truyện là một lựa chọn thích hợp để phân tích.


Thiên đường tuổi thơ của Gerda và Kai dần mất đi với sự khôn lớn cùa Kai, xa rời khỏi Gerda để bước vào thời thanh niên nhiều phiền muộn (tượng trưng bởi những mảnh vụn của tấm gương lý trí rơi vào đôi mắt và trái tim của chàng qua nụ hôn buốt giá của Bà Chúa Tuyết – người bắt cóc chàng). Gerda, giống như người chị trong câu chuyện cổ mà Andersen kể lại Bầy chim thiên nga, chịu đựng nhiều cay đắng trước khi nàng có thể đưa Kai trở lại với đúng bản chất thực của mình, một con người tốt bụng, đáng yêu. Truyện kể này là một dẫn chứng tiêu biểu cho cái mà Marie-Louise von Franz miêu tả như sự phóng chiếu của bản ngã – hình ảnh người phụ nữ dũng cảm, cam chịu như một sự phóng chiếu những vấn đề của người đàn ông, từ phương diện tính nữ tiềm ẩn nơi họ. Trong trường hợp này, sự đồng nhất ấy được vận dụng rất thích đáng, vì Gerda, trong sự thống nhất giữa trí tuệ và cảm xúc, chắc chắn là một nhân vật kiểu như Sophia.


Truyện này là một trong những truyện có sự pha trộn giữa màu sắc Thiên Chúa giáo và yếu tố dân gian thành công nhất của Andersen. Nó bao gồm không chỉ nhiều nhân vật thần kỳ (Bà Chúa Tuyết, con quạ biết nói, và một phù thủy người Phần Lan), mà còn có cả những bài thánh ca ở chốn nguyện cầu, những thiên thần xuất hiện từ tiếng rì rầm cầu nguyện, và một cụ bà thông thái hiểu ngôn ngữ của những con quạ và cả Kinh thánh. Sau này, Gerda bằng sự kiên nhẫn, đã đến được lâu đài tuyết và giải thoát cho Kai với những giọt nước mắt nồng ấm, cả hai quay lại và cuối cùng trở về được ngôi nhà của người bà. Andersen kể với ta rằng, “khi họ bước ngang qua cửa, họ nhận thấy mình đã trưởng thành: họ không còn là những đứa trẻ nữa”. Nhưng người bà đang đọc: “Bất kỳ ai sẽ không được vào Nước Chúa nếu không phải là một đứa trẻ”. Kai và Gerda hiểu lời dạy ấy và “Họ ngồi đó, cả hai đã trưởng thành; nhưng trái tim hãy còn thơ trẻ; lúc này là mùa hè: một ngày hè ấm áp, rực rỡ!”. Khi trích dẫn văn bản nào đó từ Kinh Tân ước, Andersen trình bày một chủ đề cốt lõi, vừa như những nhà thần học Thiên chúa giáo, lại vừa như một nhà văn viết cho thiếu nhi. Với một đứa trẻ, và với tất cả chúng ta, việc thử thách tinh thần là nhằm hướng đến sự hiểu biết mà không đánh mất đi khả năng rung cảm, yêu thương.


Tất nhiên, đối với Andersen, đó chính là chủ đề cốt lõi. Elizabeth Cook cho rằng, “hai trong số những chủ đề lớn nhất của ông là nỗi khốn khổ của những người bị hắt hủi, và tính ưu việt của Tình yêu so với Lý trí”. Ta thấy những suy nghĩ này được kết hợp trong hai truyện kể không kết thúc có hậu, và chỉ có tình yêu là sự đáp đền duy nhất. Cả trong Nàng tiên cá và Chú lính chì dũng cảm, các nhân vật chính nỗ lực và chịu đựng, rồi thất bại. Những truyện này, cùng với Cây thôngCô bé bán diêm, và một truyện rất phức tạp: Chiếc bóng, gần như đóng vai trò quan trọng nhất cho việc hình thành cái gọi là chủ nghĩa bi quan nổi tiếng của nhà văn. Nàng tiên cá được hứa hẹn cuộc sống bất tử vào phút chót, nhưng trong truyện này, lời hứa mang dấu ấn Thiên Chúa giáo ấy không được đan bện vào cốt truyện như ở một số truyện khác (có lẽ với tôi, truyện này luôn kết thúc khi nàng tiên cá tan biến vào bọt biển). Phải chăng những truyện này, như thế là nói đến sự gục ngã tinh thần? Như đã nói từ trước, tôi nghĩ không phải vậy. Cả nàng tiên cá lẫn chú lính chì không thay đổi được kết cuộc đời mình, nhưng họ cũng khọng cay đắng và biểu lộ ý muốn trả thù. Dù gian nan bao nhiêu, họ vẫn cứ nhân từ và tràn đầy thương yêu. Nhiều nhân vật chính của Andersen, mặc cho nếm trải muôn vàn cay đắng, vẫn kiên trì theo đuổi lý tưởng của họ. Xét cho cùng, không phải ở việc có được hoàng tử hay công chúa, vương quốc hay sự giàu có, hay thậm chí, sự bất tử, mà nằm ở sự xứng đáng được nhận báo đáp.


Nhiều truyện như vậy được viết cho thiếu nhi và về thiếu nhi, bắt nguồn từ giả định là những đứa trẻ cần niềm hy vọng và sự khuyến khích từ thành công của các người hùng trong những truyện đề cập đến họ, và những đứa trẻ không thể đương đầu nổi với những dạng thất bại. Điều này có thể đúng ở một lứa tuổi và kiểu người nào đấy, nhưng trong nhiều trường hợp, điều này là một sự trịch thượng, thậm chí là thái độ bất lương. Niềm hy vọng có thể giúp một đưa trẻ trưởng thành, nhưng niềm hy vọng giả dối chắc chắn sẽ hủy hoại đứa bé. Hans Christian Andersen hiểu rằng, khi Humpty-dumpty ngã xuống, dù gì chăng nữa, anh ta cũng không có được công chúa và người kể chuyện khẳng định anh ta chính là một kẻ khoác lác, hơn thế, một kẻ ngây thơ, giống như cái cây thông ngốc nghếch, vốn tin rằng dối trá sẽ gặp phải nhiều bất hạnh.


Đứa trẻ nào đến với Andersen để tìm kiếm những dưỡng chất tâm hồn, sẽ hiểu rằng: chúng ta cần phải vừa thể nghiệm những mơ mộng, vừa để mơ mộng ấy kiểm nghiệm bản thân mình, và sẽ hiểu, trong cõi đời này, có những giấc mơ tươi sáng luôn đi kèm với sự tỉnh thức ảm đạm. Điều này ảnh hưởng không tốt tới đứa bé hay làm nó trở nên vững vàng hơn? Tôi nghĩ nó sẽ làm con cháu của chúng ta vững vàng hơn, con trai của chúng tôi thâu nhận sự can đảm, chứ không phải nỗi sợ hãi, từ những giọt nước mắt mà cháu đã nhỏ xuống câu chuyện về cây thông. Trong truyện Yêu tinh và người bán hàng tạp hóa, con yêu tinh lén nhìn vào lỗ khóa và thấy cảnh tượng lộng lẫy mà anh sinh viên nghèo chiêm ngưỡng khi ngồi dưới cái cây phép thuật của thi ca. Trước sự huy hoàng đó, con yêu tinh “cảm nhận sự cao quý… Nó khóc mà không biết vì sao mình khóc, nhưng nhận ra, niềm hạnh phúc ẩn trong những giọt nước mắt đó”. Vậy là, nghệ thuật cứu rỗi chúng ta, như Tolkien đã nói thật hay trong tiểu luận nổi tiếng của ông về trẻ em và những truyện cổ tích: “Đây là một trong những bài học của truyện cổ tích (nếu ta có thể nói về những bài học đến từ những điều không được thuyết giảng). Đó là:  mối lo của tuổi trẻ còn nhiều ích kỷ, khờ khạo, non nớt; nỗi buồn; và hình bóng của cái chết có thể mang đến những giá trị, và đôi khi, cả sự hiểu biết. Hans Christian Andersen, qua những truyện kể của ông, đã đem lại cho chúng ta “mối lo, nỗi buồn, và hình bóng cái chết”, nhưng cũng mang đến “những giá trị” lẫn “sự hiểu biết”.

CELIA CATLETT ANDERSEN  
(GS danh dự, Đại học Miền đông bang Connecticut, Mỹ)
LÊ MINH KHA dịch từ Andersen’s Heroes and Heroines: Relinquishing the Reward, trích từ Bloom’s Modern critical views: Hans Christian Andersen, Harold Bloom biên tập và viết lời giới thiệu, Chelsea House Publishers ấn hành, năm 2005, trang 33-37.
 
Tài liệu tham khảo:

1. May Hill Arbuthnot and Zena Sutherland, Children and Books, 4th ed. (Glenview,Ill.: Scott, Foresman, 1972)

2. P.L. Travers, “Only Connect,” Quarterly Journal of Acquisitions of the Library of Congress (October 1967); repr. in Only Connect: Readings on Children’s Literature, ed. Sheila Egoff, G. T. Stubbs, and L. F. Ashley (New York: Oxford University Press, 1969)

3. Bruno Bettelheim, The Uses of Enchantment: The Meaning and Importance of Fairy Tales (New York: Knopf, 1976), 37; Jack Zipes, Fairy Tales and the Art of Subversion: The Classical Genre for Children and the Process of Civilization (New York: Wildman Press, 1983)

4. Hans Christian Andersen,  The Complete Fairy Tales and Stories, trans. Erik Haugaard (Garden City, N.Y.: Doubleday, 1983). Page numbers for quotes from this edition are given in the text.

5. Bettelheim, Uses of Enchantment

6. Elizabeth Cook, The Ordinary and the Fabulous: An Introduction to Myths, Legends, and Fairy Tales for Teachers and Storytellers (London: Cambridge University Press, 1971)

7. J.R.R. Tolkien, “Children and Fairy Stories,” from Tree and Leaf, in Sheila Egoff, G.T. Stubbs, and L.F. Ashley, Only Connect, New York: OxfordUniversity Press, 1969.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét