Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2015

QUY ĐỊNH RÕ RÀNG



Nếu so sánh với truyện Yết thị của ta thì Quy định rõ ràng dưới đây tuy cùng tình huống nhưng mang một tinh thần hoàn toàn khác. Cụ thể, mục đích của Quy định rõ ràng là nhằm đưa ra triết lí “không phải lúc nào cũng dễ dàng nói ra một cách chính xác điều mình muốn”. 

 
Trong khi đó, Yết thị chăm chắm vào việc thể hiện cảm hứng thế sự, đả kích sự ngu dốt của kẻ cầm quyền. Về một mặt nào đó, truyện Yết thị vì thế đã thiếu đi một chiều sâu triết lí cần thiết…


QUY ĐỊNH RÕ RÀNG

Một lần, Thị trưởng của một thành phố nước Pháp đã sa thải người thư kí vì anh ta thảo một lệnh không rõ ràng và vì sai lầm ấy, ngài thị trưởng đã gặp một số phiền phức.

Ngài không chịu nghe những lời giải thích hoặc biện hộ.

- Nếu anh nói một cách chính xác những gì anh muốn nói – ngài trả lời – thì sẽ không có sai lầm. Thật dễ dàng khi nói rõ ý mình!

Chuyện này xảy ra đã lâu, trước khi người ta phát minh ra điện. Các thành phố đều không được chiếu sáng vào ban đêm và đã thành cái lệ là những người có việc đi trong đêm phải mang đèn.

Một đêm tối trời, không lâu sau khi sa thải người thư kí, ngài Thị trưởng có việc đi ra ngoài. Cái đèn ngài mang theo không đủ sáng để thấy những người đi đường khác và ngài rất bực khi đâm sầm vào một người không mang đèn. Người có lỗi chính là anh thư kí nọ.

- Sao anh có thể mong tôi trông thấy anh khi anh không mang đèn?

- Chẳng có lệnh nào nói rằng, chúng ta phải mang đèn, thưa ông! – Chàng thư kí trả lời một cách nhã nhặn.

Ngay ngày hôm sau, ngài ban lệnh rằng mọi công dân đều phải mang theo đèn vào ban đêm khi đi ra đường; nếu không sẽ bị phạt tiền nặng.

Đêm hôm ấy, ngài Thị trưởng lại đâm sầm vào đúng anh chàng thư kí – một lần nữa không có đèn.

- Anh không mang theo đèn! – Ngài Thị trưởng kêu lên – Anh không biết sẽ bị phạt một trăm franc vì lỗi này sao?

- Tôi có lỗi gì đâu, thưa ông! – Anh chàng thư kí đáp – Tôi có mang theo đèn đây.

- Nhưng trong đèn của anh không có nến.

- Lệnh của thành phố không nói gì đến nến, thưa ông.

Ngày hôm sau, những từ có một cây nến được bổ sung vào nội dung lệnh.

Một hoặc hai đêm sau đó, ngài Thị trưởng lại đụng nhau một lần nữa với anh thư kí. Đèn của anh ta vẫn không sáng.

- Lần này thì anh đáng bị phạt rồi – Ngài Thị trưởng nói, khi anh chàng thư kí giơ cái đèn không sáng lên – Trong đèn của anh không có nến.

- Ồ không, thưa ông, tôi có mà – Anh thư kí đưa cái đèn lại gần – Ông nhìn này.

- Nhưng nó chưa thắp! – Ngài Thị trưởng phản đối.

- Lệnh của thành phố không nói về điều đó, thưa ông.

Một lần nữa, một đoạn bổ sung được thêm vào nội dung lệnh, đó là cây nến phải được thắp sáng.

Đêm sau, ngài Thị trưởng đã đâm sầm vào anh thư kí lần thứ tư. Ngài không thể nén được sự phẫn nộ.

- Lần này thì anh không thể bao biện được gì đâu! – Ngài la lên – Anh đã không tuân thủ lệnh của thành phố một cách cố ý và anh nhất định phải nộp tiền phạt!

- Xin ông thứ lỗi, thưa ông! – Anh thư kí cãi – Tôi có đem theo cái đèn đã thắp sáng. Xem này, tôi để nó trong áo khoác của tôi đây!

Ngài Thị trưởng ngửa mặt lên trời trong nỗi bất lực.

- Không thể thế được! Làm thế nào để lệnh được ban bố mà không có một sơ suất nào đây?

- Tôi xin đề xuất, thưa ông, rằng cái lệnh này nên diễn đạt là mọi công dân đi ra đường vào ban đêm phải mang theo một cái đèn đã thắp sáng và ánh sáng của nó phải cho người chủ có khả năng nhìn rõ những người đi đường khác. Ông thấy đấy, thưa ông, - anh ta nói thêm – không phải lúc nào cũng dễ dàng nói ra một cách chính xác điều mình muốn!

Thật may mắn, ngài Thị trưởng vốn là người hóm hỉnh và công bằng. ngay ngày hôm sau, anh thư kí được mời trở lại làm việc ở đúng vị trí mà anh đã bị sa thải.

G.F. Lamb (kể)

(Nguồn: 100 truyện đặc sắc đó đây, Nxb Văn học, Hà Nội, 2013).

* Bài viết so sánh về hai truyện Yết thị và Quy định rõ ràng đã đăng trên Tap chí Nguồn sáng, Hội VNDG Việt Nam.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét