Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

GIÁ TRỊ THẨM MĨ CỦA TỪ LÁY TRONG TRUYỆN KIỀU





Một thành tựu ngôn ngữ quan trọng làm nên phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, đó là việc sử dụng từ láy.


Trong tiếng Việt, từ láy là một lớp từ được cấu tạo đặc biệt, có sự hài hòa cả về âm lẫn nghĩa, có giá trị tạo hình và biểu cảm nên được sử dụng rộng rãi trong thơ ca. Trong suy nghĩ chung của người đọc, từ láy luôn gây ấn tượng mạnh về phong cách ngôn ngữ nghệ thuật của nhà thơ. Chẳng hạn, nói đến Hồ Xuân Hương, người ta nghĩ ngay đến những câu thơ có sử dụng các từ láy đôi, láy ba hết sức độc đáo, góc cạnh: “Một trái trăng thu chín mõm mòm” (Trăng thu), “Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom” (Hang Cắc Cớ), “Cửa son đỏ loét tùm hum nóc/Bậc đá xanh rì lún phún rêu” (Đèo Ba Dội). Hay với trường hợp Hàn Mặc Tử, đó sẽ là những từ láy mới mẻ, hiện đại: “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/Đợi gió đông về để lả lơi”(Bẽn lẽn), “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” (Mùa xuân chín)… 

Bản thân Nguyễn Du trong Truyện Kiều cũng sử dụng rất nhiều từ láy khác nhau. Thống kê cho thấy, trong toàn bộ thi phẩm gồm 3254 câu thơ của mình, Nguyễn Du đã sử dụng 372 từ láy, với 695 lượt dùng. Tính ra, cứ 4,7 câu thơ Truyện Kiều thì có một từ láy. Tỉ lệ này là cao, vượt xa những tác phẩm tự sự cùng “giòng”, cùng thời như Phạm Tải Ngọc Hoa (936 câu, 130 từ láy, tỉ lệ 7,2/1), Nhị độ mai (2912 câu, 463 từ láy, tỉ lệ 6,1/1), Tống Trân Cúc Hoa (1689 câu, 207 từ, tỉ lệ 8,6/1)…; song lại gần hơn với các sáng tác trữ tình như Cung oán ngâm (93 từ láy, tỉ lệ 3,5/1), Chinh phụ ngâm (94 từ láy, tỉ lệ 4,3/1) và Ai tư vãn (65 từ láy, tỉ lệ 2,5/1), Thơ Hồ Xuân Hương (94 từ, tỉ lệ 2/1)… Có thể xem đây là một căn cứ để khẳng định Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự có xu hướng thiên về trữ tình, thiên về phản ánh số phận con người trong xã hội phong kiến bằng tất cả những nỗi ám ảnh của thi ca. Đúng như người xưa đã nhận xét, Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng “con mắt nhìn thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời” (Mộng Liên Đường chủ nhân), cho nên ngòi bút như rỏ máu, mỗi câu mỗi chữ đều là nỗi đớn đau về phận đàn bà… 

Hệ thống từ láy của Nguyễn Du chủ yếu là từ láy đôi được cấu tạo từ các tính từ, động từ; các từ tượng hình, tượng thanh – là những đơn vị có chức năng miêu tả, biểu cảm, “giúp người đọc, người nghe không những nhận diện được vật thể bằng tên gọi, mà còn hình dung ra dáng dấp, nghe được âm thanh và đôi khi cảm thấy cả chuyển động của vật thể”[1]. Chẳng hạn, qua câu thơ: “Đoạn trường thay, lúc phân kì/Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh”, người đọc nhờ vào khuôn ngữ âm X “ấp” + X “Y” (X: phụ âm đầu, Y: vần) vốn thường mang nét nghĩa “gợi ra sự liên xuống lên tục của sự vật” sẽ cảm nhận được một cách rõ rệt con đường, chuyến xe mà Thúy Kiều đang đi cùng Mã Giám Sinh. Hẳn nhiên, đó không chỉ là con đường thực, chuyến xe thực mà còn là con đường, chuyến xe dẫn lối Thúy Kiều vào chốn đoạn trường. Câu thơ tả sự vật mà thấm cái tình đồng cảm, cái tình sẻ chia của nhà thơ Nguyễn Du đối với nhân vật của mình. 

Trong nhiều trường hợp, Nguyễn Du chú trọng sử dụng các từ láy có khả năng đảm nhiệm cùng lúc nhiều chức năng khác nhau. Những từ láy như vậy sẽ tạo cho người đọc cảm giác về sự chuyển nghĩa thú vị, tài tình. Tả không gian dòng nước, nấm đất trên con đường chị em Thúy Kiều trở về nhà sau một ngày thanh minh kéo dài, Nguyễn Du viết: 

Nao nao dòng nước uốn quanh 
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang 
Sè sè nấm đất bên đàng 
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. 

Trong đoạn thơ trên, các từ láy có sự dịch chuyển từ miêu tả bên ngoài sang bộc lộ bên trong, nới rộng diện tích nghĩa của hình tượng thơ. Rõ ràng, các từ láy đã làm tốt nhiệm vụ miêu tả, vẽ nên trước mắt người đọc một khung cảnh thiên nhiên với những sự vật hiện tượng có kích thước nhỏ (cây cầu, nấm đất), phảng phất một nét buồn mênh mang. Tất cả như đang đối nghịch với thiên nhiên buổi sớm mai với “cỏ non xanh rợn chân trời”, như đang chiếu ứng vào tâm can con người – nhất là Thúy Kiều. Ở đây, cảnh và tình hòa quyện vào nhau, tình thấm vào cảnh và cảnh trở thành tấm gương, là “bình chứa tâm trạng con người” (chữ A. Gurêvich), rất khó phân biệt một cách rạch ròi. 

Vai trò của từ láy trong việc kiến tạo giá trị thẩm mĩ cho câu thơ Truyện Kiều là rất lớn. Chính từ láy đã góp phần làm nên tính phong phú, đa dạng của ngôn ngữ Truyện Kiều, khiến cho tác phẩm được ngợi ca là “khúc Nam âm tuyệt xướng” (Đào Nguyên Phổ), là “Đại Việt thiên thu tuyệt diệu từ” (Phan Thạch Sơ)… Với quan điểm: “Trong bút pháp trữ tình, việc sử dụng các từ lấp láy (…) là một nhân tố quan trọng quyết định khá nhiều mức độ thành công của tác phẩm”, ông Đỗ Minh Tuấn – tác giả công trình Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều – cho rằng: “Nguyễn Du là bậc thầy chưa ai sánh nổi” [2]. Chúng tôi nhất trí với nhận định đó, và nhận thấy rằng: trong số những câu thơ, đoạn thơ Truyện Kiều được xem là hay vào bậc nhất thi ca Việt Nam thì hầu như đều có sự tham gia của từ láy. Khi nói về vẻ đẹp của tiếng Việt, ông Phạm Văn Đồng đã dẫn hai câu Kiều: “Long lanh đáy nước in trời/Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng”, cho đó là viên ngọc được tạo bởi bàn tay của người nghệ sĩ thiên tài[3]. Theo hồi ức của GS. Nguyễn Đình Chú, nhà văn Đặng Thai Mai chọn hai câu tả cơ thể Thúy Kiều là hay nhất, hấp dẫn nhất: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà/Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”[4]. Nhà phê bình Hoài Thanh rất thích, và ông cũng đã làm cho nhiều người thích câu thơ tả bước chân Thúy Kiều sang tình tự với Kim Trọng vào đêm bố mẹ, các em lỡ việc sinh nhật chưa về: “Cửa ngoài vội rủ rèm the/Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”[5]… Tài thơ Nguyễn Du trong việc dùng từ láy không chỉ thể hiện trên từng câu thơ đơn lẻ mà còn ở cả những đoạn có độ dài từ bốn câu trở trên. Đó là đoạn mô tả chị em Thúy Kiều trở về nhà trong ngày thanh minh, cảnh Thúy Kiều ở lầu Ngưng Bích… Trong các đoạn đó, từ láy xuất hiện dày đặc, liên thông, hô ứng nhịp nhàng, tạo được những hiệu quả nghệ thuật hết sức cần thiết. Xin đơn cử một trường hợp: 

“Buồn trông cửa biển chiều hôm 
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa 
Buồn trông ngọn nước mới sa 
Hoa trôi man mác biết là về đâu? 
Buồn trông nội cỏ dầu dầu 
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh 
Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh 
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi » 

Đoạn thơ gồm tám câu, có 6 từ láy được dùng, vừa là thực cảnh vừa là tâm cảnh. Một không gian sóng nước hiện ra mênh mông, hoang vắng trước mắt người đọc đủ để tạo ra cảm giác về sự nhỏ nhoi, cô quạnh của con người giữa vũ trụ. Ở đây, kẻ cô đơn, nhỏ nhoi đó không ai khác hơn là Thúy Kiều. Nhân vật của chúng ta vừa trải qua một trận vùi dập ê chề cả về thân xác lẫn tinh thần nên trong lòng luôn hiển hiện những sóng gió của cảm xúc, suy tư. Tình cảm ấy, lo lắng ấy đã khúc xạ vào thiên nhiên, khiến cho thiên nhiên Ngưng Bích cũng nhuốm màu xót xa. Ở đây, để gợi tả về độ rộng của không gian, Nguyễn Du dùng các từ láy giảm nghĩa: thấp thoáng, xa xa và xanh xanh; để lột tả cái buồn vô vọng, cái dữ dội của đỉnh điểm cảm xúc của Thúy Kiều, ông dùng các từ láy man mác, ầm ầm. Phân tích kĩ từng trường hợp, chúng ta sẽ thấy được cái tinh tế của từ ngữ. Chẳng hạn, từ láy xanh xanh trong câu thơ: “Chân mây mặt đất một màu xanh xanh” có nét nghĩa chỉ màu sắc (của cảnh vật thiên nhiên), nhưng đó là một thứ màu sắc nhạt, có độ loang. Do đó, nó có khả năng gợi liên tưởng về độ rộng không gian – điều mà Nguyễn Du muốn dùng để tạo cảm giác về sự đối lập giữa con người (Thúy Kiều) và vũ trụ trong đoạn thơ này. 

Cách dùng từ láy chỉ màu xanh để miêu tả không gian cũng đã được sử dụng rất thành công trong Chinh phụ ngâm
“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy 
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu 
Ngàn dâu xanh ngắt một màu 
Lòng chàng ý thiếp, ai sầu hơn ai?” 

Ở đoạn thơ trên, dịch giả đã trung thành với nguyên tác, chuyển thanh thanh (Thanh thanh mạch thượng tang) thành xanh xanh là rất phù hợp. Nhưng khi thêm từ xanh ngắt vào (Ngàn dâu xanh ngắt một màu) thì chỉ đảm bảo được vần điệu song lại vi phạm ý nghĩa đoạn thơ. Người chinh phu, chinh phụ đã chia tay nhau, xa về hai hướng, giữa họ là không gian xa cách càng lúc càng lớn. Do vậy, sắc xanh ngàn dâu cứ nhạt dần rồi mất hẳn (thanh thanh mạch thượng tang -> mạch thượng tang, mạch thượng tang). 

Về sau, trong thời kì hiện đại, thi sĩ chân quê Nguyễn Bính cũng rất thành công trong việc dùng màu sắc để miêu tả độ rộng không gian, độ dài xa cách. Chỉ khác là, ông không viện đến từ láy như Đặng Trần Côn, Nguyễn Du: 
“Hôm nay, dưới bến xuôi đò 
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau 
Anh đi đấy, anh về đâu 
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…” 
(Cánh buồn nâu

Cái hay, cái đẹp của từ láy trong Truyện Kiều là kết quả của việc Nguyễn Du đã tìm cách khai thác hết mọi khả năng tu từ vốn có của từng đơn vị cụ thể. Với vốn từ vựng phong phú nên ông dễ dàng lựa chọn từng từ láy thích hợp cho từng yêu cầu miêu tả cụ thể các trạng huống đời sống hiện thực cũng như những khía cạnh tình cảm tế vi của con người. Khi sử dụng từ láy vào việc miêu tả nhân vật, Nguyễn Du hầu như không lặp lại, cho nên, những Thúy Kiều, Thúy Vân, Tú Bà, Mã Giám Sinh, Sở Khanh… luôn hiện ra với những đường nét, thần thái riêng. 

Tả Tú Bà, ông chỉ dùng hai từ láy mà lột tả được chân dung một con người, tính cách của một hạng người: 
“Thoắt trông nhờn nhợt màu da 
Ăn chi cao lớn đẫy đà làm sao?” 

Tả Mã Giám Sinh, Nguyễn Du cũng dùng không quá hai từ láy: 
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần 
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” 

Trường hợp Thúc Sinh cũng tương tự: 

“Một chàng vừa trạc thanh xuân 
Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng” 

Cố nhiên, có những từ láy được Nguyễn Du sử dụng nhiều lần. Sự lặp lại này là có dụng ý, vừa tạo nên chất keo dính kết văn bản, vừa để cho các chi tiết, lớp truyện hòa điệu với nhau nhằm làm nội bật nội dung tư tưởng tác phẩm. Đơn cử trường hợp từ láy vội vàng: từ này được Nguyễn Du sử dụng tới 17 lần trong các câu thơ: “Vội vàng lá rụng hoa rơi”, “Hiên sau treo sẵn cầm trăng/Vội vàng sinh đã tay nâng ngang mày”, “Lần mai vừa rúc còi sương/Mã Sinh giục giã vội vàng ra đi”, “Sinh càng thảm thiết bồi hồi/Vội vàng gượng nói, gượng cười cho qua”… Liên quan đến từ láy này, trong Truyện Kiều còn có những từ khác cùng nghĩa hoặc gần nghĩa. Đó là các từ: vội (22 lần), liền (9 lần), mau (4 lần), tức thì (7 lần)… Sự liên kết giữa các từ nàu khiến cho Truyện Kiều có một âm hưởng rất riêng. Với người đọc, đó sẽ là nỗi nỗi ám ảnh vì sao con người Truyện Kiều lại luôn có những hành động vội vàng như vậy? Ý kiến sau đây của nhà nghiên cứu Phan Ngọc sẽ giúp cho chúng ta trả lời câu hỏi đó. Theo ông, thời đại Nguyễn Du vốn đầy biến động, vừa thế này đã lại thoắt thế kia; cho nên, con người ta cần phải hành động nhanh chóng thì mới có thể tranh thủ được hạnh phúc cũng như những mục đích khác của cuộc sống [6]. 

Giá trị thẩm mĩ của từ láy còn thể hiện ở việc kiến tạo vẻ đẹp câu thơ Truyện Kiều. Đó là, từ láy góp phần tạo nên nhạc tính, âm hưởng cho tưng câu thơ, đoạn thơ. Ở dạng nguyên thủy, câu thơ lục bát có nhịp chẵn 2/2. Giả định rằng, khi viết 3254 câu thơ Truyện Kiều, Nguyễn Du nhất nhất tuân thủ nhịp điệu đều đặn đó ắt sẽ tạo nên sự đơn điệu, nhàm chán, phương hại tới cả nội dung lẫn hứng thú của người đọc. Nguyễn Du biết rõ điều này và đã chủ động tạo cho câu thơ lục bát Truyện Kiều một cấu trúc mới, linh hoạt và uyển chuyển. 

Từ láy góp phần tạo ra những câu thơ mang vẻ đẹp sang trọng nhờ sự cân đối, hài hòa cả về cấu trúc lẫn ý nghĩa: 
- “Vân xem trang trọng khác vời 
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” 

- “Phũ phàng chi bấy Hóa công 
Ngày xuân mòn mỏi, má hồng phôi pha”. 

Từ láy làm cho câu thơ Truyện Kiều trở nên phong phú về nhịp: 
- Nhịp 4/2: “Hớt hơ hớt hải/ nhìn quanh” 
- Nhịp 3/5: “Sạch sành sanh/ vét cho đầy túi tham” 
- Nhịp 3/3: “Đau đớn thay/ phận đàn bà” 
- Nhịp 2/4/2: “Mười phần/ cũng đắp điếm cho/ một vài” 
- Nhịp 4/4: “Đào hoen quẹn má/ liễu tan tác mày” 
- Nhịp 2/6: “Nghĩ thân/ mà lại ngậm ngùi cho thân”. 

Nằm ở vị trí 3,4 hay 5, 6 trong câu bát, các từ láy đôi sẽ mở rộng tổ hợp ngôn ngữ, dẫn đến sự thay đổi về nhịp, đáp ứng yêu cầu đổi mới nghệ thuật câu thơ lục bát của Nguyễn Du. 

Bàn về giá trị của từ láy trong Truyện Kiều, có lẽ cũng cần ghi nhận thêm hiện tượng một số thành ngữ chéo mà ở đó có sự tham gia của từ láy. Đó là các thành ngữ: phượng chạ loan chung (Nào người phượng chạ loan chung), dày gió dạn sương, bướm chán ong chường (Mặt sao dày gió dạn sương/Thân sao bướm chán ong chường bấy thân), bướm lả ong lơi (Biết bao bướm lả ong lơi)… Trong Truyện Kiều, có 24 thành ngữ chéo được Nguyễn Du sử dụng rất hiệu quả. Bản thân các thành ngữ này rất giàu sắc thái biểu cảm. Do các yếu tố của từ láy được tách đôi, tồn tại như một đơn vị độc lập, có nghĩa khi tham gia vào câu thơ Truyện Kiều, chúng tạo nên được độ vang ngân của cảm xúc, ý nghĩ. Mặt khác, thành ngữ chéo cũng là một yếu tố có giá trị tạo nhịp mới cho câu thơ Truyện Kiều. 

Tóm lại, việc sử dụng nhiều từ láy trong Truyện Kiều là hệ quả tất yếu của một quan niệm sáng tác mà Nguyễn Du chủ trương: coi trọng vai trò của hệ thống ngôn ngữ “lời quê”, tránh lạm dụng những ảnh hưởng từ văn chương bác học. Trong sâu xa, Nguyễn Du muốn tìm đến với một lực lượng công chúng rộng rãi, để Truyện Kiều thực sự trở thành cuốn sách của mọi nhà, của mọi người, và rộng ra là của mọi thời đại. Để làm được điều đó, dĩ nhiên, Nguyễn Du phải thực hiện đồng thời nhiều sáng tạo khác nhau – trong đó có vấn đề sử dụng từ láy như đã trình bày. 

Hệ thống từ láy mà Nguyễn Du sử dụng trong Truyện Kiều bền bỉ vận hành qua không gian và thời gian, đến nay, vẫn tươi nguyên giá trị. Đó thực là điều rất đáng để chúng ta ngưỡng mộ, suy nghĩ về sức sáng tạo của một nhà thơ lớn … 

Lê Nhật Ký

Chú thích: 

[1]. Thụy Khuê: Cấu trúc thơ, http:// thuykhue.free.fr/cautructho 

[2]. Đỗ Minh Tuấn: Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb VHTH, H.1995. 

[3]. Phạm Văn Đồng: Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt, Tạp chí Học tập, số 4/1966. 

[4]. Nguyễn Đình Chú: Nhà văn Đặng Thai Mai chọn câu “Kiều” hay nhất, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn

[5]. Hoài Thanh: Quyền sống của con người trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, 1949. 

[6]. Phan Ngọc: Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều (tái bản), Nxb Thanh niên, 2007. 


















Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét