Nhà thơ Viễn Phương là tác giả của: Chiến thắng hòa bình (1953), Nhớ lời di chúc (1969), Anh hùng mìn gạt (1968), Lòng mẹ (1982), Sắc lụa Trữ La (1988), Phù sa quê mẹ (1991), Miền sông nước (1999), Đá hoa cương (2000), Ngôi sao xanh (2003). Nổi tiếng nhất là bài thơ Viếng lăng Bác...
1.
Nhà thơ Viễn Phương lâu nay được biết đến là tác giả bài thơ nổi tiếng Viếng lăng Bác.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Thành kính mà xúc động, dung dị mà tài hoa, bài thơ là một trong những sáng tác hay nhất của dòng thơ ca viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh.
“Mai về miền Nam, thương trào nước mắt
Mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi
Muốn làm con chim ca hát quanh lăng
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này...”
Nhà thơ của tấm lòng trung hiếu này đồng thời cũng là người rất giàu tình yêu thương con trẻ. Trong văn nghiệp của ông, có hai tập truyện ngắn dành cho thiếu nhi: Lòng mẹ (nxb Trẻ, 1982) và Ngôi sao xanh (nxb Trẻ 2003).
2.
Viễn Phương đến với nghề văn khá sớm. Ở tuổi 24 (1952), ông đã đoạt giải nhì thơ Nam Bộ với trường ca Chiến thắng Hoà Bình. Suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông tập trung viết những vần thơ mang đậm tinh thần trận mạc, cổ vũ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Mãi đến những năm cuối thế kỷ XX, khi đã ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh”, Viễn Phương mới có điều kiện góp vào niềm vui đọc sách của các em bằng một số sáng tác. Trong văn học thiếu nhi, tuổi tác đôi khi đem lại cho người viết chút lợi thế. Sau những trải nghiệm đường đời, người viết thường có được cái sâu đằm của cảm xúc, dịu ngọt của suy tư để mà rủ rỉ kể cho các em nghe chuyện đời xưa, đời nay...
Ông viết không nhiều. Một phần, do ông không phải là cây bút chuyên viết cho thiếu nhi; phần nữa là vì sự cẩn trọng. Hẳn ông biết rõ cái khó của nghệ thuật viết truyện cho các em. Đối tượng này như Thạch Lam từng khẳng định, “có lí luận và trí quan sát riêng, cho nên không phải viết thế nào cũng được” (Theo giòng). Sách hay, các em đọc say mê; sách dở thì lướt qua, không quan tâm tác giả là ai. Trong cuộc sống thường ngày, người lớn có thể dùng quyền uy áp đặt mọi điều lên các em. Nhưng trong tiếp nhận văn học, điều đó là hoàn toàn không dễ. Chỉ có thể bằng chất lượng tác phẩm, nhà văn mới thu phục được trái tim, khối óc các em. Nhà thơ Viễn Phương đã sáng tác trên tinh thần nhận thức như vậy.
Dễ nhận ra, truyện của ông được viết cho lứa tuổi nhi đồng. Đây là lứa tuổi giàu ước mơ, giàu tưởng tượng, thực sự yêu thích cổ tích và đồng thoại. Đặc điểm này đã quy định sự lựa chọn thể loại của nhà thơ Viễn Phương. Theo đó, hầu hết các tác phẩm của ông được viết theo thể truyện “loài vật nhân cách hoá”. Khai thác thể truyện này, ngòi bút Viễn Phương tỏ ra có hứng thú, phô diễn một lối văn mượt mà và một nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn. Ngoại trừ Ngôi Sao Xanh và Đêm hội múa bờ ao lấy bối cảnh cuộc sống hiện tại, các truyện còn lại đều được nhà thơ đẩy về quá vãng xa xăm. Câu chuyện về các con vật như vậy đã được bao bọc trong một không khí cổ tích, với lối mở đầu quen thuộc “ngày xửa, ngày xưa” đầy sức mê hoặc. Ông kể cho các em nghe về loài dơi tráo trở, về xung đột đẫm máu giữa hai loài chim, chuột (Dáng chuột hình chim), về chim Hoạ Mi được cứu thoát khỏi bàn tay độc ác của Nhện già (Tiếng chim hót Hoạ Mi). Rồi ông kể về nỗ lực của Lóc Mẹ trong việc đưa đàn con trở về dòng suối quê hương (Lòng mẹ)...
Không dừng lại ở chủ đề thiện, ác, truyện Viễn Phương còn mở rộng ra nhiều nội dung có ý nghĩa khác. Đáng chú ý có vấn đề ý nghĩa quê hương trong cuộc đời mỗi con người. Ở truyện Lòng mẹ, ông nói về những chú tôm cá cạn lòng non dạ đã “theo dòng nước đổ ra đi không luyến tiếc”, để rồi “qua một năm dài đằng đẵng họ đã có đủ thời gian để cảm nhận nỗi buồn xa xứ, để cảm nhận nỗi xót xa của những tháng ngày cách biệt quê hương”. Như một đối ảnh, hình tượng Lóc Mẹ là hiện thân của một tình yêu quê hương sâu nặng. Với Lóc Mẹ, “quê hương là nơi đẹp nhất trên đời (...), là máu của tim ta, là hạnh phúc của đời ta, là niềm vui, là hi vọng, là lẽ sống, là tương lai của chính ta...”.
Góp phần tô đậm cảm hứng này còn phải kể tới truyện Chuyện chú chim trú đông và ông lão làm nên mặt trời. Nhân vật chính của truyện là một chú Én Con nhỏ bé. Trước ngày đi trú đông, Én Con đã có được một phát hiện bất ngờ: con người (cụ thể là ông lão) không như loài chim di trú mỗi khi mùa ông giá rét trở về. Vì sao vậy? Ông lão nói với Én Con rằng, ông “đã làm việc suốt đời để xây dựng mảnh đất cằn cỗi này thành quê hương ấm no, quê hương hạnh phúc”. Thiên truyện được khép lại bằng chi tiết Én Con trải qua một giấc mơ đẹp: “Trong mơ, dưới mặt trời, én thấy mình có một quê hương”...
Đặt Lòng mẹ, Chuyện chú chim trú đông và ông lão làm nên mặt trời vào hoàn cảnh mà chúng ra đời (1981, 1982), người đọc dễ nhận ra hơi hướng thời sự trong các ý văn “nỗi buồn xa xứ”, “quê hương là nơi đẹp nhất trên đời”. Nghệ thuật nhân cách hoá đã đem lại cho hình tượng loài vật trong truyện trở thành một ẩn dụ về cuộc sống con người, mở ra những liên tưởng vô bờ bến.
Truyện đồng thoại vốn phản ánh cuộc sống không theo quy luật tả thực. Tuy vậy, điều đó không hề ngăn cấm nhà văn đưa vào tác phẩm một vài chi tiết hiện thực. Ngôi Sao Xanh và Đêm hội múa bờ ao là hai tác phẩm được nhà thơ Viễn Phương sáng tác theo tinh thần phản ánh trực tiếp hiện thực đó. Dưới hình thức kỳ ảo, Sao Xanh được miêu tả là sự hoá thân của người chiến sĩ trẻ. Đêm đêm đi tuần tra trên bầu trời, “Sao Xanh hay dừng lại, nhìn xuống ngôi nhà cũ của mẹ mình”, không khỏi lo lắng khi thấy “ngôi nhà run rẩy, xiêu xiêu và mẹ già cũng bước đi cũng run rẩy, xiêu xiêu trong mưa gió”. Thế rồi một ngày, Sao Xanh ngạc nhiên thấy, “trên nền cũ sừng sững ngôi nhà ngói đỏ tươi xinh xắn” và trên gương mặt người mẹ già thoáng hiện nụ cười hạnh phúc. “Nhân dân Củ Chi cất nhà cho mẹ. Nhân dân nói Sao Xanh đi mãi không về mà nhà mẹ thì xiêu vẹo dột nát cả rồi nên nhân dân hùn công góp sức dựng nhà mới cho mẹ. Nhân dân gọi đó là Ngôi nhà tình nghĩa”. Một hiện thực lớn của thời đại “đền ơn đáp nghĩa” đã được lồng ghép tự nhiên trong câu chuyện cảm động về tấm lòng của Sao Xanh đối với mẹ.
Cũng vậy, Đêm hội múa bờ ao là bài ca về thành quả dựng xây đất nước. Xóm bờ ao vốn là thế giới của Dế Mèn, Nhái Bầu, Nhái Bén, Vạt Sành... Kể từ khi có chú Bóng Đèn xuất hiện, dòng điện Trị An toả sáng, cuộc sống nơi đây bỗng đổi khác, đàn hát ca xang rộn ràng hằng đêm. “Đất đai cây cỏ cũng vui”. Đưa các yếu tố hiện thực vào tác phẩm, tạo ra lối phản ánh trực tiếp là một hướng đi trong sáng tác truyện đồng thoại vốn đã được thể nghiệm với nhiều cây bút trước đó như Tô Hoài, Võ Quảng, Văn Biển... Ở đây, người viết truyện đã biết tiết chế, không lạm dụng các yếu tố hiện thực tránh phá vỡ bản chất thể loại và làm mất đi hứng thú liên tưởng của người đọc. Các truyện Ngôi sao xanh, Đêm hội múa bờ ao đã tham gia phản ánh hiện thực nhưng không làm mất đi vẻ đẹp lung linh kỳ ảo của chiếc áo nghệ thuật đồng thoại.
Đọc Viễn Phương, có cảm giác mỗi truyện ngắn là một bài thơ. Quả vậy, chất thơ man mác, bàng bạc trong mỗi dòng văn của ông. Về cơ bản, có ba yếu tố làm nên chất thơ đó cho tác phẩm. Thứ nhất là sự hiện diện của nhiều câu thơ, đoạn thơ, tạo nên một cấu trúc đan xen thơ – văn xuôi đầy ý vị. Thứ hai, bản thân các hình tượng loài vật, đồ vật được nhân cách hoá, được trí tưởng tượng phong phú thêu dệt, bao bọc đã tạo nên những cốt truyện vừa huyền ảo, vừa hợp lí mà nên thơ. Thứ ba, hệ thống ngôn ngữ miêu tả của Viễn Phương giàu tính biểu cảm, chứa đựng những cảm nhận tinh tế, những liên tưởng thú vị của nhà thơ về thiên nhiên và loài vật.
- “Cố Rùa hiền từ chậm chạp, suốt ngày không nói nửa câu, khi đói chỉ gậm vài cọng rau muống, rau trai rồi rúc đầu vào mai lim dim đôi mắt như một triết gia đang nghiền ngẫm sự đời. Bác Tôm càng hay rên rỉ cho tấm thân đơn chiếc và cái chứng đau lưng bất trị, khiến bác phải lom khom như một ông lão gần đất xa trời”(Lòng mẹ).
- “Mặt trời chen lặn. Màn đêm phủ xuống cánh đồng. Cô Đom Đóm thắp đèn. Đèn Đóm tuy không sáng lắm nhưng cũng đủ soi lờ mờ xóm bờ ao. Khi ấy, từ trong đưng lác, sậy lau các bác Ễnh Ương phình bụng, vỗ trống: uềnh uềnh uềnh... oang oang oang... uềnh oang...uềnh oang...uềnh oang... Các cô Nhái Bầu, cậu Bò Tọt cũng đồng thanh hoà tấu... nhắc nhen...nhắc nhen, nhắc nhen... Cô Vạt Sành xoè cánh re...re...trổi một điệu đàn trầm ấm. Các cô Ve Sầu thi nhau ca hát lảnh lót: “Ve Sầu kêu ve ve... suốt mùa hè...”. Chú Dế Than cũng bò ra khỏi lỗ phòng đôi cánh, nhúc nhích hai cọng râu, chú cất giọng hát chèo tỉ tỉ. Hát rằng:
“Dế Than, Dế Lửa... Dế Mèn
Dế nào cũng biết thổi kèn...hát ca í ả ì a...”
(Đêm hội múa bờ ao)
Những đoạn văn như thế có khả năng vừa làm giàu cảm xúc, vừa xây dựng cách nhìn, cách cảm sự vật cho các em. Chắc rằng, những cảm xúc nhân văn sẽ sinh nở nhờ những trang viết như thế!
3.
Các truyện trong tập Lòng mẹ và Ngôi sao xanh được Viễn Phương sáng tác vào những năm văn học thiếu nhi Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên bước đường phát triển. Nhắc đến việc này là để trân trọng hơn tình cảm của ông đối với bạn đọc nhỏ tuổi. Nhà thơ Chế Lan Viên từng lưu ý rằng, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng về thơ mà quên đi mảng văn xuôi rất đặc sắc của Viễn Phương. Qua những sáng tác văn xuôi cho thiếu nhi, có thể thấy những ý kiến trên là có cơ sở.
Lê Nhật Ký
(2008)
|
Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015
NHÀ VĂN VIỄN PHƯƠNG, NGÔI SAO XANH MÃI CÒN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét